Monday, May 6 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
July 6, 2023
Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ khánh thành bia tưởng niệm và ghi ơn cố Hạm Trưởng Paul Jacobs, người chỉ huy chiến hạm USS Kirk trong sứ mạng lịch sử cứu thuyền nhân Việt Nam hồi thập niên 1970, vừa được tổ chức trang trọng tại công viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Bảy.

Mọi người cùng khánh thành bia tưởng niệm và tri ân cố Hạm Trưởng Paul Jacobs của chiến hạm USS Kirk. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hạm Trưởng Paul Jacobs và chiến hạm USS Kirk đã giải cứu hơn 30,000 người Việt tị nạn Cộng Sản vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ và vinh danh ông, người đã “về với biển” vào Tháng Mười Hai, 2020.

Theo bức tâm thư của ban tổ chức, “câu chuyện về chiến hạm USS Kirk được ghi lại trong hai bộ phim tài liệu ‘The Lucky Few’ của Hải Quân Hoa Kỳ, và ‘The Last Day of Vietnam.’ Cả hai phim này đều được đề cử giải thưởng Academy Award.”

Trong khi đó, cuốn hồi ký cùng tên, “The Lucky Few,” kể lại toàn bộ diễn biến chi tiết của chiến hạm khi nhận lệnh bí mật quay trở lại Việt Nam để cứu vớt thuyền nhân, và con tàu đã hoàn tất cuộc hải trình phiêu lưu, nhân đạo kéo dài năm ngày, qua hàng ngàn dặm trên Biển Đông.”

Ông Richard Mc Kenna, hạm phó chiến hạm USS Kirk, phát biểu trong lễ tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn hồi ký “The Lucky Few” của chiến hạm USS Kirk và cuộc đời Hạm Trưởng Paul Jacobs do tác giả Jan K.Herman ghi lại. Ông là trưởng Phòng Lịch Sử của Cơ Quan Y Tế Hải Quân Hoa Kỳ, là người quản lý Old Naval Observatory (Dinh Phó Tổng Thống ngày nay), và là chủ biên của Navy Medicine, tạp chí y khoa Hải Quân Mỹ, suốt 30 năm.

Trong buổi lễ, hồi ký “The Lucky Few,” được trình làng, phát hành bằng hai ngôn ngữ Việt-Mỹ, như lời hứa của ban tổ chức với cựu Hạm Trưởng Paul Jacobs khi ông còn tại thế. Bản tiếng Việt do cô Kalynh Ngô, biên tập viên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, chuyển ngữ. Cả hai bản in được tác giả ký tặng đến độc giả tại chỗ, để phổ biến một sứ mệnh lịch sử của chiến hạm USS Kirk mãi đến hôm nay mới được nhiều người biết.

Tác giả Jan K.Herman (phải) của “The Lucky Few” ký sách tặng phóng viên Kalynh Ngô của tuần báo Sài Gòn Nhỏ, người chuyển ngữ tiếng Việt cho cuốn sách, trong lễ tưởng niệm cố Hạm Trưởng Paul Jacobs. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Mai Vy, người được USS Kirk cứu vớt, nói: “Lễ khánh thành bia tưởng niệm hôm nay, làm tôi nhớ về 48 năm trước, ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản, hàng trăm ngàn người Việt đã vượt biển đi tìm tự do. Trong cuộc hành trình bi thảm đó, nếu họ không được các chiến hạm của Hải Quân VNCH cùng các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ cứu vớt thì có lẽ phần đông trong số họ đã bỏ thây dưới đáy biển Thái Bình Dương!”

Cựu Hải Quân Đại Tá Đỗ Kiểm, cựu tham mưu phó hành quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH, phát biểu: “Cách đây 48 năm, Hải Quân Việt Nam đã thực hiện chuyến hải hành cuối cùng, ra khơi rời bỏ đất nước đêm 29 rạng 30 Tháng Tư, 1975. Chuyến hải hành có một không hai trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử của Hải Quân Việt Nam, và có lẽ cũng cả trong lịch sử Hải Quân thế giới, chưa có một cuộc di tản nào có tới 32,000 người trên 31 chiến hạm, luôn luôn giữ trật tự không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.”

