Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :28//11/2022

Anh chuyển giao tên lửa dẫn đường hiện đại bằng laser cho Ukraine



Mới đây, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận đã cung cấp cho Ukraine loại tên lửa dẫn đường hiện đại bằng laser có tên Brimstone 2, qua đó phớt lờ hàng loạt những cảnh báo của Moscow về nguy cơ xảy ra xung đột trực diện giữa NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và Nga, theo tờ RT.

Cụ thể, hôm 27/11 vừa qua, Bộ Quốc phòng Anh đã đăng tải một đoạn video trên mạng xã hội Twitter, trong đó cho thấy ít nhất một kiện hàng tên lửa có độ chính xác cao được chuyển từ căn cứ Brize Norton của Lực lượng Không quân Hoàng gia tại Oxfordshire đến một sân bay không được tiết lộ. Bộ trên cho biết các tên lửa này là một phần trong gói viện trợ của Anh nhằm hỗ trợ Ukraine đẩy lùi đà tiến công của Nga trong cuộc tấn công nhắm vào nước láng giềng. Giới chức đồng thời xác nhận quá trình chuyển giao đã diễn ra trong một thời gian.

“Gói viện trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những cuộc tiến công của Nga”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trên Twitter.


Các hãng truyền thông đưa tin rằng lực lượng Anh đã bắt đầu cung cấp phiên bản trước đó của tên lửa Brimstone cho Ukraine vào mùa xuân năm ngoái. Brimstone 2 tiên tiến hơn nhiều so với Brimstone và có tầm bắn gấp 3 lần so với phiên bản trước đó. Loại tên lửa này được thiết kế phóng từ máy bay để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa này trên các xe tải thích nghi, chủ yếu nhắm vào xe tăng và các phương tiện bọc thép khác.

Trong chuyến thăm Kyiv vào đầu tháng này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiết lộ gói viện trợ quân sự mới trị giá 60 triệu USD cho Ukraine. Mỗi chiếc tên lửa Brimstone 2 có giá khoảng 210.000 USD.

Ông Sunak cũng tuyên bố rằng Anh có thể tăng viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2023. Ông cho hay: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Anh sẽ sát cánh cùng Ukraine trong thời gian dài nhất có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự cho quốc gia này vào năm tới. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp những khoản viện trợ mới cho lực lượng phòng không, để bảo vệ người dân Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Bảo vệ Ukraine cũng là bảo vệ chính chúng tôi”.

Thủ tướng Anh Sunak cam kết duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, và sẵn sàng đối đầu với các đối thủ quốc tế “không phải bằng sự những lời hùng biện khoa trương mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ”.

Sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với Ukraine vẫn không thay đổi, bất chấp những bất ổn trong những tháng gần đây khi Anh liên tiếp thay đổi thủ tướng, từ ông Vladimir Johnson sang bà Liz Truss và sau đó là ông Sunak.

Dù vậy, một số đảng viên Đảng Bảo thủ nhận thấy, ông Sunak ít có xu thế đối đầu với Trung Quốc hơn bà Truss – mặc dù cuộc gặp dự kiến giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng này ở Bali đã thất bại. Hồi tuần trước, London còn cấm sử dụng camera an ninh do Trung Quốc sản xuất tại các tòa nhà văn phòng chính phủ nhạy cảm.

“Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng tôi sẽ không chọn giữ nguyên hiện trạng. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ khác đi,” ông Sunak cho biết trong đoạn trích bài phát biểu do văn phòng của ông công bố về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của mình.

Tân Thủ tướng Anh nêu rõ, các ưu tiên của ông sẽ là “tự do, cởi mở và pháp quyền”.

Về Ukraine, ông Sunak chỉ ra rằng, không có sự thay đổi nào với chính sách mà ông Johnson và bà Truss theo đuổi.

Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng cường viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không của họ.”

Hồi tháng 9, Anh tuyên bố họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Hoa Kỳ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) trong năm nay.

Ngoài ra, ông Sunak nhận định, Anh cần thực hiện cách tiếp cận dài hạn giống như các đối thủ cạnh tranh của mình (tuy nhiên ông không nêu tên trực tiếp trong phần trích dẫn bài phát biểu); và rằng Anh nên thực hiện “một bước nhảy vọt mang tính cách mạng” trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình.

