Sunday, May 5 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Trận Đánh Cuối Cùng

Lúc bấy giờ khoảng tháng ba năm 75 và tôi đang đi phép về thăm nhà ở Saigon. Theo phân công của ĐĐ Quân Y tăng phái cho Trung đoàn 33 sư đoàn 21, tôi là Bác sĩ ĐĐP sẽ theo Bộ Chỉ Huy hành quân trung đoàn 3 tuần lễ hay hơn sau đó được đi phép 1 tuần. Bác si ĐĐT cũng tên Dũng người cao lớn như tây nên gọi là Dũng cao (còn có biệt danh là Dr. Zivago) ra thế tôi trong khi tôi đi phép. Khi về Saigon tình cờ gặp Trương Quang Sơn bạn cùng lớp là BS TTHL BĐQ Dục Mỹ tan hàng chạy về Saigon chờ lệnh. Sơn kể cho tôi nghe chuyện di tản từ miền Trung về, nghe vừa hãi hùng vừa đau đớn trước cảnh tình hỗn loạn kinh hoàng lúc bấy giờ. Chuyện cấp chỉ huy ra lệnh cấp dưới tử thủ trong khi bản thân âm thầm chạy trốn mang theo vali đầy tiền hay vàng bạc. Rồi cũng tình cờ gặp chú Tư Cầu cũng bạn cùng lớp là BS BĐQ đang ở Saigon với đơn vị mình. Dù khó tin nhưng Cầu kéo tôi và Sơn đi nhậu bia ôm với các Sĩ quan trong đơn vị mình. Chúng tôi ngả ngớn,say sưa, lèm bèm với các em chiêu đãi có lẽ để cố quên hiện tại và ngày mai không biết ra sao.

 Hết phép trở về đơn vị tôi lại theo Bộ Chỉ Huy (BCH) trung đoàn đi khắp nơi. Tiền cứ của trung đoàn là căn cứ Hỏa Lựu tỉnh Chương Thiện (hậu cứ là trại Nguyễn Viết Cần, Cần Thơ) nhưng BCH trung đoàn luôn di chuyển khắp nơi, xuống Kiên Bình, Kiên An, căn cứ HQ Xẻo Rô thuộc tỉnh Kiên Giang, và đến tháng Ba năm 75 thì về đóng tại Thới Lai Cờ Đỏ thuộc tỉnh Cần Thơ trong chiến thuật co cụm lại để bảo vệ các trung tâm trọng yếu. Tôi còn nhớ ngày 29 tháng ba khi BCH trung đoàn vừa gìữ vững vị trí sau cơn pháo kích của quân CS bao vây chung quanh, lúc đó trời nhá nhem tối và phía xa xa còn có những đám cháy chưa tàn, chúng tôi sửa soạn ăn cơm tối thì nghe radio báo tin Đà Nẵng đã mất. Thiếu tá Khoa, TĐ phó TĐ pháo binh tăng phái cho trung đoàn là người Bắc Công giáo di cư nên có ít nhiều kinh nghiệm với CS chợt thốt lên trong lúc ăn cơm chung: “không biết khi CS thắng mình có còn được ăn thịt gà không?”. Câu nói thường tình nhưng nghĩ lại thật đau lòng và linh nghiệm như một lời tiên tri cho vận nước điêu linh.

 BCH trung đoàn đóng chốt tại Thới Lai Cờ đỏ để điều động hành quân trong vòng đai bảo vệ Cần Thơ nên CS nhất quyết bứt chốt này. Họ bắt đầu điều động quân để bao vây và tấn công xử dụng các đơn vị địa phưong và quân chính quy Bắc Việt. Ngồi trong TTHQ (Trung Tâm Hành Quân) tôi nghe CS gọi nhau ơi ới qua vô tuyến và có lẽ để hù doạ mình nó tiết lộ các đơn vị sẽ tham gia trân đánh dài dằng dặc. Lâu lâu mình xen vào vô tuyến địch và hai bên đấu khẩu kịch liệt.

