Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
July 12, 2022
JAKARTA, Indonesia (NV) – Mỹ thúc giục Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích, bắt nạt nước nhỏ trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông.

Ngày 11 Tháng Bảy, một ngày trước ngày kỷ niệm phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền chiếm gần hết Biển Đông theo mấy cái vạch nối lại giống hình “lưỡi bò,” ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ra bản tuyên bố thúc giục Trung Quốc tuân thủ các cam kết theo luật lệ quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích.

Trung Quốc tập trận chiếm đảo tại Biển Đông hồi Tháng Ba, 2022. (Hình: ChinaMil)

Đồng thời, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác cũng như các tổ chức quốc tế như ASEAN để duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Trong bản tuyên bố kể trên, ông Blinken cho hay sáu năm trước, Tòa Án Quốc Tế đã tuyên bố rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là “không có cơ sở.”

Dịp này, ông cũng lặp lại là ngày 26 Tháng Năm, 2022, ông đã đọc một bài diễn văn, trong đó, ông cho hay Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cam kết bảo vệ một hệ thống mà theo đó, hàng hóa, ý tưởng, cũng như con người, có thể di chuyển một cách tự do qua đường bộ, trên không, trên biển và cả trên không gian mạng.

Theo ông, hệ thống đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi quốc gia lớn cũng như nhỏ. Duy trì Biển Đông tự do và mở rộng theo luật lệ quốc tế, phản ảnh trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) là một phần của tầm nhìn chung đó, bản tuyên bố trên viết.

Khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố bản tuyên bố kể trên, cùng ngày, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp với tổ chức ASEAN ở thủ đô Jakarta là các nước khu vực không nên để bị sử dụng như “những con cờ” của các thế lực quốc tế. Ông ta cáo buộc khu vực này đang có nguy cơ bị biến dạng theo các yếu tố địa chính trị.

Tin của thông tấn Reuters tường thuật lời ông Vương Nghị cáo buộc là nhiều nước ASEAN đang bị các cường quốc áp lực phải chọn bên, mà theo ông ta, khu vực “nên được bao che khỏi các toan tính chính trị.” Hiển nhiên, ông ta ám chỉ Mỹ và các đồng minh trong khi chính Trung Quốc đã bị cáo buộc rất nhiều lần về các trò chèn áp, bắt nạt các nước nhỏ phía Nam và lôi kéo chọn bên.

Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố tuân theo UNCLOS nhưng lại phủ nhận phán quyết ngày 12 Tháng Bảy, 2016, khi bị Philippines kiện về tuyên bố chủ quyền Biển Đông theo các vạch nối lại giống hình “lưỡi bò.” Khi bị thế giới lên án, Bắc Kinh chống chế rằng họ còn có “quyền lịch sử” và Biển Đông theo chín cái vạch đó là do ông cố ông tổ của họ từ thời xưa để lại.

Tàu dân quân biển Trung Quốc đậu lỳ tại đá Ba Đầu (cụm đảo Sinh Tồn) quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. (Hình: ATF-WPS)

Để ngăn ngừa trước những hành động có thể phong tỏa Biển Đông, nơi có $5,000 tỷ hàng hóa thông thương hằng năm, lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ thường xuyên qua lại cũng như thách đố chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc có được từ cướp đoạt hay bồi đắp bãi đá ngầm. Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần cho các nhóm mẫu hạm nguyên tử tập trận quy mô cùng với đồng minh trên Biển Đông.

Tin tức chưa được xác nhận nói rằng mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan có thể đến thăm Đà Nẵng vào hạ tuần Tháng Bảy này. Trong khi đó, kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tổ chức 44 cuộc tập trên quy mô trên Biển Đông, trong đó có chín cuộc tập trận tại vịnh Bắc Bộ và một cuộc tập trận gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. (TN) [qd]

Share.

Leave a Reply