Sunday, May 5 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Ảnh: (từ trái: Phạm Ngọc Lư-Trần Hoài Thư-Nguyễn Lệ Uyên (X)-Phạm Văn Nhàn
ảnh chụp năm 1969) DĐTK

 

NHỮNG CON CHIM CÂM 
NGUYỄN LỆ UYÊN 
 
Trần Doãn Nho/Người Việt
Apr 21, 2021
 
KENNEDALE, Texas (NV) – Nguyễn Lệ Uyên thuộc thế hệ “những cây bút trẻ” xuất hiện trên văn đàn miền Nam vào khoảng giữa thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.
 
Các sáng tác của anh được đăng tải đều đặn ở các tạp chí văn học Sài Gòn thời đó như Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Thời Tập, Chính Văn, Ý Thức… và về sau này, trên các tạp chí mạng và giấy, trong cũng như ngoài nước như Da Màu, Văn Việt, Văn Chương Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ, Sáng Tạo…
 
Anh đa dạng, tài hoa, viết nhiều, viết mạnh, vừa sáng tác (truyện ngắn, truyện dài) vừa nhận định văn học và biên khảo văn hóa.
 
Một trong những nét riêng trong phong cách truyện ngắn của anh là sự thong thả; thong thả trong cách viết, trong đề tài, trong câu chuyện và đôi khi, ngay cả ở những tựa đề: “Bóng Nắng,” “Lên Non Hái Trái,” “Buổi Sáng Mát Mẻ,” “Về Làng,” “Mưa Trên Sông Dakbla,” “Buổi Sáng Trong Làng,” “Còn Cọng Rau Dền”…
 
Bằng một văn phong giản dị, từ tốn, chừng mực, anh nhẩn nha kể những mảnh đời sống bình thường, gần gũi chung quanh, chuyện này đeo vào chuyện khác: một ông đi cày ruộng trong lúc bụng đói, nhưng tự ái không ăn cơm mời để cuối cùng phải chết đói, một Việt kiều về thăm làng cũ, thấy một vườn trồng rau dền mà mừng rỡ; một cô sinh viên buôn bán thuốc Tây ở lề đường chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của khách hàng, vân vân…
 
“Hình dáng” của đời sống được Nguyễn Lệ Uyên soi rọi dưới nhiều góc độ khác nhau, lắm khi khá tỉ mỉ, từ trong cho đến ngoài, từ tâm cho đến thân. Anh không lên gân, không đại ngôn, không bi thảm hóa nhưng chọn lựa làm nổi bật một số sự kiện bất ngờ khiến cho những nghịch lý cuộc đời, những trái khoáy nhân sinh tự chúng ngoi lên, giăng mắc.
 
Những bi kịch đời sống, trong bút pháp Nguyễn Lệ Uyên, không đến từ cách “vặn vẹo” ngôn ngữ, mà đến từ chính hiện thực. Các chi tiết xuất hiện lắm lúc ngẫu nhiên, y như thể những cành, nhánh đột biến từ một thân trồng sẵn, khiến cho hiện thực trở nên dồi dào và dày dặn hẳn lên.
 
“Buổi Sáng Trong Làng” đề cập đến một buổi đi cày ruộng hằng ngày của “nông dân” bất đắc dĩ Dự, nhưng rồi tỏa nhánh ra nhiều điều nghịch lý khác trong đời sống sau biến cố đổi đời 30 Tháng Tư, 1975.
 
Trên đường đi ra đồng, Dự gặp Lại, một cô bạn chăn bò thuở thiếu thời, bây giờ là một cán bộ trong làng. Cô ta trông “lạnh lùng, tàn nhẫn với cái nhìn nhọn sắc và hàm răng khít rin, thù hận,” khác hẳn với một cô gái trước đây “vốn cần mẫn với ruộng vườn, bếp núc; cũng cười đùa hể hả với đám bạn mỗi khi có dịp đùm túm với nhau.”
 
