Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65
*****

Đêm Sao của Van Gogh Trên Người Khỏa Thân
(ảnh Vô Danh)

Người đàn bà trong trí nhớ (ngọc ngà)

–  Lê Thị Thấm Vân –
Khi vị bác sĩ từ phòng trong bước ra báo tin Ngọc có thai được hơn hai tháng, tin vui vỡ òa trên khuôn mặt Hưng, chồng Ngọc. Riêng Ngọc, nàng lặng đi vài giây. Ðiều ước muốn của hai vợ chồng đã toại nguyện. Sự kết tinh hôm nay là do sự đồng ý, sắp xếp của hai vợ chồng. Lấy nhau hơn ba năm, đời sống lứa đôi hạnh phúc, căn bản kinh tế vững vàng, tiếng oa oa của đứa bé đỏ hỏn cuốn mình trong chăn len mịn quả là cần thiết.

Chưa biết hạt mầm trong bụng nhỏ to cỡ nào, nhưng Ngọc có cảm tưởng sự sống đang chuyển động trong cơ thể. Ðứng lên đón cái bắt tay chia vui từ vị bác sĩ, nàng cảm thấy phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận. “Phải thật cẩn thận.” Nàng tự nhủ. Cô Dung đã sảy thai hai lần vào năm ngoái.

Rời phòng mạch, Hưng cho xe chạy từ từ. Cả hai im lặng. Khi quá sung sướng hạnh phúc, ngôn ngữ thật khó diễn tả.

Dừng xe trước tiệm phở quen thuộc. Hưng choàng tay qua xiết vai vợ.  “Nghĩ tới em với cái bụng bầu to, anh vừa buồn cười vừa tội nghiệp, chắc là nặng lắm Ngọc nhỉ?”

~ ~ ~ ~ ~

Hình ảnh người đàn bà điên trong thành phố quanh năm chỉ gom lại mùa hè trong ký ức xa xăm đột nhiên trở về.


Quy Nhơn, thành phố miền biển, lúc nào cũng nóng như thiêu đốt. Con bé Ngọc lên năm lên bảy cởi trần, chỉ bận mỗi cái quần xi líp vải thô may phồng vẫn thấy nóng.


Hằng năm, cô Thịnh từ Quy Nhơn lên Ðà Lạt đón hai anh em nàng về sống bên nội ba tháng hè. 


Ngay từ thuở bé, anh em Ngọc đã phân định được hai nơi: Quê nội là Quy Nhơn, quê ngoại là Ðà Lạt. Chuyện tình bố mẹ qua lời kể đầy thi vị của cô Thịnh: Sau khi bố tốt nghiệp trung học trường Cường Ðể ở Quy Nhơn, bố chọn đại học Ðà Lạt theo đuổi ngành sư phạm, ở đấy bố gặp Giáng Hương, tên của mẹ. 


Mối tình đẹp và thơ mộng, bởi cả hai gặp nhau ở nhịp đập con tim văn nghệ. Bố đệm guitar rất hay, quyện cùng giọng ca đặc biệt của mẹ. Người bố to lớn, dềnh dàng, vui tính, ưa kể chuyện tiếu lâm. Trái hẳn mẹ, nhỏ nhắn, tinh tế, hay e thẹn nhưng chịu khó theo sát nút thời trang. 


Hai người yêu nhau rồi lấy được nhau. Mối tình lý tưởng cho nhiều người chung quanh bàn tán, mơ ước vì đã kết thúc êm đẹp, không nửa đường gãy cánh như bao cặp tình nhân khác trong thời chinh chiến. 


Sau năm năm chung sống, hạnh phúc trải dài như thảm cỏ xanh tươi. Hai đứa con kháu khỉnh tiếp theo nhau ra đời. Anh Dũng ra trước và Ngọc ra sau. Một trai, một gái. Căn nhà nhỏ ba phòng nằm lưng chừng đồi có hàng chè xanh bao bọc. Mảnh vườn trước trồng đầy hoa cánh bướm hồng lẫn tím. Sau này lớn thêm chút nữa, Ngọc khám phá bởi mẹ rất yêu loại hoa này nên bố trồng, không chỉ năm ba cây, mà nguyên cả vườn trước. 


