Sunday, April 28 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
May 3, 2022

Kalynh Ngô/Người Việt

FIRSCO, Texas (NV) – Nếu giai điệu của một bản nhạc được hình thành từ những nốt trầm bổng khác nhau, thì cuộc đời của Jon (Dũng) Lê Culpepper là bản giao hưởng kết nối từ những chương hoàn toàn riêng biệt. Một trong những chương được xem là cao trào nhất và đặc biệt nhất trong đời là anh được mời điều khiển buổi hợp xướng tại sân khấu Carnegie Hall nổi tiếng ở New York vào năm 2023, trở thành nhạc trưởng gốc Việt đầu tiên nhận được vinh dự này.

Jon Lê Culpepper sẽ là nhạc trưởng khách mời gốc Việt đầu tiên điều khiển dàn nhạc tại Carnegie Hall, New York. (Hình: Jon Lê Culpepper cung cấp)

Tiếng gọi trở thành linh mục

Jon Lê Culpepper lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Tuổi thơ của anh là những năm tháng gắn bó với nhà thờ, giáo lý, thánh ca, ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Jon nói gần như nửa cuộc đời của anh quẩn quanh trong hai chữ “nhà thờ.”

Từ thưở nhỏ đến lúc học xong trung học, Jon xác định “mình là đứa trẻ có suy nghĩ khác người.”

Không như những người bạn đồng trang lứa hay nghĩ đến những việc vui chơi, Jon cứ suy nghĩ về mục đích của cuộc đời. “Chẳng hạn như vì sao con người lại hạnh phúc hay đau khổ? Suy nghĩ về sự chết?” Anh bật cười sau khi “lột tả” về chàng thanh niên Jon Lê của thời mới lớn.

Cùng với những suy nghĩ “khác người” đó là cảm giác an toàn, bình an khi anh được ẩn mình trong môi trường tôn giáo.

Jon nói: “Những lúc đến nhà thờ, tôi luôn cảm thấy thanh thản trong tâm hồn.” Chính vì vậy, việc lựa chọn con đường vào chủng viện của Jon đến rất tự nhiên, không cần suy nghĩ, “như có lời gọi mãnh liệt từ ơn trên, có sự khao khát được phụng sự.”

“Thế là tôi quyết định đi học trở thành linh mục,” Jon nói và nhớ lại, chính anh cũng ngạc nhiên với quyết định của mình, dù đã biết rằng mình có một “ơn gọi” như anh đã nói.

Trong suốt thời gian học đại học rồi vào chủng viện, Jon đã tự hỏi bản thân rất nhiều câu hỏi gai góc. Anh thắc mắc về điều gì thật sự trong cuộc sống có thể động viên, khích lệ con người? Điều gì làm cho con người hạnh phúc? Đặc biệt, “trong tận sâu thẳm mỗi hình hài, con người thật của chúng ta là ai?”

Những câu hỏi ấy quanh quẩn trong tâm hồn của Jon Lê Culpepper rất nhiều năm tháng. Cho đến ngày hôm nay, khi được hỏi rằng anh đã tìm được câu trả lời cho mình chưa?

Chẳng hạn như “điều gì làm cho anh hạnh phúc?” Thì anh trả lời ngay: “Sống cuộc đời thật của chúng ta, làm những công việc có ý nghĩa, bên cạnh những người luôn có cuộc sống năng động, tích cực, luôn muốn mỗi ngày thực hiện những điều tốt đẹp hơn trong xã hội. Dù trong bất cứ lãnh vực nào, âm nhạc, kinh doanh, tôi vẫn được là một người đồng tính (LGBT) Á Châu sống tốt và thật với chính mình.”

Chính những điều này đã mang đến cho Jon nhiều hạnh phúc đích thực, mà anh gọi là “hạnh phúc thật sự chứ không phải là hạnh phúc thoáng qua.”

Nhà hát Carnegie Hall nhìn từ bên ngoài. (Hình: Bryan Bedder/Getty Images for HISTORY)

Rời chủng viện

Tất cả sự khao khát, định nghĩa về hạnh phúc, được sống đúng với cuộc đời thật của mình, theo lời Jon, “nó không phải là một hành trình của người thuộc về chủng viện.”

Đối với Jon, nó là chỉ là một phần trong hành trình sứ mệnh đó. Những gì còn lại, là một hành trình dài tự khám phá bản thân, hành trình tự chấp nhận bản ngã của chính mình.

Ba năm trong chủng viện học để trở thành linh mục, là ba năm Jon bị “dằn vặt” bởi một câu hỏi lớn khác của đời mình, đó là “tôi thực sự muốn trở thành linh mục hay tôi muốn có một cuộc đời khác của chính mình?”

