Tuesday, May 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Ngày 4 tháng 10, 2022
Liên Hiệp Quốc: Việt Nam có nhiều bất cập trong thực thi quyền trẻ em

  • Nỗ lực biện bác của đoàn Việt Nam không hiệu quả

Mạch Sống, ngày 4 tháng 10, 2022

http://machsongmedia.org

Ngày 29 tháng 9 Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em công bố các nhận xét kết luận về buổi rà soát Việt Nam về thực thi Công Ước LHQ về Quyền Trẻ Em. Bản nhận xét kết luận dài 17 trang chỉ ra những lĩnh vực đáng quan tâm và đưa ra các khuyến nghị liên quan.

“Uỷ ban này đã không bị phân trí bởi các phát biểu dài dằng dặc và những thông tin và con số gây ấn tượng của đoàn chính phủ Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận xét. “Thay vì trả lời vào đề các câu hỏi chi li và cụ thể của các thành viên của uỷ ban, đoàn Việt Nam chỉ đọc các tài liệu đã thảo sẵn; điều này không qua mắt được các chuyên gia của LHQ.”

Tại cuộc rà soát, đoàn Việt Nam nêu ra nào là Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ và Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em là các cơ chế giám sát việc thực thi công ước. Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em hiểu rõ rằng chúng không thực sự độc lập với đảng cộng sản và nhà nước. Uỷ ban do đó “hối thúc quốc gia thành viên [Việt Nam] nhanh chóng thiết lập một cơ chế độc lập để giám sát quyền của trẻ em phù hợp cách đầy đủ với các nguyên tắc liên quan đến tình trạng của các định chế quốc gia nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền (các Nguyên Tắc Paris) và có khả năng tiếp nhận, điều tra và giải quyết các khiếu nại bởi trẻ em một cách thân thiện với trẻ em.”

Hình 1 – Đoàn Việt Nam tại cuộc rà soát về thực thi Công Ước LHQ về Quyền Trẻ Em, ngày 12 và 13 tháng 9, 2022

Uỷ Ban còn bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” về môi trường mà các tổ chức xã hội dân sự và các người bảo vệ nhân quyền, bao gồm người bảo vệ quyền trẻ em, phải đối mặt ở Việt Nam. Các khuyến nghị của uỷ ban bao gồm bảo đảm các tổ chức xã hội dân sự và người bảo vệ nhân quyền có đầy đủ quyền tự do biểu đạt và quan điểm mà không bị sách nhiễu; thiết lập các cơ chế để các nhóm trẻ em và các tổ chức phi chính phủ phục vụ trẻ em có thể đóng góp cho việc làm luật và giám sát việc thi hành luật cũng như việc thực thi các chương trình phục vụ trẻ em; điều tra nhanh chóng và rốt ráo mọi cáo buộc về hăm doạ và đe doạ nhắm vào các người bảo vệ nhân quyền.

“Điều này cho thấy uỷ ban của LHQ không tin vào các con số như hơn 93 nghìn hội địa phương, 600 hội cấp quốc gia và 750 tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động ở Việt Nam,” Ts. Thắng giải thích. “Họ biết rõ là các hội đoàn Việt Nam này đều bị kiểm soát bởi Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay của đảng cộng sản.”

Trước cuộc ra soát, BPSOS đã nộp một bản báo cáo cho uỷ ban, chỉ ra rằng mọi tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động ở Việt Nam đều bị giám sát bởi Liên Hiệp Các Tổ Chức Hữu Nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations, VUFO) trực thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

“Mọi cấp khoản có nguồn gốc ngoại quốc đều phải thông qua tổ chức này. Nghĩa là, muốn hoạt động ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đều phải nép mình, uốn lưỡi và ngậm miệng về những vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng ở Việt Nam,” Ts. Thắng nói.

Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em quan tâm đặc biệt đến tình trạng phân biệt đối xử đối với trẻ em thuộc các cộng đồng bản địa như Khmer Krom, Hmong và Thượng, đặc biệt là các gia đình theo những tôn giáo không được nhà nước công nhận. Trong bản nhận xét kết luận, uỷ ban chỉ ra là nhiều trẻ em thuộc các nhóm dân tộc này không được cấp giấy khai sinh vì cha mẹ không có giấy tờ tuỳ thân, không có hộ khẩu; các trẻ em này không được hưởng những quyền lợi tối thiểu như được chăm sóc sức khoẻ, được đi học. Điều này tương phản với tuyên bố của đoàn Việt Nam tại cuộc rà soát rằng mọi trẻ em ở Việt Nam đều được đăng ký khai sinh.

Uỷ ban khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi luật để tôn trọng quyền tụ họp ôn hoà và quyền lập hội cũng như tu chính luật an ninh mạng để bảo đảm quyền tự do biểu đạt của trẻ em và những người bảo vệ quyền trẻ em.

Tại cuộc rà soát, khi bị chất vấn về trường hợp của những nữ tù nhân lương tâm có con dưới 3 tuổi, đoàn Việt Nam giải thích rằng phụ nữ bị kết án tù được tạm hoãn thi hành án nếu có con dưới 36 tháng tuổi ngoại trừ liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tội phạm có tổ chức. Uỷ ban tỏ ra không được thuyết phục bởi lời giải thích này nên trong phần nhận xét kết luận đã yêu cầu Việt Nam thực thi đúng với luật hình sự của mình.

Ở gần cuối danh sách khuyến nghị, uỷ ban nêu quan ngại về tình trạng buôn bán trẻ em làm nô lệ và nhận xét rằng luật hình sự của Việt Nam bất cập với Điều 3(c) của Nghị Định Thư Palermo của LHQ về phòng, chống buôn người mà Việt Nam đã ký năm 2011. Theo đó, trẻ em được định nghĩa là 18 tuổi trở xuống, trong khi Điều 151 của Luật Hình Sự Việt Nam lại định nghĩa là 16 tuổi trở xuống.

“Bất cập này cũng được nêu lên trong bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về nạn buôn người được công bố ngày 19 tháng 7 vừa qua,” Ts. Thắng nói. “Chúng tôi đã cung cấp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và LHQ thông tin về nhiều trẻ em dưới 18 tuổi đã bị buôn sang Ả Rập Xê Út qua chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam, và đây là một lý do để năm nay Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người.”

Đóng góp cho cuộc rà soát diễn ra ngày 12 và 13 tháng 9 ở Geneva, BPSOS đã nộp tổng cộng 10 bản báo cáo cho Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em với các hồ sơ cùng chứng cứ cụ thể. Ngoài ra, BPSOS và nhóm lãnh đạo trẻ trong chương trình NextGen của BPSOS đã có 3 buổi họp riêng với một số thành viên của uỷ ban này.

BPSOS đã cử 3 người tham dự cuộc rà soát vừa qua: nhà báo Song Chi từ Anh Quốc, nhà tranh đấu nhân quyền Lữ Thị Tường Uyên từ Hoà Lan, và cô Tanya Nguyên-Đỗ đại diện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đến từ Hoa Kỳ. Tại Geneva, họ đã tiếp xúc riêng với một số thành viên và nhân viên của Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em cũng như một số chuyên gia của LHQ về các lĩnh vực nhân quyền khác nhau.

Thông tin liên quan:

Các nhận xét kết luận của Uỷ Ban LHQ về Quyền Trẻ Em (tiếng Anh): https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=2503&Lang=en

Chương trình phỏng vấn của RFA: Sự thật đằng sau những con số “tô hồng” của Việt Nam về quyền trẻ em

https://www.youtube.com/watch?v=x3u5qrDw41w

Share.

Leave a Reply