Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Hệ thống phi kỹ thuật trên hai tàu Voyager đã được tắt bớt với hy vọng giúp bộ đôi tàu vũ trụ duy trì hoạt động đến năm 2030, sau đó, có thể chúng sẽ mất khả năng liên lạc với Trái Đất.

Minh họa tàu vũ trụ Voyager. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Minh họa tàu vũ trụ Voyager. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Tàu Voyager 1 và 2 của NASA phóng lên không gian năm 1977, chỉ cách nhau 16 ngày, với thời gian hoạt động theo thiết kế là 5 năm. Bộ đôi có nhiệm vụ nghiên cứu sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và các mặt trăng tương ứng.

Nhưng đến nay, sau gần 46 năm hoạt động, hai con tàu đã làm nên lịch sử khi mạo hiểm vượt ra khỏi ranh giới vùng ảnh hưởng của Mặt Trời. Chúng vẫn tiếp tục gửi dữ liệu về từ môi trường liên sao – vùng không gian bí ẩn giữa các ngôi sao. Dù đôi khi xảy ra những sự gián đoạn ngắn, có vẻ hành trình vũ trụ của chúng còn rất lâu nữa mới kết thúc, Business Insider hôm 4/8 đưa tin.

NASA thiết kế bộ đôi tàu Voyager nhằm nghiên cứu phần ngoài của hệ Mặt Trời. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính, chúng tiếp tục thám hiểm, thực hiện chuyến du hành vĩ đại trong dải Ngân Hà và ghi lại những khung cảnh vũ trụ ngoạn mục.

Ngày 14/2/1990, Voyager 1 chụp bức ảnh “Pale Blue Dot” (Đốm Xanh Mờ) từ khoảng cách 6,4 tỷ km. Đó là hình ảnh mang tính biểu tượng và là bức ảnh xa nhất về Trái Đất mà bất cứ tàu vũ trụ nào từng chụp.

Bức ảnh Pale Blue Dot mang tính biểu tượng do tàu Voyager 1 chụp ngày 14/2/1990. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Bức ảnh “Pale Blue Dot” mang tính biểu tượng do tàu Voyager 1 chụp ngày 14/2/1990. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Trong thập kỷ qua, Voyager 1 đã khám phá vùng không gian liên sao, nơi chứa đầy khí, bụi và các hạt mang điện tích. Voyager 2 đến vùng không gian liên sao vào năm 2018, 6 năm sau “anh em sinh đôi” của mình. Những quan sát của chúng về khí liên sao giúp cách mạng hóa hiểu biết của giới thiên văn về vùng không gian bí ẩn này.

“Thật ấn tượng khi cả hai tàu vũ trụ đều đang hoạt động và hoạt động tốt, chúng gặp một số trục trặc nhỏ nhưng vẫn chạy rất tốt và gửi về những dữ liệu quý giá. Chúng vẫn đang trò chuyện với chúng tôi”, Suzanne Dodd, quản lý dự án Voyager tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, chia sẻ.

Cách Trái Đất khoảng 23,8 tỷ km, tàu vũ trụ Voyager 1 của NASA đang bay qua môi trường liên sao tối đen. Con tàu là vật thể nhân tạo đi xa nhất khỏi Trái Đất. Do bay theo những quỹ đạo khác nhau, khoảng cách giữa tàu Voyager 2 với Trái Đất hiện nay chỉ khoảng 19,8 tỷ km.

Vài năm gần đây, với nỗ lực kiểm soát năng lượng, các kỹ sư đã tắt bớt những hệ thống phi kỹ thuật trên hai tàu Voyager, ví dụ như bộ sưởi cho các công cụ khoa học, với hy vọng giúp bộ đôi tàu vũ trụ duy trì hoạt động đến năm 2030. Sau đó, có thể chúng sẽ mất khả năng liên lạc với Trái Đất.

Tuy nhiên, kể cả sau khi NASA tắt các công cụ và kết thúc nhiệm vụ Voyager, bộ đôi vẫn sẽ tiếp tục lang thang trong không gian liên sao. NASA cho biết, khoảng 300 năm nữa, Voyager 1 sẽ tiến vào Đám mây Oort, khu vực hình cầu ở ngoài quỹ đạo sao Diêm Vương và chứa hàng tỷ sao chổi lạnh giá. Con tàu sẽ mất thêm 30.000 năm nữa để đi đến điểm cuối của đám mây và khoảng 40.000 năm để đến AC+79 3888, một ngôi sao trong chòm Camelopardalis.

Trong khi đó, khoảng 296.000 năm nữa, Voyager 2 sẽ bay ngang qua Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm ở Trái Đất. “Các tàu Voyager được định sẵn, có lẽ là vĩnh viễn, lang thang trong dải Ngân Hà”, NASA cho biết.

Share.

Leave a Reply