Sunday, May 5 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65
*****

short story – words in vintage letterpress wood type on a green slate rock background

Cuối thời nhan sắc
– Bùi Kim Chi –
Một mùa xuân nữa trở lại của rất nhiều mùa xuân đã đến. Nhẩm tính thời gian mà “buồn xuân thêm tuổi”. Giật mình. Tôi đã trên thất tuần. Ngậm ngùi. Buồn xa vắng. Tôi không dám nhìn kỹ tôi trong gương. Chỉ thoáng qua. Rưng rưng tôi nhắm mắt. Ngậm ngùi thương cảm nỗi lòng của nàng cung nữ khi sắp phải từ giã thời vàng son của mình trong thơ Đông Hồ. “Ngậm ngùi giai nhân khẽ thở dài. Nắng chiều ngả tía sắc lâu đài. Gượng cười trong nét vàng son cũ. Như ả cung tần tuổi nhạt phai”. Tâm trạng của nàng cung nữ cũng giống như tôi, chỉ khác, nàng là một giai nhân trong cung cấm còn tôi chỉ là một phụ nữ của đời thường đang tiếc nuối “tuổi xuân”…

Ôi, tuổi đời mênh mông rồi chồng chất. Bảy mươi lăm tuổi đã gần kề. Khi ấy, không nhìn “tôi trong gương” tôi vẫn thấy “tôi trong gương”. Đưa tay sờ lên mặt, da khô. Cười, hai bên khóe miệng xếp li. Nhìn xuống thân hình. Đường cong ngày ấy nay còn đâu! Bàn tay ngọc nghiêng nghiêng chiếc nón nay hoa nâu xôn xao gọi nhau về. Lại giật mình. Buồn tênh. Tôi không dám “nhìn” gương mặt và vóc dáng cuối thời nhan sắc của người đàn bà nữa. Lại buồn. Mùa xuân này, tôi vào tuổi bảy tư – đã là già. Nhưng thôi ! Cứ vậy đi. Thời gian và nhan sắc muôn đời vẫn thế. Không níu kéo được. Chấp nhận. Nhưng… sao vẫn cứ thấy nao lòng.

Gió lành lạnh. Xuân reo trước ngõ. Mai Đồng Nai khoe sắc. Cả một khóm hồng lấp lánh dưới nắng mai. Rực rỡ. Hồng của thời con gái duyên dáng với tình yêu mộng mị. Gương mặt tôi bỗng rạng rỡ. Tuổi thơ tôi. Thời con gái. Tôi bồi hồi trở lại nhìn “tôi trong gương” qua thời gian và không gian của trời đất giao hòa một thời. Có lẽ đây là giây phút đẹp nhất và cũng là niềm vui cuối của “thời nhan sắc” mà bất kỳ người “thiếu nữ lớn tuổi” nào cũng muốn “trở lại” nhìn “mình trong gương”.

Tôi nhìn tôi trong gương.

Tuổi thơ tôi. Mười một tuổi tôi đã biết “nhìn tôi trong gương”. Tôi là con bé không đẹp nhưng ưa nhìn. Gương soi bảo thế. Trong gương tôi biết được thế mạnh của tôi. Tôi bắt đầu làm điệu. Dĩ nhiên là chỉ có gương soi và tôi. Mạ mà biết được thì “dị òm” lại còn “bị la”. Con nít không lo học mà làm điệu ! Tôi vén khéo tóc hai bên bằng hai chiếc kẹp bạc. Mặt tươi tắn, nước da trắng hồng. Mũi cao. Mắt sáng, tròn và trong. Tôi vẫn “nhìn tôi” trong gương. Gương mặt ưa nhìn. Còn thân hình. Không nói làm gì – con nít. Nhưng áo quần thì khỏi phải chê. Gọn gàng, tươm tất. Mười một tuổi tôi vào học lớp Đệ Thất trường Đồng Khánh. Mạ may cho hai bộ áo dài trắng vải Tétoron. Vải áo mỏng, vải quần dày hơn. Thêm hai chiếc áo lót xinh xinh mặc bên trong áo dài. Cứ thế mà thay đổi. Sạch sẽ. Chưa có phòng riêng. Soi gương phải lén vào phòng của chị gái. Nheo mắt. Cười mỉm. Cười duyên. Liếm môi. Vuốt tóc. Ôi ! Tôi đó. Mười một tuổi ngộ nghĩnh và đáng yêu. Làm điệu, tôi soi gương. Vui, tôi soi gương. Bị ba mẹ la, khóc tôi soi gương Những buồn vui, giận hờn vu vơ tuổi thơ. Nói chung, tôi thích “nhìn tôi trong gương” và “điệu”.Theo thời gian tôi lần đi qua tuổi mười bốn, mười lăm và đến với tuổi mười sáu. Tôi nhìn tôi trong gương nhiều hơn. Đã biết làm dáng. Vừa làm điệu vừa làm dáng. Thời thiếu nữ bắt đầu. Gió xuân hây hây làm hồng má thiếu nữ xuân thì. Một chút sương khói mơ màng. Tôi bắt gặp tôi và các bạn trong tranh của họa sĩ Đinh Cường, Đỗ Duy Tuấn. Nói như anh Phạm Thanh Châu trong Sông Hương, số đặc biệt – tháng 9/2013, thiếu nữ huế của anh Đinh Cường hầu hết là những thiếu nữ “Chân tay khẳng khiu, cổ cao, ngực chưa phát triển. Đó là những cô bé điển hình trong những gia đình nề nếp ở Huế. Ui cha. Đúng chi lạ. Tôi đó – 16 tuổi. Tôi “nhìn tôi trong gương”. Một con bé thích làm người lớn với nét thơ ngây còn nguyên trên gương mặt, dáng hạc thanh thoát “ngực chưa phát triển”. Trong gương, tôi mơ màng, mắt đắm đuối. Tóc xõa ngang vai với chiếc hoa trắng cài trên tóc, dịu dàng, đằm thắm trong chiếc áo dài trắng tinh khôi. Cặp sách trên tay. Guốc mộc.Tôi thấp thoáng trong gương. Từ đầu xuống chân toát lên vẻ trang nhã, nhu mì của con gái. Tôi làm dáng. Tôi muốn mình đẹp. Nhưng trời chỉ cho chừng ấy thôi. “Dễ thương”. Thôi, thế là đủ. Âm thầm với gương soi. Tuổi mười sáu – tuổi bắt đầu biết yêu và thích làm đẹp vì thế mà có những vui, buồn vu vơ. Tôi cười trong gương. Khóc trong gương. Hạnh phúc trong gương. Buồn trong gương. Sáng mai thức dậy, tôi soi gương. Nũng nịu cười trong mắt. Đi học về tôi soi gương. Vui vui với những đuôi theo trên đường. Thế là “điệu” trong gương. Thiếu nữ mười sáu dễ thương chi lạ. Da trắng hồng, mắt đen, má nõn nà, môi đo đỏ. Không trang điểm vẫn dễ thương. Con gái thời của tôi đứa nào trông cũng duyên và dễ thương trừ những đứa trời cho đẹp.

