Sunday, April 28 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thủ tướng Shinzo Abe tại Hà Nội năm 2006

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Shinzo Abe chụp hình chung với các lãnh đạo thế giới khi tham dự Thượng đỉnh APEC lần thứ 14 vào tháng 11/2006 tại Hà Nội
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ là một trong những chính khách quốc tế hiếm hoi được đông đảo người dân Việt Nam dành tình cảm quý mến sâu sắc.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố “Việt Nam đã mất đi người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi, người đã có rất nhiều đóng góp to lớn trong việc phát triển quan hệ mạnh mẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Rất nhiều người Việt Nam đã đồng loạt bày tỏ sự thương tiếc và trân quý những điều mà chính quyền ông Abe đã giúp đỡ Việt Nam khi còn tại vị.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội thông báo mở sổ tang tưởng niệm cựu Thủ tướng Abe trong ba ngày, 10-12/07.

Hai chuyên gia về khoa học chính trị từ TP HCM và Hoa kỳ đã nhận định về các lý do đằng sau tình cảm đặc biệt này.

‘Sự trọng thị quan trọng’

Ông Shinzo Abe đã 4 lần thăm Việt Nam với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản. Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã liên tục phát triển trong thời gian ông Abe tại vị.

Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”. Nhật Bản nằm trong top đầu các quốc gia xét về ba trụ cột, thương mại, đầu tư và vốn viện trợ ODA cho Việt Nam.

70% vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian ông Shinzo Abe nắm quyền, từ năm 2010 đến 2020. Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), từ năm 2010 đến 2020, vốn ODA của Nhật cam kết cho Việt Nam là hơn 34 tỷ USD.

Từ TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung từ Đại học Fulbright nhận định với BBC News Tiếng Việt:

“Một trong những lý do quan trọng nhất tại sao người Việt yêu quý ông Abe là do trong các nhiệm kỳ ông Abe nhậm chức thủ tướng, ông đã dành cho Việt Nam sự trọng thị quan trọng mà người Việt không thấy từ các nhà lãnh đạo của các cường quốc khác. Cựu lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã thể hiện sự yêu quý thông qua nhiều chuyến thăm đúng lúc, cũng như viện trợ và giúp đỡ thiết thực cho Việt Nam.”

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp với ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn đương nhiệm Thủ tướng Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo vào năm 2017
Ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) cho rằng ông Abe đã luôn giúp đỡ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và chưa bao giờ đặt nặng vấn đề dân chủ nhân quyền khi làm việc với chính quyền Hà Nội, khác hẳn với các Tổng thống Mỹ khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

“Trong suốt hai nhiệm kỳ nắm quyền, ông Abe luôn nhìn nhận Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản và luôn sẵn lòng cung cấp vốn ODA giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Vị trí quan trọng của Việt Nam được thể hiện rõ ràng khi ông Abe chọn Việt Nam là nước công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào cuối năm 2012. Vào năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược thành đối tác chiến lược sâu rộng.”

Năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và thuộc thềm lục địa của mình, ông Abe đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp biển với Trung Quốc và chấp thuận cung cấp tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam.

Trong những năm sau đó, ông Abe luôn ủng hộ Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế như ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là ông đã tiếp tục thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui vào năm 2017.

“Có thể nói rằng ông Abe, mặc dù là một nhà chính trị cánh hữu, đã không để các khác biệt về hệ thống chính trị làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Chính quyền Việt Nam có thể trông chờ vào sự ủng hộ của Nhật Bản mà không lo sợ Tokyo kích động lật đổ chế độ như Mỹ”, ông Vũ Xuân Khang nhận định.

Tâm lý ‘thoát Trung’
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào năm 2014
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, quan điểm của ông Abe đối với hoà bình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng trùng hợp với nhiều người Việt, trong đó ông chỉ trích các hành động gây mất ổn định, cũng như tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trang The Diplomat ngày 08/07 nhận định trong nhiệm kỳ của mình, ông Shinzo Abe đã có những bước đi địa chính trị quan trọng nhằm định hình vững chắc vị thế của Nhật Bản trong liên minh ngày càng phát triển nhằm đẩy lùi Trung Quốc. Ông Abe chính là một trong những người kiến tạo ban đầu đằng sau Bộ Tứ (Quad) và khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, cả hai đều hiện là trọng tâm trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ. Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản là ông Kishida Fumio cũng đã tiếp nối phần lớn di sản trong chính sách ngoại giao của ông Abe.

Nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang cho rằng rất nhiều người dân Việt Nam mong muốn được “thoát Trung”, một tư tưởng mà nước Nhật đã phát triển với tác phẩm “Thoát Á Luận” của Fukuzawa Yukichi và thành công áp dụng.

“Người dân Việt Nam đã không còn xa lạ về thái độ cứng rắn với Bắc Kinh của ông Abe, nhất là khi ông mong muốn sửa đổi hiến pháp hoà bình của Nhật Bản để cho phép lực lượng phòng vệ tăng khả năng tấn công và có thể tham gia nhiều hơn vào an ninh của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vào năm 2014, Nhật Bản đã diễn giải lại hiến pháp để cho phép lực lượng phòng vệ có thể tham chiến ở nước ngoài.”

Ông Abe là một nhân vật gây tranh cãi ở Hàn Quốc và Trung Quốc do ông đã vài lần viếng thăm đền Yasukuni và có những phát ngôn phủ nhận nhiều tội ác của Phát xít Nhật trong Thế Chiến II.

“Việt Nam cũng từng là thuộc địa của Nhật, nhưng tâm lý chống sự bành trướng của Trung Quốc mà ông Abe và đại đa số người dân Việt Nam chia sẻ đã làm lu mờ về tội ác của Phát xít Nhật tại Việt Nam,” nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang nhận định.

“Người dân Việt Nam cho thấy rằng họ sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai trong quan hệ với Nhật Bản và xa hơn là với Mỹ nếu hai nước này có thể giúp Việt Nam thoát Trung.”

“Đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước, họ cũng thần tượng ông Abe là lãnh đạo của một nước dân chủ thân Mỹ và chống Trung Quốc và họ mong một ngày Việt Nam cũng sẽ được như vậy.”

‘Tinh thần samurai’

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Shinzo Abe lái máy trồng lúa tại nơi từng gánh chịu thảm họa động đất sóng thần 2011 ở quận Miyagi, ảnh được chụp vào ngày 12/05/2013
Nhiều người Việt Nam đã chia sẻ hình ảnh ông Abe gần với quần chúng nhân dân, và quý mến ông còn vì nét mặt nhân hậu, hiền hòa.

Vào tháng 8 năm 2020, ông Abe tuyên bố từ chức sau khi ông cho biết sức khỏe không đảm bảo và gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dân Nhật Bản. Khi đó, ông còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ.

Năm 2007, ông cũng từ chức chỉ sau một năm nắm quyền, lý do vẫn là căn bệnh mà ông đã phải chịu đựng từ thời niên thiếu.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho rằng, “Ông Abe thể hiện cho tinh thần samurai Nhật Bản mà nhiều người Việt yêu thích ở văn hoá dân tộc Nhật. Ông biết từ chức khi sức khoẻ không đảm bảo, và thể hiện một tính cách Nhật bản cao quý luôn suy nghĩ về dân tộc, đất nước.”

Tác giả David Frum trong bài viết đăng trên The Atlantic ngày 08/07 nói rằng ông Shinzo Abe thường được mô tả là một người theo chủ nghĩa dân tộc, và xứng đáng được nhớ đến là một trong những người theo chủ nghĩa quốc tế (internationalist) vĩ đại trong kỷ nguyên của ông ấy, một kiến trúc sư trưởng cho nền an ninh mang tính phối hợp tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong một nhận định ngày 09/07 trên Japan Times, Tiến sĩ Michael MacArthur Boask, Cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Yokosuka Council on Aisa-Pacific Studies cho biết vụ ám sát ông Abe đã tạo nên một khoảng trống chính trị to lớn bên trong nội bộ Đảng LDP. Và bức tranh chính trị tại Nhật Bản đã hoàn toàn thay đổi dù di sản của ông Abe sẽ luôn có tầm ảnh hưởng to lớn trong hiện tại.(BBC)

 

Share.

Leave a Reply