Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại trụ sở của đảng cầm quyền, LDP, Tokyo, ngày 10/07/2022.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại trụ sở của đảng cầm quyền, LDP, Tokyo, ngày 10/07/2022. AP – Toru Hanai

Trong khi Liên Âu lao đao vì dầu khí Nga, giờ trở thành công cụ trừng phạt của tổng thống Vladimir Putin, Nhật Bản lại thắt chặt hợp tác khai thác dầu khí với nước láng giềng. Việc hai tập đoàn Mitsu và Mitsubishi tham gia dự án khai thác dầu khí Sakhalin 2 cùng với Gazprom cho thấy sự bất đồng giữa chính sách cứng rắn của chính phủ Nhật Bản và các tập đoàn tư nhân ? Hay Tokyo chỉ đoàn kết qua lời nói với phương Tây trong kế hoạch trừng phạt Matxcơva xâm chiếm Ukraina ?

Nhật Bản là một trong những nước hiếm hoi ở châu Á hòa nhịp theo phương Tây trừng phạt Nga ngay ngày ông Putin phát động « chiến dịch quân sự đặc biệt » nhằm « giải trừ phát xít » ở Ukraina. Tokyo « lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược này » và « sẽ không bao giờ tha thứ cho việc đơn phương dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng ». Và để trừng phạt « kẻ xấu » Nga, chính phủ Nhật Bản lần lượt ban hành nhiều biện pháp cấm vận, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh phương Tây.

Giơ cao đánh khẽ

Tuy nhiên, trang Challenges ngày 08/07 lưu ý rằng song song với những phát biểu « đanh thép » chỉ là những biện pháp trừng phạt « mượt như nhung ». Ví dụ Tokyo cấm phát hành, mua bán trái phiếu chính phủ mới của Nga tại Nhật Bản, nhưng trái phiếu kiểu này thường không được trao đổi lúc bình thường. Tương tự, chất bán dẫn cũng bị cấm xuất sang Nga vào lúc mặt hàng này khan hiếm nghiêm trọng kể từ đại dịch Covid-19. Cuối tháng 06, nhóm G7 thống nhất cấm nhập khẩu vàng được Nga sản xuất sau ngày gây chiến ở Ukraina, nhưng trên thực tế Nhật Bản gần như không nhập vàng của Nga, Anh mới là khách hàng lớn nhất của Nga. Dĩ nhiên, phải kể đến các biện pháp phong tỏa tài sản và ngừng cấp thị thực cho nhiều cá nhân và tổ chức Nga, nhưng những biện pháp này có hiệu lực với một số ít.

Trong khi Liên Hiệp Châu Âu xét duyệt hồ sơ thị thực lâu hơn, khó hơn đối với người Nga, tìm phương án thay thế dầu khí Nga, doanh nghiệp phương Tây rút khỏi thị trường Nga, thì những gì Nhật đang làm trên thực tế lại không theo hướng này. Theo thống kê trong tháng 09/2022 của Teikoku Databank Ltd, hơn một nửa doanh nghiệp Nhật Bản phớt lờ những lời kêu gọi rút khỏi Nga. 74/168 doanh nghiệp Nhật Bản vẫn niêm yết trên thị trường chứng khoán Nga, chỉ có 6 doanh nghiệp rút hẳn. Điều này được một chủ doanh nghiệp Nhật giải thích với báo South China Morning Post hôm 31/08 là « người Nhật vẫn thường vô cùng thận trọng, tránh đưa ra mọi lập trường khi không liên quan trực tiếp đến nước này ».

Các doanh nghiệp ở lại thị trường Nga lấy lý do không muốn đội ngũ nhân viên, đồng hành cùng với họ trong nhiều thập niên, bị thất nghiệp và cho rằng « hoạt động của họ ở Nga không có tác động gì đến chiến tranh hay các biện pháp trừng phạt ». Một số khác tỏ ra thận trọng theo dõi vì sợ Nga đơn phương trừng phạt những doanh nghiệp rời nước này và khó trở lại. Đây cũng chính là điểm khác biệt, giải thích cho lập trường bề ngoài cứng rắn, đoàn kết với phương Tây của Tokyo, và khẳng định tầm nhìn trái ngược giữa châu Âu và Hoa Kỳ và các nước châu Á.

Chính sách thực dụng có nguy cơ bị phản tác dụng ?

Nói cách khác, Nhật Bản thực dụng khi áp dụng trừng phạt. Giáo sư quan hệ quốc tế Yakov Zinberg, chuyên về Đông Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo, nhận định Nhật Bản ưu tiên phát triển kinh tế hơn do « Ukraina ở quá xa để người ta nghĩ đến và không thực sự tác động đến cuộc sống thường nhật ». Trong số những doanh nghiệp quyết định ở lại Nga có Mitsubishi Electric, Japan Tobacco, Nitendo, Toridol Holdings và Hitachi. Chính Mitsui và Mitsubishi, vào cuối tháng 08, được chính phủ Nga đồng ý cho tham gia dự án khai thác dầu khí Sakhalin 2 của tập đoàn Nhà nước Sakhalinskaya Energia, với số cổ phần lần lượt là 12,5% và 10%. Tập đoàn Nga Gazprom chiếm hơn 50% cổ phần.

Tokyo hy vọng khoảng 60% của 10 triệu tấn khí đốt được khai thác trên đảo Sakhalin sẽ được xuất dưới dạng khí hóa lỏng, đáp ứng 9% nhu cầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, kinh tế gia trưởng Takayuki Nogami của Viện JOGMEC của Nhật Bản, được trang SPglobal trích dẫn, lưu ý quyết định cho góp vốn khai thác dự án Sakhalin 2 không đồng nghĩa với cam kết cung cấp ổn định khí hóa lỏng cho Nhật Bản. Thứ nhất, có thể là do những bất đồng về chi tiết của hợp đồng. Thứ hai là rủi ro về chính trị vì ngoài Mitsui và Mitsubishi, tập đoàn Shell cũng tham gia dự án, trong khi hai chính phủ Nhật Bản và Anh đều bị Nga coi là « không hữu hảo ».

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Nhật Bản quay gót để tập trung vào lợi ích kinh tế. Theo nhật báo Le Monde, năm 1989, chỉ 4 tháng sau vụ thảm sát tại quảng trưởng Thiên An Môn, Trung Quốc, Nhật Bản đã « bình thường hóa » quan hệ với chế độ cầm quyền Bắc Kinh vì khó bỏ qua được thị trường khổng lồ đang trỗi dậy. (RFI)

Share.

Leave a Reply