Rồi tuổi hai mươi đến sớm. Tôi đã vào Đại Học. Một thiếu nữ đầy đặn nét hoa, không đẹp nhưng ưa nhìn – các bạn của tôi nói thế; bởi dáng vẻ hiền lành, áo dài lụa với nón lá nghiêng quai đội lệch trên đầu. Lúc này tôi “điệu” nhiều hơn. “Soi gương” nhiều hơn. Sinh viên lớp Việt – Hán của tôi có nhiều con gái đẹp. Duyên dáng, dịu dàng, đằm thắm, ăn mặc kín đáo, nói năng nhỏ nhẹ, trang điểm chút chút. Mỗi người một vẻ. Đó là nét đẹp rất riêng của thiếu nữ ngày xưa, thời của tôi. Liên Thi, đẹp.”Khuôn trăng đầy đặn”. Miệng cười chúm chím rất xinh. Hoàng Thương, người đẹp trong tranh. Ẻo lả với mái tóc dài ngang eo. Lang thang trên đường mà hồn để đâu đâu. Chân Tú cô bạn thân của tôi thì đằm thắm có dáng đi rất đẹp. Hồng Loan có duyên ngầm, đẹp kín đáo. Rất dễ thương. Một “cặp bài trùng” là lạ, có nét độc đáo riêng. Bạch Mai – Diệu Huyền sánh đôi nhẹ bước trên đường dịu dàng kèm một chút đài các của con gái nhà lành làm nhiều người thích nhìn. Những sáng, những chiều tôi cùng các bạn thả gót ngọc trên đường qua cầu Trường Tiền cài chiếc lược bạc, rẽ trái về đường Lê Lợi con đường tình nhân và đến trường. Tuổi hai mươi, mới bước chân vào Đại học nên gương mặt cô nào cũng dễ thương “ngơ ngơ ngác ngác” như nai. Chính vẻ “ngơ ngác” đó mà con gái Sư Phạm đã làm cho nhiều anh trong trường và cả trường khác phải “ngác ngác, ngơ ngơ”. Thuở ấy con gái chúng tôi thường làm nền cho những con đường thơ của Huế sau giờ tan học vì thế mà gái Huế hay “làm điệu” mà hay làm điệu thì phải “soi gương”…

Giã từ gương soi.

Tôi lặng lẽ băng qua thời con gái để đến với thời “thiếu nữ lớn tuổi” ở giai đoạn mở đầu của tuổi già. Đó là lứa tuổi nửa trẻ nửa già – trên năm mươi. Chính vì thế mà sợ – sợ già. Muốn mình trẻ mãi nên “cố níu kéo thời gian”. Nhưng “thời gian không nhường ai”. Tôi luôn trong tâm trạng “man mác buồn”. Thôi thì cố giữ được chừng nào hay chừng ấy với nỗi buồn vương trên tóc…Rồi tóc tôi vơi dần theo năm tháng. Tóc ơi! Tóc lặng lẽ đi đâu… đi đâu… từng sợi…từng sợi để cho tôi phải ngẩn ngơ “tìm tóc”. Ôi! Thật buồn khi tôi cảm nhận được tuổi già đã thật sự đến. Một nỗi “sợ” khác xuất hiện, cụ thể hơn, rõ ràng hơn khi tôi soi gương. Nhìn vào gương – tôi khóc. Vẫn biết đó là qui luật của tạo hóa nhưng sao vẫn cứ thấy nao lòng. Tôi chính thức “giã từ gương soi của một thời”. Bây giờ soi gương chỉ để kiểm tra lại sự sạch sẽ của gương mặt, sự gọn gàng của đầu tóc, sự tươm tất của áo quần. Ôi, nét hoa thời con gái “rộn rã trong gương” nay đã hợp đồng cùng thời gian dìu nhau ra đi…

Trời đang xuân. Đất đang xuân. Mọi vật đang rộn rã vào xuân nhưng người “thiếu nữ trong gương soi” của ngày xưa đã không còn. Tôi buồn. Nỗi buồn đọng lại trong vóc dáng của một “thiếu nữ lớn tuổi” không còn xuân nữa. Một nét sầu trong mắt. Ướt mi. Thời gian ơi! Thời gian ơi! Tôi đã chính thức giã từ thời con gái với “gương soi” của một thời…

Bùi Kim Chi

Share.

Leave a Reply