Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 3/9/2022

Dự đoán từng bị cười nhạo của TT Trump nay đã trở thành sự thật

Một trong những nhà ngoại giao Đức từng cười khúc khích khi cựu Tổng thống Donald Trump lúc đó nói rằng Đức sẽ “hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng của Nga” mà không ngờ rằng, những lời ông nói nay đã trở thành sự thật.
Ông Trump đưa ra nhận xét trên trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2018, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Việc phụ thuộc vào một nhà cung cấp nước ngoài duy nhất có thể khiến một quốc gia dễ bị tống tiền và đe dọa”.
Vào thời điểm đó, Đức và Mỹ đã nổ ra những bất đồng gay gắt về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga đến Đức.

Đức khẳng định dự án này hoàn toàn mang tính thương mại, trong khi các quan chức Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng một đường ống mới để gây áp lực địa chính trị lên châu Âu.

Bây giờ, sau bốn năm, đoạn video ông Trump phát biểu với nội dung trên đã gây bão trên mạng xã hội.
Đối với nhiều người, việc nghe lại những lời cảnh báo của ông Trump nghe có vẻ giống  như lời “tiên tri”.

Tăng giá năng lượng
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng vọt trên khắp thế giới, gây ra nỗi đau lớn nhất cho Đức. Trước khi chiến tranh nổ ra, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên của đất nước này đến từ Nga.

Giá năng lượng của Đức lần đầu tiên vượt quá 1.000 USD/mWh vào ngày 29/8, sau nhiều tháng tăng giá đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vào giữa tháng 8, chính phủ Đức đã áp dụng mức thuế đối với khí đốt tự nhiên là 2,4 cent/kWh và sẽ có hiệu lực vào tháng 10 – thời điểm nhu cầu sử dụng tăng vọt để chống chọi với cái buốt giá của mùa đông.

Thủ tướng Olaf Scholz cũng công bố kế hoạch giảm thuế giá trị gia tăng đối với khí đốt tự nhiên từ 19% xuống 7%.

Nord Stream 2 đã bị phá sản sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhấn chìm 11 tỷ USD xuống đáy biển Baltic.

Đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), công ty Nord Stream 2 AG, ngày 1/3 đã nộp đơn xin phá sản và chấm dứt hợp đồng với toàn bộ nhân viên sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dự án này để phản ứng với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
“Nord Stream 2 vỡ nợ do các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhà chức trách Thụy Sỹ đã nhận được thông báo vào ngày 1/3 rằng công ty này đã nộp đơn xin phá sản, đồng thời sa thải toàn bộ 106 nhân viên”, bà Silvia Thalmann-Gut, đại diện cơ quan quản lý kinh tế bang Zug (Thụy Sỹ) – nơi công ty đặt trụ sở – nói với đài phát thanh SRF.

Nord Stream 2, trị giá 11 tỷ USD và dài 1.230 km, dự án được xây dựng nhằm dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu, trong đó tăng gấp đôi lượng cung cấp sang Đức. Dự án này được hoàn tất vào năm ngoái, nhưng chưa thể đi vào hoạt động do chưa được cơ quan chức năng Đức phê chuẩn. Tuần trước, Đức tuyên bố tạm dừng quy trình phê chuẩn này như một biện pháp trừng phạt với Nga sau khi Moscow công nhận độc lập và đưa lực lượng tới hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Vào tháng 7, Gazprom đã tạm dừng hoạt động của tiền thân Nord Stream 2, Nord Stream 1, để bảo trì.

Công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt sang châu Âu. Trong những tuần gần đây, Gazprom đã cắt giảm công suất của đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20%.

Đường ống đã tạm thời ngừng hoạt động để bảo trì vào ngày 31/8.

Ngoại trưởng Đức ‘lắc đầu không tin’
Quay lại thời điểm tháng 9/2018, một thành viên của phái đoàn Đức được mô tả là không chỉ cười mà còn “lắc đầu không tin” vào bình luận của ông Trump.

Người hoài nghi đó là ông Heiko Maas, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả của Đức, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời thủ tướng Angela Merkel.

ài phát biểu năm 2018 của ông Maas tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không đề cập rõ ràng đến bình luận của ông Trump.

Tuy nhiên, ông Maas đã chỉ trích hành động vì khí hậu chỉ dựa trên chủ nghĩa dân tộc, với mục tiêu “đất nước trên hết” (putting my country first) – một câu nói trong chương trình nghị sự Nước Mỹ Trên Hết (America First) của ông Trump.