Trong chuyến đi chấm thi dưới Nha Trang, trên đường về lại Ðà Lạt, xe đò chở bố bị Việt Cộng đặt mìn nổ tung. Hành khách trên chuyến xe không một ai thoát được mạng. Chết trọn sáu mươi hai người. Cô Thịnh kể lúc đi nhận xác bố, ông bà nội và mẹ đã nhận xác bố không toàn thây. Chân trái bố đã bị thân nhân ai đó nhận nhầm.


Mẹ khóc cạn nước mắt, ngất lên xỉu xuống không biết bao nhiêu bận, đã tưởng bị điên suốt một năm sau khi bố mất. Mẹ bán căn nhà đầy ắp kỷ niệm về sống chung với ông bà ngoại. Mẹ vốn đã gầy giờ gầy hơn. Nét khổ đau, cằn cỗi xuất hiện thật nhanh trên mặt mẹ. 


Ông bà nội nhiều lần ngỏ ý muốn đón hai cháu về sống chung nhưng bị mẹ gạt phăng. Và để chứng tỏ khả năng của con gà mái có đôi cánh xòe bao bọc được hai con gà non, mẹ xổ mền tung chăn bước ra ánh sáng, sau một năm quên hẳn đời mình. Tóc mẹ rụng gần phân nửa. Mẹ giã từ mùi dầu gió xanh luôn hắt ra từ người mẹ. Vì hai con gà con, mẹ xăn tay áo, hùng dũng bước ra làm lại cuộc đời, khởi đi từ điểm đầu. Ban ngày mẹ chạy ngược chạy xuôi kiếm trường xin thêm giờ dạy. Tối về, mẹ mở thêm lớp kèm trẻ tại gia. Lương chắp đằng này, nối đằng kia cũng chẳng đủ đâu vào đâu so với vật giá mỗi ngày một leo thang. Mẹ phải ở nhờ nhà ông bà ngoại. Hai cháu được bà ngoại, mấy dì thay nhau đút cơm, tắm rửa và mắng yêu suốt ngày. 


Lần cuối ông bà nội dẫn cô Thịnh lên gặp ông bà ngoại và mẹ, với giọng sũng nước mắt là hãy thương ông bà nội, bởi ông bà chỉ có hai đứa cháu, thằng con trai độc nhất đã mất. Tuổi ông bà đã cao, sống chẳng còn bao lâu. Ông bà xin mỗi mùa hè cho hai cháu xuống Qui Nhơn chơi, và hứa sẽ đón đưa bằng máy bay chứ không bằng xe đò.


Lòng thương yêu và sự chân thành của ông bà nội làm mẹ gật đầu. Mọi chuyện giải quyết êm đẹp đôi bên.


Khí hậu Quy Nhơn và Ðà Lạt khác nhau một trời một vực. Thành phố miền biển và thành phố miền núi. Như Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sanh được trăm trứng, năm mươi theo cha lên núi, năm mươi theo mẹ xuống biển. Quy Nhơn với những ngày đầu Ngọc không thể nào ngủ được. Phần nhớ mẹ, nhớ ông bà ngoại, nhớ cái mền lông ngỗng mềm mại vân vê mỗi đêm. Càng về khuya, tiếng sóng vỗ ì ầm của biển lại càng làm Ngọc nhớ tiếng thông reo quen thuộc từ thung lũng sau nhà vọng lên. Sau này lớn, nhớ lại những tháng ngày kỷ niệm ấu thơ, nhận thấy mình trẻ con, chóng quên, chóng nhớ. Hai thành phố níu kéo giằng co tình cảm nhưng luôn đầy ắp trong Ngọc. Những tia mắt ái ngại, thương xót của chòm xóm “con không cha như nhà không nóc” chẳng nghĩa lý gì.


