Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 8, 2022
Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ gay cấn chưa từng thấy ở Mỹ sắp kết thúc. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa, cử tri sẽ biết kết quả sơ bộ đảng nào sẽ giành được đa số ghế ở Hạ Viện, ở Thượng Viện, và ở 36 tiểu bang bầu lại thống đốc trong đợt này.

Người ta dự đoán đảng Cộng Hòa sẽ giành thắng lợi trước đảng Dân Chủ. (Hình minh họa: Samuel Corum/Getty Images)

Cho đến cuối ngày bỏ phiếu, các tổ chức thăm dò ý kiến cử tri và cơ quan truyền thông vẫn dự đoán đảng Cộng Hòa sẽ giành thắng lợi trước đảng Dân Chủ. Họ dựa vào một tiền lệ lịch sử là đảng của tổng thống đương nhiệm thường bị thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Họ cũng dựa vào tâm lý thích thay đổi của công chúng Mỹ: Sau hai năm đảng Dân Chủ nắm quyền điều hành quốc gia từ Tòa Bạch Ốc và đa số trong lưỡng viện Quốc Hội, cử tri Mỹ muốn “đổi món.” Cuộc thăm dò của hãng Reuters/Ipsos ngay trước ngày bầu cử ghi nhận chỉ có 39% cử tri tán thành cung cách điều hành của Tổng Thống Joe Biden và đảng Dân Chủ, hai phần ba số người Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng.

Các chiến lược gia của đảng Cộng Hòa khai thác rất hiệu quả tâm lý thích thay đổi này. Chiến dịch vận động tranh cử của họ tập trung vào nỗi thất vọng của cử tri trước tình hình vật giá leo thang, tội phạm gia tăng trên khắp nước Mỹ, và khủng hoảng di dân ở biên giới để đổ lỗi cho đảng Dân Chủ và chính quyền Biden. Trên các quảng cáo tranh cử của đảng Cộng Hòa, các thông điệp về lạm phát xói mòn túi tiền của mọi người được nhắc đi nhắc lại, gây cho cử tri tâm lý bi quan về một nền “kinh tế Mỹ suy yếu.”

Lạm phát là có thật, tội phạm gia tăng cũng có thật, nhưng đổ lỗi cho chính quyền Biden là không đúng. Lạm phát là hiện tượng toàn cầu do nhiều nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ. Tội phạm gia tăng đi liền với tình trạng súng đạn lan tràn và tâm lý bất ổn của nhiều kẻ cực đoan, chỉ muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Về kinh tế, sau cuộc suy thoái nặng vì đại dịch, kinh tế Mỹ đã phục hồi khá vững chắc. Lạm phát cao là xu thế chung nhưng lạm phát của Mỹ vẫn chưa bằng một số nước công nghiệp khác như Tây Ban Nha, Anh, hay Hòa Lan. Hãng tin tài chính Bloomberg hôm Thứ Hai, 7 tháng Mười Một đánh giá, dựa theo 15 thước đo về hoạt động kinh tế thì tại thời điểm giữa kỳ, chính quyền Biden đã làm tốt hơn sáu trong số bảy tổng thống tiền nhiệm của ông, đặc biệt trong các lĩnh vực như tạo công việc làm mới, khuyến khích sản xuất công nghiệp, và giảm thâm hụt ngân sách.v.v…

Về tội phạm, các chính sách và diễn ngôn của đảng Cộng Hòa có phần trách nhiệm, và theo nghiên cứu của giới chuyên gia, mức độ tội phạm tính theo đầu người ở những tiểu bang đỏ bỏ phiếu cho ông Donald Trump năm 2020 thì cao hơn tới 40% so với những tiểu bang xanh bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Trong lúc phê phán nặng nề chính quyền hiện hành thì đảng Cộng Hòa không đưa ra được giải pháp của họ cho các vấn đề lạm phát và tội phạm.

Trong khi đó, đảng Dân Chủ bộc lộ một sự chia rẽ nội bộ gay gắt. Càng gần ngày bầu cử, đảng Dân Chủ càng tập trung cảnh báo mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, khích lệ cử tri coi lá phiếu của họ là đóng góp duy trì nền dân chủ lâu đời của quốc gia. Nhưng đã muộn, những diễn ngôn hùng hồn về tự do, dân chủ, trách nhiệm công dân không xoa dịu được nỗi lo cơm áo của cử tri quanh chiếc bàn ăn trong nhà bếp.

***

Phải vài ngày, thậm chí vài tuần nữa, người Mỹ mới biết chính xác kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Dự báo sẽ có nhiều vụ tranh chấp và kiện tụng. Dù kết quả bầu cử như thế nào, thì nó cũng ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách kinh tế, đối ngoại, đến các chương trình xã hội như Medicare, chính sách môi trường và khí hậu, đến quyền tự do cá nhân và quyền sinh sản của phụ nữ. Dù cho đảng nào lên cầm quyền thì những sự thay đổi chính sách đó cũng sẽ có tác động đến cuộc sống của mọi người.

