Tuesday, May 7 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
14/11/2023

Binh sĩ Việt Nam tại lễ khai mạc diễn tập 'Hòa bình và Hữu nghị' 2023. YouTube: QDND.
Binh sĩ Việt Nam tại lễ khai mạc diễn tập ‘Hòa bình và Hữu nghị’ 2023. YouTube: QDND.

Hôm 13/11, lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc tập trận quân sự “Hòa bình và Hữu nghị 2023” (Aman Youyi) do Trung Quốc đăng cai tổ chức. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách “tăng cường sự tin cậy quân sự lẫn nhau” giữa lúc căng thẳng gia tăng về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam tham dự lễ khai mạc cuộc diễn tập chung hôm 13/11, tập trung vào nỗ lực chung chống khủng bố và bảo vệ an ninh hàng hải. Cuộc tập trận được tổ chức tại thao trường huấn luyện tổng hợp Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, kéo dài đến 22/11.

Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận chung đa quốc gia “Hòa bình hữu nghị-2023” có chủ đề “Hành động quân sự phối hợp chống khủng bố và duy trì an ninh hàng hải” nhằm nâng cao năng lực hành động của các bên tham gia tập trận trong chống khủng bố ở đô thị cũng như chống khủng bố và chống cướp biển, “tiếp tục làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau về quân sự và hợp tác thực chất, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Với hơn 3.000 quân nhân tham gia, cuộc tập trận được chia thành các hướng trên bộ và trên biển, được thực hiện dưới các hình thức huấn luyện chung, chỉ huy chung và diễn tập trực tiếp đa chiều. Trung tướng Cảnh Kiến Phong, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc dự và chỉ đạo cuộc diễn tập này, theo trang Quân đội Nhân dân.

Truyền thông Việt Nam cho hay Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, tham dự vùng với sự góp mặt của tàu Hộ vệ tên lửa 016 – Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Khánh được truyền thông nhà nước dẫn lời, nói: “Diễn tập Hòa bình hữu nghị 2023 là cơ hội để quân đội các nước tham gia thúc đẩy giao lưu và hợp tác quân sự, tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, nâng cao năng lực chống khủng bố, duy trì an ninh hàng hải trong khu vực”.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Campuchia và Lào tham gia cuộc diễn tập chung này.

Theo trang tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam, quân nhân nước này sẽ tham gia cả hai nội dung chính là diễn tập thực binh trên bộ và thực binh trên biển.

Trang này cho biết cuộc diễn tập thực binh trên biển bao gồm các khoa mục tại bến và trên biển, có sự tham gia của tàu hải quân 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia. Trong đó, hoạt động tại bến bao gồm: Thảo luận và huấn luyện mô phỏng điều khiển tàu, đấu tranh bảo vệ sức sống tàu, thực hành cấp cứu thương binh; thao tác thiết bị mặt boong trực thăng, chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn; diễn tập trên sa bàn; giao lưu văn hóa, thể thao, ẩm thực…. Phần diễn tập thực binh trên biển sẽ có các nội dung: Thông tin liên lạc, vận động đội hình, cảnh giới khu neo, chống cướp biển…

Ông Zhang Junshe, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói với trang Global Times hôm 12/11 rằng cuộc tập trận này thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau và ý chí chung của các nước tham gia trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Ông Zhang cho biết Biển Đông là một trong những khu vực có nhiều cướp biển hoành hành nhất thế giới, khiến cướp biển trở thành mối đe dọa chung mà tất cả các nước trong khu vực phải đối mặt và đó là lý do tại sao cuộc tập trận sẽ tập trung vào chống khủng bố và chống cướp biển.

Philippines, quốc gia gần đây lên tiếng mạnh mẽ về tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, không tham gia sự kiện này. Các nhà quan sát lưu ý rằng cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm Philippines liên tục có những hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc kể từ tháng 8 ở các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.

Ông Zhang cho biết rằng một số quốc gia tham gia cuộc tập trận Aman Youyi-2023 cũng có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, “nhưng họ đã chọn cách tiếp cận đúng đắn, đó là không để tranh chấp ảnh hưởng đến tình hữu nghị, hợp tác và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Trang The Diplomat nhận định rằng Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận quân sự chung như một công cụ chính sách đối ngoại để truyền đạt “tình hữu nghị và tăng cường quan hệ quân sự” với các quốc gia láng giềng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.

“Cách tiếp cận này được thúc đẩy bởi một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh: khả năng các nước láng giềng đứng về phía Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc vào những thời điểm quan trọng”, trang này viết.

Sự kiện Aman Youyi đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2014 tại Kuala Lumpur do Trung Quốc và Malaysia khởi xướng, chủ yếu diễn tập sa bàn. Các cuộc tập trận trực tiếp vào năm 2015 và 2016 cũng được Malaysia đăng cai tổ chức. Thái Lan, tham gia với tư cách quan sát viên vào năm 2016, đã tham gia cuộc tập trận này vào năm 2018.

 
Share.

Leave a Reply