Ông Maas sau đó nói với các phóng viên rằng tuyên bố của ông Trump liên quan đến đường ống “không phù hợp với thực tế”, nói rằng “Đức không phụ thuộc vào Nga, đặc biệt là không phụ thuộc vào các vấn đề năng lượng”.

The Epoch Times đã liên hệ với ông Maas để xem liệu ông có đánh giá lại các bình luận của ông Trump hay không.

Trong một email ngày 31/8, người phát ngôn của ông Maas nói rằng vị chính trị gia này “sẽ không bình luận về các vấn đề chính sách đối ngoại”.

Thủ tướng Đài Loan: Việc bắn hạ máy bay không người lái gần Trung Quốc là thích đáng

Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương nói hôm 02/9 rằng, việc Đài Loan bắn hạ một máy bay không người lái tiến đến gần một đảo thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc là điều hết sức ‘hợp lý’ vì trước đó Đài Loan đã phát đi cảnh báo nhiều lần. Đồng thời, ông Tô cho biết phía Trung Quốc cần phải ‘kiềm chế’.

Lần đầu tiên, quân đội Đài Loan bắn hạ một máy bay không người lái dân dụng không rõ nguồn gốc đã bay vào không phận của họ gần một hòn đảo gần thành phố Hạ Môn của Trung Quốc hôm 1/9, sau khi chính phủ Đài Loan tuyên bố các biện pháp cứng rắn chống lại tình trạng các cuộc xâm nhập leo thang.

Trung Quốc đáp trả rằng Đài Loan đang cố “làm tăng căng thẳng” về vụ việc, sau khi hòn đảo này phàn nàn về sự quấy rối bằng các máy bay không người lái của Trung Quốc bay gần quần đảo Kim Môn, trong bối cảnh Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan.

Ông Tô nói với các phóng viên rằng Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu Trung Quốc “không xâm phạm ngưỡng cửa của chúng tôi”.

Máy bay không người lái đã bị bắn rơi sau khi tiến vào vùng không phận cấm, gần đảo Sư tử và rơi xuống biển, theo quân đội Đài Loan.

Ông nói thêm, “Họ liên tục lờ đi lời cảnh báo của chúng tôi là phải rời đi, do đó chúng tôi không còn cách nào khác là phải thực thi quyền tự vệ và bắn bỏ. Đây là phản ứng thích hợp nhất sau nhiều lần kiềm chế và cảnh báo”.

Ông Tô nói Trung Quốc cần phải kiềm chế.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ khiêu khích, và chúng tôi sẽ làm điều thích hợp nhất để bảo vệ đất đai và nhân dân chúng tôi”, vẫn lời thủ tướng Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho rằng “nỗ lực làm tăng căng thẳng của đảng cầm quyền Đài Loan không có nghĩa lý gì”.

Truyền thông Đài Loan trích dẫn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc mô tả vụ bắn rơi máy bay không người lái là “cực kỳ lố bịch” và Đài Loan đang cố gắng “tăng cường đối đầu”.

Chiếc máy bay không người lái đã bị bắn rơi sau khi đi vào vùng không phận hạn chế gần đảo nhỏ có tên là Sư tử và đã rơi xuống biển, theo quân đội Đài Loan.

Bộ chỉ huy phòng vệ ở Kim Môn cho biết rằng vào ngày 2/9, lực lượng của họ đã phát hiện thêm hai máy bay không người lái khác và chúng đã “nhanh chóng” bay trở về Hạ Môn sau khi quân đội Đài Loan bắn pháo sáng để cảnh báo, xua đuổi chúng đi.

Hôm 02/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng công bố hình ảnh các binh sĩ trên Kim Môn nhắm vào “súng gây nhiễu” Skynet do Đài Loan phát triển, có thể cắt đứt tín hiệu điều khiển của máy bay không người lái buộc chúng phải hạ cánh. Bộ này cho biết quân đội cũng đang sử dụng súng trường cỡ nòng cao để tấn công máy bay không người lái.

Lực lượng Trung Quốc đã tập trận gần Đài Loan kể từ đầu tháng 8 sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trung Quốc coi Đài Loan có chính quyền dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền Đài Bắc.

Ít nhất hai video về các chuyến đi bằng máy bay không người lái gần đây đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có một video ghi lại cảnh binh sĩ Đài Loan ném đá vào chiếc máy bay này.

