Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
December 21, 2021
Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Vào ngày 11 Tháng Mười Một, 2021, tạp chí The Los Angeles Review of Books (LARB) cho đi một tiểu luận của ông Anthony Morreale nhan đề là “Nhìn Lại Nền Văn Học Miền Nam Bị Bỏ Rơi” (Abandoned: Reconsidering the Literature of South Vietnam).

Hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức vào Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, 2014, tại nhật báo Người Việt, Westminster. (Hình minh họa: Dân Huỳnh/Người Việt)

Mặc dầu có nhiều điểm chúng ta chưa hoàn toàn đồng ý với tác giả, nhưng có thể nói đây là một bài viết thuộc loại khá hiếm hoi với cái nhìn đầy thiện cảm về nền văn học Việt Nam Cộng Hòa của một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ. Xin tóm lược một số nhận định của bài viết để giới thiệu cùng bạn đọc.

Sự sụp đổ của Kabul (Afghanistan) mới đây nhắc  nhở Morreale đến sự sụp đổ của Sài Gòn gần năm thập niên trước. Đối với người Mỹ, khi nhắc đến Việt Nam, nó không chỉ ám chỉ một dân tộc ở Đông Nam Á, mà còn quy cho những tranh chấp trong xã hội Hoa Kỳ ở giữa thế kỷ 20. “Những cuộc tranh đấu giữa các chủng tộc, giai cấp, và thế hệ được cô đọng vào một điểm nóng duy nhất và được phóng chiếu vào một con bung xung: Việt Nam.”

Ấy thế mà, không những đất nước của những người đã góp xương máu và công lao cho chính nghĩa của miền Nam Việt Nam bị quên lãng mà linh hồn của miền Nam Việt Nam cũng bị phủ nhận. “Đó là lý do tại sao miền Nam Việt Nam đã bị quên lãng một cách kỳ lạ trong phim tài liệu mới đây như ‘The Vietnam War’ và tuyển tập văn chương như ‘Other Moons: Vietnamese Short Stories of the American War and Its Aftermath.’”

Ông Morreale không chấp nhận thái độ đó. Theo ông, “Để xua đuổi tà ma khỏi thế hệ chết chóc của chúng ta, và cắt dứt khỏi cái vòng chối bỏ luẩn quẩn này,” người Mỹ cần phải thành tâm cầu nguyện cho những linh hồn đã bị bỏ rơi, bằng cách phiên dịch lại văn chương của Việt Nam Cộng Hòa. “Bởi vì văn chương của một dân tộc là cái vỏ thời gian của cảm hứng quốc gia.” Nếu chỉ qua lịch sử mà con người có thể đi xuyên qua hàng thế kỷ để chia sẻ tư tưởng của tiền nhân, thì “văn chương là một phương tiện để giao cảm với linh hồn, để cho linh hồn sở hữu chúng ta, nói chuyện xuyên qua chúng ta và thì thầm lời chứng của họ vào trái tim chúng ta.” Nếu tiếp tục làm ngơ, “chúng ta đã mang họ theo chúng ta với một lương tâm cắn rứt.” Bằng cách thừa nhận họ, bằng cách phiên dịch văn học của họ, “chúng ta sẽ lấy lại được một phần nào cái đã mất của chúng ta, và mở ra một con đường đã đóng đối với con cái họ ở giữa chúng ta trong cộng đồng lưu vong.”

Đây không phải là điều dễ dàng. Vì theo ông Morreale, văn chương dịch thuật hiện đang lưu hành ở Hoa Kỳ tràn đầy tác phẩm của những tác giả Cộng Sản miền Bắc và những tác giả bất đồng chính kiến Cộng Sản thời hậu-cải-cách.

“Các mối quan hệ nền tảng của công việc dịch thuật rõ ràng được hình thành nhằm để hòa giải giữa những người Cộng Sản Việt Nam với giới trí thức Mỹ (chủ yếu là những người da trắng và có xu hướng tự do), thường đi ngược lại ước muốn của những trí thức miền Nam cũ và những lãnh tụ cộng đồng di dân, những người chẳng nhận được bao nhiêu từ một cuộc mặc cả như thế. Những người tị nạn miền Nam viết văn bằng tiếng Việt cũng không được đưa vào lãnh vực nghiên cứu người Mỹ gốc Á đang phát triển lúc bấy giờ.”

