Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :17//12/2022

Thẻ bài NFT của ông Trump đã được bán hết, tăng gấp đôi giá trị


Có vẻ sức hút từ bộ sưu tập thẻ bài NFT của ông Trump là rất lớn khi đã tăng gấp đôi giá trị và được bán hết sạch một ngày sau khi cựu Tổng thống Mỹ ra thông báo tiết lộ về việc mở bán. Đợt phát hành thẻ bài lần này cũng đang khiến các nhà bình luận bảo thủ và cộng sự cũ của ông Trump bối rối.

Một ngày sau khi “thông báo quan trọng” của cựu Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng ông đang bán một loạt những token không thể thay thế (NFT), chúng đã được bán hết sạch, theo trang web của ông.

Theo CoinDesk và trang web nơi người dân có thể mua NFT, các NFT mà ông Trump quảng cáo là một loại “thẻ bài sưu tập” có hình ảnh của ông đã được bán hết vào sáng sớm thứ 6 (16/12).

Tính đến trưa ngày thứ 6, dữ liệu từ OpenSea cho thấy khối lượng giao dịch của toàn bộ bộ sưu tập là khoảng 1,08 triệu USD, tương đương 900 ETH [đồng Ethereum]. Một thẻ riêng lẻ đang được giao dịch với giá khoảng 230 USD, cao hơn gấp đôi so với giá ban đầu là 99 USD.

“Hãy thu thập tất cả các Thẻ bài Sưu tập Kỹ thuật số Trump yêu thích của bạn, rất giống thẻ bóng chày, nhưng hy vọng sẽ thú vị hơn nhiều”, ông Trump nói hôm thứ 5 (15/12) trên Truth Social khi công bố bộ sưu tập. “Chỉ 99 USD mỗi cái!”

Trump, người đã công bố sẽ ra tranh cử Tổng thống lần thứ ba vào năm 2024 vào tháng trước, đã viết thêm rằng “những tấm thẻ phiên bản giới hạn này chứa đựng [những tác phẩm] NGHỆ THUẬT tuyệt vời về Cuộc đời & Sự nghiệp của tôi”. Vị tổng thống thứ 45 dự đoán rằng “tôi tin là chúng sẽ hết hàng rất nhanh!”

Các thẻ bài sưu tập kỹ thuật số có hình ông Trump trong các bối cảnh và trang phục khác nhau, bao gồm cả trang phục siêu anh hùng. Có những tấm thẻ cho thấy ông Trump đang chơi gôn, cưỡi voi hay cầm găng tay đấm bốc có in số “45” trên đó [ông Trump là Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ].

NFT là tài sản kỹ thuật số gắn liền với chủ sở hữu của chúng. Do những tiến bộ của công nghệ tiền mã hóa, mỗi NFT là duy nhất và có giá trị riêng thường được xác định theo nhu cầu.

“Những thứ này giống như thẻ bóng chày, nhưng bạn thu thập chúng bằng kỹ thuật số, trên máy tính hoặc điện thoại của mình. Tất cả những gì bạn cần là địa chỉ email và thẻ tín dụng để bắt đầu thu thập 1, 10, 20 hoặc 100. Ngay lập tức trở thành một phần của hiệp hội những người sưu tập mới”, trang web dành cho những thẻ bài NFT của ông Trump cho biết.

Không có thông tin gì đề cập đến chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump trong bất kỳ NFT hoặc tài liệu nào khác. Không có thẻ nào mà ông trùm bất động sản phát hành bao gồm bất kỳ khẩu hiệu chiến dịch nào của ông, chẳng hạn như “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” hoặc “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.

Phần dưới cùng của trang web NFT chỉ ra rằng hình ảnh của ông Trump đang được sử dụng theo giấy phép. Người giữ bản quyền là “NFT INT LLC” và các chi tiết khác không được cung cấp.

“NFT INT LLC không được sở hữu, quản lý hoặc kiểm soát bởi ông Donald J. Trump, Tổ chức Trump, CIC Digital LLC hoặc bất kỳ yếu nhân hoặc đơn vị liên kết tương ứng nào của các đối tượng trên”, tuyên bố từ chối trách nhiệm cho biết.

Thông báo ra mắt thẻ bài NFT đánh dấu một sự đảo ngược quan điểm của cựu Tổng thống, người vào năm 2019 đã viết trên Twitter rằng ông “không phải là người hâm mộ” của tiền mã hóa.

“Tôi không phải là người hâm mộ Bitcoin và các loại Tiền mã hóa khác, những thứ không phải là tiền và có giá trị rất dễ biến động và dựa trên hư không”, ông Trump viết trên Twitter vào tháng 7 năm đó.

