Friday, May 10 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
August 23, 2022
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bảy tòa đại sứ Tây phương tại Việt Nam cùng phổ biến một bản tuyên bố chung lên án bạo lực đối với các cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo của người ta.

Nhân kỷ niệm “Ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân của các hành vi bạo lực vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng” 22 Tháng Tám, các tòa đại sứ Áo, Canada, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh và Hoa Kỳ tuyên bố chống lại “Các hành vi ngược đãi, hẹp hòi, thù hận và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng nhằm bức hại các cá nhân đang gia tăng, bao gồm cả việc chống lại những người thuộc các tôn giáo thiểu số.”

Hòa Thượng Thích Không Tánh ngồi trên nền chùa Liên Trì bị nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn san bằng ngày 8 Tháng Chín, 2016. (Hình: Facebook Thích Không Tánh)

Bản tuyên bố chung không hề chỉ đích danh sự vi phạm nhân quyền như vậy diễn ra tại đâu nhưng trong những năm qua, các vụ đàn án tôn giáo tại Việt Nam đã được phơi bày nhiều lần trên truyền thông quốc tế. Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) hằng năm đều ra bản phúc trình về tự do tôn gió trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Suốt 15 năm qua, USCIRF năm nào cũng đều nêu ra các vụ đàn án tôn giáo tại Việt Nam để đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp tên nước này vào danh sách “Cần quan tâm đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC). Khi bị đưa vào danh sách này, có thể chính phủ Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài.

Bản tuyên bố chung nói trên nhắc lại rằng “Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa bài ngoại, hẹp hòi và phân biệt đối xử, cũng như thúc đẩy xã hội phát triển hòa bình và bao trùm.”

Các tòa đại sứ trên bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân và gia đình của họ qua những vụ đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng xảy ra bất cứ nơi nào trên thế giới. Họ nói: “Chúng tôi tôn vinh những người đã phải gánh chịu những hành vi bạo lực đó chỉ vì họ đã thực thi cũng như bảo vệ quyền con người.”

Đồng thời họ kêu gọi các quốc gia và tất cả mọi người khắp nơi đoàn kết đấu tranh chống lại bạo lực và phân biệt đối xử và “bảo đảm mỗi cá nhân đều có thể hưởng các quyền con người với nhân phẩm và tự do.”

Mới đây, một số cá nhân và tổ chức của nhiều tôn giáo tại Việt Nam kỷ niệm “Ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân của các hành vi bạo lực vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng” đã bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp, theo tin tức phổ biến trên trang mạng “Người Thượng vì công lý,” một số giới chức Cao Đài độc lập.

Hình phổ biến trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Hà Nội khi hai viên chức thị trấn Vụ Bản phá rối Thánh Lễ đồng tế do Giám Mục Vũ Văn Thiên, tổng giám mục Hà Nội, làm chủ tế ngày 20 Tháng Hai, 2022. (Hình: Tổng Giáo Phận Hà Nội)

Ngày 22 Tháng Tám hằng năm từ năm 2019 đến nay được Liên Hiệp Quốc chọn làm ngày tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng của mình. Tại Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN chỉ công nhận các tổ chức tôn giáo nằm trong sự kiểm soát của nhà cầm quyền, thường bị quần chúng gọi là “tôn giáo quốc doanh.”

Những tổ chức tôn giáo không được chế độ công nhận thường xuyên bị sách nhiễu, cản trở hoạt động. Các tòa đại sứ Tây phương và cả tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đều nhận được các báo cáo mỗi khi vụ đàn áp xảy ra. (TN) [qd]

Share.

Leave a Reply