Bia tưởng niệm cố hạm trưởng chiến hạm USS Kirk (bìa trái) tại bệ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Phải nói rằng đây là một cơ hội bằng vàng cho chúng tôi, thứ nhất để thoát khỏi cảnh đầu hàng nhục nhã, khi dùng những chiến hạm Hoa Kỳ để di tản người tị nạn càng nhiều càng tốt. Chúng tôi chỉ có sáu ngày để đưa tất cả hạm đội cùng hàng ngàn người rời khỏi Việt Nam. Và Trời đã giúp chúng tôi khi mặt biển phẳng lặng chưa từng có để đoàn người đến được bến bờ tự do, trong khi Hải Quân Hoa Kỳ giúp tất cả phương tiện y tế, thức ăn, nước uống cho đoàn người Việt di tản. Ông hạm trưởng Paul Jacobs đã cho dọn hẳn một khu vực trên tàu USS Kirk để dành cho sản phụ trên tàu,” ông Kiểm kể tiếp.

Ông thêm: “Biến cố lịch sử nào với thời gian cũng chìm vào dĩ vãng. Nhưng đến hôm nay, sau 48 năm, cộng đồng tị nạn Việt Nam vẫn tổ chức ngày ghi ơn một vị hạm trưởng của Hải Quân Hoa Kỳ đã có công hộ tống chúng tôi, giúp đỡ đưa 32,000 người Việt tị nạn đến bến bờ tự do. Để giải thích sự kiện đặc biệt này, có thể nói đó là một phần văn hóa của dân tộc Việt Nam nặng về đạo đức, xử thế rất nhân đạo về tình người đối với tất cả mọi người.”

Cựu chiến sĩ Hải Quân VNCH hát “Hải Quân Hành Khúc” trong lễ tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tính đặc thù văn hóa này theo truyền thống từ ngàn xưa, lan truyền đến mãi về sau ở hầu hết đất nước, qua hàng vạn câu tục ngữ nói lên tình người, tiêu biểu ở hai câu ‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no’ và ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.’ Đây là những câu nói hết sức thông thường giản dị của dân tộc Việt Nam,” ông tiếp.

Không khí trầm hẳn xuống khi mọi người cùng đứng lên, làm lễ tiễn đưa cố Hạm Trưởng Paul Jacobs qua tiếng tiếng chuông và tiếng kèn, với bài “Amazing Grace.”

Sau đó là lễ cắt băng khánh thành bia tưởng niệm cố Hạm Trưởng Paul Jacobs. Tấm bia bằng đồng được gắn phía sau bệ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ.

Đông đảo đồng hương và dân cử tham dự lễ tưởng niệm cố Hạm Trưởng Paul Jacobs. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Kalynh Ngô chia sẻ với nhật báo Người Việt rằng: “Tất cả chúng ta hiện diện hôm nay để tri ân, tưởng nhớ cố Hạm Trưởng Hải Quân Paul Jacobs, một ân nhân lớn của cộng đồng người Việt tị nạn. Riêng cá nhân tôi rất vinh dự được là người thực hiện điều mong mỏi của ông khi còn tại thế, đó là thêm nhiều người Việt có cơ hội biết và hiểu chi tiết một cuộc di tản lớn nhất lịch sử nước Mỹ và VNCH qua hồi ký ‘The Lucky Few.’”

“Cảm ơn tác giả Jan K. Herman, bà Sharon Nicolas, khoa học gia của NASEA, và nhà xuất bản Naval Institute Press, tin tưởng giao cho tôi việc chuyển ngữ cuốn ‘The Lucky Few’ sang Tiếng Việt. Chuyển ngữ một cuốn sách lịch sử của người Việt tị nạn chẳng khác nào được đón nhận và gìn giữ những thành quả của tiền nhân để lại. Xin cảm ơn,” cô chia sẻ.

Ngoài những người nêu trên, buổi lễ có sự hiện của ông Richard Mc Kenna, hạm phó chiến hạm USS Kirk, một số cựu sĩ quan Hải Quân Mỹ, nhiều dân cử từ liên bang đến địa phương, một số hội đoàn trong cộng đồng, và nhiều đồng hương Việt Nam. [đ.d.]

Share.

Leave a Reply