Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :6/5/2022

FED nâng lãi suất nhiều nhất kể từ nă
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 2000 vào ngày 4/5. Đây được xem là biện pháp mà FED sử dụng để đối phó với tình trạng lạm phát đạt mức cao kỷ lục ở Mỹ trong vòng 40 năm.

Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục trong 40 năm

Ngày 4/5, FED công bố đợt tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 2000 với mức tăng nửa điểm phần trăm, lên mức mục tiêu từ 0,75-1%. Quyết định này được FED lý giải là để kiềm chế tình trạng lạm phát đang lan rộng ở Mỹ, vốn đã đạt kỷ lục trong 40 năm.

Chủ tịch FED – Jerome Powell nói tại buổi họp báo với truyền thông: “Lạm phát quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà nó đang gây ra. Chúng tôi nhanh chóng sẽ đưa lạm phát quay trở lại”.

Các quyết định của FED ảnh hưởng đến chi phí vay, đó là lý do tại sao lãi suất rất quan trọng. Khi lãi suất cao hơn, nó có thể ngăn cản nhiều người tiêu dùng vay thế chấp hoặc nộp đơn xin vay mua ôtô.

Greg McBride, CFA – nhà phân tích tài chính của Công ty dịch vụ tài chính Bankrate cho biết: “Khi FED tăng hoặc giảm chi phí tiền tệ, nó ảnh hưởng đến lãi suất trên toàn hệ thống ngân hàng. Bằng cách này hay cách khác, việc tăng lãi suất này sẽ ảnh hưởng đến người đi vay”.

Ông Powell bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát của FED mà không gây ra tình trạng suy thoái kinh tế. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để có một cuộc hạ cánh mềm”, ông Powell nói.

Nhà kinh tế trưởng của Morning Consult – John Leer nhận định việc GDP của Mỹ suy giảm trong quý đầu tiên năm 2022 sẽ khiến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong những tháng tới. Việc ông Powell tuyên bố rằng mục tiêu của ông là hoàn thành một cuộc hạ cánh mềm gồm: giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì thị trường lao động mạnh mẽ, đây là điều vẫn còn chưa được kiểm chứng.

“FED đang ở trong một tình huống khó khăn ngay bây giờ khi nó điều hướng rủi ro cao của một cuộc suy thoái. Họ muốn tăng lãi suất đủ cao và đủ nhanh để kiềm chế lạm phát nhưng họ không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Đây là một bài kiểm tra dành cho chính sách này”, John Leer lưu ý.

Ken Mahoney, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Công ty Mahoney Asset Management, nhận xét rằng FED nói chung “đã mất uy tín”. Nhiều chuyên gia, bao gồm Mahoney, đã chỉ ra sự cố chấp năm ngoái của FED khi luôn cho rằng lạm phát xảy ra là “tạm thời”.

Theo Mahoney, cơ hội tốt nhất để tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản là năm ngoái, khi GDP tăng hơn 5%.

“Thay vào đó, chúng tôi đang ở đây để tăng lãi suất khi GDP quý đầu tiên là âm và lạm phát rõ ràng vẫn tồn tại tới hiện nay”, Mahoney nói với The Epoch Times.

Robert R. Johnson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Economic Index Associates nói: “Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, các chuyên gia đã bày tỏ kém tin tưởng về việc FED sẽ có thể kiểm soát lạm phát và tổ chức một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế”.

Phát biểu tại một hội nghị của Hội đồng CEO Wall Street Journal vào ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tái khẳng định niềm tin của bà vào nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), nhưng thừa nhận rằng lạm phát vẫn là một vấn đề.

Mỹ cảnh báo đòn đáp trả quân sự mạnh nhất đối với Nga

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã lên tiếng đòi phương Tây phải trả đũa “mạnh nhất” có thể đối với chiến dịch tấn công của Nga vào Ukraine sau cuộc gặp gỡ với giới chức ở Warsaw và Kiev.

