Sunday, May 5 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Vương miện hoàng gia Anh đặt trên linh cữu của nữ hoàng Elizabeth II trong tang lễ của bà tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh, ngày 14/09/2022.
Vương miện hoàng gia Anh đặt trên linh cữu của nữ hoàng Elizabeth II trong tang lễ của bà tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh, ngày 14/09/2022. © Max Mumby / Indigo / Getty Images

Vua Charles III chính thức đăng quang ngày 06/05/2023. Những viên kim cương Cullinan trên quyền trượng của vua Charles III và vương miện của hoàng hậu Camilla lại gây tranh cãi như từng xảy ra với viên kim cương Koh-i-Noor trên vương miện của nữ hoàng Elizabeth II.

Theo thông tín viên RFI Claire Bargelès tại Johannesburg, công luận Nam Phi yêu cầu Luân Đôn trả lại những viên kim cương Cullinan :

“Cuộc tranh luận vẫn thường nổi lên mỗi khi có các chuyến thăm hoàng gia hoặc gần đây là lúc diễn ra lễ tang nữ hoàng Elizabeth II : Nam Phi có nên đòi Anh Quốc trả lại các viên kim cương đó không ?  

Những viên kim cương này được phát hiện năm 1905, trong đó viên kim cương thô lớn nhất thế giới, hơn 3.106 cara, được khai thác từ mỏ Thonas Cullinan, gần Pretoria. Chính phủ thời đó, dưới chế độ thực dân Anh, mua viên kim cương và làm quà tặng sinh nhật cho vua Edward VII để kết thân với hoàng gia Anh sau chiến tranh Boer. Được gửi đến Amsterdam, Hà Lan, viên kim cương đã được tách thành nhiều viên nhỏ (được đánh dấu từ Cullinan I đến IX)

Viên lớn nhất là Cullinan I, được gọi là “Ngôi sao châu Phi”, hiện ngự trên quyền trượng hoàng gia được vua Charles III cầm trong lễ đăng quang. Những viên đá khác được gắn trên vương miện được hoàng hậu Camilla đội trong lễ đăng quang.

Các đời chính phủ đương đại ở Nam Phi chưa bao giờ yêu cầu Luân Đôn trả lại những viên kim cương đó. Nhưng một số tiếng nói trong các đảng đối lập nhỏ thì cho rằng những viên kim cương đó đã bị chính quyền thuộc địa phi pháp ăn cắp từ người dân Nam Phi. Một bản kiến ​​​​nghị trực tuyến đã thu được gần 8.000 chữ ký để yêu cầu trả những viên kim cương này về một bảo tàng trong nước”.

Koh-i-Noor : Viên kim cương “bị nguyền” ?  

Có đến bốn nước, Ấn Độ, Pakistan, Iran và Afghanistan, đòi Anh Quốc trả lại viên kim cương Koh-i-Noor trên vương miện bạch kim, mà hoàng hậu Camilla đã không đội để tránh gây tranh cãi trong lễ đăng quang của vua Charles III. Là một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới, trị giá đến vài trăm triệu euro, Koh-i-Noor được gắn trên vương miện bạch kim từ năm 1937 và được công chúa Elizabeth đội trong lễ đăng quang của vua cha George VI. Vương miện được nhìn thấy lần cuối vào năm 2022 trong lễ tang nữ hoàng và hiện được trưng bày tại House of Jewels trong doanh trại Waterloo ở Tháp Luân Đôn.

Trang Geo ngày 30/09/2022 dẫn lại truyền thuyết, theo đó viên kim cương có đến 5.000 năm tuổi. Lần đầu tiên Koh-i-Noor được nhắc đến trong văn bản tiếng Phạn là những năm 1300. Nhưng dường như viên kim cương được tìm thấy vào thế kỷ XVII ở khu mỏ Golkonde, tỉnh Deccan (Ấn Độ), sau đó được đẽo gọt cho hoàng đế Ấn Độ Shah Jahan, nhưng rồi bị vua Ba Tư Nader Shah tước đoạt khi vị vua vùng Vịnh xâm chiếm Delhi năm 1739. Nader Shah tả viên kim cương như một “Koh-i-Noor” (núi ánh sáng), sau này trở thành tên gọi của viên kim cương.

Koh-i-Door trải qua nhiều đời vua Afghanistan và cuối cùng là các Maharaja Singh vùng Pendjad. Người thừa kế cuối cùng là Dhuleep Singh, lúc đó mới chỉ 5 tuổi. Trước sức ép của Công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes orientales), được người Anh ủng hộ, chiếm vùng Pendjab năm 1849, Dhuleep Singh buộc phải “tặng” viên kim cương cho nữ hoàng Victoria, lúc đó mới chỉ 11 tuổi.

Dù được gọi là “núi ánh sáng”, nhưng viên kim cương dường như bị nguyền rủa, mang bất hạnh cho đàn ông. Cho nên, từ khi thuộc về hoàng gia Anh, viên kim cương chỉ do phụ nữ sở hữu, trước tiên là nữ hoàng Victoria, sau đó là hoàng hậu Alexandra khi lên ngôi năm 1902, rồi hoàng hậu Mary khi đăng quang năm 1911, sau đó là hoàng hậu Elizabeth Bowes-Lyon (sau nay là thái hậu). Liệu chỉ là do ngẫu nhiên ?

Rất nhiều lần Ấn Độ và Pakistan đã yêu cầu Anh Quốc trả lại viên kim cương. Yêu cầu đầu tiên được gửi ngay năm 1947 vì viên kim cương biểu tượng cho nền độc lập của Ấn Độ sau nhiều năm bị Anh đô hộ. Đến năm 1976, thủ tướng Pakistan cũng đòi viên kim cương. Iran và Afghanistan cũng yêu cầu tương tự. Năm 2015, một nhóm nhà đầu tư Ấn Độ đã kiện để Koh-i-Noor được trả lại cho Ấn Độ. Hiện giờ, hoàng gia Anh vẫn sở hữu viên đá quý và dường như không có ý định từ bỏ.(RFI)

Share.

Leave a Reply