Monday, May 6 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
February 12, 2023
Kalynh Ngô/Người Việt

MANHATTAN, New York (NV) – “Rise From the Fall” là tên một sự kiện đặc biệt diễn ra tại thư viện Low Memmorial Library, thuộc đại học Columbia University ở Manhattan, New York, chiều Thứ Tư, 8 Tháng Hai. Đây là buổi nói chuyện và cũng là lần xuất hiện hiếm hoi của tỷ phú gốc Việt, ông Chính Chu, trước đông đảo sinh viên nhiều trường đại học và cộng đồng gốc Việt từ khắp các tiểu bang.

Tỷ phú gốc Việt Chính Chu (trái) và ký giả Anh Đỗ. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Cuộc trò chuyện do Khoa Nghiên Cứu Việt Nam (Vietnamese Studies) thuộc Viện Weatherhead East Asian Institute của đại học tổ chức, thu hút gần trăm người đến dự.

Ngoài thành viên gia đình ông Chính Chu và bạn bè, phần lớn là các giáo sư, những nhà đầu tư, sinh viên của đại học Columbia University và các đại học khác.

Học vấn là chìa khóa

Nhân vật chính của sự kiện, tỷ phú Chính Chu, là cái tên không xa lạ với giới kinh doanh ở Mỹ và cả thế giới. Ông nổi tiếng với những thương vụ thâu tóm hoặc đầu tư vào các tập đoàn nổi tiếng của thế giới như Dell, Celanese, Biomet… Tên tuổi của thương gia người Mỹ gốc Việt này vượt ra khỏi Wall Street và lan nhanh khắp thế giới kể từ khi ông mua trọn tầng 89 và một nửa tầng 90 của tòa nhà Trump World Tower, đối diện trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, hiếm ai biết được ông đã trải qua những nấc thang bắt đầu như thế nào kể từ khi gia đình ông đặt chân đến Mỹ năm 1975. Dưới sự điều hợp, dẫn dắt của ký giả Anh Đỗ, nhật báo The Los Angeles Times, những giai đoạn quan trọng nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tỷ phú Chính Chu được ông chia sẻ với người tham dự trong một giờ đồng hồ. Các sinh viên, những “nhà kinh doanh tương lai” có mặt trong buổi toạ đàm đã có cơ hội học được nhiều bài học quý giá từ “phù thủy tài chính” này.

Ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện, ông Chính Chu bày tỏ lòng tri ân về truyền thống hiếu học của gia đình từ khi còn ở Việt Nam. Cha của ông là bác sĩ quân y, mẹ là giáo viên. Cả gia đình gồm bà, cha mẹ và sáu anh chị em của ông rời quê hương trên một trong những chuyến bay cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ. Năm đó, ông 8 tuổi.

Gia đình ông đến đảo Guam trước khi định cư ở Hawaii, nơi cha ông từng học dược. Hành lý của họ khi đến Mỹ chỉ là một vali nhỏ, “vì chúng tôi cần hoà nhập nhanh với cuộc sống mới,” theo lời ông nói.

“Hãy hình dung, một gia đình với sáu đứa trẻ, không một chữ tiếng Anh với vài trăm đô la ở một đất nước hoàn toàn xa lạ thì khó khăn như thế nào,” ông Chính Chu nói.

Dù khó khăn, nhưng truyền thống hiếu học không tách khỏi gia đình ông Chính Chu. Khi gia đình chuyển từ Hawaii đến Queens, New York, định cư, cha mẹ của ông khuyến khích, ủng hộ sáu người con bằng mọi cách phải hoàn thành việc học. Giờ đây, họ đều là những người thành đạt trong cuộc sống.

Poster buổi nói chuyện của tỷ phú gốc Việt Chính Chu. (Hình: Columbia University)

Kiên trì

Ngay từ khi còn nhỏ, tỷ phú Chính Chu đã bị thế giới tài chính mê hoặc. Bất cứ khi nào có thời gian, ông tìm đọc sách về kinh tế, kinh doanh. Đây cũng chính là nấc thang đầu tiên bắt đầu đế chế đầu tư của ông.

Ban đầu, ông tổ chức một nhóm bán hàng “door-to-door” cho công ty Southwestern Co. Sản phẩm ông bán là các loại sách có giá trị về giáo dục, giáo lý.

