Tuesday, May 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

2023.11.14 RFA

 

Người Thượng sắp sửa tố cáo Chính phủ Việt Nam kỳ thị sắc tộc tại diễn đàn Liên Hiệp QuốcMột người Thượng chắp tay sau khi đi ra khỏi một cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia sau khi trốn khỏi Việt Nam năm 2004 (minh họa)

 Reuters

Các nhà hoạt động nhân quyền là người thuộc sắc dân thiểu số ở Việt Nam sẽ tố cáo việc nhà nước phân biệt sắc tộc trước Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 11 tới đây.

Thông tin trên được tổ chức Uỷ ban Cứu Người vượt biển (BPSOS) đưa ra. Đây là tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ, và tập trung chủ yếu vào các vấn đề nhân quyền của các sắc dân thiểu số ở Việt Nam.

Sự kiện trên thuộc khuôn khổ hoạt động kiểm điểm định kỳ của Liên Hiệp Quốc, đối với các quốc gia là thành viên của công ước quốc tế về việc Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Trong dịp này, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác sẽ phải trình bày quá trình thực hiện các cam kết về việc xoá bỏ sự phân biệt sắc tộc. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng sẽ tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự đưa ra bản điều trần riêng. Đó là lý do tổ chức BPSOS tham gia lần này.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành của tổ chức Uỷ ban Cứu Người vượt biển, cho biết thêm thông tin về sự kiện trên:

“Lý do BPSOS tham gia các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc là để tạo ra một môi trường, diễn đàn để chính người dân ở trong nước đặt trách nhiệm giải trình với Nhà nước.

Ở Việt Nam hiện nay thì Nhà nước chưa thực hiện trách nhiệm đó bởi vì họ xem thường người dân, nhưng nếu đi vòng qua Liên Hiệp Quốc, khi mà người dân biết làm báo cáo, chính người dân tiếp cận được với Liên Hiệp Quốc, hoặc trực tiếp hoặc trung gian, thì cách này cách kia, họ đang đặt vấn đề với nhà nước Việt Nam, và nhà nước Việt Nam phải trả lời cho người dân thông qua những uỷ bản chuyên trách về từng lĩnh vực nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết. 

Mục đích chính yếu là tạo tiếng nói cho người dân!”

Việt Nam hiện đã tham gia bảy trên tổng số chín công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, và các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước vẫn thường xuyên chỉ trích Nhà nước vì không tuân thủ các cam kết theo như quy định của các công ước này.

Về vấn đề phân biệt sắc tộc, theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổ chức của ông sẽ tố cáo chính quyền Việt Nam đã thực hiện các chính sách đàn áp về mặt tôn giáo, kinh tế, và văn hoá nhắm đến các sắc dân thiểu số như người Thượng ở Tây Nguyên, người H’mong ở phía bắc, và người Khmer Krom ở phía nam.

Ông nói thêm về những thông tin mà tổ chức BPSOS sẽ mang tới Liên Hiệp Quốc tới đây:

“Cái hành trang là chúng tôi đã có rất nhiều bản báo cáo về vi phạm nhân quyền nói chung, mà xét ra thì các sắc dân bản địa là bị nặng nề nhất, trong đó có người Thượng, người H’mong, và người Khmer Krom.

Phía Việt Nam thì không bao giờ báo cáo những điều ấy nhưng Liên Hiệp Quốc đã nhận được hàng trăm báo cáo vi phạm, đến trực tiếp từ người dân, mà phần lớn là đến từ các cộng đồng bản địa mà tôi vừa nhắc đến.”

Tôn giáo và sắc tộc vẫn là đề tài nóng ở Việt Nam và được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực để đối phó.

Các kênh truyền thông của Nhà nước vẫn thường xuyên tuyên truyền nguy cơ từ hoạt động tôn giáo được cho là “trái phép” ở các cộng đồng sắc dân thiểu số. Và lực lượng công an vẫn bị tố cáo là thực hiện các hoạt động trấn áp nhắm vào người thiểu số.

Ngoài tôn giáo, các sắc dân thiểu số còn phải đối mặt với những chính sách mang tính phân biệt đối xử khác về mặt văn hoá, giáo dục, kinh tế, và xã hội.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, Đài RFA nói chuyện với ông Vàng Seo Giả, một người H’mong sinh ra ở phía bắc Việt Nam, nhưng đến năm 8 tuổi thì gia đình đã phải chạy trốn vào Tây Nguyên vì chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền địa phương, rồi cuối cùng phải sang Thái Lan xin tị nạn.

“Chúng tôi có trong tay danh sách khoảng hơn năm ngàn cho đến bảy ngàn những người H’mong sinh sống ở vùng Tây Nguyên. Họ không có bất kỳ một giấy tờ tuỳ thân nào. Sự việc này được chính quyền Việt Nam thừa nhận, cũng như chứng minh của các tổ chức quốc tế, và những quan chức ngoại giao, họ đã nhận được các bản báo cáo và muốn đến thực địa nhưng đã bị cấm.

Hệ quả của việc sống hơn hai mười năm, gần hai thế hệ, mà không có giấy tờ tuy thân thì ai cũng biết. Họ không có một quyền công dân nào cả. Không có giấy tờ tuỳ thân thì không thể tiếp cận giáo dục, thứ hai là cơ hội kiếm việc làm ở các đô thị, bởi vì anh không có giấy tờ thì chẳng ai biết anh là ai mà dám nhận, và thứ ba là liên quan đến vấn đề hưởng các chính sách xã hội thi họ hoàn toàn không có.

Họ sinh sống như người rừng ở những khu vực như vậy. Sau đó thì họ sinh con đẻ cái, những con cái đó không được đi học, và không được hưởng bất cứ chế độ xã hội nào dành cho trẻ con, hay chính sách dành cho công dân Việt Nam.

Tôi cho rằng đó là một cái sự kìm hãm sự phát triển của dân tộc H’mong chúng tôi.”

Bản thân ông này cũng chọn lấy một cái tên theo tiếng Việt và tránh sử dụng tên thật theo tiếng H’mong, để tránh bị nhận ra nguồn gốc “dân tộc”, vì theo ông khi bị nhận ra thì sẽ có nguy cơ bị gọi là “thằng dân tộc”, và bị nhìn với ánh mắt khác, rồi dẫn đến việc bị phân biệt đối xử.

Mai một ngôn ngữ cũng là vấn đề được các sắc dân thiểu số lo lắng. Trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Y Quynh Bdăp, một người Êđê từ tỉnh Đắc Lắk, hiện đang tị nạn tại Thái Lan, cho biết lo ngại của ông về vấn đề này:

“Người Thượng chúng tôi có ngôn ngữ riêng, và ở vùng Tây Nguyên thì tiếng Êđê được thuận dụng từ thời Pháp, và đã có trường học cho người đồng bào của người Thượng, nhưng hiện nay thì không có một trường học nào cho người Thượng của chúng tôi. Hệ quả là nhiều người Thượng bây giờ không nói được tiếng Êđê.”

Ngoài ngôn ngữ người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang đối diện với việc đất đai bị thu hồi để làm các dự án khu đô thị và nông trường. Gây ra sự xung đột giữa nhà nước và các cộng đồng bản địa.

Hồi tháng 6 năm nay đã xảy ra một vụ tấn công vào hai trụ sở uỷ ban xã tại tỉnh Đắk Lắk, làm chín người thiệt mạng. Chính quyền đã khởi tố 92 người vì bị cho là liên quan tới vụ việc trên, trong đó tất cả đều là người thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.

 
 
Share.

Leave a Reply