Wednesday, May 1 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc khi phê bình quyển Tam
Quốc Chí của tác giả La Quán Trung, đã hết lời khen ngợi.
Theo Kim Thánh Thán tiên sinh thì văn Tam Quốc Chí tuyệt hay. Hay ở chỗ khéo mở đầu,
chuyển ý. Chẳng hạn sắp có một đoạn chính văn thì sẽ có một đoạn chuyển văn để dẫn dụ. Sắp
có một đoạn đại văn thì sẽ có một đoạn tiểu văn mở đầu.
Hơn thế nữa, Tam Quốc Chí tuy là một tiểu thuyết với lối văn tự sự, nhưng lại rất gần với chính
sử. Tam Quốc Chí nói về một thời đại trong lịch sử Trung Quốc, có sử liệu khảo chứng rõ ràng.
Người đọc bị lôi cuốn từ đầu đến cuối như đọc một quyển tiểu thuyết hấp dẫn, vừa đi vào một
cách gần như hoàn toàn chính xác ở các chi tiết.
Bàn về các nhân vật trong Tam Quốc Chí, tiên sinh cho rằng bộ sách này có “Tam Kỳ” hoặc
“Tam Kiệt” tức ba nhân vật độc đáo. Đó là:
-Khổng Minh Gia Cát Lượng;
-Quan Vân Trường;
-và Tào Tháo.
Trong “Tam Tuyệt” mỗi người một vẻ. Khổng Minh là một bậc Quốc Sư. Quan Công là một
trang dũng tướng. Tào Tháo là kẻ thiên hạ đệ nhất gian hùng.
Nói về Tào Tháo, xưa nay những kẻ gian hùng không ít, nhưng ít có ai bằng Tào Tháo. Túc trí đa
mưu, biết thu nạp nhân tài, biết che mắt thiên hạ. Hành động, âm mưu chứa đầy phản nghịch
nhưng bên ngoài lại ra vẻ rất “Trung”. Ngôn ngữ nghe rất “Thuận”. Trọng đãi kẻ có tài, biết
chiêu hiền đãi sĩ; nghe có vẻ “Khoan”. Khi đối xử với Quan Vân Trường lại có vẻ trọng “Nghĩa”,
không cướp ngôi vua mà cũng như làm vua… Họ Tào có thể được gọi là Đệ nhất kỳ nhân trong
hàng ngũ những kẻ gian hùng.
*
Nếu trong Tam Quốc Chí có Lưu Bị tức Lưu Huyền Đức là người chuyên dùng nước mắt để mua
lòng người thì Tào Tháo lại là người nổi tiếng hay cười. Mỗi lần cười đều có chuyện xảy ra.
Cuối đời Hán, Thái sư Đổng Trác chuyên quyền, phế vua này lập vua khác. Triều đình không ai
dám lên tiếng vì Đổng Trác có người con nuôi là Lữ Bố sức mạnh vô địch lại có ngựa Xích thố
và cây Phương thiên họa kích không có tướng nào chống nổi. Quan Tư đồ Vương Doãn một hôm
sinh nhật được các quan chúc thọ, bỗng ôm mặt khóc, than thở Đổng Trác lộng quyền mà mình
già yếu không làm gì được.
Các quan nghe thế cũng khóc theo. Đang lúc ấy thì Tào Tháo đang giữ chức Kỵ đô úy cũng đang
có mặt ở đấy bỗng cười lớn lên. Các quan vừa xấu hổ vừa giận, liền hỏi:
-Tại sao ngươi lại cười?
Tào Tháo đáp:
-Các ông khóc cả ngày lẫn đêm thì Đổng Trác vẫn sống chứ không vì thế mà chết. Hiện Trác
đang tin dùng tôi, ai có thanh dao nhỏ thật tốt, đưa tôi tôi sẽ tìm dịp hành thích hắn.
Nói rồi nhận dao thất bảo của Vương Doãn trao cho. Hôm sau đến Tiểu các hành thích Đổng
Trác nhưng bại lộ, bị Đổng Trác phát lệnh truy nã rất gắt.
