Saturday, May 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 9, 2022
Thiện Lê/Người Việt

WENDOVER, Nevada (NV) – Cô Tammy Nguyễn Lưu, cư dân Taylorsville, Utah, và là phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah, bị kỳ thị và bị cấm vào sòng bài ở Nevada vào cuối tuần lễ Lao Động trong Tháng Chín vừa qua.

Cô Tammy Nguyễn Lưu, phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Cô Tammy Nguyễn Lưu bị kỳ thị ở sòng bài và khách sạn Peppermill Resort and Casino ở Wendover, Nevada, ngay sát biên giới với tiểu bang Utah.

Cô từng kể với đài truyền hình địa phương KSL ở Utah rằng bảo vệ của sòng bài hủy thẻ hội viên của cô và cấm cô vào sòng bài vì cho rằng cô là “người phụ nữ gốc Á” có liên quan đến một vụ đánh nhau trong sòng bài. Mãi đến nhiều giờ sau họ mới nhận sai lầm.

“Mỗi lần nghĩ lại chuyện đó là tôi muốn khóc. Chuyện này còn rất nhục nhã và làm tổn thương đến tự trọng của tôi vì tôi đã làm việc vất vả để giúp đỡ cộng đồng,” cô Tammy kể.

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, cô cho biết vào một buổi tối của cuối tuần lễ Lao Động, vợ chồng cô lái xe 90 phút đến Wendover để dự đêm văn nghệ “Saigon by Night” trong sòng bài Peppermill.

Sau khi xem văn nghệ, hai người vào phòng đánh bạc, đưa ID cho nhân viên để lấy thẻ hội viên, nhưng nhân viên gọi bốn bảo vệ đến, trong đó có giám đốc an ninh của sòng bài.

Cô kể lại, bảo vệ cấm cô vào sòng bài Peppermill và các sòng bài khác thuộc chủ quyền của công ty Peppermill Casinos Inc. và cô bị hủy thẻ hội viên vì có liên quan đến một sự việc xảy ra vào ngày 15 Tháng Tám.

Theo cô, không ai nói gì về những thông tin đó khi đặt phòng khách sạn và mua vé xem văn nghệ.

Sau đó, cô nói với bảo vệ rằng cô chưa đến Wendover trong mấy năm qua và họ đang nhầm lẫn cô với người khác. Cô đề nghị họ kiểm tra camera an ninh để nhận dạng, và đội trưởng bảo vệ lấy ID của cô, rồi quay lại chỉ ít lâu sau đó.

Cô kể: “Ông ta quay lại và nói: ‘Đúng rồi, là phụ nữ gốc Á.’ Nghe vậy nên tôi hỏi họ đã kiểm tra hết mọi thứ như tên và địa chỉ của tôi chưa. Ông ta trả lời: ‘Mọi thứ đúng hết rồi, là phụ nữ gốc Á.’”

Khách sạn và sòng bài Peppermill Hotel and Casino ở Wendover, Nevada. (Hình: Google Maps)

Cô Tammy vẫn khẳng định với các bảo vệ rằng cô không liên quan đến sự việc xảy ra trong Tháng Tám, nhưng họ đề nghị cô liên lạc với phòng nhân sự của sòng bài sau lễ Lao Động. Trong khi đó, cô vẫn được ra vào phòng khách sạn, chỉ không được quyền vào sòng bài.

“Tôi rất tức giận vì mình đã chuẩn bị nhiều thứ cho sự kiện tối hôm đó như quần áo và nhờ người giữ trẻ,” cô chia sẻ với đài KSL.

Sau đó cô Tammy và chồng đến khách sạn Montego Bay Resort and Casino để ăn tối. Nhưng vì khách sạn đó cũng thuộc chủ quyền của Peppermill Casinos Inc., nên sáu bảo vệ nói vợ chồng cô bị cấm vào. Điều đó làm vợ chồng cô phải đến một nhà hàng gần đó để ăn tối, nhưng vì quá buồn nên cô không ăn nổi.

“Tôi vừa khóc vừa cảm thấy sợ hãi. Tôi không biết người phụ nữ gốc Á kia làm gì, nhưng rõ ràng là sòng bài không muốn bà ấy đến đó. Vì vậy, tôi không cảm thấy an toàn khi ở trong khách sạn đó,” cô kể lại.

Hai vợ chồng cô Tammy và anh Danh Lưu trước khi vào sòng bài Peppermill. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Vợ chồng cô trả phòng, nhưng quyết định ngủ lại thêm một đêm vì không muốn lái xe về Utah trong đêm khuya. Sau khi được một nhân viên khách sạn giúp cô về các vấn đề phòng thì bảo vệ nói họ đã nhận dạng nhầm người và mở lại thẻ hội viên cho cô.

Cô nói mình không quan tâm đến thẻ hội viên, và cảm thấy rất nhục nhã “vì bị đối xử như không phải con người.”

Tuy nhiên, điều cô Tammy muốn lên án là “Các bảo vệ và giám đốc an ninh từ đầu đến cuối không hề xin lỗi, họ chỉ nói mình phạm sai lầm rồi quay lại vào văn phòng.”