Trong những phát biểu được đưa ra sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hồi đầu tuần, bà Pelosi đã nói rằng Washington và các đồng minh phải tăng cường các nỗ lực của họ nhằm chống lại Moscow, kêu gọi các nước “tung ra đòn đáp trả quân sự mạnh nhất có thể” và “các biện pháp trừng phạt mạnh nhất” để “vụ việc không thể được dung thứ.”

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng nhấn mạnh, phái đoàn Mỹ “đã thảo luận về vai trò trung tâm của mối quan hệ đối tác Mỹ-Ba Lan trong việc cung cấp viện trợ về an ninh, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine” cũng như “tầm quan trọng của việc củng cố liên minh NATO.”

Chuyến thăm đến Ba Lan của bà Pelosi diễn ra sau chuyến ghé thăm “bất ngờ” của bà này đến Kiev hồi cuối tuần trước. Tại đây, bà Pelosi và các nghị sĩ Mỹ đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine và các quan chức cấp cao khác của Kiev. Trong tuyên bố được phát đi sau chuyến đi, bà Pelosi tuyên bố “Nước Mỹ kiên định sát cánh với Ukraine” và “sẽ luôn có ở đó để ủng hộ các bạn cho đến khi cuộc chiến kết thúc”.

EU đề xuất kế hoạchcấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga

Ủy ban châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga, đồng thời từng phạt các ngân hàng lớn của nước này, cấm sóng một số hãng truyền thông của Nga.

“Hôm nay, chúng tôi sẽ đề xuất một lệnh vận hoàn toàn dầu mỏ Nga vào châu Âu. Đây sẽ là một lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ của Nga”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 4/5 khi đề xuất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga.

Theo đề xuất này, trong vòng 6 tháng, châu Âu sẽ từng bước ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga, ngừng mua các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm 2022. Bà Leyen cam kết, nếu dự thảo được thông qua, khối sẽ hành động để hạn chế tối đa tác động đến các nền kinh tế của EU.

“Chúng ta đang giải quyết vấn đề phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. Cần phải hiểu rõ rằng điều này không hề dễ dàng bởi một số quốc gia thành viên phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ Nga, nhưng chúng ta buộc phải hành động”, bà Leyen nói. Bà cho biết thêm, EU cũng có thể đóng băng tài sản của một số quan chức quân đội Nga.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất loại thêm một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trong một nỗ lực nhằm “cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu”.

Đây là những đề xuất do Ủy ban châu Âu đưa ra và vẫn cần 27 quốc gia thành viên bỏ phiếu thông qua.

Ukraine tuyên bố chưa từ bỏ ý định gia nhập NATO

Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna tuyên bố nước này chưa từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, đồng thời chỉ trích khối liên minh quân sự vì không kết nạp Kiev.

Trả lời phỏng vấn với El Pais hôm 3/5, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương Olga Stefanishyna cho biết, Kiev vẫn chưa từ bỏ ý định gia nhập NATO. Bà cũng chỉ trích khối liên minh quân sự vì không kết nạp Ukraine trước đó.

Quan chức Stefanishyna cho rằng, việc NATO ngần ngại trong việc kết nạp Ukraine đã “dẫn tới cuộc xung đột quân sự hiện tại với Nga”.

“Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành thành viên NATO sớm nhất có thể. Nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng, nếu các quốc gia đó chờ thêm 15 năm nữa để NATO đưa ra quyết định về việc kết nạp họ, họ cũng có thể sẽ trong trạng thái giao tranh (như Ukraine hiện tại)”, bà Stefanishyna nói, nhắc tới sự cân nhắc gần đây của chính phủ Thụy Điển về Phần Lan về việc thay đổi chính sách trung lập và có thể hướng tới gia nhập liên minh quân sự sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“Chúng tôi đã nghe thấy những thông điệp lặp đi lặp lại rằng NATO không muốn Nga phật lòng”, bà nói.