Không những thế, cô đã từng “háo hức xô ngã Dự lọt qua bờ rào chiêm chiêm, phóng theo đè lên người Dự. Mảng da thịt âm ấm của cô gái mười bảy phủ chụp lên khắp người thằng nhóc con là Dự đang bước vào tuổi dậy thì, khiến nó run rẩy với những khoái cảm sững sờ. Lại sờ soạng, bấu riết, hôn lên mặt mũi, lột truồng nó ra, giống như lúc bị xô ngã qua hàng rào chiêm chiêm rồi biến nó thành đàn ông khi mới mười ba!” để lại cho Dự một “vết thương dậy thì” kéo dài cho đến lúc trưởng thành.
 
Ấn tượng của “vết thương dậy thì” bất ngờ này mạnh đến nỗi khi đi lính rồi mà “gặp phụ nữ Dự sợ còn hơn đang lúc đánh trận.” Và đêm tân hôn, ấn tượng đó trở thành một nỗi “sợ hãi chập chờn trôi nổi bềnh bồng như túm rác trôi trên con kênh đen quánh…” Từ chuyện đi cày ruộng, đề tài bỗng vượt rào, nhảy qua… phân tâm học!
 
Trong số nhiều truyện ngắn viết sau này, tôi thích “Bầy Chim Trước Hiên Nhà.” Truyện có một nội dung khá lạ với nhiều chi tiết thú vị, có phần khác với nhiều truyện ngắn khác của anh. Tất nhiên, vẫn là một Nguyễn Lệ Uyên thong thả, không có gì dồn dập, không kịch tính, thậm chí y như thể… chẳng dính dáng gì đến chuyện nhân sinh!
 
Nhân vật đến thăm một người quen vốn là doanh nhân, sau trận đau thập tử nhất sinh, buông bỏ việc đời, lui về ở ẩn, vui thú điền viên. Đang bàn chuyện cây cỏ thì bỗng nhiên, một chi tiết vu vơ chuyển câu chuyện sang một đề tài khác: nuôi chim. Chủ nhân “nuôi chim lồng to lồng nhỏ, treo móc lủng lẳng trên rui, kèo nhà.” Toàn là một lũ chim táp nham, không phải chim cảnh.
 
“Con cu cườm lừ lừ gật gù giống như lão lý trưởng mặc áo the, đội khăn đóng, nách cặp dù ngất nghểu trên đường tới nhà bà góa. Con chìa vôi lấc cấc như thằng trẻ ranh. Còn con chào mào giống hệt bà gái góa đội nải chuối xanh lên chùa. Cuối dãy là hai chú sáo đà và mấy con khác nữa không biết tên.”
 
Nhưng lạ lùng nhất, tất cả đám chim đều câm, vì “từ khi tôi bước chân vào nhà tới giờ, chưa nghe thấy chúng hót hay kêu gì cả mà chỉ đứng gật gù nhìn trời đất như những nhà hiền triết hoặc chăm chú mổ thức ăn, rỉa lông.”
 
Tại sao lại là chim câm? Chủ nhân cho biết: “Tôi cứ treo đó. Sáng chiều đổ thức ăn và thay nước. Chúng sống chết thế nào mặc. Có hót hay không cũng kệ. Tôi đã thả chúng ra nhưng bay quanh quẩn đâu đó rồi chiều tối tụ tập về, cắn mổ, la hét với nhau om sòm riết cũng thấy ngồ ngộ. Trong số này có con tôi mang về, có con tự dưng kết bầy chui vào chung sống, hòa đồng với đám chim mà các cháu tôi gọi là câm. Và rồi cả đám cũng hóa câm luôn.”
 
Thì ra thế, nuôi mà không nuôi! Rõ là chủ nhân có “tính giai cấp.” Nếu là chim cảnh thì chắc chúng sẽ được ở lồng son, được uống nước trong, được ăn đồ ăn khoái khẩu vì chúng biết hót và hót hay. Còn chim bổi thì mặc kệ. Ấy thế mà, chúng vẫn cố bám lấy mà ở. Người ta bảo, chim trời cá nước. Ở đây, chim không thèm bầu trời, không thèm tự do. Người nuôi không cần chúng hót, mà chúng cũng chẳng cần phải hót. Chúng đã thay đổi bản tính. Qua miệng lưỡi của nhân vật, Nguyễn Lệ Uyên bàn về cách con người tước đoạt số phận con chim.
 
