Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Năm 17 tuổi cô tôi tham gia đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa tỉnh Định Tường. Lúc bấy giờ còn đang theo học ở trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân, được huấn luyện quân sự căn bản tại địa phương, có lẽ cũng chỉ để biết cầm súng tự vệ thôi, chứ không phải để chiến đấu với địch ngoài mặt trận. Cô gia nhập đoàn theo phong trào vận động chính trị ở địa phương là chính, còn ước mơ sau khi tốt nghiệp Trung học sẽ thi vào trường Sư Phạm học để trở thành cô giáo. Nhưng sau khi hoàn tất khóa quân sự, huấn luyện viên khóa học lại phát hiện ra cô có khả năng bắn súng trường đạt loại thiện xạ cho nên nghiệp “súng đạn” đã theo cô mãi về sau nầy.

Khởi đầu, nhân đại hội Thanh Nữ Cộng Hòa toàn quốc, cô được ghi tên thi đua bắn súng và đoạt giải nhất xạ thủ súng trường. Từ đó cô vang danh khắp nơi, trong những lần tranh giải về bắn súng trường không kể nam nữ, cô đều đoạt giải xuất sắc.

Kể từ khi trở thành nữ xạ thủ súng trường có đẳng cấp, cô thường hay đi dự các cuộc thao diễn tổ chức ở nhiều nơi. Có một lần về Long An biễu diễn, cô ngắm bia nhưng lại lọt đúng trong tầm nhìn một anh chàng đẹp trai làm tay cô run không bấm cò được nữa và bỏ súng từ đó để theo nhịp đập của con tim.

Chàng trai ấy, đang đến độ tuổi động viên, ban đầu định vào quân trường Thủ Đức, nhưng sau đó lại say mê theo hành khúc “Khoác màu áo đen, mặc màu dân tộc …” (Phạm Duy) nên rủ cô tôi nộp đơn vào theo học khóa đào tạo cán bộ “xây dựng nông thôn” ở Rừng Chí Linh. Hai người sau khi tốt nghiệp được trung tâm huấn luyện tuyển ở lại làm cán bộ giảng huấn ở trường. Nghĩ phép hai tuần, họ về quê làm đám cưới và trở lại trung tâm được phép cất nhà ở luôn trong khu rừng cát bạt ngàn.

Từ đó cô trở thành nữ huấn luyện viên xạ thủ của trung tâm huấn luyện nên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để trau dồi nghề nghiệp ngày càng thăng tiến. Thỉnh thoảng cô còn được gởi về Sài Gòn tham dự các khóa học ngắn ngày về vũ khí cá nhân hoặc hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xạ thủ với các quân trường.

Có một lần, trong một chuyến viếng thăm Việt Nam của phái đoàn Hoa Kỳ do Phó Tổng Thống Hubert Humphrey dẫn đầu đã đến trung tâm huấn luyện Chí Linh. Sau khi đi một vòng xem một vài nơi cũng như dự buổi thuyết trình do chỉ huy trưởng Trung tâm (Đại tá Nguyễn Bé) trình bày, đến phần trình diễn bắn súng ở thao trường, cô đã làm cho cả phái đoàn sửng sốt khi cô không có mang trên người bất cứ một trang thiết bị nào khác, kể cả giày vớ. Cô chỉ mặc một bộ đồ bà ba đen, đội nón, mang dép kẹp bằng nhựa bình thường, đứng thẳng ngắm bắn súng trường băng đạn tự động lọt hồng tâm 10 viên trong tư thế rất dung dị và tự tin. Sau đó, hình ảnh của cô đã được loan truyền trên báo chí ở Hoa Kỳ qua các bài viết của các phóng viên, ký giả Mỹ đã góp phần không nhỏ thúc đẩy chính phủ Mỹ quyết tâm đẩy mạnh viện trợ cho chương trình Xây dựng và Phát triển nông thôn miền Nam chống du kích Cộng sản.