Tào Tháo tên chữ Mạnh Đức, tiểu tự là A Man là con của Tào Trung, chính ra là họ Hạ Hầu,
nhưng vì làm con nuôi quan Trung Thường thị họ Tào nên theo họ Tào. A Man thông minh xảo
quyệt từ nhỏ. Tánh ham chơi, tụ tập chúng bạn bị người chú mách lại với cha.Tào Tháo liền lập
mưu làm cho cha hết tin lời chú. Một buổi sáng đang chơi gần người chú, Tháo giả vờ vấp té lăn
ra bất tỉnh. Người chú vội đi báo với cha. Khi tới nơi thấy Tháo đang chơi vui vẻ. Tào Trung lấy
làm lạ hỏi thì Tháo đáp:
-Có lẽ chú ghét con nên đặt điều ra, chứ có việc gì đâu!
Từ đấy người em mách gì, Tào Trung cũng không nghe.
*
Trương Tế kéo quân tới Nam Dương, bị trúng tên chết. Con là Truơng Tú thay cha cầm binh,
dùng Giả Hủ làm mưu sĩ, liên kết với Kinh Châu Thứ sử Lưu Biểu, chuẩn bị đánh Trường An.
Tào Tháo liền sai Hạ Hầu Đôn làm tiên phong, tự mình dẫn 15 vạn quân đi đánh Trương Tú.
Trương Tú nghe lời Giả Hủ xin hàng. Tào Tháo ưng thuận. Ngày kia Tào Tháo đang uống rượu,
hỏi tả hữu xem có bọn kỷ nữ nào không. Cháu Tào Tháo là Tào A Dân liền nói nhỏ:
-Bên quán dịch có người nhan sắc tuyệt vời, đó là vợ nhỏ của Trương Tế, thứ mẫu của Trương
Tú.
Tháo truyền quân đưa vào, quả nhiên vô cùng xinh đẹp. Tháo hỏi Châu Thị:
-Phu nhân có biết ta chăng?
Châu Thị đáp:
-Thừa Tướng oai danh bốn bể, thiếp nghe nói đã lâu.
Tào Tháo đắc ý cười lớn:
-Ta vì phu nhân mà cho Trương Tú hàng, chứ không thì cả họ Trương khốn đốn. Đêm nay mời
phu nhân ở lại cho ta hàn huyên tâm sự.
Từ đó hai người mê mệt nhau. Lại nghe lời Châu Thị dời khỏi thành, ở tại trai quân để mọi người
khỏi dị nghị. Trương Tú nghe nói giận lắm liền âm mưu bất ngờ tập kích vào trung quân. Tào
Tháo suýt chết, bị Trương Tú đuổi theo, quân hao tướng mất phải rút về Hứa Đô.
*
Tào Tháo và anh em Lưu, Quan, Trương hợp binh đánh Lữ Bố nơi thành Hạ Bì. Trước đó trong
trận Bộc Dương, Tào Tháo suýt chết về tay Trương Liêu, một tướng giỏi của Lữ Bố và bị hỏa
công cháy hết râu tóc trong trận này.
Trong trận Hạ Bì, Tào Tháo dùng thủy công tháo nước ngập thành Hạ Bì, bắt sống được Lữ Bố
lẫn Trương Liêu. Lữ Bố nài nỉ xin tha mạng nhưng vẫn bị giết, chỉ có Trương Liêu là khẳng khái
chịu chém.
Tháo hỏi Trương Liêu:
-Ngươi là ai, sao có vẻ quen mặt?
Trương Liêu đáp:
-Ở trận Bộc Dương ngươi may mắn lắm mới thoát khỏi tay ta. Tiếc rằng ta chưa thiêu chết tên
gian hùng như mi.
Tào Tháo nổi giận rút gươm toan chém, thì Lưu Bị hết lời can ngăn, Quan Công thì quỳ xuống
nói:
-Truơng Liêu là một trang dũng tướng, ra trận ai vì chủ nấy. Xin Thừa tướng chớ giết.
Tào Tháo quăng gươm cười lớn:
-Ta biết Trương tướng quân là người trung nghĩa nên ta chỉ thử lòng đó thôi.
Nói rồi cởi áo của mình khoác cho Trương Liêu. Trương Liêu cảm kích chịu đầu hàng Tào Tháo,
từ đó về sau đã cùng Tào Tháo xông tên, đục pháo nhiều trận và từng cứu sống họ Tào.
*
Sau trận Hạ Bì, Lưu Bị phải nhận chức Tả tướng quân Nghi thành Đình Hầu, tạm dung thân dưới
quyền Tào Tháo. Lưu Bị sợ tai mắt Tào Tháo, hàng ngày ra vườn trồng rau cỏ để che giấu chí
lớn. Ngày kia chợt được Tào Tháo mời đến uống rượu. Lưu Bị chột dạ nhưng vẫn phải tới ra
mắt.
