Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Mỹ tiếp tục chuyển viện trợ quân sự cho Ukraina. Ảnh tư liệu tại căn cứ không quân Dover Air Force Base, ngày 29/004/2022.
Mỹ tiếp tục chuyển viện trợ quân sự cho Ukraina. Ảnh tư liệu tại căn cứ không quân Dover Air Force Base, ngày 29/004/2022. AP – Alex Brandon

Đúng ngày Quốc Khánh Ukraina 24/08/2022 và tròn 6 tháng Nga xâm lược Ukraina, chính quyền Mỹ thông báo một khoản viện trợ quân sự mới khoảng 3 tỉ đô la cho Kiev. Đây là khoản viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến Ukraina.

Theo một quan chức ẩn danh của Lầu Năm Góc, được AFP trích dẫn, khoản viện trợ này được xuất từ ngân sách của bộ Quốc Phòng Mỹ và có thể được sử dụng cho những chiến dịch trực tiếp hoặc mua vũ khí. Gói viện trợ này khác với ngân sách cho phép tổng thống Joe Biden ra lệnh xuất kho ngay lập tức các loại khí tài để chuyển cho Kiev. Trước đó, ngày 19/08, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng xuất quỹ 775 triệu đô la để mua thêm tên lửa cho hệ thống HIMARS viện trợ cho quân đội Ukraina.

Kể từ đầu cuộc chiến, Hoa Kỳ là nước hỗ trợ lớn nhất cho Ukraina về tài chính, cũng như quân sự và chính trị. Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tường thuật :

“Tổng thống Joe Biden không để lỡ cơ hội nhắc lại rằng Mỹ và các đồng minh sát cánh với Ukraina chống cuộc xâm lược do tổng thống Vladimir Putin phát động. Sự ủng hộ của Mỹ được thể hiện qua nhiều cách.

Trước tiên, đó là vì Washington đã chọn phe rất rõ qua việc tiến hành các biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga và những người thân cận với điện Kremlin. Dù hiệu quả của các biện pháp này còn phải chờ đánh giá, nhưng dẫu sao đó vẫn là những biện pháp nghiêm khắc nhất chưa từng được ban hành.

Ngoài các biện pháp trừng phạt, phải kể đến viện trợ tài chính cho Ukraina, thông qua hai kênh. Hơn 7 tỉ đô là viện trợ trực tiếp được Washington hứa vào tháng 05 đã được chuyển dần cho Kiev. Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp tài trợ chính cho Ngân hàng Thế Giới với hơn 4 tỉ đô la.

Thêm vào đó là viện trợ về quân sự. Nếu Mỹ không trực tiếp tham chiến, nhưng Washington đã cung cấp hơn 10 tỉ đô la vũ khí, đặc biệt là về tên lửa và pháo ngày càng hiện đại hơn, bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng.

Cuối cùng là sự hỗ trợ chính trị, được ủng hộ tuyệt đối. Tại một đất nước bị chia rẽ sâu sắc, trừ vài tiếng nói cô lập, chắc chắn Ukraina là chủ đề được tất cả mọi người nhất trí. Vào tháng 05, với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Thượng Viện Mỹ đã thông qua một gói hỗ trợ chung trị giá 40 tỉ đô la. Điều đó có nghĩa là ngân sách của Mỹ dành cho Ukraina vẫn còn rất lớn”.

Phương Tây sẵn sàng ủng hộ Kiev lâu dài

Tại cuộc họp thượng đỉnh Crimea Platform, diễn ra ngày 23/08, tập hợp các nước ủng hộ Ukraina, tổng thống Pháp Emmannuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế không được “yếu đuối” hay “có ý thỏa hiệp” với Nga, đồng thời yêu cầu Matxcơva “ngừng các hành động thù nghịch”, rút hết quân khỏi Ukraina và chọn con đường ngoại giao để xây dựng hòa bình.

Để thể hiện ủng hộ Kiev lâu dài, nhiều nước thông báo tăng thêm viện trợ quân sự, theo các hãng tin AFP và Reuters. Ngày 23/08, Đức thông báo sẽ giao thêm khoảng 500 triệu euro vũ khí cho Kiev, bắt đầu từ năm 2023, gồm 3 hệ thống phòng không Iris-T, khoảng 12 xe tăng sửa chữa, 20 bệ phóng rocket lắp trên xe bán tải, thiết bị chống drone… Na Uy và Anh đồng viện trợ drone cỡ nhỏ Teledyne Flir Black Hornet trị giá 9,26 triệu đô la, nhằm trinh sát và nhận dạng mục tiêu.

Theo NHK, để tiếp tục ủng hộ Ukraina, Nhật Bản duy trì áp đặt cách lệnh trừng phạt đối với Matxcơva và đồng minh Belarus. Chính quyền Tokyo cho biết đã hỗ trợ kinh tế cho Ukraina và giúp nước này tái thiết cơ sở hạ tầng bị tàn phá vì chiến tranh.(RFI)

Share.

Leave a Reply