Bà nói thêm rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có “mọi quyền để chỉ trích” những phát biểu “gây khó hiểu” từ các nhà lãnh đạo NATO liên quan tới tham vọng của Ukraine để gia nhập khối liên minh.

Tham vọng gia nhập NATO của Ukraine bắt đầu từ năm 2008 khi khối liên minh quân sự hứa hẹn về khả năng kết nạp Kiev trong tương lai. Sau sự kiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sự việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Kiev vẫn giữ nguyên mong muốn trở thành thành viên NATO.

Vào năm 2019, Ukraine đã đưa quyết tâm gia nhập các tổ chức phương Tây như EU và NATO vào Hiến pháp.

Tuy nhiên, các diễn biến trong thời gian qua cho thấy, việc gia nhập NATO với Ukraine dường như đang khá khó khăn. Chính Ukraine nhiều lần thừa nhận rằng NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.

Anh dừng cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn quản lý cho Nga

Anh tuyên bố dừng cung cấp một loạt dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân của Nga như một động thái hưởng ứng gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào nước này.

Guardian đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Liz Truss ngày 4/5 đã ra thông báo về việc Vương quốc Anh sẽ cấm tất cả các tổ chức và cá nhân của Nga sử dụng những dịch vụ từ các nhà cung cấp Anh.

Các dịch vụ mà Nga bị hạn chế tiếp cận lần này bao gồm những dịch vụ giá trị gia tăng như kế toán, kiểm toán, tư vấn quản lý và tư vấn quan hệ công chúng. Đây là những dịch vụ mà các công ty của Anh, với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn rất cao, được tin dùng bởi những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Được biết, các công ty của Anh cung cấp khoảng 10% khối lượng các dịch vụ chất lượng cao kể trên cho các đối tác Nga.

Trong thông báo, bà Truss cho biết: “Việc cấm các cá nhân và tổ chức của Nga tiếp cận các dịch vụ của Anh sẽ gây thêm áp lực lên Điện Kremlin và Tổng thống Nga nhằm đảm bảo rằng Nga sẽ không đạt được những mục đích của mình tại Ukraine”.

Cũng trong ngày hôm nay, 4/5, nhà chức trách Anh đã công bố 63 lệnh trừng phạt mới, bao gồm các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân có liên hệ với các tổ chức truyền thông được bảo trợ bởi chính phủ Nga.

Vùng ly khai Donetskcáo buộc Ukraine pháo kích kho chứa dầu

 Bốn kho chứa dầu tại vùng Donetsk, miền Đông Ukraine đã bốc cháy dữ dội. Giới chức vùng này cáo buộc các đám cháy là hậu quả của các đợt pháo kích từ quân đội Ukraine.

Lực lượng phòng vệ tại vùng Donetsk hôm nay, 4/5, cáo buộc pháo binh Ukraine bắn phá dữ dội vào 4 kho chứa dầu đặt tại thành phố Makeyevka thuộc vùng ly khai này.

Theo đó, đạn pháo của quân đội Ukraine được cho là đã đánh trúng 4 kho chứa dầu với thể tích 5.000 m3 mỗi kho. Các vụ tấn công trên đã gây ra các vụ cháy lớn tại thành phố Makeyevka.

Giới chức thành phố Makeyevka cho biết 1 người đã thiệt mạng và ít nhất 10 người khác bị thương sau các cuộc pháo kích trên. Chính quyền Donetsk đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo người dân tại 2 thành phố Makeyevka và Donetsk cần ở nguyên trong nhà và đóng chặt cửa sổ.

Chính phủ Ukraine hiện chưa đưa ra bình luận về lời cáo buộc trên của lãnh đạo vùng ly khai Donetsk. Tuy vậy, truyền thông Ukraine đã lên tiếng xác nhận về các vụ cháy và khẳng định 4 kho chứa dầu trên được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các lực lượng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.

Share.

Leave a Reply