Wednesday, May 1 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
April 26, 2023
Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Văn Học Miền Nam là một nền văn học mà sau lưng không có nghị quyết và trước mặt không có kẻ thù.

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Người Việt. (Hình minh họa: Người Việt)

Nhân ngậm ngùi tưởng niệm 48 năm ngày 30 Tháng Tư, một đất nước đã bị mất, chúng ta đồng thời tưởng nhớ đến – và cũng để tự hào – một thời văn học Việt Nam Cộng Hòa, hay nói cho gọn, Văn Học Miền Nam.

Hàng chục năm qua, rất nhiều tác giả hải ngoại đã nghiên cứu về Văn Học Miền Nam như Thụy Khuê, Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh… Đặc biệt, vào Tháng Mười Hai, 2014, một buổi hội thảo về Văn Học Miền Nam đã được tổ chức tại Orange County, California, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà thơ từ nhiều nơi trên thế giới quy tụ về trong đó có Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Du Tử Lê, Trương Vũ, Nguyễn Đức Tùng, Phùng Nguyễn, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc-Tuấn, vân vân. Trong bài viết ngắn này, thay vì trích dẫn những tác giả hải ngoại, tôi đề cập đến ý kiến của một vài tác giả (mà tôi cho là) tiêu biểu trong nước bàn về Văn Học Miền Nam.

Có thể nói, ngoài giai đoạn Tự Lực Văn Đoàn của thập niên 1930, thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn học trong lịch sử văn học nước nhà. Nhà nước Cộng Sản, tất nhiên, không chấp nhận thực tế đó. Vừa chiếm xong miền Nam là họ tiến hành ngay chính sách bài trừ toàn bộ nền văn học Việt Nam Cộng Hòa mà họ quy cho là văn hóa đồi trụy, thực dân. Nhưng theo thời gian, cùng với âm nhạc, nền văn học đó vẫn âm thầm sống và rồi sống dậy một cách mạnh mẽ, không những chỉ như một tài sản lịch sử quý giá, mà còn ảnh hưởng tích cực đến chính nền văn học bị đảng và nhà nước chỉ đạo và chi phối một cách toàn diện ở trong nước.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, một trong những người thành lập trang mạng Văn Việt, thì: “Sự tiếp xúc với Văn Học Miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học ‘chính thống’ miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần ‘tẩy rửa’ thói quen ‘tự kiểm duyệt’ và ‘phục vụ chính trị,’ giáo điều ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút ‘chống Pháp chống Mỹ.’ Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách ‘Đổi mới’ cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy” (1).

Sức sống tiềm tàng của Văn Học Miền Nam buộc nhà nước Cộng Sản phải thay đổi thái độ. Những luận điệu bôi bác, phủ nhận Văn Học Miền Nam của những người như Lê Đình Ky, Trần Trọng Đăng Đàn hay Đỗ Đức Hiểu càng ngày yếu dần, cuối cùng, lặng lẽ biến mất.

Trong bài viết “Ứng Xử Với Văn Học Học Miền Nam Trước 1975” trên “Nhân Dân Cuối Tuần” (13 Tháng Chín, 2016) (2), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản, tác giả Hạnh Nguyên cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, quan điểm ứng xử đối với Văn Học Miền Nam trước 1975 đã có nhiều thay đổi tích cực. (…) Hoàn toàn có thể nói đến một nhu cầu đọc lại, đánh giá lại, giới thiệu, phổ biến trở lại một số giá trị của văn học từng bị coi là ‘bên kia chiến tuyến.’ (…) Từ chỗ bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, Văn Học Miền Nam dần dần đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc.”

Đông đảo đồng hương, giới văn nghệ sĩ tham dự hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức vào Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, 2014, tại nhật báo Người Việt, Westminster. (Hình minh họa: Người Việt)

Tuy nhiên, những bài viết như thế này chỉ nói một cách chung chung, không hề nêu lên yếu tố nào đã khiến họ phải quay một góc gần như 180 độ đó. Giới quan chức lãnh đạo văn hóa Cộng Sản muốn tránh trút một sự thực: Văn Học Miền Nam là sản phẩm tự nhiên và tất yếu của một chế độ dân chủ tự do là Việt Nam Cộng Hòa.