Nhà ông bà nội nằm trên đường Nguyễn Huệ. Một trong vài con đường chính của thành phố, chạy dài song song theo bãi biển. Căn nhà có ba tầng. Tầng dưới dùng buôn bán vật liệu xây cất nhà cửa. Tầng giữa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của ông bà nội. Tầng ba là phòng của bốn cô con gái. Trong trí nhớ Ngọc, nó là căn phòng thật rộng bày bừa áo quần, giày dép, đồ phụ tùng làm dáng của nữ phái. Từ chiếc áo dài loang lổ mồ hôi vừa thay chưa giặt, đến những chiếc áo lót ngực viền đăng ten ngả màu. Rồi nào gương lược, phấn son, viết chì kẻ mắt xanh xanh, đỏ đỏ… thoạt nhìn qua, biết ngay căn phòng của bầy con gái đang ở lứa tuổi cập kê mà hồn lúc nào cũng gửi gắm cho ai đó. 


Nhà không có sân, trời mùa hè nóng nực, mặt hai đứa cháu lúc nào cũng đỏ au như quả gấc, mồ hôi nhễ nhại quanh người. Thế là cô út, mỗi chiều phải dẫn anh em nàng ra Sân Chùa gần nhà để hóng mát. Gọi là Sân Chùa vì quen miệng, chứ thực ra nó chỉ là bãi đất trống không thuộc về ai, giữa sân có cái am bé tí như cái chuồng bồ câu bác Hải đóng cho anh Dũng trên Ðà Lạt. Mùa hè, mùa rong chơi của đám trẻ con, bởi thế chúng tụ lại rất đông ở Sân Chùa bày đủ thứ trò chơi. Con gái nhảy dây, cò cò, u mọi, ô làng… Con trai thẩy lon, quay vụ, bắn bi… 


Đặc biệt Sân Chùa lúc nào cũng hiu hiu gió mát, mặc dầu nắng nóng bao phủ cả thành phố. Sân Chùa có những cây keo không biết ai trồng tự thủa nào mà cành lá luôn xanh um. Thân cây cao lớn, phải hai hoặc ba đứa cỡ tuổi Ngọc nối tay ôm mới vừa trọn vòng. Lá keo nhỏ lăn tăn, càng lên cao càng nhiều gai nhọn. Trái keo hình xoắn ốc, khi chín ăn rất ngon, vị vừa chát vừa chua vừa ngọt, hợp với khẩu vị bọn con nít. Ngọc là một trong những đứa mê ăn trái keo. Anh Dũng, trái lại mê trèo cây hơn ăn trái.


Và ở tại Sân Chùa, Ngọc đã gặp hình ảnh một người đàn bà. Nhân vật nữ này đã đi thẳng, sâu vào trong nàng suốt quãng đời thơ ấu. Cho đến giờ đây, sau bao năm xa cách, đã trưởng thành trên đất lạ quê người, nhưng hình ảnh bà vẫn đeo đẳng, chưa thể dứt lìa. 

~ ~ ~ ~ ~

Sáng nay Ngọc thức dậy muộn. Quơ chân tìm kiếm đôi dép dưới sàn, bỗng Ngọc thấy người chao đổ, đầu quay tít như chong chóng treo đầu gió. Giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, ói mửa đến mật vàng làm Ngọc kiệt lực, mềm lả tựa cọng miến. Ngọc cưu mang cái thai trong bụng đã hơn ba tháng.

Nhìn quanh phòng, từ sàn nhà lên đến đầu tủ, ngổn ngang sách báo viết về đàn bà mang thai, cả thảy trên dưới hai mươi cuốn. Có cuốn Hưng mua, có cuốn nàng mua, số còn lại hai đứa mượn ở thư viện gần nhà. Nhìn số sách bày đầy trong phòng ngủ, Hưng đùa, “Sanh con xong, em viết cuốn cẩm nang cho người đàn bà mang thai, anh nghĩ còn hay và đầy đủ hơn mấy cuốn kia nhiều.”

