Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Ông Y Sỹ Êban.
Ông Y Sỹ Êban.

Chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh, câu lưu và sách nhiễu một số tín đồ đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á ở Bali, Indonesia.

Ông Y Sĩ Êban, một tín đồ đạo Tin Lành ở Đăk Lăk, cho VOA biết rằng ông đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cấm lên máy bay đi Indonesia với lý do “tạm hoãn xuất cảnh” vào ngày 6/11/2022.

Ông Êban nói với VOA hôm 7/11:

“Từ ngày 12/10 họ canh giữ tôi cho đến ngày 6/11 ra sân bay thì công an lại bắt giữ tôi”.

“Năm người ở Đăk Lăk xuống điều tra tôi ở sân bay Sài Gòn, rồi đem tôi về Đăk Lăk”.

“Họ điều tra và đánh đập tôi. Họ thu giữ bằng lái xe, căn cước, hộ chiếu, ba chiếc điện thoại và cấm tôi, không cho đi rao giảng Tin lành Đấng Christ nữa”.

Tổ chức BPSOS có trụ sở ở Hoa Kỳ cho biết từ ngày 27/10 đến ngày 6/11 năm 2022, chính quyền Việt Nam “đã gia tăng sách nhiễu, khủng bố tinh thần, cấm xuất cảnh và bắt hàng loạt những người có ý định đi tham dự hội nghị”.

Ông Y Khiu Niê, một giáo viên đồng thời là một tín hữu Tin lành ở Đăk Lăk, cũng bị chính quyền cấm xuất cảnh hôm 6/11 khi ông làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất khởi hành đi Bali. Sau đó ông Y Khiu Niê còn bị công an câu lưu ở huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, cho đến 9 giờ tối ngày 7/11 mới được về nhà, theo ông Y Sĩ Êban.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, đồng thời là thành viên của ủy ban chỉ đạo Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á (SEAFoRB), nhấn mạnh trong bài phát biểu chào mừng khai mạc sự kiện này hôm 7/11 về vụ cấm xuất cảnh của Việt Nam:

“Và mới hôm qua, một chức sắc Cao Đài, và bốn người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành đã không được phép rời Việt Nam để đến Bali cùng tham dự hội nghị với chúng ta, trong số đó, hai tín đồ Tin Lành Tây Nguyên đã bị công an áp giải và đưa đến giam giữ tại một nơi không xác định”.

Trao đổi với VOA qua tin nhắn, ông A Ga, Mục sư thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên ở Hoa Kỳ, xác nhận rằng các tín hữu ở Đăk Lăk không những bị cấm xuất cảnh đi dự Hội nghị SEAFoRB, mà còn bị chính quyền “tạm giữ và đánh đập”.

Diễn đàn Bàn Tròn Đa Tôn giáo Việt Nam cho biết rằng thầy truyền Đạo Tin Lành Y Hưng Ayun ở huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk đã bị hàng chục nhân viên công an từ xã tới tỉnh canh gác quanh nhà ông và không cho rời nhà để đi dự hội nghị. Trong khi đó, bà Nguyễn Xuân Mai, một Chánh trị sự Đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 ở tỉnh Vĩnh Long, cũng bị lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất ngăn chặn tới dự hội nghị với lý do là “không đủ giấy tờ an toàn dịch tễ”.

VOA đã liên lạc Cục Xuất Nhập cảnh Bộ Công an Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, chính quyền tỉnh Đăk Lăk và đề nghị các cơ quan này phản hồi về các nguồn tin trên, nhưng chưa được trả lời.

“Việc nhà nước Việt Nam bắt bớ, khủng bố và sách nhiễu những người tới dự hội nghị chứng tỏ rằng nhà nước này vẫn đang tìm mọi cách vi phạm trắng trợn nhân quyền về tôn giáo của người dân”, Bàn Tròn Đa Tôn giáo Việt Nam nêu nhận định.

Trong báo cáo tự do tôn giáo 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận việc chính quyền Việt Nam sách nhiễu hàng loạt các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên: “Công an địa phương ở các tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã thẩm vấn ít nhất 30 thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ, Hội thánh Truyền Giảng Phúc Âm và Hội thánh Tin lành Đề Ga Quốc tế tại các đồn công an địa phương hoặc tại nhà của họ”.

“Các tín đồ đạo Cao Đài độc lập cũng báo cáo rằng công an sách nhiễu họ nhằm ngăn cản họ tham gia các sự kiện xã hội dân sự, trong đó có việc sách nhiễu họ khi đang diễn ra Hội nghị trực tuyến về Tự do tín ngưỡng, tôn giáo Đông Nam Á vào tháng 12”, báo cáo viết.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên nói rằng họ “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”, vì đó là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của đảng cộng sản, của nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, xem đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến pháp khẳng định trên nguyên tắc hiến định.(VOA)

Share.

Leave a Reply