“Một ngày nào đó nó [tiền mã hoá] có thể là một vụ đổ vỡ mà chúng ta chưa từng thấy,” ông Trump sau đó nói với Fox News vào tháng 12/2021. “Nó sẽ khiến vụ đổ vỡ của các gã khổng lồ công nghệ trông giống như trò trẻ con. Tôi nghĩ đó là một thứ rất nguy hiểm”.
Sự bối rối
Trước khi bộ thẻ bài NFT được phát hành, ông Trump đã ám chỉ trong tuần này rằng ông đã lên kế hoạch cho một “thông báo quan trọng”. Một số suy đoán rằng nó liên quan đến cuộc tranh cử tổng thống năm 2024 của ông và khi ông công bố thẻ bài NFT, nó đã khiến một số nhà bình luận bảo thủ và cộng sự cũ bối rối.

Danh sách bị bối rối bao gồm ông Steve Bannon, người quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump và là cố vấn trước đây của Tòa Bạch Ốc, người đã kêu gọi ông Trump sa thải người đưa ra ý tưởng thẻ bài NFT. “Tôi không thể làm điều này nữa”, ông Bannon nói trên podcast “War Room” của mình.

“Bất cứ ai, đối tác kinh doanh nào, và bất kỳ ai trong nhóm truyền thông, và bất kỳ ai ở Mar-a-Lago, và tôi yêu những người ở đó, nhưng chúng ta đang có chiến tranh. Họ nên bị sa thải ngay hôm nay”, ông Bannon nói.

Trung tướng đã nghỉ hưu Michael Flynn, một cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc khác của ông Trump, cũng đưa ra nhận xét tương tự trong một video trên Rumble.

“Bất cứ ai khuyên ông ấy về điều đó, tôi sẽ sa thải họ ngay lập tức”, ông Flynn nói trong một chương trình phát trực tuyến trên nền tảng này.

Người dẫn chương trình bảo thủ Jesse Kelly đã viết trên Twitter rằng những người bảo thủ cần “yêu cầu sự cải thiện” và “đặt những quả cầu pompon [quả cầu cổ vũ của hoạt náo viên] xuống”. Ông ấy nói thêm, “Chúng ta cần một Trump tốt hơn”.

Mỹ chính thức khởi động “China House” để ứng phó với thách thức từ ĐCSTQ

image.png


Hôm 16/12, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức khởi động Văn phòng Điều phối Trung Quốc (China House) đã được lên kế hoạch từ lâu. China House có mục đích giúp mở rộng và tăng cường nhắm mục tiêu vào việc chế định chính sách đối với đối thủ cạnh tranh địa chính trị hàng đầu của Mỹ.

Khi Ngoại trưởng Blinken công bố chính sách Trung Quốc của mình vào tháng 5, ông đã tuyên bố thành lập “China House”, gọi đây là một nhóm tổng hợp liên bộ phận chịu trách nhiệm điều phối và thực hiện các chính sách của Mỹ về các vấn đề và khu vực. “Quy mô và phạm vi của thách thức do Trung Quốc đặt ra sẽ thử thách chính sách ngoại giao của Mỹ hơn bao giờ hết”, ông Blinken cho biết vào thời điểm đó.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Blinken đã chủ trì buổi ra mắt vào thứ Sáu (ngày 16/12), nơi sẽ được gọi chính thức là Văn phòng Điều phối Trung Quốc, còn được gọi là China House và lưu ý rằng nó sẽ đảm bảo Mỹ có thể “quản lý một cách có trách nhiệm” sự cạnh tranh với Bắc Kinh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Blinken cho biết China House sẽ tập hợp tất cả các chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao để phối hợp với “các chuyên gia trong mọi khu vực và quốc tế về an ninh, kinh tế, công nghệ, ngoại giao đa phương và liên lạc chiến lược.”

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố cùng ngày, nói rằng China House sẽ thúc đẩy tầm nhìn của Mỹ về một hệ thống quốc tế cởi mở và toàn diện, đồng thời cũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự hiện đại hóa của Bộ Ngoại giao. Trọng điểm của nghị trình này là để Bộ Ngoại giao Mỹ có thể nghênh đón thách thức và nắm bắt cơ hội trong 10 năm tới, đảm bảo Bộ Ngoại giao có nhân tài, công cụ và nguồn lực để thực hiện thành công chính sách và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Đây là thách thức địa chính trị phức tạp và quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt.

Theo một quan chức nói với Reuters, kế hoạch này sẽ thay thế Vụ Trung Quốc của bộ và được giám sát bởi ông Rick Waters, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ tại Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden đã phát triển một chiến lược để cạnh tranh với Trung Quốc, tập trung đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ và liên kết với các đồng minh và đối tác.

Mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc càng xấu đi do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan và việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn toàn diện đối với Trung Quốc.

Ông Biden và ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt trực tiếp vào đầu tháng 11 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Hai bên đã đồng ý tiến hành các cuộc thảo luận tiếp theo, bao gồm cả chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken vào đầu năm 2023.