Ngọc nghĩ đến đứa con trong bụng. Nếu là trai, đừng giống bố cái mũi, vừa to vừa lệch. Còn nếu là gái, đừng giống mẹ đôi mắt mí lót.

Bác sĩ cấp cho Ngọc giấy phép nghỉ làm hai tuần ở nhà dưỡng thai. Ngọc quá yếu, ăn gì vào cũng nôn ọe liền sau đó. Hưng chăm sóc nàng từng li từng tí. Từ ly sữa đến chén soup hầm đủ loại rau tươi. Hưng dìu nàng ra sân sau hóng gió mỗi chiều. Những lúc được chồng nâng niu chiều chuộng, Ngọc thật lòng xúc động, nghĩ mình như đóa hoa được nở trọn vẹn, hương thơm nồng ngát. Nàng quả là người hạnh phúc.

Nhưng mỗi đêm về, khi bàn tay chồng xoa xoa lưng vỗ về giấc ngủ cho nàng, trong bóng tối lờ mờ, đầu óc nửa tỉnh nửa mê, hình ảnh ”Chị Ngà Ðiên” thời ấu thơ thấp thoáng trở về.

~ ~ ~ ~ ~

“Chị Ngà Ðiên”, người đàn bà Ngọc gặp trong ba tháng hè mỗi năm ở thành phố mặn nồng mùi nước biển, dưới những tàng cây keo phủ đầy bóng mát, giữa tiếng reo hò của đám trẻ con chạy thuồng luông quanh xóm. 


Lần đầu tiên Ngọc gặp chị là một buổi xế trưa. Trời như đang muốn nổi cơn giông. Khi chị Ngà xuất hiện từ đàng xa, đám trẻ con túa ra reo hò chào đón chị với những khẩu hiệu: “Bà điên tới, bà điên tới… tụi bây ơi! – Chị Ngà điên, muôn năm! muôn năm!” Rồi chúng vỗ tay reo cười ầm ĩ. Thế là chị Ngà bắt đầu dừng chân đứng chửi. Chị chửi đổng lên, “Mả cha tụi bây con nhà mất dạy. Tao có động mồ động mả chi họ hàng nhà bây mà…” Ngọc há mồm ngây người đứng ngó trân. Lần đầu tiên trong đời Ngọc thấy người điên giữa bầy con nít. Và rồi dàn chào cũng chỉ ngắn ngủi độ năm ba phút. Ðám con nít trở lại với những trò chơi bỏ dở. Chị Ngà lững thững đi về phía cái giếng ở cuối góc Sân Chùa, lấy gàu múc nước đổ xối xả lên người, trên mình bận quần đen ống cao ống thấp, áo cánh trắng đã ngả màu cháo lòng. 


Những ngày cuối hè, khi cây keo bắt đầu rụng lá. Ðám trẻ con thưa dần. Hai anh em Ngọc bịn rịn ông bà nội cùng mấy cô lên đường về bên mẹ và ông bà ngoại. 


Thời gian lặng lờ trôi. Ðến hè rồi hết hè. Thành phố miền biển và thành phố miền núi. Gia đình bên nội và gia đình bên ngoại. Và đặc biệt, với người mẹ vừa đằm thắm vừa mạnh mẽ, luôn ắp đầy yêu thương đẩy đưa anh em Ngọc lớn dần, lớn dần. 


Nhưng thỉnh thoảng hình ảnh chị Ngà điên thấp thoáng xuất hiện. Chị đồng hành cùng Ngọc suốt hành trình từ thuở ấu thơ.

