Thursday, May 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
August 21, 2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất có thể đến thăm Việt Nam trước khi Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội nâng cấp mối quan hệ để khỏi bị “mất mặt.”

Chuyến đi Hà Nội của ông Biden được coi như một chiến thắng của Mỹ trong cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực.

Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng (phải) nắm tay Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đi cho vững trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười, 2022. (Hình: Tân Hoa Xã)
 

Vì thế, ông Tập Cận Bình có vẻ phải đi trước, giống như trường hợp Đại Sứ Hùng Ba của Trung Quốc bất ngờ hội kiến Thủ Tướng Phạm Minh Chính hôm 24 Tháng Tám, 2021, chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng Thống Kamala Harris của Mỹ đến Hà Nội.

Hôm 17 Tháng Tám, tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông viết rằng: “Đang có đồn đoán là ông Tập sẽ thăm Việt Nam để đáp lễ trong những tháng tới đây.”

SCMP chỉ có một câu viết mơ hồ như thế khi tường thuật lại cuộc tiếp xúc giữa Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc với Phó Thủ Tướng Trần Lưu Quang của Việt Nam ở Vân Nam, ngày 16 Tháng Tám, bên lề hội chợ Trung Quốc-Nam Á.

Ngoài ra, hôm 21 Tháng Tám, tạp chí chính trị thời sự The Diplomat cũng đề cập đến chuyện ông Tập Cận Bình có thể thăm Việt Nam, dựa theo nguồn tin của một facebooker am hiểu tình hình đang sống tại Việt Nam.

“Cũng có những thông tin chưa được xác nhận nói rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam vào cuối tháng này, trước khi có chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ Biden,” nhà báo Sebastian Strangio viết trên The Diplomat.

Nhà báo Strangio chỉ viết một câu như trên khi phân tích về chuyến đi Việt Nam của tổng thống Mỹ nâng mối quan hệ giữa hai nước từ “Đối tác toàn diện” lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện,” dự trù trong Tháng Chín tới đây nhân dịp ông đi Ấn Độ dự hội nghị G7.

Chuyến thăm này nhiều phần có thể xảy ra trong Tháng Chín là vì ông Tập sẽ chủ tọa hội nghị thượng đỉnh dự án Một Vành Đai Một Con Đường được tổ chức tại Trung Quốc trong Tháng Mười.

Hồi Tháng Mười, 2022, chỉ hai ngày sau khi được đại hội đảng bầu làm tổng bí thư lần thứ ba, ông Tập trải thảm đó tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, tại Bắc Kinh.

Lúc đó, ông Trọng là lãnh đạo thế giới đầu tiên được ông Tập tiếp sau đại hội đảng.

Dịp này, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin rằng “Thay mặt đảng và nhà nước, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí Thư – Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình sớm thăm Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng Bí Thư – Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.”

Hồi Tháng Tư, nhân chuyến thăm Trung Quốc, bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính Trị, trường trực Ban Bí Thư, và là trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương đảng CSVN, có chuyển lời mời của ông Trọng và ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, mời ông Tập thăm Việt Nam trong năm nay.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) nâng ly với ông Joe Biden, khi đó là phó tổng thống, ở Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 7 Tháng Bảy, 2015. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Hiện vẫn chưa có tin tức gì chính thức được loan báo để biết ông Tập Cận Bình có đi Hà Nội cuối tháng này trước khi ông Biden đến Việt Nam hay không. Nếu xảy ra, người ta dễ nhìn thấy CSVN cố gắng tìm cách tránh bị Bắc Kinh nghi kỵ là muốn ngả về phía Mỹ, xa rời “đồng chí anh em, núi liền núi sông liền sông.”

Dù sao, khi gặp ông Vương Nghị, ông Trần Lưu Quang lập lại lời từng được các cấp trên của ông thề thốt “coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung” là “chủ trương nhất quán của Việt Nam.”

Trong bản tin “chinhphu.vn” chỉ thuật lại một cách mơ hồ lời ông Vương Nghị nói với ông Trần Lưu Quang là “sẵn sàng phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao thời gian tới.” Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc không nói cụ thể “cấp cao” là cấp nào và khi nào.

CSVN không giấu diếm đường lối ngoại giao đánh đu giữa các trung tâm quyền lực khi cho guồng máy tuyên truyền lập đi lập lại chủ trương “ngoại giao cây tre,” tức đu đưa qua lại.

Trong khi Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên vật liệu, bộ phận rời để lắp ráp thành phẩm thì Mỹ và Âu Châu là thị trường tiêu thụ chính yếu. Mất lòng bên nào cũng có thể dẫn đến những hệ quả không hay.

Trong bài viết của tạp chí thời sự Politico tuần trước, ông Scot Marciel, một cựu giới chức ngoại giao cao cấp và từng là đại diện Mỹ mở văn phòng đầu tiên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1993 ở Hà Nội trước khi hai nước chính thức thiết lập bang giao, nhận định rằng nếu Việt Nam có nâng cấp quan hệ với Mỹ, điều này cũng không có nghĩa “liên minh với Mỹ chống lại Bắc Kinh.”

Theo ông Marciel, “họ [Việt Nam] vui mừng khi cải thiện bang giao với Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đi nghiêng về phía chống lại Trung Quốc. Họ vẫn đang tiếp tục cân nhắc rất cẩn thận.”

Nếu có chuyện ông Tập Cận Bình đến Hà Nội vào mấy ngày tới đây, nó giúp người ta hiểu rõ hơn thế đứng tế nhị của CSVN giữa hai đại cường ở hai thái cực tranh giành ảnh hưởng trong khu vực mà ông Marciel và nhiều nhà phân tích thời sự Việt Nam đều nhìn thấy. (TN) [kn]

Share.

Leave a Reply