Trước hết là tước đoạt tự do. Khi bị tước đoạt tự do, con chim vẫn còn là con chim, vẫn còn hót, nhưng tiếng chim hót phát ra từ bên trong những chiếc nan tre, những chiếc lồng son giả tạo, “nghe tiếng con ong bầu bị đè lên nắp thùng thiếc, đang gắng sức vùng vẫy kêu la, mong được sớm thoát ra ngoài. Nó cứ u uẩn, nghẹn tắc. Nó cứ te tái, sực sạo tỉ như vết trầy xước trên mặt đĩa nhạc. Tiếng chim hót trở nên lạc lõng, bơ vơ tựa hồ tiếng rên xiết, kêu cứu.” Cái hay, cái đẹp, theo Nguyễn Lệ Uyên, phải gắn liền với tự do. “Cái đẹp là của chung của nhân loại”, cho nên, “Không ai có quyền và được quyền chiếm hữu làm của riêng.”
 
Nhưng “dã man” (chữ của Nguyễn Lệ Uyên) hơn, con người còn có thể tước đoạt bản tính tự nhiên của chim. Bằng cách nào? Thay đổi thói quen.
 
“Đầu tiên là chúng được ăn no, ăn ngon. Con nào cũng mập mỡ, lại không bay nên thanh quản chúng chỉ có một lớp mỡ dày bao quanh. Muốn rung lên không tài nào rung được thì hót thế nào bằng lúc xưa khi còn ngoài rừng núi?” (…) “Ăn chán chúng bay ra thau nước ngoài kia tắm giũ, rồi bay lên mái nhà hay giậu mồng tơi rỉa lông phơi nắng. Rồi lại trở vào lồng.”
 
Kết quả là “tất cả các cửa lồng đều mở toang. Có cái còn ngã ra làm cầu cho chúng chuyền. Lũ chim đang thản nhiên mổ thức ăn, đứng ngoài nan lồng rỉa lông. Có con còn nằm xoài cánh trên kèo nhà như thể nơi này là rừng sâu, là cây cao của chúng trước đây.”
 
Bị tước đoạt tự do, con chim vẫn còn tiếng hót riêng của mình, dù đau đớn, uất nghẹn. Nhưng khi đã thay đổi bản tính, chim trở nên tệ hơn: đánh mất tiếng hót của chính nó. Tiếng chim bây giờ “giống như đứa trẻ cầm dùi gõ lên mặt trống da ếch.” Con thì cất giọng khàn khàn, con thì gật gù không ra tiếng. Khi nghe tiếng vỗ tay bồm bộp, “tất cả các chú chim của anh bắt đầu khào khào trong cổ họng nghe đến thảm thương.”
 
“Bầy Chim Trước Hiên Nhà” của Nguyễn Lệ Uyên đưa ra một hình ảnh không giống ai, nhưng đượm mùi triết lý: hót mà vẫn câm. Hót giả! Khác hẳn với cái rộn ràng, líu lo của hót thật. Chả thế mà, chủ nhân nuôi chim giải thích: “Đó chẳng qua là thiết lập lại trật tự tự nhiên, một trong những mệnh đề biện chứng của triết học thời Trung cổ.”
 
Được sáng tác vào năm 2001, truyện ngắn này mang tính cách “tiên tri” cho một sự kiện văn học diễn ra 18 năm sau, liên hệ đến bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam (Cộng Sản), vào Tháng Giêng, 2019. Gửi nó cho tạp chí mạng Văn Việt, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Nhân dịp ông Hữu Thỉnh hoan hỉ thông báo với bốn vạn hội viên của ông, rằng ‘Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta,’ tôi mới chợt nhớ có viết một truyện ngắn cách đây mười tám năm, đọc thấy có chút gì đó trùng hợp với những lời tuyên bố của ông Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh, nên lục gửi cho Văn Việt.”
 
Quả là, “Bầy Chim Trước Hiên Nhà” đưa ra một ví von đầy ấn tượng. Được nhà nước nuôi, những nhà văn trong một xã hội toàn trị chẳng khác gì những con chim câm: Viết thật nhiều nhưng chẳng viết gì cả. Viết giả! [qd]
Share.

Leave a Reply