***

Biến cố tháng Tư, 1975 xảy đến khi Ngọc học xong tiểu học. Ngọc mơ hồ cảm được những đổi thay kinh khủng chung quanh nhưng không rõ nét. Hè năm đó, hai anh em không được về bên nội. Mẹ tất tả ngược xuôi. Khoảng cuối năm 1976, mẹ và cậu Nguyên dẫn hai anh em xuống Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Ban đêm nằm trong căn nhà lạ, nghe tiếng sóng biển vỗ ì ầm, Ngọc ôm xiết lưng mẹ thỏ thẻ, “Con nhớ ông bà nội, mẹ đưa con đi thăm ông bà nội, mẹ nhé!” Mẹ với giọng vỗ về, “Ờ, để từ từ mẹ tính. Xuỵt… ngủ đi.” Ngọc biết mẹ chỉ hứa suông. Khuôn mặt mẹ trong những ngày ở thành phố lạ, lúc nào cũng cố giữ vẻ bình tĩnh, tuy nhiên qua giọng nói, mẹ không che giấu được sự hốt hoảng âu lo trong lòng. Mẹ dặn cậu Nguyên phải canh chừng hai anh em nàng thật kỹ, không được đi đâu khỏi căn nhà trọ. Ngọc thấy bị gò bó, mất tự do. Ðó là chút điều Ngọc cảm thông, chia sẻ được với những người chung quanh trong thời điểm mà mãi sau này, nàng mới thấu hiểu. 


Chuyến vượt biên không thành, mẹ trở về tay trắng, lại sống nương nhờ bên ngoại, gắng gầy dựng lại từ đầu. Rồi lại kiếm đường vượt biên, rồi lại thất bại. Mẹ xuống Vũng Tàu, xuôi vô Phước Tỉnh, đâu đâu mẹ cũng dắt hai con gà con của mẹ. 


Tin tức bên nội gần như bặt hẳn. Mẹ quyết nuôi ý chí vượt biên. Sau vài lần thất bại đắng cay, mẹ quay về đường miền Trung cầu cứu ông bà nội. Thành phố Quy Nhơn vẫn nắng nóng thiết tha, tuy giờ đây phảng phất nét u buồn, tẻ nhạt. Vòng tay ôm ông bà nội vẫn ấm áp như thuở nào. Sau ba năm xa cách, gặp lại, ông bà nội gầy yếu đi nhiều, nhà hết còn buôn bán vật liệu xây cất. Ông nội xoay qua nghề hớt tóc dạo. Cảnh nhà sa sút thấy rõ. Hai cô gái lớn đã lấy chồng, ra ở riêng. Bà nội suốt ngày ra vào ngớ ngẩn như người mất hồn. 


Buổi chiều đầu tiên trở lại thành phố miền biển. Ngọc cùng anh Dũng ra Sân Chùa kiếm mấy người bạn cũ ngày trước. Cái am nhỏ còn đó, hàng cây keo lá vẫn xanh um. Ðám bạn ngày trước giờ thưa thớt. Hỏi ra mới biết đứa theo gia đình dọn đi thành phố khác, đứa đã vượt biên. Cây keo xào xạc lá, trái chín lẫn trái sống lủng lẳng trên những nhánh cây cao. 


Anh Dũng bỏ về trước, còn lại một mình, Ngọc ngồi chồm hổm nhặt cành cây hất tung những lá keo khô, bâng quơ nhìn người qua lại. 


Từ xa, một người đàn bà từ từ tiến tới. Ai đó có dáng đi quen quen. Ồ chị Ngà điên! Nàng vội vàng đứng dậy, chợt nhận ra mình vừa vỗ tay reo. Một bà điên giờ đã nhiều tóc bạc, đen đúa. Và trời ơi! bà đang có bầu. Trên mình không mảnh vải che thân. Lần đầu tiên giữa thanh thiên bạch nhật, Ngọc chứng kiến hình ảnh người đàn bà khỏa thân. 


Bà đi băng qua chỗ Ngọc đứng. Mắt nhìn vào trời đất mênh mông, bước chân không định hướng, miệng cười cười… Dáng đi nửa lầm lũi nửa lệch lạc vì cái bụng bầu to so với khổ người. 

