Sunday, May 12 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson (T) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đến thượng đỉnh về khí hậu COP26, tại Glasgow, Scotland, ngày 01/11/2021.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (T) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đến thượng đỉnh về khí hậu COP26, tại Glasgow, Scotland, ngày 01/11/2021. AP – Alastair Grant

Hơn 120 lãnh đạo thế giới họp tại Glasgow, Scotland, Anh Quốc, hôm nay, 01/11/2021 trong khuôn khổ hội nghị COP26, kéo dài 2 tuần, để cố đề ra những biện pháp cấp thiết tránh thảm họa khí hậu cho nhân loại.

Theo Liên Hiệp Quốc, các cam kết hiện nay của khoảng 200 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về Khí hậu, cho dù được tôn trọng hoàn toàn, vẫn khiến cho mức tăng nhiệt độ của Trái đất lên đến 2,7°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà quan sát đã hy vọng là thượng đỉnh ở Roma cuối tuần qua của nhóm G20, chiếm đến gần 80% lượng khí phát thải toàn cầu, sẽ tạo ra một xung lực cho COP26. Thượng đỉnh G20 đã nhất trí với mục tiêu kềm chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C, đồng thời đã khẳng định tham vọng đạt trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này và chấm dứt tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài. Nhưng những cam kết đó đã không thuyết phục được các tổ chức phi chính phủ cũng như thủ tướng Anh Boris Johnson.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boeda tường thuật về phản ứng của lãnh đạo chính phủ Anh:

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và phải giữ vững niềm hy vọng. Giọng nói của thủ tướng Anh hôm qua rất nghiêm trọng. Chúng ta không được phép viện cớ để thoái thác nữa. Hội nghị này phải đề ra các biện pháp cụ thể.

Boris Johnson là chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo toàn thế giới và ông muốn chứng tỏ vai trò đầu đàn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây là cuộc hẹn mà ông đã sốt ruột chờ đợi, một năm sau Brexit, trong bối cảnh Anh Quốc đang gượng dậy từ đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Johnson sẽ phải thuyết phục hơn 100 quốc gia đạt được một thỏa thuận, nhưng ông thừa nhận là cơ may thành công của hội nghị COP26 là không chắc chắn. Thủ tướng Anh nói thêm : “Thượng đỉnh này sẽ rất, rất khó khăn, và tôi rất lo ngại bởi vì hội nghị có thể gặp thất bại”.

Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, sẽ không dự hội nghị. Đây là một thất bại đối với nước chủ nhà của thượng đỉnh, sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích, thể hiện qua các cuộc biểu tình của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Theo dự kiến, khoảng 150.000 người biểu tình sẽ xuống đường ở Glasgow thứ 7 tuần này.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua cũng đã tuyên bố thất vọng về kết quả của thượng đỉnh G20 về mặt chống biến đổi khí hậu, tuy ông cho rằng niềm hy vọng “chưa bị chôn vùi”.

Về phần tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI Kristalina Georgieva, trên trang blog hôm qua trước khi đi Glasgow, bà đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới dự COP26 hãy chứng tỏ “những tham vọng lớn hơn” trong các chính sách chống biến đổi khí hậu, “một mối đe dọa đối với ổn định tài chính và kinh tế”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự hội nghị COP26, nhưng Reuters cho biết, theo chương trình chính thức do Liên Hiệp Quốc phổ biến, hôm nay, ông tham gia phát biểu dưới hình thức một thông cáo viết. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình sẽ được đăng lên mạng sau phát biểu của các lãnh đạo thế giới khác, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Share.

Leave a Reply