Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bình luận của Kỳ Duyên

2022.12.15 RFA
Bất ngờ và thách thức từ mua sắm vũ khí ở Việt NamMột người lính Việt Nam đứng cạnh chiếc xe tăng T90SK ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022
 AFP

Đã có tin chính thức Mỹ sẽ giao cho Việt Nam 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2027. Nữ Chuẩn tướng Không quân Sarah Russ tuyên bố trong cuộc họp báo vào sáng ngày 9/12 tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội…

________________ 

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 (IDE-2022) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày mồng 8 đến 10/12. Hoạt động trong khuôn khổ triển lãm diễn ra liên tục với sự tham gia của đông đảo đại diện các đơn vị và chuyên gia nhiều nước. Triển lãm thu hút hơn 170 công ty, doanh nghiệp quốc phòng từ 30 quốc gia trên thế giới và của Việt Nam. Khu vực ngoài trời trưng bày nhiều loại xe tăng, hệ thống radar phòng không, máy bay chiến đấu, trực thăng… Bệ phóng và đạn tên lửa phòng không S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly tối đa 35 km. Tổ hợp phòng không tầm trung Spyder do Israel chế tạo, sử dụng tên lửa tầm nhiệt Python-5 và tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động Derby, có khả năng phản ứng nhanh và cơ động cao (UAV). Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 nằm trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được trưng bày tại triển lãm… (1)

Bất ngờ Triễn lãm Quốc phòng 2022

Một trong những bất ngờ bao trùm tại triễn lãm nói trên (IDE) là tương lai Việt Nam có thể sẽ có rất nhiều nguồn để mua vũ khí mới hoặc các phụ tùng thay thế. Nhưng có lẽ bất ngờ lớn hơn cả đối với dân không chuyên là được chiêm ngưỡng nhiều vũ khí tương đối hiện đại của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam trưng bày tại IDE được nhiều khách hàng quan tâm. Sắp tới Việt Nam thậm chí còn có khả năng xuất khẩu vũ khí sang các nước. Tất nhiên là cần được sự hợp tác và hỗ trợ từ nhiều đối tác khác nhau. Đây cũng là thông tin được Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) công bố ngày 8/12 trong khuôn khổ triển lãm. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến 2025 sẽ đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới về doanh thu, xuất khẩu được sản phẩm quốc phòng, tiến lên danh sách 60 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu vào năm 2030. Viettel mang đến triển lãm quân sự quốc tế 60 sản phẩm quân sự và 59 sản phẩm dân sự phục vụ “kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên số” trên diện tích trưng bày 2.200 mét vuông.

Nhiều loại vũ khí của Viettel, đặc biệt máy bay không người lái “drone made in Vietnam” thực sự gây sốc. Được biết, từ năm 2013, Viettel đã và đang nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho quân đội. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cung cấp những hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Mỗi năm Viettel đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu. Kết hợp được quân sự và dân sự, Viettel đã tối ưu những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất sau khi được triển khai cho quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế. (2)

Một bất ngờ lớn nữa là quyết tâm của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì khai mạc và phát biểu tại IDE-2022: “Phát triển công nghiệp quốc phòng sẽ trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia”. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Về phía quốc tế có Đại tướng Chansamone Chanyalath, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; ông Saikhanbayar Gursed, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mông Cổ; Trung tướng Víctor Rojo Ramos, chủ nhiệm chính trị các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chỉ huy quân đội các nước trong khu vực và thế giới. Đáng chú ý là Trung Quốc có được mời nhưng đã không tham gia, trong khi đó, dù đang có chiến tranh với Ukraine, Nga vẫn có nhiều đơn vị có mặt ở triễn lãm. Đại tướng Phan Văn Giang cho biết mặc dù tổ chức lần đầu tiên nhưng triển lãm đã thu hút được nhiều công ty, doanh nghiệp quốc phòng trên thế giới và các bộ, ngành Việt Nam cùng hơn 250 đoàn khách quốc tế và trong nước tham gia trưng bày sản phẩm.

Bất ngờ lớn tiếp theo là, cả Mỹ lẫn Nga đều quảng bá vũ khí cho Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper nói với giới truyền thông rằng, triển lãm quốc phòng này “đại diện cho một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam và Hoa Kỳ muốn tham gia vào đó”. Ông Knapper cho biết Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, chủ yếu giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí kết thúc vào năm 2016 và sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là về năng lực hàng hải. Thương vụ 12 máy bay huấn luyện T-6 có lẽ là hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay với Mỹ. Cơ quan thương mại của Nga Rosoboronexport cũng có mặt tại triển lãm này với một gian hàng lớn trưng bày máy bay không người lái, xe bọc thép, máy bay trực thăng, máy bay và vũ khí hạng nhẹ của Nga. Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport cho biết trong một tuyên bố rằng, cơ quan này sẵn sàng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng với Việt Nam. (3)

2022-12-08T031723Z_1467276843_RC2E1Y9QOC4F_RTRMADP_3_VIETNAM-DEFENCE-ARMS.JPG
Người đứng trước gian trưng bày của hãng ROSOBORONEXPORT của Nga ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022. Reuters