“Điều đó có nghĩa cần xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn ở trong nước – bởi vì đó là nền tảng sức mạnh của chúng ta ở nước ngoài. Và điều đó cũng có nghĩa là cần phải trụ vững trước các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, không phải bằng những lời hùng biện khoa trương, mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ,” ông nhấn mạnh.

Trước đây, ông Sunak từng mô tả Trung Quốc là một “thách thức mang tính hệ thống” và là “mối đe dọa quốc gia lớn nhất đối với an ninh kinh tế của chúng ta”.

Mỹ đặt sở chỉ huy Lực lượng Không gian tại Hàn Quốc


Hoa Kỳ tăng cường Lực lượng Không gian tại châu Á – Thái Bình Dương để sẵn sàng đối phó với các đe dọa tên lửa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo tin từ Seoul, sở chỉ huy thứ hai của Binh chủng Không gian của Mỹ ở nước ngoài sẽ được bố trí tại Hàn Quốc.  

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn một số nguồn tin cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc hôm qua, 26/11/2022, cho hay bộ Quốc Phòng Mỹ dự kiến lập một sở chỉ huy của Binh chủng Không gian đặt dưới quyền của tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc USFK. Kế hoạch dự kiến sẽ được triển khác trước cuối năm nay.  

Việc lập sở chỉ huy Binh chủng Không gian Mỹ tại Hàn Quốc cho phép phát hiện và theo dõi kịp thời các phương tiện hoạt động ở tầng trên cùng của khí quyển, trước hết là các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Sở chỉ huy Binh chủng Không gian ở Hàn Quốc trong tương lai sẽ kết nối với bộ Chỉ Huy Binh chủng Không gian tại Mỹ, và các lực lượng Không gian Mỹ thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua mạng quân sự mang mã số C4i, nhằm ‘‘chia sẻ các thông tin trong thời gian thực liên quan đến các hoạt động hạt nhân và tên lửa’’ của Bình Nhưỡng.  

Kim Jong Un : Bắc Triều Tiên sẽ có lực lượng hạt nhân ‘‘mạnh nhất thế giới’’
Về phía Bình Nhưỡng, Reuters dẫn thông tin của hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, hôm nay, 27/11, theo đó lãnh đạo Kim Jong Un thông báo Bắc Triều Tiên có kế hoạch xây dựng lực lượng hạt nhân “mạnh nhất thế giới’’ trong thế kỷ này. Tuyên bố của Kim Jong Un được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng vừa loan báo đã bắn thử một tên lửa liên lục địa mới hôm 18/11.  

Tên lửa Hwaseong-17, về lý thuyết, có khả năng tấn công nước Mỹ, theo KCNA. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Bắc Triều Tiên vẫn chưa chứng minh được là đã làm chủ được công nghệ đặt đầu đạn hạt nhân trong tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng vượt qua an toàn bầu khí quyển khi trở lại Trái đất.  

Cũng trong tháng này, bộ Quốc Phòng Mỹ đã lập sở chỉ huy đầu tiên thuộc Binh Chủng Không gian ở nước ngoài tại quần đảo Hawaii. Sở chỉ huy Lực lượng Không gian chính thức ra mắt tại căn cứ H. M. Smith, ngày 22/11. Mạng Space News, dẫn lời tướng David Thompson, phó tư lệnh Binh chủng Không gian Mỹ cùng ngày, nhấn mạnh là quyết định thành lập sở chỉ huy Lực lượng Không gian của Mỹ tại khu vực này nhằm đối phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng dự kiến lập thêm một sở chỉ huy thuộc Binh chủng Không gian tại vùng Trung Đông trước cuối năm nay. 

Kiev lập sáng kiến ”Ngũ Cốc Ukraina” hỗ trợ nước nạn nhân khủng hoảng lương thực


Ngày 26/11/2022, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tổ chức hội nghị cấp cao với các quốc gia đồng minh, nhằm khởi động kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc trị giá 150 triệu đô la cho các nước dễ bị ảnh hưởng do nạn đói và hạn hán.

