Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
September 18, 2022
NEW YORK, New York (NV) — Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Chín, cho phép Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi bài phát biểu được ghi hình trước trong cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới vào tuần tới, theo AP.

Đây là ngoại lệ bởi vì cuộc họp yêu cầu các lãnh đạo phải đích thân xuất hiện. Việc này cũng sẽ không tạo tiền lệ cho các cuộc họp cấp cao trong tương lai.

Phòng họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. (Hình minh họa: Ed Jones/AFP via Getty Images)

Cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc với 193 thành viên kết thúc với kết quả 101 phiếu thuận, bảy phiếu chống và 19 phiếu trắng, bao gồm Trung Quốc. Bảy phiếu chống là của Belarus, Cuba, Eritrea, Nicaragua, Bắc Hàn, Nga và Syria.

Lúc đầu hội đồng bỏ phiếu cho một đề nghị sửa đổi luật, cho phép bất kỳ lãnh đạo nào gặp khó khăn đặc biệt và không thể đến tham dự đều được gửi bài phát biểu ghi hình trước. Nhưng sửa đổi này không được thông qua với 23 phiếu thuận, 67 phiếu chống và 27 phiếu trắng.

Đại Sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya bày tỏ sự hài lòng, cho biết đại hội đồng sẽ có cơ hội được nghe Tổng Thống Zelensky trình bày trực tiếp “ về dự đoán cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, cách ông đánh giá giá tác động của cuộc chiến đối với những vấn đề toàn cầu.” Ông bày tỏ lòng biết ơn với 101 thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thuận và nhận định Nga “thảm hại” khi chỉ có sáu quốc gia khác đồng ý kiến.

Theo lịch, ông Zelensky sẽ phát biểu vào buổi chiều Thứ Tư, 21 Tháng Chín.

Bài phát biểu sẽ nhắc đến nghị quyết của Đại Hội Đồng vào ngày 2 Tháng Ba, sáu ngày sau khi Nga bắt đầu xâm lăng Ukraine, yêu cầu Moscow ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công. Trong phiên bỏ phiếu nghị quyết này, có 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

Ông Philip Reed, cố vấn người Anh, nói rằng việc cho phép ông Zelensky phát biểu trực tuyến là cần thiết vì “Nga xâm lược Ukraine, và tổng thống Ukraine không thể đến New York để tham dự cuộc họp.”

Trong khi đó đại diện của Nicaragua cho biết họ bỏ phiếu chống vì đề nghị này “phản ánh xu hướng chủ nghĩa ngoại lệ” và vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về “sự bình đẳng có chủ quyền của tất cả thành viên.” Người này kêu gọi các thành viên khác phản đối, tránh “tiêu chuẩn kép.”

Năm 2020, cuộc họp tổ chức trực tuyến vì dịch COVID-19. Năm 2021 tổ chức kiểu kết hợp. Nhưng năm nay hội đồng quyết định tất cả lãnh đạo phải phát biểu trực tiếp. (V.Giang)

Share.

Leave a Reply