“Chúng tôi gõ cửa từng nhà, cố gắng để vào nói chuyện với họ trong 30 phút. Một ngày chúng tôi làm 13 tiếng như thế, sáu ngày một tuần,” ông kể về công việc mình làm thêm trong những năm là học sinh, rồi sinh viên ngành tài chính của đại học University at Buffalo. Bản thân ông là một trong những nhân viên có doanh thu cao nhất của công ty, bằng mọi cách tiếp thị ông có thể làm được.

Với tỷ phú Chính Chu, thế giới không vận hành theo nguyên mẫu của nó. Thế giới không tồn tại chỉ với cái này, hoặc chỉ với cái khác. Từ khi nhận ra “nguyên lý” này, ông đã có một niềm tin rất mạnh và vận dụng nó vào những cuộc thương thảo đầu tư chấn động giới kinh doanh toàn cầu.

Nguyên tắc của ông là “trong cuộc sống, bắt buộc phải có tính kiên trì để theo đuổi đến cùng mục đích của cuộc đời mình. Không bao giờ bỏ cuộc dễ dàng.”

Những năm đầu khi ông đầu quân về tập đoàn tài chính chuyên về đầu tư Blackstone, ông đóng một vai trò quan trọng trong thương vụ mua lại Berlitz International Inc. từ Fukutaki Publishing Co. của Nhật, một hợp đồng có nguy cơ đổ vỡ vào giờ cuối cùng khi ông Robert Maxwell, nhà tài chính truyền thông người Anh, người kiểm soát Berlitz, đột ngột qua đời khi đang đi nghỉ trên du thuyền vào Tháng Mười Một, 1991.

Ông Chính Chu “ở lỳ” trong một khách sạn ở Tokyo nhiều tháng liền, cho đến khi cuộc mua bán hoàn tất. Ông tiếp tục sống và làm việc ở Châu Á cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính tại lục địa này nổ ra vào năm 1997. Trở về Mỹ, ông tập trung nỗ lực vào lĩnh vực hóa chất, giám sát các tổ chức về tài chính và sức khỏe của tập đoàn Blackstone.

Một thương vụ mua lại lớn nhất lịch sử Châu Âu năm 2004, cũng là vụ mua bán được tỷ phú Chính Chu cho là “thành công nhất” của ông, đó là Blackstone mua lại tập đoàn hóa chất Celanese của Đức với giá $3.8 tỷ.

Năm 2015 ông rời Blackstone để “thực hiện một đế chế của mình,” theo lời ông nói, cùng những nhà đầu tư danh tiếng khác ở Wall Street, thành lập quỹ đầu tư tư nhân tên CC Capital. Ông giữ chức vụ giám đốc điều hành cấp cao.

Cuộc trò chuyện giữa ký giả Anh Đỗ và tỷ phú Chính Chu đặc biệt sôi nổi khi ông nói về SPACs (Special purpose acquisition company). SPACs mua lại những công ty rỗng, không hoạt động, với mục đích huy động vốn thông qua IPO và đưa công ty đó lên sàn chứng khoán. CC Capital là doanh nghiệp tích cực nhất trong chiến thuật kinh doanh này.

Tỷ phú Chính Chu (thứ tư từ trái), cùng các lãnh đạo của CC Capital và SPACs Collier Creek Holdings, gõ búa khai mạc thị trường chứng khoán New York. (Hình: Columbia University)

Triết lý trong kinh doanh

Trong bộ vest xanh sọc trắng giản dị, làn da ngăm đen, ít khi nở nụ cười, khó ai nghĩ người đàn ông này là một tỷ phú “làm mưa làm gió” trong thị trường Wall Street.

Tỷ phú Chính Chu là một người khá kín tiếng, hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, ngoại trừ những chủ đề liên quan công việc kinh doanh cần công bố. Đó là lý do mà rất nhiều sinh viên đa sắc tộc đã đến tham dự buổi nói chuyện hiếm hoi “ngàn năm có một này.”

Cô sinh viên Phùng Nhật Hồng, vừa tốt nghiệp khoa tài chính đại học Drexel University ở Philadelphia, Pennsylvania, vô cùng phấn khích cho biết hôm nay cô đã gặp được “thần tượng bằng xương bằng thịt.”

“Em biết về ông Chính Chu qua các bài báo thương mại. Em rất ngưỡng mộ ông ấy. Hôm nay được tận mắt nhìn thấy và nghe ông nói về những bài học vượt khó trong cuộc đời, em thấy mình có thêm nhiều niềm tin,” Nhật Hồng nói.

