Sunday, April 28 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Rừng Amazon bị phá để trồng đậu nành tại bang miền tây Mato Grosso (Brazil). Ảnh chụp ngày 4/10/2015.
Rừng Amazon bị phá để trồng đậu nành tại bang miền tây Mato Grosso (Brazil). Ảnh chụp ngày 4/10/2015. REUTERS/Paulo Whitaker/File Pho

Bầu cử tổng thống Brazil diễn ra hôm nay, 02/10/2022. Cuộc bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này có ý nghĩa hệ trọng với môi trường. Theo nhiều nhà quan sát, kết quả bầu cử sẽ quyết định số phận của đại ngàn Amazon, vốn được coi là lá phổi của hành tinh.

Theo đài France 24, sự đối lập giữa hai ứng viên tổng thống về môi trường là hết sức rõ ràng. Tổng thống cực hữu là người hoài nghi về thực tế biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người, tương tự như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nhiệm kỳ của ông Bolsonaro, rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng với nạn cháy rừng phổ biến, đất rừng bị chiếm đoạt làm nơi canh tác, hoạt động khai mỏ được khuyến khích mạnh. Ngược lại, ứng cử viên cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva coi việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các cộng đồng bản địa là trọng tâm.  

Trong cuộc tranh cử, tổng thống mãn nhiệm cũng dùng các luận điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng để thu hút cử tri. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các tuyên truyền của ông Bolsonaro hoàn toàn ngược với hành động của chính phủ ông, một chính phủ bị lên án là chống lại môi trường. Nhà địa lý học François-Michel Le Tourneau, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) khẳng định lập trường thực sự của chính phủ Bolsonaro là ‘‘chủ nghĩa tự do triệt để’’ (ultra-libéralism), với ông ta, ‘‘mọi luật có lợi cho môi trường đều ngăn cản hoạt động sản xuất’’.  

Đầu tháng 9 vừa qua, liên minh các tổ chức bảo vệ môi trường Amazon (RAISG), và Liên hiệp các tổ chức bản địa của vùng lưu vực Amazon (COICA) đã ra một báo cáo, với kết luận : Đại ngàn Amazon đang biến chuyển ghê gớm đến mức sắp đạt đến điểm ‘‘không thể vãn hồi’’. Có nghĩa là, một khi điểm này đã bị vượt qua, rừng Amazon sẽ không còn là đại ngàn, không còn khả năng tái sinh. Amazon sẽ chuyển thành một hệ sinh thái cằn cỗi, tương tự như một dạng đồng cỏ hoang vu.

Đậu nành Brazil thế đậu nành Mỹ: Một thủ phạm của nạn phá rừng  

Đại ngàn Amazon bị khai thác với quy mô ghê gớm từ nhiều thập niên nay, chứ không chỉ riêng từ thời Bolsonaro. Tính cho đến nay, diện tích đất rừng khai thác phục vụ nông nghiệp tăng gấp ba lần từ năm 1986, chịu 84% trách nhiệm trong việc tàn phá rừng Amazon. Hoạt động phá rừng càng được thúc đẩy mạnh dưới thời tổng thống Bolsonaro. Theo Greenpeace, các ngành công nghiệp thực phẩm đã thỏa sức đốt rừng lấy đất cho nông nghiệp, kể từ khi ông Bolsonaro lên cầm quyền, đặc biệt cho việc trồng đậu tương (đậu nành) và chăn nuôi. Đơn cử, tháng 8/2022, hơn 33.000 điểm đốt rừng được ghi nhận, cao nhất kể từ năm 2010, và gần 17.000 vụ chạy được ghi nhận kể từ đầu tháng 9, trong vòng một tuần lễ.

Chính sách của chính quyền Bolsonaro cũng liên quan đến hoàn cảnh chính trị – thương mại quốc tế. Ngay từ năm 2019, giới môi trường đã xác nhận là cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc của cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây tổn hại nghiêm trọng cho đại ngàn Amazon. Việc Hoa Kỳ đơn phương tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc, dẫn đến các trả đũa đối với đầu nành Hoa Kỳ (mặt hàng truyền thống của Trung Quốc), khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải gia tăng nhập khẩu đậu nành từ Brazil, thay thế đầu nành Mỹ bằng đậu nành Brazil.

Lula nói không với nạn phá rừng bất hợp pháp  

Ngược lại với ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm, ứng cử viên cánh tả Lula đã đưa ra một cương lĩnh không khoan thứ việc phá rừng. Chính sách bảo vệ môi trường triệt để của ứng viên Lula – người từng làm tổng thống Brazil trong hai nhiệm kỳ (từ 2003 đến 2010) – có đáng tin cậy không ?

Ít tuần lễ trước cuộc bỏ phiếu, ông Lula đã hòa giải với cựu bộ trưởng Môi Trường Marina Silva, một người có uy tín lớn trong hoạt động bảo vệ môi trường tại Brazil. Năm 2008, tổng thống Lula ‘‘cắt đứt’’ với bộ trưởng Môi Trường Marina Silva, sau khi bà Silva phản đối dự án xây đập khổng lồ Belo Monta trong rừng Amazon.

Trên thực tế, theo France 24, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Lula năm 2003, số lượng rừng Amazon bị phá hủy đã đạt mức kỷ lục, 27.772 km² bị tàn phá, gấp đối diện tích rừng bị tàn phá năm 2021 dưới thời Bolsonaro (hơn 13.000 km²). Tuy nhiên, sau đó, chính quyền Lula giảm mạnh rừng bị phá đến mức lịch sử vào năm 2010 (khi ông từ giã chức vụ): thấp hơn bốn lần so với năm 2003.

Kỳ vọng 76.000 km² rừng có thể cứu được, nếu Lula đắc cử 

Theo điều tra dự báo của Viện Quốc tế IIASA (Institut international pour l’analyse des systèmes appliqués), Đại học Oxford và INPE cho Carbon Brief, một cơ sở tư vấn chính sách môi trường có trụ sở tại Anh, nếu Lulan lên cầm quyền, đại ngàn Amazon sẽ tránh mất đi 75.600 km² rừng từ nay đến 2030, tương đương với diện tích của Panama.

Theo chuyên gia Pháp François-Michel Le Tourneau, nếu Lula đắc cử và chính phủ Brazil kiên quyết thực thi chính sách bảo vệ rừng thì đây là một bước tiến lớn, vì các luật bảo vệ môi trường của Brazil về cơ bản đã có.

Tuy nhiên, theo nhà sử học Nathalia Capellini, Viện IHEID, chuyên về phát triển, có trụ sở ở Genève, nếu Lula đắc cử, con đường hành động để cải thiện tình hình tại rừng Amazon còn đầy chông gai. Trong cuộc bầu cử hôm nay, các cử tri Brazil cũng sẽ chọn ra một Quốc Hội mới. Điều quan trọng còn nằm ở thành phần Quốc Hội Brazil mới. Nhìn chung ‘‘giới vận động hành lang ủng hộ phá rừng có ảnh hưởng rất mạnh’’, và giới này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến chính sách tương lai với môi trường trong cả hai trường hợp, Lula hay Bolsonara đắc cử(RFA)

Share.

Leave a Reply