 BCH đóng trong một bunker ở giữa một miếng đất khá rộng bao quanh bởi một hàng rào và ngoài hàng rào là một hào nước. Sau đó là rải rác một số nhà của dân chúng. BCH được bảo vệ bởi một ĐĐ phía trong có cả pháo binh yểm trợ và bên ngoài có một TĐ trấn giữ. Ban QY chúng tôi được giao cho một căn hầm khá rộng để làm bệnh xá cách TTHQ 200 thước. Sau khi giàn quân bao vây  CS bắt đầu tấn công tiền pháo hậu xung. Quân ta chống cự quyết liệt, pháo binh hạ nòng bắn thẳng để ngăn quân CS tràn vào và trực thăng gunship từ phi trường Trà Nóc Cần Thơ bay lên đánh ào ạt nên CS không tràn ngập được. Đích thân tướng Mạch Văn Trường, tư lệnh sư đoàn 21 bay trên trời chỉ huy trận đánh. Nực cười nhất là trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như thế mà ông Đại tá trung đoàn trưởng không biết vì lý do gì bị tước quyền chỉ huy và ông Tư lệnh và trung đoàn phó thay thế.

 Sau nhiều đợt tấn công không kết quả, có lúc quân CS đã vượt qua hàng rào nhưng bị đánh bật ra, bỏ xác tại bờ mương hay trong hàng rào khá nhiều nên phải tạm ngừng tấn công. Đêm xuống trong căn cứ nhìn ra thấy các nhà dân cháy đỏ, điểm thêm các loạt đạn nổ sáng trong đêm tôi thấy lòng càng thê lương lo sợ đợi chờ cuộc tấn công sắp tới. Rất may là BCH không bị thiệt hại gì nhiều còn các đơn vị chung quanh chắc có thiệt hại nhưng tự lo lấy nên ban QY cũng không vất vả lắm.

 Gần sáng cộng quân bắt đầu tấn công lại, rút kinh nghiệm để tránh tổn thất chúng cường tập bằng pháo đủ loại mà không tấn công ngay. Bên ta cũng trả đũa bằng pháo binh nhưng đạn cạn dần nên pháo binh xin tiếp tế đạn bằng trực thăng. Pháo CS bắn từng đợt nên giữa các đợt pháo tôi xâm mình ra khỏi hầm QY quan sát hay đi đến TTHQ nghe tin tức. Một lần tôi vừa ra khỏi hầm thì CS pháo lại, tôi vội vã quay trở lại hầm nhưng không kịp. Một qủa pháo nổ gần đâu đó và tôi chợt thấy đau nhói trên ngực ngay chỗ ngực dưới cổ, khi vào lại hầm tự khám tôi mới thấy một vết thương nhỏ ngay trên đầu xương ức (sternum). Lạ thay lúc đó tôi không đau đớn gì nhiều và nghĩ là chỉ bị thương nhe thôi. Dần dần tôi cảm thấy khó chịu và khó thở càng ngày càng tăng nhưng vẫn còn tỉnh táo và tự chẩn đoán mình đã bị tràn máu và hơi trong phổi (pneumo-hemothorax). Y tá của tôi thấy ông thầy xanh lét khó thở sợ cuống cuồng và hỏi tôi phải làm gì. Tôi đã bảo tên y tá ruột lấy scalpel (dao mổ) cắt gìữa sườn trái và đút ống ngực (chest tube) nhưng hắn không làm được. Giải pháp duy nhất là phải tản thương ngay nhưng làm sao tản thương , bằng cách nào?

 

 Trên mặt đất cuộc chiến càng khốc liệt và quân CS sau pháo kích đang ào ạt tấn công dứt điểm. Quân ta ở thế quyết tử nên cũng chống trả quyết liệt. Pháo binh hạ nòng bắn thẳng và từng đợt gunship thay phiên bắn phá cộng quân nên chúng không thể dứt điểm. Pháo binh gọi trực thăng tiếp tế đạn dược. Trong hầm QY tôi gọi Trực Thăng Medic tản thương nhưng họ từ chối không xuống vì quá nguy hiểm. Tôi được biết các Trực Thăng (TT) tải đan pháo vẫn liều mình đáp xuống trân địa nên ra lệnh y tá đem tôi và các thương binh ra bãi đáp hy vọng các TT tiếp đạn có thể tản thương luôn. Lúc ra tới bãi tôi gần bất tỉnh, thấy xác quân mình và công quân rải rác khắp nơi. Thời may một chiếc TT tải đạn vừa đáp xuống đẩy đạn tiếp tế ra. Các y tá tôi hối hả chuyển tôi và vài thương binh lên chiếc TT cất cánh bay về Cần Thơ. Ngày hôm đó tôi còn nhớ là ngày 1 tháng 4.

