Monday, May 6 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề cuộc họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 10/02/2023. Ảnh do Tân Hoa Xã Trung Quốc công bố.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề cuộc họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 10/02/2023. Ảnh do Tân Hoa Xã Trung Quốc công bố. AP – Huang Jingwen

Nhân chuyến công du Trung Quốc từ ngày 09 đến ngày 11/02/2023, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã được Bắc Kinh cam kết hậu thuẫn về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, cho đến an ninh. Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, hai bên đã nêu bật quyết tâm chống lại mọi can thiệp từ các “thế lực bên ngoài”.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Hun Sen đã có cuộc tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/02 tại Bắc Kinh, trong đó lãnh đạo Trung Quốc khẳng định việc “kiên quyết ủng hộ Cam Bốt trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, thúc đẩy đều đặn các chương trình nghị sự chính trị lớn trong nước cũng như phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cam Bốt”.

Hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã trích lời thủ tướng Hun Sen cho biết Cam Bốt “kiên quyết ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia” cũng như “kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông. Tân Cương và Tây Tạng.”

Riêng về Biển Đông, vấn đề vẫn gây tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN mà Cam Bốt là thành viên, hai bên đã dành riêng một trong số 8 điểm của bản Thông Cáo Chung ngày 11/02 để nhắc lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó “nhờ nỗ lực chung của các nước ASEAN và Trung Quốc, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định” do đó cần phải tránh các “mưu toan sử dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại hòa bình, ổn định và lòng tin trong khu vực”.

Theo AP, Cam Bốt là một đối tác ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh giảm được sự chỉ trích trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Cam Bốt cũng bị nghi là sẵn sàng làm đầu cầu cho Trung Quốc thâm nhập vùng Đông Nam Á về mặt quân sự.

Hãng AP nhắc lại: Vào tháng 06,/2022, Trung Quốc và Cam Bốt đã động thổ dự án mở rộng một quân cảng khiến Mỹ và các nước khác lo ngại rằng dự án này có thể cung cấp cho Bắc Kinh một tiền đồn quân sự có tầm quan trọng chiến lược trên Vịnh Thái Lan.

Hun Sen vào năm 2019 được cho là đã trao cho Trung Quốc quyền thiết lập căn cứ quân sự tại Căn Cứ Hải Quân Ream của Cam Bốt, điều luôn luôn bị ông phủ nhận.

Về phần Trung Quốc, nước này đã giành được một vai trò to lớn trong đời sống chính trị và kinh tế Cam Bốt, với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở, khách sạn và sòng bạc do Trung Quốc tài trợ ở khắp nơi. Hơn 40% trong số 10 tỷ đô la nợ nước ngoài của Cam Bốt là nợ Trung Quốc.(RFI)

Share.

Leave a Reply