Tào Tháo cười, hỏi Lưu Bị:
– Ông ở nhà đã làm nên việc lớn chưa?
Lưu Bị chưa biết trả lời sao thì Tào Tháo đã nói:
-Làm vườn không phải là việc dễ. Ta nhớ lại chuyến đi đánh Trương Tú năm trước, quân sĩ thiếu
nước uống, ta chỉ ra xa nói: sắp tới rừng me rồi đó nên quân sĩ quên khát. Nay tới mùa me nên
mời ông tới uống rượu chơi.
Hai người đang uống rượu, chợt mây đen kéo tới mù mịt một góc trời. Quân sĩ reo hò: “Rồng lấy
nước”. Tào Tháo và Lưu Bị ra lan can cùng xem. Tào Tháo nói:
-Rồng là một linh vật, khi ẩn khi hiện, lúc thì hô phong hoán vũ, lúc thì núp trong lùm mây, như
bậc anh hùng tùy cơ ứng biến. Ông đã từng đi khắp đó đây, vậy điểm mặt anh hùng đã nhiều, xin
kể lại cho nghe.
Lưu Bị nói:
-Viên Thuật ở đất Hoài Nam, binh nhiều lương đủ, đó là anh hùng chăng?
Tào Tháo đáp:
-Viên Thuật chỉ như nắm xương khô trong mả. Sớm tối ta sẽ bắt hắn!
Lưu Bị lại nói:
-Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm chức Tam Công có gọi là anh hùng được chăng?
Tào Tháo đáp:
-Viên Thiệu thế thì lớn mà mật thì nhỏ. Việc nhỏ thì tham, việc lớn thì tiếc thân, chẳng đáng mặt
anh hùng.
Lưu Bị nói:
-Lưu Biểu giữ đất Kinh Châu, oai trấn chín quận thì thế nào?
Tào Tháo đáp:
-Hữu danh vô thực, sao được gọi là anh hùng?
Lưu Bị lại nói:
-Tôn Sách khí tiết can cường, hùng cứ Giang Đông, đó có phải là anh hùng?
Tào Tháo đáp:
-Tôn Sách nhờ oai của cha, cũng là hào kiệt nhưng chưa phải anh hùng.
Lưu Bị lại kể ra: Lưu Chương ở Ích Châu, Trương Tú, Trương Lỗ… Tào Tháo cười lớn, ngăn lại
mà rằng:
-Đó chỉ là hạng thường tài, chẳng có ai đáng mặt anh hùng cả.
Nói rồi lại lấy tay chỉ Lưu Bị rồi lại chỉ vào mặt mình mà cười:
-Chỉ có Sứ quân và ta mới thật là anh hùng trong thiên hạ đó!
Lưu Bị nghe nói giật mình, đánh rơi đôi đũa đang cầm trong tay.
*
Sau khi thoát khỏi sự kềm chế của Tào Tháo, ba anh em Lưu, Quan, Trương chiếm lấy Từ Châu,
Tiểu Bái, Hạ Bì; chia quân ra đóng làm thế ỷ giốc với nhau. Tào Tháo tự dẫn 20 vạn quân đi
đánh.
Thua to, Lưu Bị đành sang đầu Viên Thiệu, Trương Phi chạy lên núi Mang Địch Sơn, Quan
Công túng thế phải đem hai chị dâu là vợ Lưu Bị về đầu Tào Tháo. Chính tại đây, Quan Công
được Tào Tháo tặng ngựa Xích thố đã chiếm được của Lữ Bố khi trước.
Viên Thiệu đem quân đánh Tào Tháo, có Lưu Bị đi theo. Tướng tiên phong là Nhan Lương chém
một lúc hai tướng của Tào Tháo, đánh bại một tướng khác. Mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục
hiến kế:
-Nay là lúc dùng Quan Công. Cho y ra đánh với Nhan Lương, nếu y chém Nhan Lương, Viên
Thiệu sẽ nghi ngờ mà giết Lưu Bị. Lưu Bị chết, Quan Công ắt sẽ theo ta suốt đời.
Tào Tháo nghe nói vỗ tay, cười dài, khen là diệu kế. Rồi thỉnh Quan Công ra trận. Quan Công
chém Nhan Lương khiến Lưu Bị suýt bị Viên Thiệu giết.
