Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen chuẩn bị họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/12/2022.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen chuẩn bị họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/12/2022. AP – Olivier Matthys

Liên Hiệp Châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền Nga. Trong cuộc họp hôm qua, 15/12/2022, tại Bruxelles, khối 27 nước đã thông qua loạt trừng phạt thứ 9 nhắm vào gần 200 cá nhân và cơ sở Nga nằm trong danh sách đen của EU.

Theo hãng tin Pháp AFP, loạt trừng phạt nói trên, được Ủy Ban Châu Âu đề xuất hôm 07/12, đã được đại sứ 27 nước nhất trí về nguyên tắc trong một cuộc họp bên lề thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu. Theo Cộng hòa Séc, chủ tịch luân phiên EU, loạt trừng phạt thứ 9 sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản. Hiện tại, chưa có nhiều thông tin chi tiết về nội dung các trừng phạt.

Theo đề xuất trước đó của Ủy Ban Châu Âu, nhiều thực thể thuộc quân đội Nga và ba ngân hàng Nga nằm trong số gần 200 cá nhân và cơ sở bị trừng phạt. AFP cho biết thêm là Bruxelles cũng đề nghị cấm mọi đầu tư mới vào lĩnh vực khai khoáng tại Nga, cũng như siết chặt việc buôn bán các hàng hóa lưỡng dụng, tức có thể sử dụng cho cả hai mục tiêu dân sự và quân sự, liên quan trước hết đến các hóa chất, linh kiện điện tử và tin học. Ủy Ban Châu Âu cũng đề nghị cấm xuất khẩu sang Nga các linh kiện dùng để sản xuất drone, loại vũ khí đang được quân đội Nga sử dụng để đánh phá nhiều thành phố, làng mạc của Ukraina.

Loạt trừng phạt nói trên được bổ sung vào quyết định của EU cấm vận hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga bằng đường biển, có hiệu lực từ đầu tháng 12 này, cùng với biện pháp áp giá trần đối với dầu thô Nga trên phạm vi toàn cầu, do EU, G7 và Úc đưa ra.

Về phía nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra tin tưởng vào các trừng phạt, cho dù không thể khiến kinh tế Nga sụp đổ, nhưng đang bắt đầu tác động đến ‘‘khả năng sản xuất vũ khí, khả năng khôi phục kho vũ khí’’ của Nga. Cùng với việc gia tăng áp lực với Nga, từ phía châu Âu và quốc tế, quan điểm của nguyên thủ Pháp là cần để ngỏ cánh cửa đối thoại với Matxcơva.

Phát biểu sau thượng đỉnh, ông Macron bày tỏ hy vọng có thể đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được một thỏa thuận với Matxcơva, ngừng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina và thường dân Ukraina, ‘‘trong những tuần tới’’. Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Bruxelles, hy vọng đối thoại với chính quyền Putin của tổng thống Pháp bị nhiều thành viên Liên Âu chỉ trích mạnh mẽ. Ba Lan, ba nước Baltic và nhiều nước Đông Âu khác cũng lấy làm tiếc là loạt trừng phạt mới vừa được EU thông qua nhắm vào Nga không đủ mạnh.

Trong thượng đỉnh của EU hôm qua, lãnh đạo 27 nước cũng chính thức thông qua gói tài trợ 18 tỉ euro cho Ukraina trong năm 2023, để giúp Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga.(RFI)

Share.

Leave a Reply