Wednesday, May 8 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Cả Bộ Trưởng Ngoại Giao và Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ đều báo hiệu rằng sự thảm bại ở Ukraine có thể sẽ khiến Nga đi đến quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Nguồn: Wikipedia

Đây là bài phỏng dịch lại bài viết của Mitt Romney, một TNS từ Utah và là ứng cử viên Đảng Cộng hòa được đề cử cho chức tổng thống vào năm 2012, bài này được đăng trên trang NYTimes.

*

HOA KỲ – Cả Bộ Trưởng Ngoại Giao và Đại Sứ của Nga tại Hoa Kỳ đều báo hiệu rằng sự thảm bại ở Ukraine có thể sẽ khiến Nga đi đến quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố rằng Nga đang chuẩn bị sẵn sàng vũ khí, cảnh báo nguy cơ leo thang hạt nhân “nghiêm trọng” và quả quyết rằng “chỉ còn sót lại vài quy tắc,” họ cố tình làm rung chuyển thanh kiếm tối thượng (ám chỉ vũ khí hạt nhân). Bản thân Vladimir Putin cũng lưu ý rằng ông có những vũ khí mà đối thủ không có, và sẽ “sử dụng nếu thấy cần thiết.” Ngay cả Giám đốc CIA William Burns cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng ông Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật*, ngay cả khi không có “bằng chứng thực tế” nào cho thấy điều đó sắp xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên chuẩn bị; cựu ngoại trưởng Henry Kissinger đã lập luận rằng chúng ta nên cẩn trọng trước mối đe dọa.

Chúng ta nên hình dung những điều không thể tưởng tượng được, cụ thể là chúng ta sẽ phản ứng như thế nào về mặt quân sự và kinh tế đối với sự thay đổi chấn động trong lĩnh vực địa lý chính trị toàn thế giới.

Tổng thống Biden đã đúng khi không nâng cấp tình trạng DEFCON (Defense Readiness Condition – tình trạng sẵn sàng phòng thủ) hạt nhân của Hoa Kỳ. Những lời hùng biện của chính quyền cũng không phải là mồi nhử của ông Putin. Vào năm 2012, tôi đã lưu ý rằng Nga là đối thủ địa lý chính trị lớn nhất đối với Hoa Kỳ, và rõ ràng cho tới bây giờ, Nga vẫn còn là một mối lo ngại lớn đối với cả Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Với mức độ nghiêm trọng của hậu quả từ một cuộc tấn công hạt nhân, các lựa chọn sắp tới phải được cân nhắc cẩn trọng bởi cả các nhà lãnh đạo và người dân Hoa Kỳ.

Với cuộc xâm lược Ukraine, Putin đã cho thấy rằng ông có thể đưa ra những quyết định phi lo-gic và tự chuốc lấy thất bại. Nếu thua Ukraine, Putin không chỉ không đạt được tham vọng đảo ngược “thảm họa địa lý chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20 – sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết – mà còn khiến nước Nga vĩnh viễn không còn là một cường quốc, và hồi sinh các đối thủ của mình.

Cũng có thể Putin sẽ phải đối mặt với những thách thức nội bộ đáng kể đối với vai trò lãnh đạo của ông. Ở trong hoàn cảnh như vậy, ông có thể tự huyễn hoặc mình rằng Hoa Kỳ và phương Tây là lý do khiến ông xâm lược Ukraine, và rằng những lời tuyên truyền ông dùng để biện minh cho cuộc xâm lược vô đạo đức là đúng ngay từ ban đầu.

Nói tới đây, một số người sẽ kết luận rằng để tránh “trêu gan” Nga – cũng là để tránh viễn cảnh Nga có thể phát động chiến tranh hạt nhân – chúng ta nên “tiên hạ thủ vi cường,” kiềm chế không để Ukraine “đập” quân Nga quá đà. Chúng ta có thể hạn chế số lượng vũ khí gửi đi, ém lại thông tin tình báo và gây áp lực buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky phải hạ mình.

Tôi không nghĩ như vậy; các quốc gia tự do phải tiếp tục ủng hộ cho sự dũng cảm của người dân Ukraine khi dám đứng lên bảo vệ đất nước của họ. Từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine cũng giống như trả tiền cho kẻ ăn thịt người, để rồi cuối cùng chính chúng ta cũng sẽ bị “thịt.”

