Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
April 23, 2023
SCRANTON, Pennsylvania (NV) – Nhà máy Scranton Army Ammunition Plant, tiểu bang Pennsylvania, là đơn vị sản xuất trọng yếu trong kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la của Ngũ Giác Đài nhằm tối tân hóa và đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn đại bác 155mm, không chỉ để hỗ trợ Ukraine, mà còn là bước chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc, theo AP.

Đây là một trong chỉ hai địa điểm mà Mỹ dùng để sản xuất vỏ và đầu đạn thép cho đạn đại bác 155mm, loại vũ khí vô cùng quan trọng mà Mỹ cấp tốc viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lăng Nga hiện nay.

Đầu đạn đại bác 155mm sản xuất tại nhà máy Scranton Army Ammunition Plant ở Sranton, Pennsylvania. (Hình: Hannah Beier/Getty Images)

Cuộc chiến dữ dội và kéo dài đưa ra một thực tế khó khăn rằng kho dự trữ đạn đại bác 155mm của Mỹ và đồng minh Châu Âu không đủ để phục vụ một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn và kéo dài. Do đó, khối các quốc gia dân chủ Phương Tây đang phải cấp tốc sản xuất thêm loại đạn này.

Tình hình này cũng là hồi chuông báo động cho các nhà hoạch định quân sự Mỹ. Giờ đây quân đội Mỹ đang lập kế hoạch chi hàng tỷ đô la để gia tăng nhịp độ sản xuất, vốn được duy trì trong vòng 40 năm qua, cho các nhà máy đạn dược trên toàn quốc nhằm đối phó tình trạng khẩn cấp hiện nay.

Một điều chắc chắn mà giới chức Lục Quân và nhà máy Scranton sẽ không tiết lộ, đó là nguồn cung cấp thép từ đâu và nhà máy có thể sản xuất thêm bao nhiêu viên đạn nữa, bởi vì phía Nga cũng muốn biết thông tin này.

Tính đến nay, Mỹ viện trợ hơn $35 tỷ vũ khí và thiết bị cho Ukraine, trong đó có hơn 1.5 triệu viên đạn 155 mm.

Đầu đạn đại bác 155mm nằm trên kệ trong dây chuyền sản xuất tại Scranton, Pennsylvania. (Hình: Hannah Beier/Getty Images)

Đạn 155 mm là một trong những mặt hàng được yêu cầu thường xuyên nhất, đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến vì giúp lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu cách xa tới 20 dặm với sức công phá mạnh.

Quân đội Mỹ chi khoảng $1.5 tỷ để đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn 155 mm, từ 14,000 viên mỗi tháng (trước khi Nga xâm lăng Ukraine) lên hơn 85,000 viên mỗi tháng cho đến năm 2028.

Tuy nhiên, ngay cả với năng suất tăng cao trong ngắn hạn, Mỹ vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu sử dụng ở Ukraine. Ước tính mỗi ngày Ukraine bắn 6,000 đến 8,000 viên đạn.

Điều này có nghĩa là số đạn dùng trong hai ngày ở Ukraine bằng số đạn Mỹ có thể sản xuất trong một tháng, nếu tính theo hiệu suất trước kia. Tình hình này có thể trở thành khủng hoảng, vì hiện nay pháo binh là phương tiện chiến đấu quan trọng nhất trong chiến tranh Nga – Ukraine.

Ngoài nhà máy Scranton, thân thép của đạn còn được một nhà máy thuộc sở hữu General Dynamics sản xuất. Theo hợp đồng thì hai nhà máy có thể sản xuất được 24,000 viên đạn mỗi tháng. Bên cạnh đó, quân đội còn có thêm một đơn đặt hàng trị giá $217 triệu, nhưng chưa rõ số tiền này tương đương với bao nhiêu viên đạn 155mm.

Đầu đạn 155mm sẵn sàng xuất xưởng. (Hình: Hannah Beier/Getty Images)

Những khó khăn mà quân đội Mỹ đang phải đối mặt trong việc tăng cường sản xuất đạn đại bác được phản ánh rõ qua hiện trạng của nhà máy Scranton.

Cơ xưởng này vốn được xây dựng cho kỹ nghệ xe lửa ngay sau năm 1900, sau đó chuyển sang sản xuất đạn cỡ lớn cho quân đội từ thời cuộc chiến Triều Tiên hồi thập niên 1950.

Tuy nhiên, hiện nay, quân đội rất khó tái thiết quần thể khu sản xuất này vì nơi đây được liệt kê là di tích lịch sử quốc gia.

Nhà máy đang lập kế hoạch tối tân hóa trị giá $120 triệu. Bộ Quốc Phòng kỳ vọng dây chuyền sản xuất mới sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2025. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng là một công việc phức tạp.

Sau khi được sản xuất ở Scranton, vỏ đạn thép được chuyển đến nhà máy đạn Iowa Army Ammunition Plant ở Iowa để nhồi chất nổ, gắn ngòi nổ.

Ngũ Giác Đài dự trù bổ sung thêm hợp đồng sản xuất đạn 155 mm mới với nhà máy ở Texas và Canada, cũng như tìm kiếm mở rộng sản xuất tại lãnh thổ của các đồng minh ngoại quốc. (MPL) [đ.d.]

Share.

Leave a Reply