  đến QYV Cần Thơ tôi chỉ tỉnh dậy trong phòng hồi sinh cấp cứu với môt chest tube bên sườn trái và một bịch máu lủng lẳng trên đầu (tôi được biết là đã được truyền 2 bịch máu). Các bác sĩ cho tôi biết mảnh pháo đi vào phổi trái chỉ cách tim gang tấc đã gây tràn máu (hemothorax) ép phổi trái nên tôi không thở được và mất máu khá nhiều. Chỉ khi tỉnh dậy tôi mới biết mình còn sống và thầm cám ơn Trời Phật là mảnh pháo đã không xuyên vào tim nên mình mới sống sót.

 Lạ thay những ngày nằm QYV Phan Thanh Giản Cần Thơ lại vô cùng êm ả. Mẹ tôi từ Saigon vào thăm và quá thương con nên ở lại chăm sóc tôi. Tình mẹ thiêng liêng ấm áp và trong phòng bệnh riêng cách biệt với thế giới bên ngoài làm tôi cảm thấy bình yên không lo lắng nhiều. Trong phòng bệnh một buổi sáng nhìn qua cửa sổ tôi thấy một nữ quân nhân y tá rất trẻ, rất xinh , tràn đầy nhựa sống đang săn sóc các thương binh khiến lòng mình chợt xao xuyến mãnh liệt. Tôi bỗng cảm thấy đời sống thật quý giá và tự nhủ mình phải giữ gìn nó bằng mọi giá.

 Tôi được xuất viện 28 ngày tái khám khoảng 23 hay 24 tháng Tư.Về hậu cứ tại Cần Thơ đúng lúc cơ quan DAO di tản. Hải Quân cũng bắt đầu ra đi. Tướng Tư lênh vùng Nguyễn Khoa Nam định ra lịnh ngăn không cho HQ di tản nhưng sau đó cũng thôi, ông quyết định ở lại và sau đó tuẫn tiết. Tướng Lê Văn Hưng từng là Tư lênh sư đoàn 21 mà tôi đã nhiều lần tiếp kiến và ông thường cho tôi đi theo Trực thăng tư lệnh của ông về Cần Thơ mỗi khi tôi cần đi phép, cũng tuẫn tiết không chịu đầu hàng. Tôi đón xe đò về nhà ở Saigon, dọc đường đi thấy chiến sự diễn ra khắp nơi. Đất nước đang lên cơn sốt dẫy chết tang thương, tủi nhục.

 Hơn 30 năm nhìn lại mà vẫn bàng hoàng tưởng như mới hôm qua. Dù lòng không mang thù hân nhưng chưa thấy bình yên tha thứ như mình muốn. Không tha thứ những cấp lãnh đạo hèn nhát bỏ chạy nhục nhã, càng tiếc thương những anh hùng tuẫn tiết dù chỉ là tuyệt vọng. Càng căm ghét kẻ thù đã cưỡng chiếm đất nước tiến hành một chính sách phi nhân, tàn ác, vơ vét chiếm đoạt mọi thứ cho bè đảng mình. Bọn chúng đang thẳng tay trả thù những người thuộc chế độ VNCH, áp bức bóc lột toàn dân, biến đất nước thành một nhà tù lớn. Nước Việt Nam vẫn chưa có tự do, hòa bình, tiến bộ, tuyệt đại đa số người Việt vẫn sống lầm than trong đêm dài tăm tối cộng sản.

 Còn tôi bây giờ là một người tha hương vong quốc.

 Tháng Tư 2007

Viết cho tháng Tư 1975

Bùi Quang Dũng

Share.

Leave a Reply