Dẫu vậy, một số nhà nghiên cứu văn học trong nước, tuy vẫn còn dè dặt, cũng đã thẳng thắn thừa nhận mối liên hệ tất yếu giữa sự phát triển của Văn Học Miền Nam với chính bản chất của chế độ miền Nam. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Văn Học Miền Nam là một “nền văn học tồn tại trong một xã hội dân sự dựa trên tiêu chí: sự gắn bó, tương tác công khai, tự nguyện giữa tác giả và độc giả, giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận mà không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào” (3). “Không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào,” nghĩa là tự do, không bị đảng và nhà nước kềm chế kiểu miền Bắc.

Trong số những nhà nghiên cứu về Văn Học Miền Nam, Huỳnh Như Phương là người đưa ra một cách đánh giá cụ thể và tích cực. Trong một bài nghiên cứu công phu có tựa đề “Chiến Tranh, Xã Hội Tiêu Thụ Và Thị Trường Văn Học Miền Nam 1954-1975” (4), đăng trên tập san “Nghiên Cứu Văn Học,” một trong những cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của nhà nước Cộng Sản, ông nêu lên một số lý do được xem là bối cảnh của sự phát triển văn học ở miền Nam, xin tóm lược như sau:

-Tư nhân làm chủ: Ngành xuất bản sách báo phong phú và đa dạng hầu hết là của tư nhân. Có rất nhiều nhà xuất bản những tên chịu ảnh hưởng Tây phương như Thời Mới, Đêm Trắng, Ngưỡng Cửa…; đồng thời có nhiều tên mang tính chất Đông phương như Lá Bối, An Tiêm, Lửa Thiêng, Ca Dao, Hoa Tiên, Nam Sơn, Phù Sa, Đồng Dao, Mặc Lâm, Kẻ Sĩ, Cảo Thơm, Tao Đàn, Bến Nghé, Huyền Trân, Nam Chi Tùng Thư, Đại Nam Văn Hiến… Lại có nhà xuất bản mang tên của chính chủ nhân: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Vượng, Phạm Văn Tươi, Phạm Quang Khai. Họ xuất bản sách không dựa theo sự chỉ đạo của nhà cầm quyền mà dựa vào sự cạnh tranh bằng cách tạo uy tín qua những đầu sách về khảo cứu, sáng tác hay dịch thuật đáp ứng với nhu cầu của độc giả.

-Mạng lưới phát hành sách báo rộng rãi: Tuy gặp nhiều trở ngại về giao thông do chiến tranh, nhưng mạng lưới cũng đã đưa được nhiều ấn phẩm đến những vùng xa Sài Gòn như các tỉnh miền Tây và miền Trung. Vì thế, những độc giả hiếu học ở các tỉnh lỵ cũng có thể đọc được đủ loại sách báo xuất bản ở Sài Gòn, kể cả những kiệt tác văn chương của các tác giả đoạt giải thưởng Nobel ở các hiệu sách.

-Quan niệm hiện đại về báo chí của giới làm báo: Đề cao việc thông tin chính xác và kịp thời, coi trọng tính khách quan của báo chí, thông qua việc giao tiếp, cộng tác với những nhà báo nước ngoài của các tờ báo lớn và các hãng tin nổi tiếng như AP, AFP, UPI, BBC, Reuters… thường xuyên có mặt ở Việt Nam.

-Công nghệ in ấn tân tiến: Từ in typo chuyển dần sang in offset với những máy in hoạt động với năng suất cao.

-Tự trị đại học: Do ý thức xây dựng một nền văn học và giáo dục khai phóng, theo tinh thần mở rộng về giao lưu văn hóa, cho nên tuy là một chế độ chống Cộng Sản, nhưng tư tưởng của chủ nghĩa Marx vẫn được giảng dạy ở các trường đại học từ nhãn quan của các học giả Tây phương. Ngoài ra, những trào lưu sáng tác, những trường phái triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học được giới thiệu khá phong phú và cập nhật.