Thời gian trôi đi, cô cũng ít khi về nhà vì bận rộn nghề nghiệp cũng như sinh kế gia đình, mãi cho đến cuối năm 1973 khi tôi đi tham dự khóa 3 “Cách Mạng Hành Chánh” ở Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia, Vũng Tàu mới có dịp gặp lại cô.

Khóa học lại rơi đúng vào dịp Giáng Sinh nên hầu hết khóa sinh đều có phép, kẻ ở gần về Sài Gòn, người ở quê xa thì ra Vũng Tàu vui chơi, riêng tôi ở lại Trung tâm và đến nhà cô đón Giáng Sinh, thăm hỏi, ăn uống, vui chơi trong những ngày nghĩ lễ.

Nhà cô, dượng ở xa khu doanh trại, trong một góc rừng dưới một ngọn đồi phi lao cát trắng nhìn ra biển thật đẹp. Giống như các công trình kiến trúc ở Trung tâm huấn luyện, tất cả đều sử dụng vật liệu nhẹ như tranh, gỗ và tre, nứa. Nhà của cô, dượng cũng lợp tranh, vách ván, đặc biệt trang trí cửa sổ bằng mây, rất duyên dáng và ấm cúng. Ngoài lương bổng hàng tháng, cô, dượng được lãnh thầu đem thức ăn thừa thải ở bếp tập thể về nuôi gia súc trong một chuồng nhỏ ở phía sau nhà. Sinh hoạt toàn thời gian ở trung tâm, ít khi có dịp ra ngoài phố vui chơi giải trí nên đời sống gia đình rất tiện tặn, tương đối đầy đủ không có chi tiêu nhiều nên ngày càng khấm khá hơn.

Nhớ hôm mãn khóa, cô đến Tổng đoàn khóa sinh sau lễ, xin phép cho tôi được ở lại nhà cô chơi vài ngày trước khi trở về Kontum. Hôm sau, cô, dượng cùng với cả gia đình và tôi ra Vũng Tàu tắm biển vui chơi, ăn uống, tối về rừng Chí Linh ngủ hoặc hôm nào trong trại có văn nghệ, ca kịch hay chúng tôi cùng ra quảng trường xem chơi cho tới khuya. Chỉ một ít ngày thôi nhưng những kỷ niệm đầm ấm ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi mãi cho đến tận ngày hôm nay.

Trước khi từ giả trở về quê thăm nhà một ít bữa trước khi ra lại Kontum, cô vào nhà bán đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm cho khách viếng trung tâm, cô mua tặng tôi một bức tranh bằng gỗ dán tre cắt khúc nhỏ sơn dầu bóng viền chung quanh, trên có vẽ sơn dầu cảnh đồng quê miền Nam, dùng để gắn bloc lịch hàng năm. Cô cười nói:

– Để dành khi nào con cưới vợ, có nhà treo lên tường sẽ nhớ đến cô.

Thế rồi không bao lâu sau đó thời cuộc đổi thay, hầu hết mọi người thân trong gia đình thuộc viên chức chế độ cũ đều tản lạc khắp nơi, kẻ may mắn ra được nước ngoài, người kẹt ở lại chịu cảnh tù đày. Cô, dượng rời Vũng Tàu về quê trình diện đi “cải tạo” trong một thời gian ngắn, sau đó chuyển gia đình đi vùng đồng chua, nước phèn giáp giới Đồng Tháp làm ruộng sinh sống trong cảnh nghèo nàn khốn khổ, ngày càng tăm tối hơn.