Thách thức khi phải thay thế vũ khí

IDE-2022 trông có vẻ hoành tráng, tuy nhiên giới quan sát tỏ ra lo lắng do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đối với các nguồn cung cấp vũ khí thay thế ở Việt Nam. Hiện nay Hà Nội vẫn phụ thuộc rất sâu vào dàn vũ khí Nga, mà Nga thì đang bị thế giới cấm vận và phong tỏa. Đây là một thách thức lớn và lâu dài. Thách thức trong vấn đề nhập khẩu một số loại vũ khí quan trọng là ở chỗ, vũ khí Nga chiếm khoảng 60-70% vũ khí Việt Nam hiện có, cho nên nếu cuộc chiến của Nga ở Ukraina kéo dài, càng khiến cho quá trình nhập khẩu một số loại vũ khí hay phụ tùng thay thế của Nga, hay của chính Ukraine trước đây, sẽ gặp khó khăn. Ví dụ mua sắm phụ tùng cho các máy bay, tầu chiến, sẽ bị ngừng trệ. Thật ra thì Việt Nam đã lường trước việc này, bởi vì toàn bộ quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã được đặt ra cách đây khoảng năm năm, thậm chí là còn xa hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải cần vài chục năm nữa mới có thể thực hiện được việc giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Nga.

Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 8/12: “Với số lượng lớn vũ khí quân sự được sản xuất tại Nga, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Nga về đạn dược, nâng cấp vũ khí và các phần phụ tùng trong nhiều năm tiếp theo”. Cho nên, việc “cai” vũ khí Nga không đơn giản. Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 5/2022, Tiến sĩ Storey nói rằng có ba nguyên nhân khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thích mua vũ khí Nga. Thứ nhất, Nga có thể cung cấp nhiều loại vũ khí đa dạng, từ các máy bay chiến đấu và tàu ngầm công nghệ cao, cho đến xe quân sự và vũ khí thô sơ. Thứ hai là Nga bán ra với mức giá rẻ hơn Hoa Kỳ. Nga cũng sẵn sàng chấp nhận phương thức thanh toán vừa bằng tiền và trao đổi hàng hóa, và thanh toán theo từng phần. Và thứ ba, khác với Hoa Kỳ và châu Âu, Nga không cân nhắc các vấn đề nhân quyền khi bán vũ khí. Chuyên gia Richard Bitzinger cho rằng với mối quan hệ ngoại giao thân thiết hiện tại giữa Moscow và Hà Nội, việc Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vũ khí Nga có thể sẽ là câu chuyện của vài thập kỷ nữa. (4)

Việc nâng cấp mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hàn Quốc mới đây mở ra triển vọng rất lớn về ngắn hạn và trung hạn. Hàn Quốc có thể trở thành một trong những đối tác về quốc phòng lớn của Việt Nam. Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải từ Đại học New South Wales, sẽ có nhiều thách thức khác nhau nhìn từ góc độ mua sắm để thay thế dần vũ khí hiện có. Thứ nhất, Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn cho việc nhập khẩu vũ khí. Philippines hiện đã mua một số khí tài lớn, ví dụ máy bay tấn công TA-50 của Hàn Quốc. Đối với việc hiện đại hóa hải quân Philippines, nước này cũng đã đặt đóng một số tầu chiến loại lớn ở Hàn Quốc. Thứ hai, không chỉ về buôn bán vũ khí, mà là một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều, đó là có khả năng nâng cấp sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam lên một chút, ví dụ chuyển giao công nghệ hoặc cả hai bên có khả năng thành lập một công ty chung để sản xuất các loại vũ khí quốc phòng hoặc đóng tầu. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tầu rất lớn, đứng thứ ba hay thứ tư trên thế giới. (5)

Một thách thức không thể không đề cập là tình trạng tham nhũng trong mua bán vũ khí của quân đội Việt Nam. Chúng ta còn nhớ, gần đây, hàng loạt các tướng lĩnh quân đội Việt Nam đã phải xộ khám, đặc biệt phải kể tới vụ bảy tướng lĩnh trong lực lượng Cảnh sát biển đã bị bắt, tất cả đều liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là mua sắm các vũ khí và phương tiện quốc phòng. Các nhà nghiên cứu về quốc phòng Việt Nam đều không lạ gì với việc tham nhũng như vậy. Tiến sĩ Stephen Burgess, một chuyên gia về quốc phòng trong một nghiên cứu của mình đã cho biết: “Các nhà buôn vũ khí Nga bị cáo buộc trả tiền cho các quan chức Việt Nam để tiếp tục mua hàng Nga, điều này có thể xảy ra, vì các quan chức chỉ kiếm được khoảng 400 USD mỗi tháng và phải sinh sống ở một Hà Nội đắt đỏ.” Kết luận này có vẻ chưa hoàn toàn chính xác. Vì mới đây, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng “những người tham nhũng vừa rồi là những người giàu; người giàu mà họ tham nhũng lớn”. (6)

Share.

Leave a Reply