Nếu ông Putin, hoặc bất kỳ cường quốc hạt nhân nào khác, có thể xâm lược và khuất phục mà không phải chịu sự trừng phạt, thì Ukraine sẽ chỉ là nạn nhân đầu tiên trong vô số những cuộc xâm lược về sau. Không thể tránh khỏi, bạn bè và đồng minh của chúng ta rồi sẽ bị nuốt chửng bởi các cường quốc hạt nhân độc tài, trơ trẽn, và hệ quả là trật tự thế giới sẽ bị thay đổi nghiêm trọng.

Câu trả lời đúng là tiếp tục cung cấp cho Ukraine tất cả sự hỗ trợ cần thiết để họ có thể tự vệ và giành chiến thắng. Những thành công về mặt quân sự của Ukraine có thể buộc ông Putin phải rút quân khỏi Ukraine hoặc một thỏa thuận ngừng bắn mà người dân Ukraine có thể chấp nhận được.

Có lẽ sự kiểm soát truyền thông Nga sẽ cho phép ông “nhào nắn” trận thua thành một câu chuyện nào đó để vớt vát chút sĩ diện ở quê nhà. Đó là những chuyện mà ông dư sức làm được. Nhưng nếu bị dồn vào chân tường và Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân – cho dù thông qua một cuộc tấn công chiến thuật hay bằng cách vũ khí hóa một trong các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine – thì chúng ta sẽ có một số lựa chọn.

Dù có nhiều tranh luận về việc đáp trả hạt nhân, có rất nhiều lựa chọn và chúng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, NATO có thể tham gia vào cuộc chiến Ukraine, có thể xóa sổ quân đội của Nga đang chật vật tại đây. Hơn nữa, chúng ta có thể quay sang đối đầu với Trung Quốc và các quốc gia khác, giống như sự lựa chọn mà George W. Bush đã đưa ra cho thế giới sau sự kiện ngày 11 tháng 9: Chúng ta hay là Nga? Quý vị không thể “một chân đạp hai thuyền.”

Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ là một sự kiện lớn tái định hướng lại địa lý chính trị toàn thế giới. Bất kỳ quốc gia nào chọn giữ mối quan hệ với Nga sau một sự kiện gây phẫn nộ như vậy, cũng sẽ trở thành một kẻ thù chung của cả thế giới. Một số hoặc tất cả nền kinh tế đó sẽ bị cắt đứt khỏi nền kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta. Ngày nay, phương Tây đại diện cho hơn một nửa số tổng sản lượng trên toàn cầu. Bất kỳ quốc gia nào bị cô lập ra khỏi các nền kinh tế của chúng ta đều có thể bị tàn phá nặng nề. Tác động đối với các nền kinh tế phương Tây có thể là đáng kể, nhưng tác động đối với các nền kinh tế của Nga và các nước theo Nga sẽ còn tệ hại hơn nhiều. Cuối cùng, nó có thể là Armageddon** kinh tế, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với Armageddon hạt nhân.

Cùng với các đồng minh NATO chủ chốt, chúng ta nên phát triển và đánh giá một loạt các lựa chọn. TNS Romney cũng đoán rằng tổng thống và chính quyền đã và đang tham gia vào quá trình đó. Các phản ứng dành cho hành động kinh khủng gây mất định hướng địa lý chính trị, như một cuộc tấn công hạt nhân, phải được thiết kế tối ưu và có sự hỗ trợ của các đồng minh NATO. Không có gì phải nghi ngờ, Putin và phe cánh của ông chắc chắn sẽ thấy rằng đáp trả của chúng ta dành cho sự sa đọa đó là vô cùng tàn khốc.

Mitt Romney

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật (tactical nuclear weapon – TNW) hay vũ khí hạt nhân phi chiến lược (non-strategic nuclear weapon) là vũ khí hạt nhân được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hay khu vực chiến sự. Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi…, được trang bị phần chiến đấu hạt nhân.

**Armageddon: theo sách Khải Huyền, Armageddon sẽ là vị trí tiên tri về một nơi tập hợp quân đội cho một cuộc chiến trong thời kỳ tận thế, được giải thích nhiều cách khác nhau hoặc là một địa điểm theo nghĩa đen hay mang tính biểu tượng. Thuật ngữ Armageddon cũng được sử dụng trong một ý nghĩa chung để chỉ bất kỳ kịch bản tận thế nào.

Share.

Leave a Reply