Monday, May 6 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

RFA

2022.06.14
Báo nhà nước được tập huấn nhân quyền để bảo vệ đường lối của đảngBuổi tập huấn về quyền con người cho báo chí nhà nước ở tỉnh Ninh Bình
 báo Ninh Bình

Một trong những nội dung của cuộc tập huấn là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hôm 13 tháng 6, báo Lao Động đưa tin về một cuộc tập huấn về lĩnh vực quyền con người dành cho các cơ quan báo chí được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình.

Sự kiện trên được đồng thực hiện bởi Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Thông tin và Truyền thông, với chủ đề “Kiến thức về quyền con người cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí”.

Học viên của cuộc tập huấn này gồm các phóng viên, biên tập viên, và cán bộ của các cơ quan báo chí thuộc nhà nước.

Điều đáng chú ý là thay vì đào tạo báo giới vận dụng chức năng của họ để bảo vệ nhân quyền, thì cuộc tập huấn này lại nhằm mục đích biến nhà báo trở thành công cụ để bảo vệ chế độ trước các chỉ trích từ bên ngoài trong vấn đề quyền con người.

Cụ thể, nội dung của chương trình tập huấn trên bao gồm việc đào tạo phóng viên cách “nhận diện các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí” ở Việt Nam.

Và hướng dẫn báo chí cách “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trong lĩnh vực nhạy cảm ở quốc gia do một mình đảng Cộng sản lãnh đạo.

Chính quyền Việt Nam vẫn phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền bằng cách gọi những tổ chức, cá nhân đưa ra các cáo buộc đó là “thế lực thù địch”, hoặc “kém thiện chí”.

Ngoài ra thì các tờ báo cũng như kênh truyền hình quốc doanh cũng được sử dụng để tuyên truyền phản bác lại nhưng cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào chế độ.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Ngọc Vinh, cựu thư ký toà soạn của báo Tuổi Trẻ, cho biết những cuộc tập huấn như thế này vẫn diễn ra hàng năm, và chỉ nhằm một mục đích là đảm bảo báo giới hoạt động trong khuôn khổ:

“Theo tôi biết thì thỉnh thoảng nhà nước hoặc Đảng tổ chức những hội nghị như vậy, giống như những lớp bồi dưỡng, để khẳng định lại cái đường lối của Đảng trong lĩnh vực báo chí.”  

Bình luận về việc liệu báo chí có nguy cơ trở thành công cụ của đảng cầm quyền để tuyên truyền trong lĩnh vực nhân quyền thông qua các hoạt động tập huấn này hay không, ông Vinh nói:

“Như chúng ta đã biết, họ đâu cần phải biến báo chí thành công cụ gì đâu, bởi vì trong luật đã nói rõ rồi, báo chí ở Việt Nam là báo chí công cụ, là công cụ của Đảng và Nhà nước.

Chống thế lực thù địch cũng là một mục tiêu mà báo chí phải thực hiện, điều đó đã rõ, những hội nghị đó chỉ nhắc lại và nó nhấn mạnh, chấn chỉnh thêm. Chứ đường lối đưa tin đã thống nhất từ trên xuống dưới rồi. Động tới vấn đề nhân quyền thì phải cẩn trọng, vậy thôi.”  

Ngoài việc yêu cầu báo chí phải đấu tranh, phản bác lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền, một phần nội dung của cuộc tập huấn này cũng yêu cầu báo giới phải thực hiện chức năng định hướng dư luận trong lĩnh vực nhân quyền.

Về điểm này, ông Nguyễn Ngọc Vinh lấy vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1 năm 2020 để minh họa chức năng định hướng dư luận của báo chí:

“Tôi lấy ví dụ cái chuyện ở Đồng Tâm, khi mà ông Kình bị giết chết thì lúc đầu báo chí không đưa tin, chỉ có mạng xã hội đưa thôi. Nhưng mà khi báo chí tham gia thì báo chí chỉ đưa tin theo một nguồn duy nhất là bên phía công an. 

Báo chí đã gạt bỏ những cái nguồn khác, ví dụ cái nguồn của nhân dân tại chỗ chẳng hạn, cái nguồn của những người chứng kiến, ví dụ thế. Theo đúng tinh thần làm báo thì chúng ta phải lấy nguồn tin từ nhiều nguồn, đó là nguyên tắc của báo chí hiện đại. 

Thế nhưng ở Việt Nam thì báo chí chỉ được phép nói một chiều, nhất là trong những vụ án nhân quyền.” 

Với việc báo chí bị kiểm soát và trở thành công cụ của nhà cầm quyền, hậu quả đối với quyền của người dân là rất nghiêm trọng, theo lời một luật sư nhân quyền giấu tên nói với chúng tôi:

“Trong xã hội tự do dân chủ, báo chí được xem là cơ quan quyền lực thứ tư, là tấm gương phản chiếu việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà cầm quyền. 

Trong những xã hội đó báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do, nhân phẩm của người dân. 

Tuy nhiên đối chiếu với tình hình xã hội ở Việt Nam báo chí được xem như là công cụ của nhà cầm quyền, các cơ quan báo chí phải chịu sự kiểm soát của cơ quan tuyên giáo nên họ mất đi tính sáng tạo, phản biện vốn có. 

Báo chí lúc này được xem như là cơ quan ngôn luận của nhà cầm quyền để đàn áp những tiếng nói đối lập, tung tin sai lạc nhằm ly gián, gây hiểu lầm giữa các tầng lớp xã hội, bảo vệ cho giới chóp bu cầm quyền.”

Share.

Leave a Reply