-Sự trung thực của các cơ sở báo chí và xuất bản: Đã giúp người đọc miền Nam nhìn rõ hơn xã hội ở chung quanh mình, đã liên kết những người thiện chí trong một nỗ lực vận động cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và một nền văn hóa văn nghệ tiến bộ, cho thấy mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, sinh hoạt văn hóa miền Nam không có tính chất một chiều mà còn có những mầm mống của dân chủ, thông qua tiếng nói phản biện và phản kháng.

Nhà văn Trần Doãn Nho phát biểu tại hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức vào Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, 2014, tại nhật báo Người Việt, Westminster. (Hình minh họa: Người Việt)

Đánh giá chung Văn Học Miền Nam, Huỳnh Như Phương nhận định: “Trong đời sống Văn Học Miền Nam, những sáng tác và công trình nghiên cứu chứa đựng những yếu tố dân tộc, nhân đạo, dân chủ và cách tân, xuất hiện trên cái nền của hoạt động báo chí và xuất bản rất đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Giữa các khuynh hướng đó không có ranh giới tuyệt đối, mà có sự giao thoa, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Sách báo thân chính quyền cũng có lúc ấn hành những tác phẩm đả kích quan chức của chế độ, thậm chí bị tịch thu. Sự chuyển biến của sách báo khuynh tả cũng là một quá trình từ tự phát đến tự giác. Trên một tờ báo hay một nhà xuất bản có thể xuất hiện những cộng tác viên đối lập nhau về lập trường chính trị và quan điểm văn học.”

Ngoài Huỳnh Như Phương, một trong những học giả dành khá nhiều công sức nghiên cứu và tổng kết một cách đầy đủ và chi tiết bức tranh văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975 là Tiến Sĩ Trần Hoài Anh. Theo học giả này, “Lĩnh vực nghiên cứu về Văn Học Miền Nam mà trọng tâm là bộ phận lý luận phê bình Văn Học Miền Nam trước 1975 cũng là lĩnh vực mà tôi chọn lựa dấn thân nghiên cứu. Đây cũng là đề tài luận án tiến sĩ của tôi đã bảo vệ thành công tại Viện Văn Học Việt Nam với một tâm nguyện làm thế nào để bảo tồn một di sản văn học nước nhà như tôi đã từng khẳng định trên báo chí trong nước khi trả lời phỏng vấn: Văn Học Miền Nam 1954-1975 là một di sản quý báu của văn học dân tộc” (5).

Tôi đã có dịp đọc một số bài viết của Trần Hoài Anh đăng tải trên mạng:

-Nguyễn Vỹ – nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954-1975).

-Khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo ở miền Nam trước 1975.

-Nhất Linh trong sự tiếp nhận của Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Thơ Mới và sự hiện hữu trong Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Từ lý luận – phê bình Văn Học Miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

-Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975.

-Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975.

-Người đọc trong quan niệm của lý luận – phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975, vân vân.

Tuy không có điều kiện tiếp cận những công trình nghiên cứu chính yếu của Trần Hoài Anh, nhưng qua những gì đọc được, tôi nhận thấy ông đã có một nhãn quan rộng rãi, cởi mở và khách quan về nhiều mặt đối với nền văn hóa miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, khác xa và thậm chí ngược hẳn lại với cách đánh giá Văn Học Miền Nam theo quan điểm nhà nước chính thống.

Trong bài viết đề cập đến triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông nhận xét: “Như vậy, có thể nói, với triết lý giáo dục này [Nhân bản, Dân tộc & Khai phóng], nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975 là nền giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi, đây là nền giáo dục lấy sự ‘khai phóng’ con người làm cảm hứng cho mọi sáng tạo và xây dựng nhân cách người học trong nhà trường. Đây cũng là nguyên tắc bất biến, chi phối việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở tất cả các bộ môn, trong đó có bộ môn Quốc văn. Giáo dục tính nhân văn, vì thế, đã trở thành một phẩm tính trong chương trình Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975” (6).

Đây là một cái nhìn hiếm thấy của một nhà nghiên cứu hiện đang sống và làm việc ở trong nước.