Ông Tô nói rằng những video này được thực hiện để “tuyên truyền nội bộ” của Trung Quốc, làm tăng thêm sự tức giận của người dân Đài Loan.

Đài Loan đã bắn cảnh cáo một máy bay không người lái lần đầu tiên vào thứ Ba ngay sau khi Tổng thống Thái Anh Văn cho biết bà đã ra lệnh cho quân đội thực hiện “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” chống lại những gì bà gọi là các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Bà Thái đã ủng hộ ý tưởng “chiến tranh phi đối xứng” để làm cho lực lượng của mình cơ động hơn và khó bị tấn công hơn. Phát biểu qua đường dẫn video tới một diễn đàn ở Praha hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói rằng đó vẫn là trọng tâm.

Ông nói: “Để bảo vệ an ninh và chủ quyền của hòn đảo, Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển năng lực phi đối xứng của mình để khiến cuộc xâm lược qua eo biển trở nên khó khăn và tốn kém”.

Đài Loan đã kiểm soát Kim Môn, nơi gần nhất cách lãnh thổ Trung Quốc vài trăm mét, kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy đến Đài Bắc sau khi thua trong cuộc nội chiến trước những người cộng sản của Mao Trạch Đông vào năm 1949.

Vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc thường xuyên pháo kích vào Kim Môn và các đảo khác do Đài Loan quản lý dọc theo bờ biển Trung Quốc, trong khi các đảo này vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể thì giờ đây chúng cũng là điểm du lịch.
Chính trị gia Nga kêu gọi thay đổi trọng tâm chiến tranh ở Ukraine: Loại bỏ TT Zelensky

Các nhà lập pháp Nga đang kêu gọi “hoạt động quân sự đặc biệt” của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine phải chuyển trọng tâm, theo đó mục tiêu chính sẽ là “loại bỏ” Tổng thống Volodymyr Zelensky và chính quyền của ông.

Hai đại biểu của Duma Quốc gia Nga – Sergei Mironov và Mikhail Sheremet – đã thúc đẩy sự thay đổi trong các bài đăng riêng biệt trong tuần này.

Trong một video lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Tư, ông Mironov nói: “Các hành động khủng bố vẫn tiếp tục. Darya Dugina đã bị giết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bị bắn phá. Có vẻ như hoạt động quân sự đặc biệt tương tự có thể triển khai như một cuộc chiến chống khủng bố.”

Ông Mironov, cũng là người đứng đầu đảng chính trị A Just Russia, nói thêm rằng một trong những mục tiêu chính của nhiệm vụ chống khủng bố là “tiêu diệt các thủ lĩnh băng đảng” và mô tả ông Zelensky là “thủ lĩnh của nhà nước Đức Quốc xã và là một tên khủng bố chủ chốt.”

Vào ngày 25/8, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin ông Mironov cho biết việc thay đổi cục diện cuộc chiến của ông Putin sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga đạt được một trong những mục tiêu của mình.

Ông Mironov cho biết: “Một trong những mục tiêu mà Tổng thống [Putin] đặt ra – phi phát xít hóa Ukraine – sẽ không thể đạt được nếu không thanh lý chế độ khủng bố tội phạm của Zelensky.”

Tương tự, ông Sheremet cũng đề xuất rằng hoạt động của chính quyền Putin ở Ukraine nên tập trung vào “chống khủng bố”.

Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm thứ Tư, ông Sheremet nói rằng Ukraine đã “trở thành một thành trì và điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.”

Đại biểu Duma cáo buộc Kyiv đã “hủy diệt” dân số của mình, pháo kích vào các thành phố yên bình và nhà máy Zaporizhzhia. Ông mô tả những cuộc tấn công này và “những nỗ lực gây hấn chống lại các quốc gia láng giềng” là tội ác.

“Do đó, tôi tin rằng bản chất của hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine nên được thay đổi. Đây không chỉ là một hoạt động đặc biệt nữa mà là một hoạt động chống khủng bố”, ông Sheremet nói và nói thêm rằng Kyiv là mối đe dọa đối với “toàn bộ thế giới văn minh.”

Vào ngày 24 tháng 2, TT Putin thông báo rằng ông sẽ phát động “hoạt động quân sự đặc biệt” để bảo vệ những người đã bị chế độ Kyiv “làm nhục và diệt chủng”.