Những người lạc quan cho rằng, nếu đảng Cộng Hòa giành được đa số trong Quốc Hội như dự đoán thì đó là điều tốt vì nó giúp đưa nước Mỹ ra khỏi tình trạng “độc đảng,” có một đảng đối lập nắm quyền kiểm soát Quốc Hội để làm đối trọng với hành pháp của đảng Dân Chủ, kiểm soát và cân bằng quyền lực theo đúng tinh thần “tam quyền phân lập.”

Một mặt trái của sự phân quyền là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ và tê liệt của chính trường Mỹ khi hai nhánh hành pháp và lập pháp không tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề quốc gia đại sự. Qua phát ngôn của các ứng cử viên, người ta e rằng Hạ Viện do Cộng Hòa kiểm soát sẽ ngăn chặn những dự luật mà đảng Dân Chủ ưu tiên như quyền sinh sản, chăm sóc trẻ em hoặc chương trình chống biến đổi khí hậu. Đảng Cộng Hòa cũng sẽ hành động để giảm nợ công quốc gia và thực hiện những cuộc điều tra gây tranh cãi về chính quyền Biden và gia đình ông.

Trong hai năm đầu, Tổng Thống Biden đã thúc đẩy được một số đạo luật có tác động lớn để đối phó với đại dịch COVID-19, tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu, và gia tăng sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ trước đối thủ Trung Quốc. Nếu may mắn mà đảng Dân Chủ giữ được thế đa số tại Hạ Viện, ông Biden hy vọng sẽ tiếp tục đưa ra những đạo luật mới cấm mua bán súng trường tấn công, cải thiện quyền bầu cử cho người thiểu số, và đưa thành quyền hiến định việc lựa chọn sinh sản của phụ nữ trên toàn quốc. Còn nếu chẳng may trở thành tổng thống “vịt què” (lame duck) ông Biden chắc chắn vẫn sẽ tìm cách thực hiện các chương trình đã thông qua, dưới sự giám sát ngặt nghèo của đảng Cộng Hòa.

Những người bi quan hơn cho rằng, thắng lợi của đảng Cộng Hòa – nhất là đảng Cộng Hòa MAGA đi theo sự dẫn dắt của cựu Tổng Thống Donald Trump – nước Mỹ có thể bị rơi vào chế độ chuyên chế kiểu mới, giống như Hungary hiện nay. Đó là một nền dân chủ chỉ tồn tại trên giấy trong khi thực chất là một chế độ chuyên chế đề cao chủ nghĩa quốc gia dân tộc vị chủng (ethnonationalism), đặt lợi ích dân tộc lên trên nghĩa vụ quốc tế.

Đảng Cộng Hòa không che giấu việc họ coi Hungary là một mẫu mực để theo đuổi. Họ ca tụng Thủ Tướng Viktor Orban và mời ông đến làm diễn giả chính tại hội nghị chính trị của đảng Cộng Hòa, bất chấp việc Liên Minh Châu Âu (EU) coi Hungary như một kẻ phá bĩnh, chuyên thọc gậy bánh xe mỗi khi EU đưa ra một chính sách đối ngoại quan trọng nào đó, như chính sách giải quyết vấn đề di dân, chính sách năng lượng hoặc việc ủng hộ Ukraine.

Nhà bình luận Paul Krugman của nhật báo The New York Times, một giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel, thậm chí còn cho rằng, nếu nước Mỹ rơi vào sự cai trị độc đảng thì sẽ tệ hại hơn, xấu xí hơn những gì đang thấy ở Hungary. “Nếu MAGA thắng, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình mong ước chế độ cai trị của họ sẽ bao dung dung hơn, nhân hậu hơn và không bạo động như chế độ của Orban hiện hành,” ông Krugman viết.

Với những người tị nạn đã chọn nước Mỹ làm quê hương, sự kiện nước Mỹ bị chia rẽ và tê liệt là chuyện buồn và thất vọng. Nếu sau bầu cử, những kẻ Cộng Hòa cực đoan lên nắm quyền và đưa đường lối đối ngoại của Washington thay đổi theo hướng “Nước Mỹ trên hết” (America First), thì có thể các nhà độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un được khích lệ để thêm liều lĩnh trong mưu đồ bành trướng. Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng khối thiểu số Hạ Viện, người có kế hoạch lên thay bà Nancy Pelosi trong cương vị chủ tịch Hạ Viện, đã tuyên bố nếu giành được Hạ Viện, đảng Cộng Hòa sẽ giảm hoặc chấm dứt viện trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine – tuyến đầu của cuộc chiến tranh giữa dân chủ và độc tài như Tổng Thống Biden nhiều lần nhấn mạnh. Nếu viện trợ của Mỹ bị cắt, thất bại của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là chắc chắn.

Triển vọng về một nước Việt Nam tự do và dân chủ dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ xem ra cũng xa vời hơn. Tất cả tùy vào lá phiếu mà cử tri Mỹ lựa chọn hôm nay. [đ.d.]

Share.

Leave a Reply