Nhật thông qua chi tiêu quốc phòng kỷ lục kể từ Thế chiến hai

image.png
Nhật vừa thông qua việc tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến hai và phác thảo các kế hoạch phát triển khả năng phản công nhờ chi tiêu quốc phòng kỷ lục.

Theo báo Guardian, kế hoạch do Chính phủ Nhật công bố ngày 16/12 phản ánh sự lo ngại của Tokyo trước quân đội Trung Quốc “ngày càng quyết đoán hơn và tạo ra thách thức chiến lược lớn chưa từng thấy” cũng như Triều Tiên, nước láng giềng có vũ trang hạt nhân, đang không ngừng cải thiện các khả năng tên lửa đạn đạo.

Nhật đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong vòng 5 năm tới, trái với cam kết duy trì chi tiêu ở mức 1% GDP sau Thế chiến hai. Tuy nhiên, động thái sẽ giúp Nhật đáp ứng yêu cầu của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Theo các thay đổi đề cập trong 3 tài liệu mới công bố, Nhật cũng sẽ thâu tóm các vũ khí mới có khả năng tấn công mục tiêu đối phương ở cách xa 1.000km, bằng tên lửa phóng từ biển.

Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Tokyo hoan nghênh việc Nhật tăng chi tiêu quân sự như “một cột mốc quan trọng” đối với quan hệ song phương và biến một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” thành hiện thực. Tuy nhiên, một số người chỉ trích coi động thái mới vi phạm hiến pháp vì hòa bình suốt 7 thập kỷ qua của đất nước mặt trời mọc.

Cũng theo báo Guardian, bất chấp sự đồng thuận của chính phủ Nhật về bản chất và mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đảng Dân chủ tự do cầm quyền vẫn bị chia rẽ về cách tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Fumio Kishida đã phản đối những lời kêu gọi sử dụng trái phiếu chính phủ để giúp tài trợ ngân sách quốc phòng, ước tính khoảng 43.000 tỷ Yên (320 tỷ USD) trong 5 năm tới. Thay vào đó, chính quyền của ông chọn cách tăng thuế, giải pháp đã vấp phải sự phản đối của đông đảo người dân như các cuộc thăm dò dư luận gần đây phản ánh.

Trung Quốc cạn kiệt thuốc cảm cúm buộc Đài Loan phải hành động

Những kệ hàng trống trơn ở bắc Kinh (ảnh: AP).

Cơ quan y tế Đài Loan hôm 15 tháng 12 đã tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng nhu cầu cao về thuốc cúm của Trung Quốc có thể gây ra tình trạng thiếu thuốc ở Đài Loan.

Việc Trung Quốc đột ngột nới lỏng các quy định về phòng chống COVID vào tuần trước đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt các loại thuốc dùng để điều trị sốt và các triệu chứng cảm lạnh khác. Với việc Trung Quốc cung cấp 50% hoạt chất dược phẩm của Đài Loan, điều này làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt sắp xảy ra nếu Bắc Kinh ngừng xuất khẩu.

Giám đốc Trung tâm chỉ huy dịch bệnh trung ương Vương Tất Thắng cho biết hôm thứ Năm rằng Đài Loan có kho dự trữ 54 triệu viên Paracetamol và 910.000 viên Ibuprofen, chưa kể kho hoạt chất có thể được sử dụng để sản xuất thuốc.

Một quan chức của Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết việc cung cấp các loại thuốc liên quan đang được giám sát chặt chẽ và các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đã được yêu cầu cung cấp hoạt chất từ các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ, Pháp và Ý.

Đài Loan đã thực hiện một hệ thống báo cáo về các loại thuốc dự kiến sẽ hết trong sáu tháng. Chính phủ sẽ can thiệp bằng nhập khẩu nhanh và các hỗ trợ khác.

Các hiệu thuốc ở Đài Bắc đã báo cáo về sự gia tăng nhu cầu đối với thuốc hạ sốt bởi nó được nhiều người mua và chuyển sang Trung Quốc đại lục. 

Theo Reuters, tình trạng tích trữ thuốc hạ sốt trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng ở Trung Quốc cũng đang diễn ra ở Hồng Kông, Ma Cao và Úc, với những người tranh nhau mua thuốc để gửi sang Trung Quốc.

‘Phong trào giấy trắng’ lại bùng phát, các chuyên gia: Tập Cận Bình gặp nguy

image.png

Để đối phó với suy thoái kinh tế và “phong trào giấy trắng”, chính quyền Trung Quốc đã vội vàng bỏ phong tỏa và chấm dứt chính sách “zero-covid”. Nhưng không ngờ, vào đêm ngày 12 tháng 12, các cuộc biểu tình của sinh viên đã nổ ra ở sáu trường đại học. Các cuộc khủng hoảng khác cũng đang tới gần Trung Quốc. VOA vì điều này đã đăng một bài báo, với tựa đề, “Giông tố Trung Quốc nổi lên khắp nơi, Tập Cận Bình sẽ kết thúc như thế nào?”