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Việt Báo. (Hình minh họa: Người Việt)

Mới đây, trong một bài viết khác về Văn Học Miền Nam (Tháng Sáu, 2022), ông khẳng định: “Với một thể chế chính trị đa nguyên, chấp nhận mọi sự khác biệt nên ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã hình thành một nền văn học khá cởi mở. Sự cởi mở ấy không chỉ thể hiện ở việc tiếp nhận nhiều hệ hình lý thuyết của các nền văn hóa Đông, Tây và văn hóa Mỹ mà còn thể hiện ở việc tiếp nhận một cách khách quan, công bằng, khoa học đối với giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có tác phẩm của các nhà văn /thơ thời Tiền chiến và thời kháng chiến chống Pháp đang sống, làm việc ở miền Bắc. (…) Rõ ràng qua những tư liệu này có thể xác quyết trong giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong Văn Học Miền Nam hình như không có ‘vĩ tuyến’ đó. (…) Đây là một vấn đề cần được khẳng định trong Văn Học Miền Nam 1954-1975 mà dường như lâu nay đã bị ‘chôn vùi’ bởi những định kiến thiển cận về Văn Học Miền Nam ở một thời không xa khi cho rằng, đây là bộ phận văn học ‘đồi trụy’ ‘phản động’ mà không thấy được ‘Tinh hoa của văn học dân tộc’ vẫn tiềm ẩn trong bộ phần văn học này” (7).

Tóm lại, các trích đoạn tiêu biểu về Văn Học Miền Nam trên đây của các tác giả Hoàng Hưng, Lại Nguyên Ân, Huỳnh Như Phương và Trần Hoài Anh cho thấy Văn Học Miền Nam đã phát triển dựa trên các yếu tố khách quan:

-Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân.

-Xã hội dân sự: Sự gắn bó, tương tác công khai, tự nguyện giữa tác giả và độc giả, giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận mà không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào.

-Sự hiện diện của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật.

-Thể chế chính trị đa nguyên.

Dù chưa hẳn đầy đủ, nhưng cách nhìn mới mẻ và tiến bộ này là một đóng góp quan trọng trong quá trình thừa nhận giá trị đích thực của một nền văn học.

***

Văn Học Miền Nam (1954-1975), tuy tồn tại trong một thời gian rất ngắn ngủi trong chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng là một trong những thành tựu lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

“Nếu Văn Học Miền Bắc là đơn nhất, là một khối, một tảng và chỉ là một công cụ bảo vệ chế độ thì ngược lại, Văn Học Miền Nam là một thứ kính vạn hoa. Nó soi rọi từng chân dung, từng số phận, từng hoàn cảnh, từng ngóc ngách của cuộc sống. Do đó, nó không thể trở thành công cụ của nhà cầm quyền; không những thế, trong rất nhiều trường hợp, lại là một đối trọng với nhà cầm quyền. Cũng như giòng sông, nó chảy; cũng như cánh rừng, nó mọc, nó ra lá trổ hoa. Đó là một nền văn học mà sau lưng không có nghị quyết và trước mặt không có kẻ thù. Nó tự nhiên như nhiên. Như một con chim thả bay ngoài trời hay những bông hoa nở ngoài đồng nội” (8).

Văn Học Miền Nam sống mãi với dân tộc! [qd]


Chú thích:

(1) Phỏng vấn nhà thơ Hoàng Hưng, Diễn Đàn Thế Kỷ.

(2) https://nhandan.vn/ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975-post272466.html.

(3) Dẫn theo Đỗ Thu Thủy, “Văn học miền Nam trước 1975 – quen và lạ”

(4) Huỳnh Như Phương, tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, Viện Văn Học – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, số 4 – 2015, tr. 27-40. Xem: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/văn-học-việt-nam/5393- chin-tranh-xa-hi-tieu-th-va-th-trng-vn-hc-min-nam-1954-1975.html

(5) Thư riêng.

(6) “Giáo dục tính nhân văn qua chương trình, sách giáo khoa Quốc Văn Trung học Đệ Nhị Cấp ở miền Nam trước 1975”

www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=25968

(7) Trần Hoài Anh, “Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975”

Xem: văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)

(8) Xem: Trần Doãn Nho, “Tính ‘văn học’ trong Văn Học Miền Nam.”

Share.

Leave a Reply