Đối với các nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, ý thức về “văn chương” Việt Nam chỉ tập trung vào hai thành phần: một là những nhà văn bất đồng chính kiến hay kể-như-bất-đồng-chính-kiến ở Việt Nam như Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài; hai là những nhà văn Mỹ gốc Việt như Ocean Vương (đoạt giải Macarthur Genius Grant) và Nguyễn Thanh Việt (đoạt giải Pulitzer).

Ông Anthony Morreale và gia đình. (Hình: history.berkeley.edu)

Nhiều người Mỹ vẫn còn hiểu lầm rằng những người miền Nam Việt Nam là “những cư dân sống dọc theo bờ biển và những thung lũng trải dài từ vĩ tuyến 17 đến Vịnh Thái Lan.” Thực ra, phần nhiều trong số những công dân Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là giới trí thức và văn chương, đã di cư từ miền Bắc trước năm 1956: hơn 800,000 người. Miền Nam Việt Nam là một tập thể pha tạp, gồm nhiều nhóm khác nhau: tín đồ Thiên Chúa Giáo, tín đồ Phật Giáo, người quốc gia thuần túy, những người theo phái Đệ Tứ (Trotskyists) và những người dân chủ xã hội. Các cuộc đấu đá ý thức hệ và chính trị đã chia rẽ xứ sở này ngay từ thập niên 1920, trở thành đẫm máu toàn diện qua suốt thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến.

So sánh giữa hai miền Nam, Bắc, ông Morreale cho rằng cương lĩnh miền Bắc khá rõ ràng, đó là chế độ Marxist-Leninist. Miền Bắc chính thức tưởng niệm cái chết của Stalin. Các tổ chức quần chúng tiến hành công việc hằng ngày của những công dân với đầu óc như khuôn đúc. Chế độ đó, “Nó đỏ, hung hăng, tàn nhẫn và hiệu quả.” Trong lúc đó, chế độ miền Nam bị chia rẽ do sự tranh giành quyền lực giữa nhiều phe phái khác nhau. Cuộc tranh giành này “kéo theo Hoa Kỳ vào một cách oan nghiệt, mang theo thứ công thức của kẻ túi đầy tiền nhưng ngu dốt và nông cạn, như đổ thêm dầu vảo lửa.”

Tuy nhiên, về văn chương thì khác. “Bất cứ là lý do gì, hầu hết những nhà phê bình văn chương Việt Nam đương đại đều đồng ý rằng miền Nam đã sản xuất ra một số tác phẩm văn chương hay nhất, hay hơn rất nhiều so với những tác phẩm ra đời ở miền Bắc trong cùng thời kỳ. Có lẽ là vì văn chương miền Bắc bị kiểm duyệt nặng nề trong lúc sự tự do trí thức ở miền Nam đã giành chỗ cho nó phát triển. Hay có thể bí ẩn của một nền văn chương hay ho xuất phát từ triết lý, và sự đón nhận tư tưởng của những ngôi sao sáng như Heiddegger, Sartre, và Barthes, trộn lẫn với tinh hoa có sẵn của Phật Giáo, Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo của miền Nam đã thổi một hơi thở tươi mới vào thế hệ của những tác giả trẻ hơn. Một trong những giải thích được ưa thích của tôi [về tình trạng này] là từ nhà văn cựu du kích Cộng Sản Nguyên Ngọc. Ông nói với tôi rằng một nền văn học dân tộc hay ho phải chuyển những vấn đề quốc gia hạn hẹp thành những vấn đề bao quát của nhân loại. Trong lúc miền Bắc đã cột cái ách quyền lợi quốc gia lên cổ các tác giả, thì ở miền Nam, các nhà văn được đi lang thang qua các đồng cỏ rộng lớn hơn. Hiện nay, ông lão 90 tuổi Nguyên Ngọc chủ xướng một nhóm các nhà trí thức tái giới thiệu văn học miền Nam sau bốn thập niên bị đàn áp.”

Ông Morreale đặt câu hỏi: “Trong lúc nhiều tiểu thuyết cổ điển của nền văn học cũ của miền Nam đã nhận được sự thừa nhận của kẻ thù cũ, thì tại sao chúng lại không có được sự lưu ý của những người đồng minh cũ (là Hoa Kỳ)?”

Ông cho rằng, “Chúng ta [Hoa Kỳ] nên làm, vì những tác giả miền Nam đã nói lên những khía cạnh nhân bản phổ quát của thân phận họ.” Họ là những người yêu tự do, xem tự do con người là “một vấn nạn cần được lý giải. Họ vật lộn với nó, hoài nghi nó, tháo nó ra rồi ráp nó lại.”