~ ~ ~ ~ ~

Ngọc kéo mành cửa qua hẳn một bên để mảng nắng đầu mùa chiếu rọi vào phòng. Ðứa bé trong bụng trở mình theo người mẹ.

Ngọc mang thai được hơn bảy tháng. Ðứa bé giờ có đủ tứ chi. Sanh ra có nhiều cơ hội nhập cuộc với đời.

Mỗi ngày nàng tập thể dục đều đặn, ăn uống đúng cách thức chỉ dẫn của sách dành cho người đàn bà mang thai. Bốn thức ăn căn bản: sữa, thịt, rau, ngũ cốc.

Mỗi tối Thứ Ba, Hưng đưa nàng đến dự lớp Lamaze cùng hai mươi cặp khác. Bà giáo chỉ dạy cách thức giữ gìn, săn sóc người mẹ và đứa bé. Lúc sanh con nên thở và rặn thế nào cho đúng. Sanh xong phải chăm sóc đứa bé ra sao. Ðiều bà giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần, con là con chung, vì thế chồng phải hết lòng thương yêu vợ, chăm sóc con.

Nàng và con nàng quả là người vừa hạnh phúc vừa may mắn.

~ ~ ~ ~ ~

Ðất nước biến đổi, xã hội nhiễu nhương, luân lý đảo lộn, hậu quả phải chăng là cái thai đang nằm trong bụng chị Ngà? 


Trước 1975 chị đã bị điên, nhưng vẫn còn tỉnh táo để khoác trên mình bộ đồ mốc cũ. Giờ đây còn gì để che đậy? Ði lang thang trước mặt đám trẻ, chúng chỉ dõi mắt nhìn theo chứ chẳng thiết tha reo hò chọc phá.


Nếu bây giờ gặp lại chị Ngà, Ngọc sẽ nắm bàn tay chị, hỏi, “Chị Ngà ơi… Chị Ngà à… Chị có biết chị đang cưu mang một mạng sống hay không hở chị Ngà?” 


Ôi đôi mắt vô hồn của chị, đầu đội trời chân đạp đất, chị phăng phăng đi tới đâu thì tới.
Ôi xã hội với con đường dẫn xuống âm ti địa ngục, lương tri đạo đức con người nay đã gửi gắm về đâu? Thân xác người đàn bà điên cũng phải bị trả giá. 


Ngọc đã đi sâu đi sát với cuộc đời gần ba mươi năm. Một nửa làm tuổi thơ trên quê hương khốn khổ, nửa kia trên mảnh đất trời thương, dành nhiều ưu đãi. Ðồng thời sắp sửa làm mẹ, Ngọc mới thấm được nỗi đớn đau, nghiệt ngã của thân phận đàn bà Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đen tối.

~ ~ ~ ~ ~

Ngọc nằm xem TV cạnh Hưng. Hai chân duỗi thẳng vì khó gác chéo lên nhau. Hai vợ chồng vừa thả bộ mấy block quanh nhà. Nàng siêng đi bộ để sanh đẻ cho thuận buồm xuôi gió. Ðứa bé trong bụng mẹ được hơn tám tháng. Mấy ngày nay nó cứ đấm đạp liên hồi, nàng đưa tay xoa nhè nhẹ bụng như thể dỗ dành, nựng nịu con.

Nàng nhớ hôm nghe tin có bầu. Ðêm về, ôm Ngọc trong cánh tay, Hưng thầm thì mong là con trai, lớn lên chơi tennis với bố. Ngọc mong là con gái, lớn lên đi shopping với mẹ. Nay thì trai hay gái, mũi lệch hay mí lót không nghĩa lý tí ti nào cả. Lạy trời sao cho con đủ tháng đủ ngày, sanh ra khỏe mạnh, không bất thường điều gì. Bởi sự hiện diện của con trên cõi đời này nào có sự đồng ý của con, mà hoàn toàn quyết định của bố mẹ. Rồi đây cuộc đời con hạnh phúc hay khổ đau? Hành trình trần gian thăm thẳm chờ đón con, con yêu của mẹ.