Các trường đại học nổ ra cuộc biểu tình vào ngày 12/12 được phân bố ở Phúc Kiến, Giang Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Vân Nam và các nơi khác.

Nguyên nhân biểu tình không giống nhau,chẳng hạn, các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Y tế Giang Tây  thuộc Đại học Nam Xương và sinh viên Đại học Y Nam Kinh đều yêu cầu được trả lương công bằng và phản đối sự đối xử bất công.

Sinh viên Đại học Phúc Châu phản đối việc trường thay đổi kế hoạch cho  sinh viên về nhà.Còn các sinh viên tốt nghiệp của Đại học Y khoa Từ Châu thì phản đối vì họ được cử ra tuyến đầu để điều trị cho những bệnh nhân dương tính với covid-19 nhưng không có thiết bị bảo hộ cần thiết.

Tiến sĩ Ngô Quốc Quang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ nói với VOA vào ngày 28/11 rằng, ý nghĩa lớn nhất của “cuộc cách mạng giấy trắng” cho đến nay là người dân Trung Quốc đã đập tan nỗi sợ hãi và dũng cảm đứng lên.

VOA vào ngày 13/12 đã đưa ra liệt kê rằng ngoài chính sách phòng chống dịch bệnh và cách mạng giấy trắng, về chính trị ông Tập Cận Bình còn phải đối mặt với rủi ro người kế nhiệm và rắc rối kế nhiệm, cũng như rắc rối của vấn đề Đài Loan.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, phân tích rằng, ông Tập Cận Bình không dám đào tạo người kế vị: “Bởi vì vị trí hiện tại của ông ấy đã ở trong tình thế ‘sau ánh hào quang lời mắng nhiếc cuồn cuộn đến’ nên ông ấy không thể buông tay được, và  không thể đào tạo người kế vị. Bất người kế nhiệm nào cũng có thể lật bàn (lật đổ chính quyền) sau khi ông ấy chết. Người kế nhiệm này cũng có thể đá Tập Cận Bình xuống bùn”.

Về tình hình này, Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về các vấn đề Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group, cho rằng ông Tập Cận Bình có kế hoạch cai trị cho đến khi không còn cai trị được nữa, vì vậy, “vấn đề kế vị chính trị của Tập Cận Bình hiện là một rủi ro cực lớn đối với Trung Quốc. Chúng tôi biết điều đó sẽ xảy ra, chúng tôi biết đó sẽ là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi không biết khi nào nó sẽ xảy ra và chúng tôi không biết nó sẽ xảy ra như thế nào”.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những xung đột xã hội sâu sắc, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt và sự phòng bị, đối kháng liên tục của cộng đồng quốc tế. Các nhà phân tích nhìn chung cho rằng trước tình hình hỗn loạn này, Tập Cận Bình có thể sẽ lành ít dữ nhiều.

Chẳng hạn, Tiến sĩ Trình Hiểu Nông,  phân tích rằng Tập Cận Bình đã trở thành “người cô đơn” trong nội bộ ĐCSTQ, “hơn 1 triệu quan chức đã bị trừng phạt, và điều quan trọng nhất là các quan chức hiện nay đã bị cắt nguồn tài lộ (tiền tài). Vốn dĩ người làm quan đều có mục tiêu, đời này phải kiếm được bao nhiêu tiền, rồi chuyển sang nước ngoài ở đâu đó, thẻ xanh Mỹ chắc làm xong rồi, nhà cũng mua xong, chỉ chờ đến lúc tuổi già hưởng phúc, đây đều là mục tiêu làm quan của họ, nay mục tiêu này đã bị ông Tập Cận Bình phá hỏng hoàn toàn, nên không chỉ có hơn vài triệu, mà hàng chục triệu người trong đảng đang nghiến răng nghiến lợi, mà họ đều là tinh anh của ĐCSTQ. Vì vậy, theo diễn giải này, ông Tập Cận Bình là một người cô đơn trong thể chế”.

Ngụy Kinh Sinh, một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, đã đề cập rằng mặc dù ĐCSTQ giám sát chặt chẽ, nhưng “Trần Thắng và Ngô Quảng – những thủ lĩnh đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tần không phải là những nhân vật lớn, và cuộc nổi loạn ở thị làng Đại Trạch là không thể đoán trước, mà chế độ chuyên chế diệt vong là quy luật lịch sử”.

Tống Vĩnh Nghị, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Bang California, Hoa Kỳ, nói với VOA: “Một khi điều gì đó xảy ra, chính quyền ông Tập sẽ sụp đổ ầm ầm”.

Share.

Leave a Reply