Ám ảnh về tự do được thể hiện rất rõ ở tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc” của Thanh Tâm Tuyền. Sự xuất bản tác phẩm này là một bước ngoặt đối với “các xu hướng phân tâm học và hiện sinh đi quanh co qua hai thập niên văn học miền Nam.” Đề tài tương tự cũng được tìm thấy ở nhiều tác giả nổi tiếng khác, chẳng hạn như Dương Nghiễm Mậu với hai tác phẩm “Gia Tài Của Mẹ” và “Tuổi Nước Độc.”

Đông đảo đồng hương, giới văn nghệ sĩ tham dự hội thảo “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức vào Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, 2014, tại nhật báo Người Việt, Westminster. (Hình minh họa: Dân Huỳnh/Người Việt)

Theo ông, tính cách tự do ở miền Nam không chỉ giới hạn ở nam giới. Những cây bút phụ nữ lần đầu tiên xuất hiện trong sinh hoạt văn chương Việt Nam là có ngay một số lượng độc giả lớn lao vì họ dám đi ngược lại với những điều cấm kỵ truyền thống như Trần Thị NgH, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng.

Trong thời gian qua, một số tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ và Nguyễn Thị Hoàng vừa được tái bản ở trong nước sau hàng chục năm chỉ được lưu hành trong cộng đồng hải ngoại.

Ông Morreale ghi nhận công lao của những nhà văn miền Nam lưu vong. Ông cho biết, “Nền văn học dân tộc này có thể sẽ mãi mãi bị đánh mất nếu không có sự kiên trì của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. (…) Nền văn học của họ đã được cứu vớt bởi những người khổng lồ như Võ Phiến, người đã giành tiền tiết kiệm và những năm tháng vàng son của mình để sưu tập, phân loại và phân tích văn học Miền Nam, trong khi vẫn tiếp tục làm việc kiếm sống với tư cách một người tiểu công chức của thành phố Los Angeles. Bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan gồm bảy tập của ông giới thiệu, phân tích và tuyển chọn tác phẩm của hơn 100 nhà văn miền Nam, một công việc cẩn thận được tiến hành chậm chạp vì thiếu tài liệu và vì sức khỏe.”

Ông Morreale cho biết cùng với Võ Phiến, vài khuôn mặt hải ngoại khác như Nguyễn Mộng Giác, Phạm Xuân Đài, và Thụy Khuê ở Pháp, đã xây dựng nên một cộng đồng Việt Ngữ sinh động bằng báo in và các trang mạng. Nhưng vẫn còn vô số những người vô danh khác đã trải qua hàng thập niên kêu gào trong vô vọng. Hôm nay, tiếng nói của họ đã truyền qua thế hệ con cháu họ. Nhưng hầu hết thế hệ trẻ, tạm mượn chữ của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, “đã mất tiếng mẹ đẻ, hay đã bị cắt đứt hẳn để chỉ sử dụng thứ ngôn ngữ tạm dung, chỉ còn một nhúm nhỏ càng ngày càng teo đi của cộng đồng lưu vong còn có khả năng cần thiết để đọc văn chương Việt Nam.”

Trong tình hình như thế, ông Morreale cảnh báo, nếu người Mỹ vẫn cứ bình chân như vại, thì sẽ chẳng có ai làm gì. “Cánh cổng đang khép lại và cùng với nó, cái cơ may của hàng triệu ngưởi Mỹ gốc Việt trẻ còn cảm thông với thế hệ cha anh cũng sẽ không còn nữa. Đây là lần phản bội thứ hai của người Mỹ.”

Ông nhấn mạnh, “Nhưng ngoài sự phản bội, chúng ta còn đang tự lừa dối mình. (…) Chúng ta tự che chắn mình khỏi những bài học gian khổ của những người miền Nam, mà nhiều người trong số đó bây giờ là đồng hương của chúng ta. (…) Văn học của họ chứa đựng những suy ngẫm thông minh và sâu sắc nhất được tôi luyện từ cuộc chiến tạo ra thế giới đó (world-making war).” [qd]


Tác giả Anthony Morreale đang làm luận án tiến sĩ tại Phân Khoa Lịch Sử, trường Đại Học Berkeley, California, nghiên cứu về lịch sử kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trước đây, ông đã từng nghiên cứu về lịch sử dịch thuật các tác phẩm Cộng Sản kinh điển sang tiếng Việt và lịch sử về chính sách chống người Hoa của Việt Nam Cộng Hòa.

Share.

Leave a Reply