*
Tào Tháo đem 83 vạn binh thủy bộ xuống Giang Nam, quyết diệt Tôn Quyền, thế rất mạnh, cả
Giang Nam đều rúng động. Tào Tháo lầm kế của Bàng Thống, cho kết các chiến thuyền lại với
nhau thành thủy trại.
Đếm ấy trăng sáng, Tào Tháo sai quân đặt tiệc yến ẩm cùng các tướng. Tào Tháo chỉ về phương
Nam nói với các tướng:
-Lưu Bị, Tôn Quyền dại dột chẳng thuận lòng trời. Ta năm nay đã năm mươi bốn tuổi, lấy xong
Giang Đông là mãn nguyện một đời. Ta biết Kiều Công có hai con gái là trang khuynh quốc
khuynh thành song Tôn Sách, Châu Du lấy hết. Nay mai chiếm được Giang Đông, thỉnh Nhị
Kiều về Đồng Tước đài an hưởng tuổi già thì vui xiết bao!
Nói xong hứng chí cười vang. Lại nghe chim thấy trăng sáng nên kêu, bèn tức cảnh sinh tình làm
thơ ngâm lên cười vui vẻ.
Chẳng bao lâu, Đô Đốc Đông Ngô là Châu Du lợi dụng gió đông dùng hỏa công đốt hết chiến
thuyền và thủy trại của Tào Tháo. Đại bại, Tào Tháo chạy về phía Di Lăng, đến một ngả ba liền
hỏi tướng sĩ:
-Đây là nơi nào?
Quân sĩ đáp:
-Đường này phía Tây đi Ô Lâm, phía Đông đi Nghị Đô.
Tào Tháo nghe qua bỗng cười lên sằng sặc, nói rằng:
-Châu Du, Khổng Minh ít trí, chứ nếu một đạo quân mai phục tại đây thì chúng ta nguy mất!
Vừa dứt lời thì tiếng chiêng vang dậy, có tướng của Lưu Bị là Triệu Tử Long dẫn quân xông ra.
Tào Tháo được các tướng vất vả bảo vệ chạy trốn. Đến khi trời sáng thì chạy đến Hồ Lô khẩu,
quân lính theo còn lại thưa thớt, mỏi mệt, Tào Tháo liền cho quân nghỉ ngơi. Tào Tháo ngồi dưới
gốc cây bỗng cất tiếng cười dài. Chư tướng liền hỏi:
-Lúc nãy Thừa tướng cười thì có Triệu Tử Long đón đánh, bây giờ không hiểu Thừa tướng cười
là có ý gì?
Tào Tháo đáp:
-Nếu ta là Khổng Minh, Châu Du, cho một đạo quân phục ở đây thì không đánh cũng thắng.
Vừa dứt lời thì Trương Phi kéo đến. Bên Tào Tháo lại một phen chạy trối chết! Đang chạy thì
quân đến báo:
-Trước mặt có hai đường, đường lớn thì đi xa mấy mươi dậm, đường nhỏ là Huê Dung đạo, rất
khó đi lại có khói lên.
Tào Tháo nói:
-Binh pháp hư hư, thực thực. Khổng Minh đốt lửa Huê Dung đạo rồi phục binh nơi đường lớn, ta
cứ đi ngã Huê Dung.
Ai cũng khen là cao kiến. Đi được vài dậm, Tào Tháo lại cất tiếng cười. Chư tướng đều thất
kinh. Tào Tháo nói:
-Khổng Minh, Châu Du mà phục một đạo quân tại đây thì bọn ta cỉ có cách xuống ngựa quy
hàng.
Vừa dứt tiếng thì bỗng pháo nổ, một tướng mặt đỏ râu dài cởi ngựa Xích Thố, cầm Thanh Long
đao xông ra chặn đường. Ai nấy rụng rời. Tào Tháo hối quân xuống ngựa, năn nỉ xin tha mạng.
*
Năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo khánh thành Đồng Tước đài, năm Kiến An thứ 17 lại kéo quân
đánh Giang Đông lần nữa. Trận đầu bại binh Tào Tháo buồn bực, cả ngày xem binh thư. Ngày
kia đang thiu thiu ngủ thì chiêm bao thấy mặt trời sa xuống trại quân trên núi. Tỉnh dậy vừa đúng
giờ ngọ, liền dẫn mấy chục tên quân lên chỗ mặt trời sa xuống trong giấc chiêm bao liền gặp Tôn
Quyền, chúa Giang Đông.