Tổng thống Nga cho biết chính phủ của Zelensky đang nhắm vào những người ở vùng Donbass của Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tìm cách phi quân sự hóa và phi quốc xã hóa Ukraine, cũng như đưa ra xét xử những kẻ đã gây ra nhiều tội ác đẫm máu chống lại dân thường, bao gồm cả chống lại công dân Liên bang Nga”, ông Putin nói trong bài phát biểu của mình.

Ông Putin và các quan chức Nga khác đã nhiều lần cho rằng Ukraine được lãnh đạo bởi “những kẻ phát xít mới”, mặc dù bản thân ông Zelensky là người Do Thái và có thành viên gia đình bị giết trong diệt chủng Holocaust.

Các chuyên gia quân sự tin rằng mục tiêu cuối cùng của ông Putin là chiếm toàn bộ Donbass và đánh chiếm các khu vực có tầm quan trọng chiến lược khác, bao gồm Kherson, nơi các lực lượng Ukraine đang tiến hành phản công.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã ghi nhận, tính đến ngày 21/8, chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra 13.477 thương vong dân thường ở Ukraine, gồm 5.587 người chết và 7.890 người bị thương.

Những cái chết bí ẩn do “rơi xuống từ cửa sổ” tại Nga

Ravil Maganov, chủ tịch của công ty dầu mỏ Lukoil từng chỉ trích cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đã chết hôm thứ Năm sau khi được cho là rơi từ cửa sổ bệnh viện.

Mặc dù nguyên nhân cái chết của ông Maganov vẫn chưa được xác nhận, nhưng ông là trường hợp mới nhất trong một loạt những người Nga nổi tiếng đã chết trong những hoàn cảnh tương tự.

Lukoil, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga, xác nhận cái chết của ông Maganov liên quan đến “một căn bệnh nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, truyền thông Nga cho biết ông đã được các nhân viên y tế phát hiện tử vong sau khi rơi từ cửa sổ tầng 6 của một bệnh viện ở Moscow.

Đã từng xuất hiện một số trường hợp tử vong khác sau khi rơi từ cửa sổ ở Nga.
Vào tháng 12 năm 2021, Yegor Prosvirnin – người sáng lập trang web chủ nghĩa dân tộc Sputnik và Pogrom – đã qua đời sau khi được cho là rơi từ cửa sổ của một tòa nhà dân cư ở trung tâm Moscow.

Ông được báo cáo đã ném một con dao và bình đựng xăng ra ngoài cửa sổ trước khi rơi, BBC News đưa tin.

Ông Prosvirnin đã ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng sau đó bắt đầu dự đoán về một cuộc nội chiến và sự sụp đổ của Liên bang Nga.

Vào ngày 19 tháng 10 năm 2021, một nhà ngoại giao Nga được tìm thấy đã chết sau khi được báo cáo rơi từ cửa sổ của đại sứ quán Nga ở Berlin, Der Spiegel đưa tin.

Người đàn ông này là thư ký thứ hai tại đại sứ quán, nhưng các nguồn tin tình báo Đức nói với tờ báo rằng họ nghi ngờ ông là một sĩ quan chìm của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).

Cơ quan điều tra Bellingcat cho biết họ đã sử dụng dữ liệu nguồn mở để xác định người đàn ông đã chết là Kirill Zhalo, con trai của Tướng Alexey Zhalo, Phó giám đốc Dịch vụ thứ hai của FSB.

Vào cuối tháng 12 năm 2020, Alexander “Sasha” Kagansky, một nhà khoa học hàng đầu của Nga được cho là đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19 vào thời điểm đó, được phát hiện đã chết với một vết đâm sau khi rơi từ căn hộ cao tầng của mình ở St.Petersburg.

Theo tờ Fontanka của Nga, nghi phạm, một người bạn thời thơ ấu của Kagansky, đã khai với cảnh sát rằng Kagansky đã tự đâm mình sau đó nhảy lầu tự tử.

Cũng có một số báo cáo về các nhân viên y tế rơi xuống từ cửa sổ bệnh viện ở Nga trong đại dịch COVID-19.

Hai bác sĩ người Nga đã tử vong và một người khác bị thương nặng sau cú ngã từ cửa sổ bệnh viện trong khoảng thời gian hai tuần từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2020. Các báo cáo cho biết hai trong số các bác sĩ đã phản đối điều kiện làm việc và người thứ ba bị quy trách nhiệm sau khi đồng nghiệp của cô nhiễm virus.

