Tuesday, May 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ra nghị quyết lên án Nga ''sáp nhập bất hợp pháp'' các vùng lãnh thổ của Ukraina, New York, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2022.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ra nghị quyết lên án Nga ”sáp nhập bất hợp pháp” các vùng lãnh thổ của Ukraina, New York, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2022. © Bebeto Matthews/AP

Trước ngày đánh dấu một năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina, hôm nay, 23/02/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết hoà bình cho Ukraina.

Theo AFP, trong ngày đầu tiên thảo luận về hoà bình cho Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 22/02, tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành từ một năm qua là “một cột mốc đen tối đối với Ukraina và đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Guterres lên án những hậu quả về mặt nhân đạo và những vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến này, đồng thời đề cập đến mối đe dọa ngầm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự “ vô trách nhiệm ” xung quanh các nhà máy điện hạt nhân.

Trong cuộc thảo luận, lãnh đạo ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba khẳng định trong khi “một nước thì chỉ muốn tồn tại, thì nước kia lại muốn giết chóc, phá hủy”. Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền hoà bình toàn diện “công bằng và lâu dài” tại Ukraina, theo các nguyên tắc của Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút quân và chấm dứt chiến tranh.

Về phần đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia, ông cáo buộc phương Tây “muốn Nga thất bại bằng mọi giá, và không chỉ Ukraina phải hy sinh, mà phương Tây còn muốn nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh”. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã đáp trả lại cáo buộc này, nhấn mạnh cuộc xung đột này không phải là phương Tây chống lại Nga, mà đây là “một cuộc chiến tranh bất hợp pháp, liên quan đến toàn thế giới, không phân biệt Đông, Tây, Nam hay Bắc”.

Trong bỏ phiếu vào tối nay, Ukraina và đồng minh hy vọng có thể nhận được ủng hộ ít nhất là từ 143 quốc gia, như là đối với nghị quyết tháng 10 năm ngoái lên án Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraina.

Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua 4 nghị quyết, 3 trong số đó thu được từ 140 đến 143 phiếu thuận. Có 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên và Eritrea và khoảng 40 nước bỏ phiếu trắng.(RFI)

Share.

Leave a Reply