Tôn Quyền nhận ra Tào Tháo liền lấy roi trỏ vào mặt, nói lớn:
-Thừa tướng tọa hưởng Trung nguyên, phú quý tột bực, sao lại còn muốn cướp đất Giang Đông
của ta?
Tào Tháo đáp:
-Ngươi chỉ là phận thần tử, mà ta thì vâng mạng vua đánh ngươi đây.
Tôn Quyền cười lớn:
-Khắp thiên hạ ai cũng biết ngươi là kẻ hiếp vua. Ta đánh ngươi là để khuôn phò xã tắc vậy.
Hai bên đánh nhau, Tào Tháo phải chạy gấp về trại, lòng buồn bực. Bỗng có quân vào dâng thư
Tôn Quyền gửi tới, trong thư viết:
“… Thừa tướng với ta, cùng là quan nhà Hán, sao lại khuấy động đao binh. Xin Thừa tướng hãy
lui về, đất ai nấy giữ, chớ để trận Xích Bích xảy ra lần nữa…”.
Lại thấy Tôn Quyền viết cuối thư hai câu:
“Ông mà chưa chết,
Lòng ta chưa yên”.
Tào Tháo đọc xong cả cười. Lấy làm đắc ý nói rằng:
-Tôn Quyền hiểu rõ ta lắm!
Rồi hạ lệnh lui binh.
*
Chúa Đông Ngô là Tôn Quyền, theo kế Lữ Mông, chiếm được đất Kinh Châu đang do Quan
Công trấn thủ; lại bắt được Quan Công đem giết. Mưu sĩ là Trương Chiêu bàn:
-Ta giết Quan Vân Trường, thế nào Lưu Bị cũng kéo đại binh báo thù, Giang Đông tất không yên
ổn. Phải đem đầu của Quan Công dâng cho Tào Tháo để cho Lưu Bị hiểu lầm, khởi binh đánh
Tào. Như vậy Đông Ngô ta mới thoát nạn.
Tôn Quyền nghe theo, đem đầu Quan Công dâng cho Tào Tháo. Tư Mã Ý thưa:
-Đó là kế của Đông Ngô gieo họa cho ta, muốn Lưu Bị khởi quân đánh ta báo thù. Đại vương
nên làm thân người bằng cây hương mộc tẩm liệm tử tế. Lưu Bị sẽ để ta yên.
Tào Tháo nghe theo. Khi đến trước thủ cấp Quan Công, Tào Tháo cười lớn, nói đùa:
-Vân Trường vẫn mạnh giỏi đấy chứ?
Bỗng đầu Quan Công trợn tròn mắt, tóc râu dựng lên. Tào Tháo thất kinh té nhào. Từ đấy trong
lòng sợ sệt, ăn ngủ không yên, không bao lâu thì mất.
Tào Tháo là một kỳ nhân của thời Tam Quốc. Những cái cười của họ Tào đã được La Quán
Trung tiểu thuyết hóa và đưa vào Tam Quốc Chí nhằm làm nổi bật cá tính của họ Tào.
Trước sự chuyên quyền của Đổng Trác, các quan lớn nhỏ chẳng biết làm gì hơn là khóc lóc với
nhau. Trong lúc đó Tào Tháo lại cười thì có khác gì cười vào mặt các quan. Cái cười ấy chứa
đựng tính thực tế, dám nghĩ, dám hành động của Tào Tháo. Đúng như Tào Tháo nói, có khóc cả
ngày Đổng Trác cũng không chết. Việc ám sát Đổng Trác tuy không thành nhưng đã chứng tỏ
Tào Tháo là kẻ quyết tâm, gan dạ.
Cái cười của Tào Tháo khi thu phục Trương Liêu là cái cười của kẻ biết kềm chế sự nóng giận
của mình để lấy lòng một viên tướng tài, mặc dù ngay trước đó, viên tướng địch đã mắng mình.
Cái cười đó chứng tỏ Tào Tháo biết cách thu phục nhân tâm và đã được trả giá xứng đáng.
Trương Liêu chính là cái gạch nối giữa Tào Tháo và Quan Công sau này, hết sức phục vụ Tào
Tháo và đã góp phần làm cho Quan Công tha Tào ở Huê Dung đạo khi Quan Công nhìn ra bạn
cũ Trương Liêu cũng tả tơi xơ xác trong đoàn bại binh sau trận Xích Bích.