Khi phát biểu sáng kiến « Ngũ cốc Ukraina » cho thấy vấn đề an ninh lương thực toàn cầu « không chỉ là những lời suông », tổng thống Ukraina còn nhằm đáp trả chỉ trích từ điện Kremlin cho rằng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Biển Đen của Ukraina theo một kế hoạch do Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã không đến được các quốc gia dễ bị tác động nhất.

Tổng thống Zelensky cho biết, Kiev đã huy động được 150 triệu đô la từ hơn 20 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu để xuất khẩu lương thực sang các nước như Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Somalia, Congo, Yemen và nhiều nước khác. Cũng theo ông Zelensky, Ukraina có kế hoạch gởi « ít nhất 60 tầu chở lương thực đến các quốc gia đối mặt với nguy cơ đói kém và hạn hán nhiều nhất ».

Hội nghị cấp cao ngày hôm qua có sự tham dự trực tiếp của thủ tướng các nước Bỉ, Ba Lan, Litva và tổng thống Hungary. Thủ tướng Đức, tổng thống Pháp và lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu có bài phát biểu qua video.

Kết thúc cuộc họp, thông cáo chung khẳng định kể từ ngày Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina, nguồn cung lương thực cho thế giới đã bị giảm mất 10 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021. Thông cáo viết : « Điều này có nghĩa là an ninh lương thực cho hàng triệu người dân trên toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng », do Nga trước đó đã cho phong tỏa các cảng của Ukraina trong cuộc xung đột. Các bên tham dự bày tỏ hy vọng « cùng nhau khắc phục những hậu quả kinh tế và nhân đạo của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do cuộc chiến xâm lược của Nga nhắm vào Ukraina gây ra. »

Tuyết bắt đầu rơi, các chiến dịch quân sự chậm lại

Vào lúc hôm nay, 27/11/2022, tuyết bắt đầu rơi dày đặc tại Kiev, hàng triệu người dân Ukraina vẫn chưa có điện, và các nguồn năng lượng sưởi ấm khác. Trong bài phát biểu truyền hình, tổng thống Zelensky cho biết bất chấp các nỗ lực sửa chữa mạng lưới điện, việc cung cấp điện vẫn chưa ổn định. Hệ quả là việc hạn chế tiêu thụ vẫn được áp dụng tại nhiều khu vực.

Trên chiến trường, điều kiện thời tiết xấu đã làm cho nhịp độ các chiến dịch quân sự bị chậm lại những ngày gần đây, theo như báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW) của Mỹ. Theo các báo cáo từ Nga và Ukraina, mưa tuyết và bùn dày đặc đang cản trở các cuộc tiến quân từ quân đội hai phía. Cơ quan cố vấn này dự báo, nhịp độ chiến dịch quân sự sẽ tăng tốc trở lại trong những tuần tới « khi nhiệt độ giảm và nền đất đóng băng tại các mặt trận ». 

Thỏa thuận “lịch sử” giữa chính quyền và đối lập Venezuela, Mỹ nới lỏng cấm vận

Ngày 26/11/2022, tại Mêhicô, chính quyền Venezuela và phe đối lập đã ký « một thỏa thuận bán phần thứ hai về mặt bảo trợ xã hội ». Đây là một bước tiến mới trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại Venezuela, khiến hơn 7 triệu người phải bỏ ra nước ngoài.


Theo AFP, Colombia và Hoa Kỳ, hai trong số các nước theo dõi tiến trình đàm phán (cùng với Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Mêhicô) đã vận động để chính phủ và đối lập Venezuela ngồi lại vào bàn đàm phán sau 15 tháng đình chỉ.

Ngoại trưởng Mêhicô, nước tổ chức cuộc họp, hoan nghênh thỏa thuận là « một hy vọng cho toàn châu Mỹ Latinh » và là « chiến thắng của chính trị ». Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ đánh giá đây là « một bước đi đúng hướng quan trọng » và « hoan nghênh (hai bên) nối lại đàm phán ».

Thông tín viên RFI Gwendolina Duval tường trình từ Mêhicô :

« Thỏa thuận giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập đã chính thức nối lại phần nào các cuộc đàm phán. Rất nhiều khúc mắc về tương lai đất nước vẫn bị bỏ ngỏ, nhưng đối với ông Dag Nylander, nhà ngoại giao Na Uy phụ trách tiến hành đàm phán, đây là một bước mang tính lịch sử.