Gần mười năm sau, lần sau hết tôi nghe tin cô vì lao lực quá sức bị suy dinh dưỡng và mắt bị cườm nước mà không có điều kiện chữa trị tốt nên đã bị mù. Cả nhà chỉ biết tin như vậy thôi chứ không có điều kiện đi tìm cô để biết hư thực. Ai cũng khổ hết cả, có biết cũng không làm gì hơn được. Thật vô cùng đau xót …

Lúc bấy giờ phong trào vượt biên, vượt biển nổi lên rầm rộ khắp nơi, nhưng cũng chỉ những người giàu mới có đủ vàng cây (lượng) góp gởi cho người thân trốn đi, thông thường các tổ chức vượt biên đều bí mật, kín đáo không biết rõ ai là người tổ chức cho nên tiền mất cũng nhiều và bị gạt cũng không ít, đa số còn bị tù tội, chỉ một số may mắn năm lần, bảy lượt mới đi lọt. Ngoài thành phần dân chúng cư ngụ ở gần các cửa sông, cửa biển là có điều kiện tốt để đi theo, còn lại người ở thành phố có đi được cũng lắm gian nan. Riêng thành phần thuộc gia đình chế độ cũ xem như không có điều kiện để đi vượt biên vì không đủ tiền vàng để đóng cho các tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài.

Cùng cực khổ quá, một số người vượt biển liều mình theo những chuyến vượt biên với phương tiện thô sơ, tự nghĩ, tự đóng ghe tàu loại nhỏ đi sông mà ra biển, lại chở đông người nên gặp sóng to, biển động là chìm sâu, hàng trăm ngàn người theo những chuyến đi như vậy đều đã bỏ mình trên biển cả mênh mông.

Nhưng rồi trời cao còn ngó lại nên vào cuối thập niên 80 khi có các chương trình đoàn tụ nhân đạo do các nước phương Tây phát động như ODP, nhất là chương trình HO thì người thân, gia đình thuộc chế độ cũ lại may mắn được ra đi an toàn, chỉ trừ những người không đủ tiêu chuẩn cải tạo 3 năm. Hằng trăm ngàn người đi theo diện chính thức đến Hoa Kỳ như một giấc mơ huyền thoại.

Người đi định cư xây dựng những cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ dần dần đông lên đến hàng triệu người, từ đó nảy sinh ra các mối quan hệ giữa người trong nước và Việt kiều đưa đến việc bảo lãnh thân nhân ra đi trong trật tự, người đi trước lãnh người đi sau, cha mẹ, chồng vợ, anh em đầy đủ cả. Cũng qua việc bảo lãnh nầy mà số tiền tài trợ cho thân nhân, bà con còn ở lại Việt Nam càng lúc càng lên cao đến nhiều tỷ đô la hàng năm.

Trong khi việc ra đi của người Việt xảy ra ồn ào như thế ở khắp nơi kể cả ngoài miền Bắc, nhưng gia đình cô, dượng tôi vẫn vắng bặt, không có một tin tức gì kể từ khi nghe tin cô bị mù. Tôi biết tính của cô tôi, khi khá giả, vui vẻ thì san sẻ rộng rãi cho nhau kể cả người không thân, còn khi khó khăn, đau buồn thì cắn răng chịu đựng không hề than vãn gì với ai. Nghèo khổ quá thà trốn đi biệt xứ không về. Vậy thôi.

Thế rồi vào một buổi sáng cuối năm 2005, tôi đang làm việc ở sở thì nhận được một cú điện thoại của một người không quen, tự giới thiệu là người quen của cô Sáu Biếu. Nghe đến tên, tôi đã sắp như run lên vì sợ tin dữ. Tên cô Lan gọi theo khai sanh như ngoài đời thì còn có thể biết được nhưng tên gọi trong gia đình thì chỉ có người trong nhà mới biết. Người đàn ông hỏi:

– Xin lỗi có phải ông Thu người Chợ Gạo không ạ ?

– Vâng chính tôi.

– Cô Sáu Biếu nhờ tôi nhắn tin cho ông biết rằng cô đã đến Garden Grove hơn một tuần nay rồi.