Cái cười khi gặp Châu Thị vợ Trương Tế thì là cái cười của một người đàn ông háo sắc bình
thường trong khi đi đánh giặc thiếu thốn một bóng hồng, chẳng có gì là lạ.
Cái cười của Tào Tháo khi luận anh hùng với Lưu Huyền Đức trong bữa tiệc “thanh mai” là cái
cười của một kẻ sáng suốt, biết người, biết ta; nhìn biết ai là kẻ anh hùng dầu kẻ ấy chưa gặp thời
vùng dậy. Tuy nhiên cái cười ấy hết sức đáng sợ, bởi vì được cười bởi một con người đáng sợ.
Bằng cớ khi nghe Tào Tháo cười: “Chỉ có Lưu sứ quân và ta mới là kẻ anh hùng” thì một kẻ anh
hùng như Lưu Huyền Đức đã phải giật mình rơi đũa. Bởi vì nếu để Tào Tháo biết mình là kẻ anh
hùng đang nuôi mộng lớn thì thật là vô cùng nguy hiểm, nhất là mình đang ở trong cảnh cá chậu
chim lồng như Lưu Bị.
Cái cười khi Tào Tháo để Quan Công ra đánh với Nhan Lương, tiên phong của Viên Thiệu là
một cái cười hiểm độc. Nhờ Quan Công giết Nhan Lương tức là nhờ tay Viên Thiệu giết Lưu Bị,
cũng tức là dùng tay Quan Công gián tiếp giết anh kết nghĩa, giết người chủ tướng Lưu Bị, thanh
toán dùm họ Tào một tay đối thủ đáng gờm.
Cái cười của họ Tào trong tiệc rượu trên sông Trường Giang trước trận Xích Bích là cái cười
sảng khoái của họ Tào trước giấc mộng bá chủ sắp thành, mơ màng tới lúc công thành danh toại.
Còn những cái cười của họ Tào trong lúc đang trên đường rút lui sau trận hỏa công Xích Bích,
các lần cười trước khi gặp phục binh của Triệu Vân, Trương Phi, Quan Công có lẽ do tác giả La
Quán Trung đặt vào miệng họ Tào với dụng ý làm tăng tài điều binh khiển tướng nhìn xa trông
rộng của Khổng Minh mà thôi. Khi nhận được thư Tôn Quyền có hai câu: “Ông mà chưa chết,
lòng ta chưa yên”, Tào Tháo là kẻ xem Tôn Quyền là một nhân tài, tuy chưa xem Tôn Quyền là
kẻ anh hùng như Lưu Bị nhưng khi Tào Tháo nói với các quan nhận xét của mình về họ Tôn:
“Có con mà như Tôn Quyền kia thì nên có, chứ con như con Lưu Biểu thì khác gì con heo, con
chó” cũng đủ thấy họ Tào trọng thị họ Tôn đến mức nào. Nên khi được Tôn Quyền xem mình là
đối thủ số một thì họ Tào đắc ý là phải. Chấp nhận sự bá chủ của họ Tôn ở Giang Đông và rút
quân về.
Cái cười cuối cùng của Ngụy Vương Tào Tháo trong Tam Quốc Chí là cái cười đùa với thủ cấp
Quan Công. Tào Tháo sinh thời suốt đời chinh chiến vẫn xem Quan Công là đệ nhất dũng tướng
đương thời. Cả hai người lại có chút vương mắc về ân nghĩa. Quan Công cảm ân nghĩa họ Tào
hậu đãi mình, tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến; thuợng mã đề ngân, hạ mã đề kim, lại tặng
ngựa Xích Thố, khi Quan Công bỏ ra đi lại đuổi theo tặng áo. Tuy là giả dối để mua lòng, song
không thể không lưu chút tình cảm với Quan Công vốn là người trọng nghĩa; nên mới có việc tha
Tào nơi Huê Dung đạo.
Khi Quan Công chết, Tào Tháo cả mừng nói: “Vân Trường đã chết, ta còn lo gì nữa!”, và trong
lúc cao hứng đã buông ra tiếng cười và câu nói đùa không phải lúc ấy.
Lưu Bị hay khóc, Tào Tháo hay cười.Cái nào tốt hơn?
LÃO MÓC
Share.

Leave a Reply