~ ~ ~ ~ ~

Chị Ngà Điên sẽ nghĩ và phản ứng như thế nào nếu đứa bé giẫy đạp trong bụng chị? Chị có dịu dàng vỗ về xoa xoa cái bụng hay chửi đổng lên, “Mả cha mi, tao có động mồ động mả chi nhà mi…” Ngọc trăn trở qua lại, băn khoăn tự hỏi. Sau 1975, dưới gầm trời Việt Nam đói ăn đói mặc đói luôn tình người. Ai dư thừa chút tình người san sẻ cho chị? Nhà thờ nhà thánh thầy chùa sư sãi đang chui trốn nơi đâu? 

~ ~ ~ ~ ~

Khi chiều hai vợ chồng đi shopping mua sắm đồ đạc cho đứa con nhỏ sắp chào đời. Cái nôi nhỏ màu trắng phủ mền len ngũ sắc. Ðứng nhìn phòng con, Ngọc nở nụ cười hài lòng. Màu wallpaper tiệp màu màn cửa sổ. Đèn ngủ có hình dạng thằng hề mặt thật vui, cầm chùm bong bóng đủ màu, xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ nó thích. Cô An, em gái Hưng mỗi cuối tuần tạt ngang, cho cháu hết cái này đến cái nọ, nào bít tất nào áo len… ôi thôi đủ thứ, đủ kiểu, đủ màu. Con ơi! Mọi người chung quanh đang mong con ra đời. Bà nội nấu món gì ngon cũng sai chú Trình mang qua cho mẹ con mình ăn. Mỗi ngày bố hôn con qua bụng mẹ không dưới mười lần. Mẹ thầm thì nói chuyện cùng con. Nhìn tấm ảnh trong magazine chụp bàn tay người mẹ nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của người con, mẹ liên tưởng đó là tay mẹ đang níu lấy tay con. Ôi con thương yêu của mẹ!

~ ~ ~ ~ ~

Nụ cười ngây ngô khờ dại. Ðôi mắt vô hồn. Hai chân trần in trên bãi cát nóng miền biển. Bụng ỏng, lưng cong với những bước đi không định hướng. Ðất cát dưới chân lún sâu với sức nặng của cái bào thai. Kiếp khổ nhục của người đàn bà Việt. Kẻ lạ đứng trố mắt nhìn người điên trong thành phố lạ. Bỏng chân chị có hay? Ðứa bé đói bụng mút tay trong bụng chị có biết? Ai trong thành phố đổi chủ này còn có khả năng, sót chút từ bi đưa tay truyền hơi ấm cho chị? 

~ ~ ~ ~ ~

Jennifer, cô em út của Hưng vừa tổ chức sinh nhật thứ mười bốn cuối tuần qua. Con bé đánh phấn thoa son coi bộ đã thiện nghệ. Ðứng đâu nó cũng ri rỉ điệu nhạc và nhún nhẩy. Mền gối chiếu chăn in đầy hình năm chàng trai trẻ, bảnh trong ban nhạc “New kids on the block” lừng danh hiện thời.

Bằng tuổi này của gần mười lăm năm trước. Con bé Ngọc đứng căng tròn mắt ngó người đàn bà điên mang bầu, trần truồng 100% ngay trên mảnh đất đẻ sinh ra nó, mà mẹ nhất định sống chết gì cũng phải tìm cách dứt lìa.

“Tính theo ngày thì Thứ Hai tới bà sẽ sanh. Tuy nhiên, từ đây đến ngày đó bà có thể sanh bất cứ lúc nào. Về nhà tĩnh dưỡng cho khỏe. Nhớ uống nước và rán đi bộ càng nhiều càng tốt. Cứ bình tâm chờ đợi. Hai mẹ con đều khỏe mạnh. Nếu có triệu chứng lạ cứ gọi đến văn phòng.”