Sau đó tôi hỏi xã giao vài lời cám ơn và xin địa chỉ hiện nay của cô. Người đàn ông đọc cho tôi biết nơi ở hiện nay của cô và không biết số điện thoại nơi cô đang ở. Ông ấy gọi điện thoại cho tôi từ sở làm.

Ngay trưa hôm đó tôi xin phép nghỉ buổi chiều để đến ngay địa chỉ vừa nhận ban sáng. Đây là một khu nhà trệt, chia thành hai bên lối đi, một bên là dãy apartment, đối diện bên kia là dãy nhà trống chia ra thành từng ô để đậu xe riêng biệt. Tôi gõ cửa đúng số nhà được cho biết.

Tôi sững sờ khi thấy một người đàn bà đeo cặp kính lão cũ kỹ, gầy gò đi nghiêng một bên chân, chậm chạp bước ra trước cửa. Không ai khác, dù không nhận ra ngay nhưng linh tính cho tôi biết người đang đứng trước mặt tôi là cô Sáu Biếu. Tôi ôm chầm lấy cô và thốt lên ngay

– Cô Sáu.

– Phải Thu đó không con.

– Dạ con đây cô.

Qua đôi kính lão đeo hờ tôi thấy đôi mắt đục trắng dã, không có nước mắt. Cô nói:

– Cô còn một con mắt chỉ thấy mờ mờ.

Thật hết sức vui mừng, ngay cuối tuần tôi xuống rước cả gia đình cô, dượng về nhà tôi ở Long Beach chơi ăn cơm tối, hàn huyên đủ điều …

Cô có đứa con gái lớn sinh ra ở rừng Chí Linh, lúc tôi ra đó bé mới lên 3 tuổi, sau nầy khi cộng sản về tiếp thu cơ quan đã tịch thu nhà của cô và trục xuất cả gia đình về Long An, quê của dượng. Gia đình khó khăn thiếu thốn trăm bề, về quê làm ruộng được mấy năm cô bị tai nạn té gãy chân đến khi lành thì bị tật và từ đó con mắt trái bị cườm lâu ngày không chữa nên bị mù luôn. Tuy khó khăn thiếu thốn nhưng em Linh lớn lên vẫn trắng đẹp, ngoan hiền và học hành rất giỏi. Đến năm có nhiều người đi diện HO, quen biết gia đình cô trước đây nên đã giới thiệu cho đứa con trai của họ về cưới em Linh đem qua Mỹ. Chờ bảo lãnh mấy năm, nay em mới rước hai vợ chồng cô qua được bên nầy…

– Sao em Linh không liên lạc với con.

– Nó nói với cô rằng phần không biết con ở đâu, phần vợ chồng nó qua sau nên cũng ngại liên lạc với người qua trước.

– Sao tính em nó giống cô quá vậy.

Sau đó tôi có giới thiệu Bác sĩ QTTL rất giỏi và có uy tín ở Orange County khám cho cô. BS. khám cho biết con mắt trái không còn chữa được nữa, còn mắt bên phải hy vọng sau khi giải phẫu sẽ thấy trở lại. Tuy có nhiều người cho biết lớn tuổi rồi, bây giờ còn thấy mờ mờ là được, giải phẫu xong có khi hết thấy luôn. Tôi hỏi ý cô như thế nào. Cô mạnh dạn trả lời:

– Mổ xong có mù cũng không sao. Trời Phật đã độ cho mình qua được tới đây là phước đức lớn lắm rồi con.

Ca mổ thành công hoàn toàn, sau khi tháo băng, BS. cho biết mắt phải thị lực 80% còn tốt. Tôi chở cô về nhà, trên đường tôi nói đùa:

– Có lẽ nhờ lúc trước cô thường nhắm bắn bia, mắt bên phải mở to nên giữ được thần kinh mắt tốt cho đến ngày nay.

Cô mỉm cười nghiêng mái đầu bạc trắng, mấp môi nhẹ nhàng “Cám ơn con.”

 Trần Bạch Thu

 

Share.

Leave a Reply