Theo anh, rất đơn giản nhưng rất quan trọng, người đầu tiên bạn phải đối diện và sống thật nhất, đó chính là bản thân mình: “Khi chúng ta lớn lên trong một xã hội, xã hội có rất nhiều ý tưởng làm cho chúng ta phải cân nhắc suy nghĩ phải làm cách này hay cách khác. Khi vào trong chủng viện, mỗi cá nhân chúng ta lần lượt phải cởi bỏ từng lớp vỏ bên ngoài, và bạn phải tự vấn những câu hỏi rất cơ bản. Lúc đó, bạn sẽ phát hiện ra thật sự mình muốn trở thành một con người như thế nào.”

Anh nói, mãi cho đến năm cuối cùng ở chủng viện, anh mới cảm thấu rõ mình có một nỗi khổ riêng. Đó là: “Tôi muốn có một đời sống khác. Tôi muốn có một gia đình. Thế là, tôi quyết định rời chủng viện, sống cuộc đời thật của chính mình.”

Rời chủng viện, nhưng hành trình “đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời” của Jon vẫn tiếp tục. Anh chỉ rời chủng viện để chấm dứt “nỗi khổ” và được sống thật với chính mình. Jon vẫn tiếp tục với ngành Triết Học của mình.

“Âm nhạc là người đầu tiên và thân nhất của tôi,” Jon nói. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Từ “cuộc trò chuyện với Chúa”

Tháng Sáu, 2023, Jon Lê Culperpper và ca đoàn Chamber Dallas Choir được vinh dự mời tham gia buổi hoà nhạc kỷ niệm 40 năm lịch sử hình thành công ty sản xuất MidAmerica, và Jon sẽ là nhạc trưởng gốc Việt đầu tiên bước lên sân khấu Carnegie Hall ở New York.

Anh sẽ điều khiển buổi hoà nhạc chơi bản Vesperae Solennes de Confessore của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart.

“Vinh dự này là tự hào của tôi và ca đoàn Dallas Chamber Choir. Thật ra công ty MidAmerica đã vài lần ngỏ lời mời Dallas Chamber Choir, nhưng chúng tôi không sắp xếp được thời gian, cứ phải từ chối. Nhưng lần này là kỷ niệm 40 năm, một sự kiện lớn, ý nghĩa nên tôi nhận lời,” Jon nói.

Khi biết rằng, Jon không phải người xuất thân từ trường nhạc, càng không phải người có tấm bằng cao học về “Conductor,” thì mới thấy được âm nhạc chính là tiếng gọi mãnh liệt to lớn để Jon theo đuổi sau khi rời chủng viện.

Gia đình Jon Lê Culpepper đến Mỹ năm 1984. Năm đó Jon sáu tuổi. Ngoài những thời gian dành cho nhà thờ và ca đoàn, âm nhạc là một trong những người bạn đầu tiên của Jon.

Nhạc cụ đầu tiên Jon chơi là cây sáo. Sau đó, tự học thêm hàng loạt các nhạc cụ khác như dương cầm, violon, đàn guitar…

Cho đến năm Jon 16 tuổi, trong một lần đến nhà thờ, Jon được yêu cầu chơi đàn dương cầm cho ca đoàn. Sau đó, nhà thờ lại cần một nhạc trưởng điều khiển ca đoàn. Không ai thực hiện được điều đó, trừ Jon. Từ đó, một chương hoàn toàn mới trong cuộc hành trình của Jon được bắt đầu.

Mãi cho đến năm cuối cùng ở chủng viện, anh mới cảm thấu rõ mình có một nỗi khổ riêng. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Jon nói, khi anh không hiểu về cuộc đời, những buồn, vui, những phấn khích, thì nhạc như người bạn có thể chia sẽ với anh những điều đó. “Nhạc là người bạn thân luôn đối thoại với tôi bằng cách mà chúng tôi có thể hiểu nhau. Đó là một mối quan hệ rất đặc biệt,” Jon nói với ánh mắt biết cười.

Cho dù Jon chơi thuần thục rất nhiều nhạc cụ, là nhạc trưởng của dàn hợp xướng Dallas Chamber Choir do anh khởi xướng, là giọng hát chính của ca đoàn nhà thờ All Saint Catholic Church, nhưng với tấm bằng Triết Học, Jon không có đủ những tín chỉ cần thiết để ghi danh vào ngành âm nhạc, theo đuổi ước mơ và tài năng của mình.

“Để có đủ những thủ tục đó phải mất rất nhiều thời gian. Lúc đó tôi muốn trở thành nhạc trưởng. Mà ‘conductor’ thì không có đại học, vì nó được xem là một ngành đòi hỏi kỹ năng đặc biệt và chuyên sâu, nó chỉ có cao học hoặc tiến sĩ. Tôi xin vào học cao học, họ đã bật cười khi nhìn thấy hồ sơ của tôi. Họ nói họ không thể chấp thuận đơn học cao học của tôi vì với thời gian dài đăng đẳng như thế, tôi sẽ không thể thực hiện được. Khi ấy, tôi thật sự hụt hẫng, đau buồn.” Jon kể lại.