Ông phát biểu : « Chúng tôi không những ghi nhận việc nối lại đàm phán, mà còn hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận bán phần, sẽ thúc đẩy những tiến bộ quan trọng cho việc bảo trợ xã hội người dân Venezuela ».

Thỏa thuận dự kiến giải ngân 3.000 triệu đô la. Ông Jorge Rodriguez, đại diện cho chính quyền Venezuela, cho biết khoản tiền Nhà nước này sẽ dành cho các lĩnh vực năng lượng, giáo dục và sức khỏe. Trong khi phe đối lập yêu cầu bầu cử tự do, ông Rodriguez khẳng định chính phủ của tổng thống Maduro sẽ duy trì đối thoại cởi mở trong những tháng tới.

Ông nói : « Người ta không thể thương lượng hoặc thúc đẩy dân chủ khi bị súng chĩa vào đầu. Venezuela đang phải bị 763 khẩu súng như vậy dưới hình thức trừng phạt. Tất cả những biện pháp này phải được dỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận với phe đối lập Venezuela ».

Từ ba năm nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Venezuela đã được tăng cường vì quốc gia này thiếu tôn trọng nhân quyền ».


Mỹ nới lỏng cấm vận nhưng có điều kiện
Ngay khi có thông báo việc việc chính phủ của tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập đạt được một « thỏa thuận một phần », Hoa Kỳ hôm qua, 26/11/2022, đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Theo đó, tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ được phép nối lại các hoạt động khai thác dầu khí ở Venezuela với một số điều kiện.

Thông tín viên Loubna Anaki tại New York giải thích :

« Đối với Washington, đây là một cử chỉ thiện chí dành cho chính phủ Nicolas Maduro, “một bước đi quan trọng đúng hướng”. Sau thỏa thuận ký kết được giữa chính phủ Caracas và phe đối lập, Washington đã cho phép tập đoàn dầu khí Chevron nối lại một phần các hoạt động khai thác dầu ở Venezuela, qua hợp tác với công ty quốc gia Venezuela.

Tập đoàn lớn California bày tỏ hoan nghênh tin mới này. Do các lệnh trừng phạt áp đặt trong nhiều năm qua, hãng Chevron chỉ có thể thực hiện các hoạt động bảo trì cơ sở vật chất của mình.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ nêu rõ, việc mở lại các hoạt động bao hàm một số điều kiện nhất định. Công ty Venezuela sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc bán dầu do Chevron thực hiện. Nguồn thu sẽ được dùng để trả nợ cho công ty Mỹ.

Washington còn cảnh báo rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt này vẫn chỉ là một phần và phần còn lại sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của chính phủ Nicolas Maduro và tiến trình đàm phán với phe đối lập. »

Vatican lần đầu tiên tố cáo Trung Quốc vi phạm thỏa thuận về Giám mục

Ngày 26/11/2022, Vatican cáo buộc chính quyền Trung Quốc vi phạm thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục được ký năm 2018, vừa được gia hạn hai năm từ tháng 10. Trước đó, ngày 24/11, Bắc Kinh bổ nhiệm một phụ tá giám mục đứng đầu một giáo phận không được Tòa Thánh công nhận.

Thông tín viên Éric Sénanque tại Roma cho biết thêm :

« Từ khi thỏa thuận được ký cách đây 4 năm, đây là lần đầu tiên Tòa Thánh lên án chính quyền Trung Quốc vi phạm, một dấu hiệu cho thấy đối thoại vẫn rất khó khăn.

Trong một thông cáo, Vatican bày tỏ bất ngờ và lấy làm tiếc về quyết định của Bắc Kinh, đồng thời nhắc lại rằng việc bổ nhiệm đó « không phù hợp với tinh thần đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc và với những quy định trong thỏa thuận tạm thời » năm 2018. Điều nghiêm trọng hơn đối với Vatican là việc bổ nhiệm phụ tá giám mục Bành Vệ Chiếu (John Peng Weizhao) « dường như là do áp lực mạnh mẽ và kéo dài từ phía chính quyền địa phương ».

