Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

2023.06.16
 
Chính phủ Anh quan ngại việc Việt Nam bắt giữ bà Hoàng Thị Minh HồngNhà hoạt động môi trường Minh Hồng trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm bốn tỉnh miền Trung năm 2016
 Mạng xã hội

Bộ Ngoại giao Anh quốc đưa ra tuyên bố về việc Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động môi trường thứ năm với tội danh “trốn thuế”, động thái được một nhà quan sát cho là “bất thường”. 

“Quan ngại”, “bắt bớ có hệ thống” là một trong vài từ khóa mà chính phủ Anh, thông qua một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này, gây sự chú ý và cảm nhận với các giới và công luận, khi phản ứng về việc chính quyền Việt Nam đầu tháng này vừa bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng, trường hợp gần nhất bị bắt giam trong một loạt các trường hợp bắt giữ các năm gần đây các nhà hoạt động môi trường, khí hậu ở Việt Nam, tuy nhiên ‘không hài lòng’ là từ khóa khác được ý kiến trong giới quan sát từ Anh quốc đưa ra, khi bình luận với Đài Á Châu Tự Do về động thái được cho là có tuyên bố có tính cảnh báo ‘hiếm hoi’ này của chính phủ Anh trong đối ngoại, với Việt Nam.

“Vương quốc Anh quan ngại bởi việc bắt giữ Hoàng Thị Minh Hồng, cựu lãnh đạo của tổ chức Change, nhóm vận động cho thay đổi môi trường. Đây là trường hợp mới nhất trong mô hình bắt giữ những người ủng hộ môi trường ở Việt Nam,” tuyên bố của chính phủ Anh được người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Khối Thịnh vượng chung & Phát triển của nước này đưa ra hôm 15/6/2023.

“Vương quốc Anh kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng tất cả các quyền con người, bao gồm quyền tự do ngôn luận và hiệp hội. Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của các chủ thể xã hội dân sự như tổ chức Change trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện cho tất cả mọi người.

Chúng tôi lưu ý rằng trong khuôn khổ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) mà đã thỏa thuận vào tháng 12/2022 giữa các đối tác Việt Nam và khối G7+, chính phủ Việt Nam đã cam kết tham khảo các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận xã hội rộng rãi.”

Trên tài khoản Twitter cá nhân, hôm 15/6, Tiến sĩ Bill Hayton, học giả thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia về quan hệ quốc tế hàng đầu của Anh Quốc, Chatham House, bình luận: “Anh quốc không hài lòng về việc Việt Nam bắt giữ nhà vận động khí hậu Hoàng Thị  Minh Hồng,” đồng thời trích lại một câu trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói “các tổ chức môi trường và những người ủng hộ khác phải được phép đóng góp một cách có ý nghĩa cho việc hoạch định chính sách môi trường và khí hậu.”

Cùng ngày trả lời câu hỏi của RFA Tiếng Việt về cảm nhận cá nhân của ông về ý nghĩa và mức độ thái độ qua động thái này của chính phủ Anh với chính quyền Việt Nam, từ London, ông Hayton, người cũng là nhà báo kỳ cựu có nhiều thập niên làm việc cho BBC, và đã từng có thời gian biệt phái làm việc cho BBC tại Việt Nam, cũng như tại quốc gia ở Đông Nam Á khác là Myanmar, nói:

“Tôi nghĩ việc đưa ra tuyên bố này là rất bất thường đối với chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh. 

Chính quyền Anh phải rất thất vọng với các quyết định được đưa ra (và những gì không được thực hiện) ở Hà Nội.”

 ‘Quốc tế tài trợ, nhưng cũng theo dõi chặt chẽ’

Trong một diễn biến khác có liên quan phản ứng từ Anh quốc, liên quan đến vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng, Anh hùng Khí hậu của Việt Nam, người sáng lập và điều hành tổ chức Change chuyên về vận động chính sách môi trường, sinh thái, theo tin từ một kênh truyền thông liên quan sinh hoạt của Nghị viện Anh, vốn hoạt động theo cơ chế đa đảng chính trị đối lập, tại mục bút lục hỏi đáp nghị viện của kênh tin tức này (Parallel Parliament) mới đây bà Caroline Lucas, dân biểu thuộc Đảng Xanh (thuộc hạt cử tri Brighton, Pavilion) đã đặt yêu cầu với Ngoại trưởng Anh, ông James Cleverly, nêu vấn đề với người đồng cấp tại Việt Nam của ông (tức Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam), để gây áp lực thả tự do ngay lập tức, thứ nhất, bà Hoàng Thị Minh Hồng và thứ hai, các nhà hoạt động khí hậu bị giam giữ khác; Và đặt câu hỏi liệu Ngoại trưởng Anh quốc sẽ đưa ra một tuyên bố hay không.

Vẫn theo kênh truyền thông này về sinh hoạt Nghị viện Anh, câu hỏi hay yêu cầu trên đã được trả lời vào ngày 15/6/2023 bởi bà Anne-Marie Trevelyan, Thứ trưởng Ngoại giao (từ Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển), với nội dung như sau:

“Chúng tôi thường xuyên nêu vấn đề về sự đối xử với các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Thứ trưởng đặc trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nêu trường hợp của Hoàng Thị Minh Hồng với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp đối thoại chiến lược Anh-Việt diễn ra ở London vào ngày 12/6/2023. Văn phòng Bộ Ngoại giao, Khối Thịnh vượng chung và Phát triển cũng đã đưa ra một tuyên bố công khai bày tỏ sự lo ngại khi xảy ra vụ bắt giữ. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình tại Việt Nam và nêu vấn đề về sự (cần thiết) hợp tác với các tổ chức phi chính phủ,” kênh này cho hay.

Như truyền thông quốc tế và báo chí Việt Nam cũng đã đưa tin rộng rãi, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào ngày 14/12/2022, theo thỏa thuận này, khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu đặt ra được hoàn thành.

Thỏa thuận Đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng Cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, vẫn theo truyền thông quốc tế và báo chí Việt Nam(.RFA)

Share.

Leave a Reply