Mai Phương, hiện đang học cao học toán và kinh tế tại đại học Columbia University, nói rằng cô học được bài học rất lớn từ câu chuyện và lời khuyên của tỷ phú Chính Chu: “Quyết tâm thực hiện mục đích của mình, làm việc chăm chỉ và không bao giờ bỏ cuộc.”

Để quyết tâm, thì phải có đam mê. Nhật báo Người Việt có cơ hội đặt câu hỏi với tỷ phú Chính Chu về nhiều gia đình Việt truyền thống có tư tưởng định nghĩa “thành công” là “giàu có và địa vị cao trong xã hội.” Do đó, sự hy sinh của thế hệ thứ nhất luôn đi kèm với mong mỏi con cái của họ được bước ra từ những đại học “top” của nước Mỹ, trở thành bác sĩ, kỹ sư.

Tỷ phú Chính Chu là người tốt nghiệp một đại học không thuộc hàng danh giá. Đó là lý do 15 lá đơn xin việc của ông bị từ chối. Để ngày nay, Wall Street có một tỷ phú gốc Việt ít khi thất bại trong những hợp đồng thâu tóm kinh doanh.

Do đó, câu trả lời của ông dành cho nhật báo Người Việt là: “Đam mê của bạn quyết định tất cả. Nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ cứu người và bạn hạnh phúc với vai trò đó, điều đó thật sự cao quý. Nhưng chúng ta cần phải tìm ra một đam mê để có thể đủ tài chính nuôi dưỡng một đam mê khác. Vấn đề không phải là tiền, mà là học tập, là đóng góp, là tận hưởng công việc, vì bạn không thể làm một việc suốt 70 tiếng, 80 tiếng mà không yêu thích nó.”

Vậy thì, “triết lý của ông trong việc quản lý kinh doanh và đời sống như thế nào?” Ngắn ngọn, tỷ phú Chính Chu trả lời: “Con người. Con người. Và con người. Bên cạnh đó, văn hoá là một phần rất quan trọng.”

Cô Rachel Chang, người Mỹ gốc Hàn ở tiểu bang Maryland, vừa khởi nghiệp bằng một công ty thiết kế trang web. Cô chuẩn bị học cao học về tài chính. Một người bạn của Rachel là sinh viên đại học Columbia University đã giới thiệu cô đến buổi nói chuyện của tỷ phú Chính Chu.

Khi nghe câu chuyện về cuộc đời kinh doanh của ông, Rachel nói: “Tôi thật sự bị cách diễn đạt của ông thuyết phục. Nó từ tốn, rõ ràng, và cương nghị. Tôi nghĩ tôi sẽ tìm hiểu thêm về SPACs. Đây là một chiến lược đầu tư thật vĩ đại. Tôi không ngờ một người Châu Á có thể khuấy động Wall Street như thế.”

Tỷ phú Chính Chu trò chuyện với các sinh viên. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Trong cuộc nói chuyện suốt một tiếng rưỡi, tỷ phú Chính Chu thể hiện rõ ông là một người sinh ra để kinh doanh. Ông say mê với tất cả những gì liên quan đến tài chính, thương mại, và đầu tư.

Sau tất cả, vị tỷ phú gốc Việt này không quên cách sống “cho và nhận.” Khi trận lũ lụt kinh hoàng đổ vào miền Trung Việt Nam năm 1999, ông và người chị ruột ngay lập tức quyên góp được $20,000 từ bạn bè và gia đình. Họ sử dụng số tiền đó để phân phát gạo, mì và nhu yếu phẩm cho các nạn nhân lũ lụt ở các ngôi làng khắp Việt Nam. Cùng năm đó, cả hai thành lập Vietnam Relief Effort, một tổ chức phi lợi nhuận tài trợ xây dựng các cây cầu ở nông thôn cũng như giải phẫu cho các cựu chiến binh, người tàn tật, và những người bị đục thủy tinh thể. Tháng Mười Một, 2022, nhóm tổ chức một buổi quyên góp ở Manhattan được hơn $100,000 để xây dựng và sửa chữa các trường học ở Việt Nam.

Buổi chiều ở khán phòng của thư viện Low Memorial Library tại đại học Columbia University, câu chuyện “Rise From The Fall” của tỷ phú Chính Chu thật sự đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong con đường tương lai phía trước. [đ.d.]

Share.

Leave a Reply