Tòa Thánh hy vọng là những quyết định bổ nhiệm khác theo kiểu này sẽ không tái diễn và chờ giải thích từ phía chính quyền Trung Quốc.

Cách đây vài tuần, ít lâu trước khi thỏa thuân tạm thời được triển hạn, hồng y Parolin, thư ký Tòa Thánh và là người theo dõi sát sao hồ sơ này, phải thừa nhận rằng ở một số giáo phận Trung Quốc, « không thể có một cuộc đối thoại hiệu quả với chính quyền địa phương » nhưng ông vẫn tỏ ra tin vào tương lai. Hiện tại đối thoại hiện đang gặp trở ngại nghiêm trọng ».

Trung Quốc: Biểu tình chống chính sách Covid lan rộng sang giới sinh viên


Tại Trung Quốc, bất mãn với các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt tiếp tục lan rộng. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trong đêm thứ Bảy sáng Chủ Nhật 27/11/2022 sau một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà ở Urumqi, Tân Cương, làm 10 người chết và 9 người khác bị thương.

AFP dẫn các nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho biết, điều tra ban đầu cho thấy lửa bắt nguồn từ một căn hộ ở tầng 15 và đã lan rộng đến tầng 17 tại một tòa nhà dân cư, nằm trong vùng thuộc diện rủi ro Covid thấp, nghĩa là không bị phong tỏa. Tuy nhiên, theo một lời chứng với BBC, cư dân tòa nhà « chỉ được phép ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày, và việc ra vào đều bị chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ. »  

Biểu tình đoàn kết với dân Urumqi
Các hình ảnh video trên mạng xã hội cho thấy xe cứu hỏa phải chờ công nhân dỡ bỏ các rào chắn bao bọc xung quanh tòa nhà khai thông lối vào hiện trường. Hôm qua, lần đầu tiên giới sinh viên Trung Quốc tại nhiều trường đại học bắt đầu phản đối chính sách an toàn dịch tễ « thái quá ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật :


« Nhân dân muôn năm, cầu cho người đã mất được yên nghỉ ! », đây là khẩu hiệu của sinh viên Viện Thông tin và Truyền thông Nam Kinh. Ở Bắc Kinh, học sinh mắc những chiếc khẩu trang mầu xanh dương nhuốm mực đỏ trên các lan can cầu thang Học viện Điện ảnh. Còn tại đại học Nông nghiệp Cáp Nhĩ Tân, là những thông điệp dán trên kính cửa sổ với hàng chữ mầu đỏ : “Không tự do là chết ! Tưởng nhớ các nạn nhân ở Urumqi”.

Chia buồn cũng diễn ra ở Tây An, hay như ở Vũ Hán, ở đó, sinh viên trường đại học Công nghệ ở thủ phủ Hà Bắc, đã sắp nến trên nền đất tạo thành các con số 11.24, để tưởng niệm thảm kịch hôm thứ Năm 24/11, khi ngọn lửa đã thiêu chết 10 người và làm 9 người khác bị thương.

Những hình ảnh và tiếng kêu la của nạn nhân đã lưu truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, đánh thức một giới trẻ quá mệt mỏi vì những đợt phong tỏa lặp đi lặp lại nhiều lần trong khuôn viên trường. Những cuộc tưởng niệm, phần lớn là thầm lặng, vì chính sách kiểm duyệt. Ở Nam Kinh, sinh viên đứng bất động như những bức tượng tay cầm những nhánh lá mầu trắng giống như những cuộc biểu tình tại Nga sau cuộc xâm lược Ukraina.

Nhành lá trắng cũng được vài chục người biểu tình giương cao ở Thượng Hải, trên các nẻo đường ở Urumqi. Ở đây, những người biểu tình bắt đầu hô vang các khẩu hiệu chống sự thái quá trong chính sách Zero-Covid và phản đối ban lãnh đạo Đảng. Giờ ai cũng trông chờ có một lời giải đáp từ chính quyền. Sáng nay, một cư dân mạng viết : “Có quá nhiều người để mà trừng phạt, tốt hơn hết quý vị nên nới lỏng áp lực dịch tễ.” ».

Share.

Leave a Reply