Và vào tháng 7, Dan Rapoport, một chủ ngân hàng đầu tư người Mỹ gốc Latvia, 52 tuổi và là nhà phê bình thẳng thắn đối với ông Putin, đã qua đời sau cú ngã từ một tòa nhà chung cư sang trọng ở Washington, D.C.

Bạn bè của Rapoport lo sợ rằng ông bị ám sát. Một người nói với tờ The Daily Beast rằng hoàn cảnh về cái chết của ông là “rất đáng ngờ”. Rapoport đã kiếm được nhiều tiền khi làm việc ở Moscow trước khi không được chính phủ Nga ủng hộ, theo các báo cáo.

Đối tác kinh doanh cũ của Rapoport, Sergei Tkachenko, cũng đã rơi xuống sân chung cư ở Moscow vào năm 2017.

SpaceX của ông Elon Musk nhận thêm hợp đồng 1,4 tỷ USD từ NASA
Mới đây, SpaceX đã được NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) đặt hàng thêm 5 sứ mệnh đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) với hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD. Được biết, thoả thuận kéo dài này tới năm 2030, qua đó nâng tổng giá trị các hợp đồng đã ký lên tới gần 5 tỷ USD cho 14 nhiệm vụ du hành vũ trụ.

Thông tin này được NASA cho biết hôm 31/8 vừa qua. Đây là một phần trong nỗ lực của NASA nhằm đảm bảo các chuyến bay đưa phi hành gia đến trạm vũ trụ hoạt động ổn định trong bối cảnh Boeing, công ty cũng có hợp đồng vận chuyển phi hành đoàn tương tự, đã phải vật lộn để hoàn thành việc phát triển Viên nang không gian Starliner.Bước đi mới này đã “cho phép NASA duy trì khả năng đưa con người tiếp cận trạm vũ trụ của Mỹ liên tục cho đến năm 2030, với 2 đối tác thương mại duy nhất trong ngành”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

SpaceX và Boeing từng giành được hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với NASA vào năm 2014 để phát triển, thử nghiệm và phóng các hệ thống khoang có khả năng đưa phi hành gia đến và đi từ ISS, một phòng thí nghiệm nghiên cứu quỹ đạo đã hoạt động trong hơn 2 thập kỷ.

Phi hành đoàn Crew Dragon có thể tái sử dụng của SpaceX đã thực hiện 5 sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên ISS cho NASA kể từ khi nó được cấp chứng chỉ phi hành đoàn vào năm 2020. Tại thời điểm đó, nó trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa con người lên quỹ đạo và hồi sinh chương trình đưa con người vào không gian của NASA sau khi chương trình tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011.

NASA ban đầu trao cho mỗi công ty 6 nhiệm vụ đưa đón phi hành đoàn, nhưng đã đặt hàng thêm 3 nhiệm vụ khác từ SpaceX vào đầu năm 2022 trong bối cảnh Boeing gặp khó khăn về mặt kỹ thuật.

“Vào tháng 12/2021, NASA đã thông báo về việc mở rộng ISS đến năm 2030. Với phần mở rộng này, cần có thêm các nhiệm vụ luân chuyển phi hành đoàn để duy trì nhịp bay an toàn và bền vững trong suốt phần còn lại của các hoạt động theo kế hoạch của trạm vũ trụ”, phía NASA cho hay.

Gần đây, việc duy trì hoạt động của ISS đến năm 2030 là một câu hỏi được đặt ra khi Nga, đối tác chính của Mỹ trên ISS, đã đe dọa cắt đứt hợp tác với trạm vũ trụ trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng.

Tuy nhiên, NASA cho biết rằng họ tự tin rằng trạm vũ trụ sẽ tiếp tục được duy trì hoạt động. Hợp đồng mới đây với SpaceX như một lời khẳng định của NASA về hoạt động của Trạm ISS và thể hiện sự tin tưởng họ vào SpaceX.

“Chúng tôi sẽ cần các sứ mệnh bổ sung từ SpaceX để thực hiện chiến lược của NASA đối với sứ mệnh bay luân phiên mỗi năm một lần”, ông Phil McAllister, Giám đốc không gian thương mại của NASA, cho biết trong một tuyên bố vào tháng 6 về quyết định gia hạn hợp đồng với SpaceX.

Share.

Leave a Reply