Ngọc mỉm cười, gật đầu đa tạ vị bác sĩ đã tận tâm chăm sóc hai mẹ con nàng chín tháng nay. Ngọc tính nhẩm,”Còn năm ngày nữa. Hôm nay Thứ Tư, hết weekend này, Thứ Hai tới, người ta đi làm, mình đi sanh.”

Hai vợ chồng sắp xếp, chuẩn bị đủ mọi thứ. Mấy ngày nay, Ngọc đi đứng quá đỗi khó khăn, hai bắp chân, mặt mày sưng lên như bị bệnh phù thủng. Soi gương trông lạ và xấu xí đi nhiều. But who cares! Ta sắp được làm mẹ, còn nỗi niềm hạnh phúc nào hơn.

Ðêm qua Ngọc thức dậy không biết bao nhiêu lần để đi tiểu. Lưng đau, bụng nặng, chân tay như không liền người. Nhìn nàng cả đêm loay hoay khổ sở tìm cách xoay mình để bước xuống giường. Hưng nói nhỏ, “Phải chi anh đi được giùm em, Ngọc nhỉ!” Câu nói làm ý tưởng chạy nhanh qua đầu Ngọc, “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển mồ côi một mình.”

“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đâu? Mẹ của con đâu? Ðau quá mẹ ơi! Chắc con chết mất!”
À ơi cái vạc mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt…

Những trái keo vừa chín nở bung, ngon quá mẹ ạ! Mẹ ơi, con đau quá! Hoa cánh bướm trước sân nhà cũ của mình trên Ðà Lạt còn nở nhiều bông không hả mẹ? Mẹ ơi, đau quá mẹ ơi! Cát Quy Nhơn nóng quá là nóng anh Dũng ơi! Sóng biển đêm nay sao vỗ to thế hở bà nội? Mẹ ơi đau quá! Chết con mất mẹ ơi… mẹ ơi… mẹ ơi…

Keep trying. One two three … push… push… thở ra, thở vô… Almost. Take a deep breath!

Cơn đau dịu xuống. Mảng tóc đen của đứa bé thập thò ở cửa mình Ngọc thấy qua tấm gương tròn lớn treo trên tường, ngay trước mặt. Ngọc trở lại trạng thái tỉnh táo bình thường như đang đứng kiễng chân trước tủ lạnh, nghĩ xem chiều nay nấu món gì cho chồng ăn với từng thứ ấy rau và thịt. Ngọc chợt khám phá đau đẻ thật là kinh hoàng. Nó đau từng cơn, từng hồi, từng chập. Kim đồng hồ trong computer kê sát giường càng lên cao thì cơn đau càng khốc liệt. Kim đồng hồ xuống thấp thì đầu óc tỉnh táo như đang ngồi gác chân tán chuyện tào lao cùng chồng. Rồi kim đồng hồ lại từ từ lên cao… quặn, rặn, thở, rên la, hò hét, cào cấu. Chúa Phật sư sãi lúc đó ngoảnh mặt làm ngơ. Chỉ có mẹ, là mẹ, làm mẹ mới thấu hiểu được nỗi đớn đau banh da xẻ thịt này.

Bà Ngà Ðiên đột ngột xuất hiện với ánh mắt cảm thông, nụ cười san sẻ.

Ôi ngọc ôi ngà.

Mẹ lấy hết sức bình sinh, phùng mang trợn mắt, rặn một hơi cuối. Con tuột ra khỏi mẹ. Ơi Con!

Ngọc sanh bé gái nặng 7 pounds, 2 ounces và dài 20 inches vào lúc 5 giờ 08 phút sáng Thứ Hai, ngày đầu tuần.

Lê Thị Thấm Vân

San José, 1990

 

Share.

Leave a Reply