Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
October 31, 2022
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi ông Tập Cận Bình “tạo điều kiện thuận lợi” cho nông sản Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc.

“Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam.”

Phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng họp với phái đoàn Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười, 2022. (Hình: TTXVN)

Lời ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, nói với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp ở Bắc Kinh ngày Thứ Hai, 31 Tháng Mười, được các báo tại Việt Nam thuật lại dựa trên bản tin mẫu của TTXVN.

Ông Trọng cũng gián tiếp phàn nàn về những khó khăn rắc rối ở các cửa khẩu phía Bắc đối với nông sản Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là hai năm vừa qua, khi ông kêu gọi: “Duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước.”

Bên cạnh những kiểm soát ngặt nghèo để chống dịch COVID-19, Hải Quan Trung Quốc ngày càng nâng cao các biện pháp kiểm dịch cũng như tiêu chuẩn hàng hóa, sản phẩm nhập cảng vào nước họ. Các công ty nhỏ bé của Việt Nam thường chỉ quen lối xuất nhập cảng “tiểu ngạch” tức hình thức kinh doanh với thủ tục đơn giản, dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp.

Hình thức kinh doanh này mỗi ngày bị Trung Quốc siết chặt, kiểm soát kỹ lưỡng về phẩm chất hàng hóa, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật… trước khi cho thông quan. Hậu quả, hàng ngàn chiếc xe tải, phần lớn là nông sản của Việt Nam, nhiều khi đã kẹt hơn một tháng tại các cửa khẩu với Trung Quốc từ Quảng Ninh đến Lào Cai.

Số lượng xe chở nông sản được thông quan rất ít so với số lượng xe chầu chực chờ đợi. Rất nhiều xe nông sản chờ không nổi vì sợ hư thối phải đổ bỏ, đã phải quay trở về, bán rẻ đâu đó dọc đường với hy vọng vớt vát phần nào tiền vốn. Hà Nội rất nhiều lần họp với phía Bắc Kinh, từ cấp địa phương tới cấp trung ương, hầu cải thiện tình trạng “ùn ứ” hàng hóa tại các cửa khẩu nhưng rất chậm chạp.

Mỗi khi quan chức cấp cao của chính phủ CSVN gặp các đối tác Trung Quốc đều kêu gọi Bắc Kinh giúp thúc đẩy thủ tục thông quan nhanh hơn, mua thêm hàng hóa, đặc biệt là các loại nông sản, và trên hết, giảm bớt thâm thủng mậu dịch cho phía Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng khi gặp ông Tập Cận Bình chỉ lập lại lời kêu gọi cũng từng nhắc đi nhắc lại mà không thấy khá hơn bao nhiêu.

Phái đoàn Tập Cận Bình họp với phái đoàn CSVN ngày 31 Tháng Mười, 2022. (Hình: TTXVN)

Các con số của Tổng Cục Thống Kê, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN, ngày 29 Tháng Mười, 2022, cho thấy, thương mại hai chiều 10 tháng đầu của năm nay giữa Việt Nam với Trung Quốc là $147.7 tỷ. Trong đó, Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam tới $100.7 tỷ trong khi Việt Nam chỉ xuất cảng sang Trung Quốc được $47 tỷ, thâm hụt mậu dịch quá gấp đôi. Dù Hà Nội luôn luôn kêu gọi Bắc Kinh giúp cải thiện cán cân thương mại nhưng ngày càng lún sâu hơn vào sự lệ thuộc.

Tháng Bảy vừa qua, tại cuộc họp kỳ thứ 14 của “Ủy Ban Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc,” người ta đã thấy ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng CSVN, kêu ca hàng hóa, đặc biệt là nông sản, bị kẹt ở các cửa khẩu biên giới. Ông ta đã kêu gọi Trung Quốc “tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, nhất là đối với các loại hoa quả mùa vụ, nông thủy sản của Việt Nam.”

Đáp lại những lời bày tỏ sự sốt ruột của đối tác thương mại lớn hàng thứ sáu của Trung Quốc, bản thông cáo báo chí của Bắc Kinh chỉ ngắn gọn kể là “hai bên sẽ gia tăng xây dựng cửa khẩu và thúc đẩy thông quan hải quan.”

Trong cuộc họp với ông Nguyễn Phú Trọng, báo chí tại Việt Nam thuật lời ông Tập Cận Bình hứa hẹn “sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung-Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn” và “tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc” trong khi thực tế những năm qua đều chứng minh ngược lại.

Trong cuộc họp nói trên, ông Nguyễn Phú Trọng lập lại lời cam kết “luôn luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc” để Bắc Kinh đừng nghi ngờ chế độ Hà Nội ngả về phía Mỹ. (TN)

Share.

Leave a Reply