Sau đó, nhân viên khách sạn cho vợ chồng cô phòng tốt hơn, hoàn tiền phòng, và tặng thẻ ăn uống trị giá $200. Bảo vệ vẫn nói cô liên lạc với phòng nhân sự để biết rõ chuyện gì đã xảy ra.

Sáng hôm sau, cô không xin được đoạn video từ camera an ninh, và quyết định viết đơn khiếu nại khách sạn Montego Bay.

Cô Tammy Nguyễn Lưu chụp hình kỷ niệm trước khi vào sòng bài, không hề nghĩ mình sẽ bị kỳ thị. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Sau lễ Lao Động, vào Thứ Sáu, 9 Tháng Chín, cô Tammy kể phó giám đốc an ninh của sòng bài Peppermill liên lạc với cô và nói có một nhóm người Samoa đánh nhau trong sòng bài rồi bị đuổi, chứ không phải là phụ nữ gốc Á. Nhưng cô nói lại rằng một bảo vệ nói với cô có một nhóm phụ nữ gốc Á đánh nhau, và đó là lý do làm cô bị cấm vào sòng bài.

Phó giám đốc an ninh nói bảo vệ không nhận dạng được những người đánh nhau trong sòng bài, và không biết tại sao lại lấy nhầm thẻ hội viên của chồng cô Tammy.

Cô nói mình không hiểu được vì trên thẻ rõ ràng có ghi tên chồng cô, và nói bảo vệ không hề có bằng chứng mà lại đi tố cáo người khác.

Cô kể chồng mình, anh Danh Lưu, đến sòng bài Peppermill vào ngày 15 Tháng Tám, ngày mà vụ đánh nhau xảy ra khiến cô bị cấm vào sòng bài. Anh kể thấy hai phụ nữ gốc Á ngồi cùng bàn, nhưng không nhớ có chuyện gì lớn xảy ra.

Khi hỏi phó giám đốc an ninh về đơn khiếu nại của mình, người đó nói với cô Tammy rằng sòng bài đã ghi nhận một số người.

Đơn khiếu nại của cô Tammy. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Cô Tammy kể, sau đó giám đốc kiểm soát rủi ro của sòng bài là ông Michael Heward liên lạc với cô, xin lỗi cô và cho biết người bị đuổi khỏi sòng bài có cùng họ với cô là họ Lưu. Tuy nhiên, cô nói thẻ hội viên sòng bài có tên chồng cô là Danh Lưu.

Cô kể: “Tôi rất tức giận và buồn vì họ đối xử với người khác như vậy và không có ai trong ban quản lý liên lạc với tôi để nói họ sẽ làm tốt hơn. Tôi chỉ muốn họ làm như vậy thôi.”

Để không ai vào hoàn cảnh như mình, cô Tammy đang lan truyền câu chuyện của mình đi nhiều nơi. Cô nhập cư từ Việt Nam đến Hoa Kỳ từ lúc còn nhỏ, và từng bị trêu chọc trong trường tiểu học, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ bị kỳ thị như vậy.

Sau khi sự việc xảy ra gần hai tháng, cô chia sẻ cảm xúc với nhật báo Người Việt: “Họ nên viết một lá thư xin lỗi. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng thật không dễ liên lạc với họ. Ít nhất ba phóng viên đã gọi tới công ty của họ nhưng không ai gọi lại. Sau năm ngày, mới có người liên lạc lại tôi. Tôi nói chuyện ba lần với công ty của họ, mỗi lần đều là một câu chuyện khác nhau. Lần đầu tiên, lúc xảy ra, ngày 4 Tháng Chín, ban an ninh nói là họ đã nhầm tôi với một người phụ nữ Á Châu khác. Lần thứ nhì, ngày 9 Tháng Chín, năm ngày sau, phó giám đốc an ninh nói là họ nhầm tôi với một người Samoa.”

“Lần thứ ba, 13 Tháng Mười, hơn một tháng sau, nhân viên từ văn phòng chính ở bên Reno gọi và nói là họ nhầm tên của chồng tôi. Tôi nghĩ họ không rõ chuyện gì đã xảy ra. Tôi hiểu sai lầm có thể xảy ra, nhưng họ phải thật kỹ càng trước khi tố cáo tôi. Sau khi biết bị sai lầm, họ nên tìm hiểu bị lỗi chỗ nào, nhận lỗi một cách thật lòng và làm cách nào để tránh trường hợp này xảy ra với người khác,” cô nói thêm.

Cô Tammy Nguyễn Lưu tại một buổi sinh hoạt cộng đồng ở Utah. (Hình: Facebook The Vietnamese American Community of Utah)

Với tư cách là phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah, cô Tammy Nguyễn Lưu cho rằng trách nhiệm của cô là phải chia sẻ câu chuyện của mình.

“Một số người Việt Nam thường im lặng khi không được đối xử tốt, nên không ai biết để tránh. Tôi biết tiếng Anh, nhưng những gì họ nói, thật khó hiểu. Tôi tưởng tượng họ đối xử như vậy với một người không biết tiếng Anh nhiều, người đó sẽ rất sợ hãi. Hôm đó, tôi cũng thật lo lắng. Nếu bạn bị đối xử một cách không công bằng, tôi khuyên bạn hãy quay phim lại và lên tiếng để giúp cộng đồng mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn,” cô chia sẻ. [qd]

Share.

Leave a Reply