Với ý chí của người luôn đi tìm câu trả lời về nhân sinh quan, Jon Lê Culpepper đã hoàn thành bốn năm đại học để lấy tấm bằng Triết. Anh dùng ngôn ngữ của triết học, kết hợp với sự đòi hỏi chính xác của điện toán, một công việc mà Jon đã và đang làm sau khi tốt nghiệp đại học, cộng thêm tinh thần nhạy bén của nhà kinh doanh, và quan trọng hơn hết, kỹ năng diễn đạt cảm xúc của âm nhạc, để viết lên bản giao hưởng đích thực riêng cho cuộc đời mình.

Theo chân Jon Lê Culpepper vào nhà thờ All Saints Catholic Church, tận mắt nhìn và nghe anh cất tiếng hát không phối âm không hoà khí giữa không gian tràn ngập niềm tin tôn giáo, mới cảm nhận rõ sức mạnh vô biên về âm nhạc và niềm tin tín ngưỡng rất riêng trong con người anh.

Giai điệu từ cây dương cầm như những cánh bướm dập dìu quanh tiếng hát của Jon. Không gian im vắng, chỉ có tiếng hát, tiếng đàn, vang dội lại từ bốn phía bên trong thánh đường. Ánh sáng xuyên từ bên ngoài xuyên qua những ô cửa kính nhiều màu sắc. Bức tượng Chúa Kito bị đóng đinh trên thập tự giá từ trên cao nhìn xuống, nhân từ, bao dung. Nét mặt của Jon rạng ngời nhưng cũng đầy nét bi thương.

Jon Lê Culperpper và ca đoàn Chamber Dallas Choir được vinh dự mời trình diễn tại buổi hoà nhạc kỷ niệm 40 năm lịch sử hình thành công ty sản xuất MidAmerica. (Hình: Jon Lê Culpepper)

Jon nhẹ nhàng nói trong cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn sau ca khúc Ave Maria: “Tôi luôn có một cảm giác phức tạp mỗi khi bước vào nhà thờ, dù đây là một nơi tôi đã dành trọn những năm tuổi trẻ của mình cho sự phụng sự, theo tiếng gọi của ơn trên. Nhà thờ luôn có ý nghĩa đối với người có tín ngưỡng, nhưng cũng có các nhân tố khác làm chúng ta phải bối rối.”

Có lẽ ngay trong không gian hiện tại, khi chỉ có Jon và Chúa của anh cùng với sự im lặng bao quanh, anh mới có đủ can đảm để bộc lộ tất cả những dằn xé trong tâm hồn. Anh thú nhận, chỉ khi anh ngồi tâm sự với Chúa, “chỉ có tôi và Chúa của tôi” như anh nói, thì anh mới cảm nhận được sự bình an.

“Cho dù bạn có thể cầu nguyện ở khắp nơi, nhưng khi chỉ có tôi và Chúa, tôi mới có thể im lặng, mới có thể làm dịu đi những dằn vặt, làm tan biến những dằn xé trong tâm trí tôi.”

Jon kể rằng anh đã từng có một “cuộc trò chuyện” với Chúa của anh khi anh quyết định rời chủng viện để được sống cuộc đời thật của mình, được khẳng định mình là một người đồng tính gốc Á. Khi ấy, thay vì cầu nguyện, anh đã “hỏi xin” Chúa hướng dẫn giúp anh một hướng đi.

“Tôi nghĩ rằng để trả lời sự bình an mà tôi đi tìm lúc đó, Chúa nói với tôi rằng hãy là một người như ta đã tạo ra con, trọn vẹn và hoàn hảo. Không có gì phải sợ hãi. Đừng sợ hãi. Hãy sống cuộc đời ta muốn con sống vì ta đã tạo ra con!” Jon kể lại.

Jon cất tiếng hát giữa không gian tràn ngập niềm tin tôn giáo. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Câu trả lời của Jon đã giải đáp cho thắc mắc của tôi về lời tự giới thiệu của anh: “Tôi là Dũng, tên tiếng Anh là Jon, Jon Lê Culpepper.”

Trong ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và cả tự hào, Jon kể thêm về hạnh phúc đích thực của mình. Anh kể về anh Justin Culpepper, người bạn đời đã cùng chia sẻ, đồng hành với anh thực hiện những điều có ý nghĩa trong cuộc sống. Anh nói: “Chúng tôi cùng đóng góp cho cộng đồng, chia sẻ với nhau tất cả mọi quyết định.”

“Cuộc trò chuyện với Chúa” năm đó đã “tái sinh” một Jon Lê Culpepper luôn đi tìm và xây dựng những điều tốt đẹp cho cuộc sống bằng tất cả đam mê, nghị lực, và cả niềm tin vào tình yêu với Thiên Chúa. [kn]

Share.

Leave a Reply