Thursday, May 9 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Một trong những hiện tượng xuất hiện ở Mỹ trong thời gian đầu của đại dịch là người ta lái xe nhanh hơn bình thường. Lý do là lúc đó nhiều người ở nhà không đi làm, đường xá vắng vẻ và người lái xe thấy đường xá rộng rãi, thoải mái quá nên cứ thế mà nhấn ga. Nhưng ngay cả khi đại dịch dịu bớt đi và nhiều người trở lại sở làm, đường xá đông đúc xe cộ trở lại thì nhiều người vẫn chưa chịu từ bỏ thói quen lái xe nhanh. Nay với giá xăng tăng cao kỷ lục, một số giới chức và chuyên gia về giao thông kêu gọi người lái xe đi làm nên lái xe chậm lại ở tốc độ vừa phải, và nếu làm được điều đó thì có được hai điểm lợi: xe bớt hao xăng và người lái xe đỡ được túi tiền.

Lái xe nhanh sẽ sử dụng nhiều năng lượng để chạy trên cùng một đoạn đường hơn là nếu chạy ở một tốc độ vừa phải. Hầu hết những ai từng học qua lớp huấn luyện lái xe đều được nhắc nhở điều căn bản này, nhưng rồi sau một vài năm lái xe đã quen, nhiều người lại nhiễm phải thói quen mới là lái xe nhanh và thậm chí coi việc lái xe với tốc độ nhanh giống như là một môn thể thao tuyệt vời vậy. Đây là điều không nên làm chút nào bởi vì lái xe nhanh không chỉ khiến cho xe hao xăng hơn, mà tệ hơn nữa là dễ gây ra tai nạn, thậm chí chết người nữa. Theo Sở An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia (NHTSA), hơn một phần tư các vụ tai nạn giao thông gây chết người trong năm 2020 có liên quan tới vận tốc.

Thêm điều này nữa là lái xe nhanh còn gây ảnh hưởng tới tình trạng biến đổi khí hậu. Theo số liệu từ Sở Môi trường Đức cho thấy nếu giảm tốc độ giới hạn trên toàn quốc xuống 100 km một giờ (khoảng 60 dặm một giờ) sẽ giảm lượng thải thán khí trên toàn nước Đức tương đương với hơn 1 triệu chiếc xe chạy trên đường.

Trong khi tình hình địa chính trị đang ngày càng xấu đi ở khu vực Đông Âu, có lẽ chúng ta cũng nên xem xét lại thói quen lái xe của chúng ta với tốc độ hợp lý hơn – thứ nhất để đối phó với tình trạng giá xăng cao hiện nay và thứ hai là để ủng hộ cho chính sách ngưng nhập cảng dầu và khí đốt từ Nga. Lý do là vì trong những tháng sắp tới và thậm chí có thể vài năm tới, giảm tốc độ có thể sẽ giúp ta tiết kiệm tiền, và tùy thuộc vào chiếc xe ta lái (máy to hay nhỏ) và lái nhiều hay ít, có khả năng giúp ta tiết kiệm được khá nhiều tiền nữa đấy.

Theo một cuộc nghiên cứu năm 2013 được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, nơi các nhà nghiên cứu đánh giá về tốc độ và hiệu suất của 74 loại xe khác nhau như xe Volkswagens chạy dầu diesel, xe Ford Fusions chạy hỗn hợp xăng và điện, và xe Mercury Grand Marquis chạy xăng, thì một chiếc xe hơi điển hình do Hoa Kỳ sản xuất đạt được hiệu suất nhiên liệu tối đa ở tốc độ ổn định từ 40 đến 50 dặm một giờ. Sau đó, theo quy tắc chung, cứ mỗi 10 dặm một giờ tăng tốc lên thì mất đi khoảng 15 phần trăm xăng. Trên một xa lộ bình thường, nơi người lái xe thường giữ vận tốc ổn định ở mức từ 50 tới 80 dặm một giờ, nếu giảm vận tốc 10 dặm một giờ có thể tiết kiệm 70 xu một gallon ở mức giá 5 đô la cho một gallon, hoặc 90 xu một gallon ở mức giá 6 đô la cho một gallon – là giá trung bình hiện nay người lái xe phải trả tại một số tiểu bang như California, Nevada.

Những con số nói trên thay đổi tuỳ theo hiệu xe và kiểu xe, xe chạy theo chiều gió hay ngược gió hoặc gió thổi ngang, và nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng nói một cách đơn giản là xăng tiết kiệm được nhiều nhất khi xe chạy ở tốc độ thấp nhất và sang số cao nhất – nghĩa là ta nghe thấy máy nổ đều nhưng không có tiếng hú.

Trên những con đường trong thành phố, nơi tốc độ lái xe được kiểm soát bởi đèn đường và bảng đường, người chạy xe giỏi, trong điều kiện tối ưu với động cơ xe chạy vừa xăng vừa điện (hybrid), có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu tới 60 phần trăm. Để đạt hiệu suất cao như trên, người lái xe phải biết kiểm soát chân ga cho thật đều. Và khi thấy đèn đỏ thì thả chân ga thật nhẹ và để xe chạy chậm dần cho tới khi ngừng hẳn. Nhưng tốt nhất là đừng để xe ngừng hẳn vì khi xe ngừng thì máy vẫn tiêu thụ nhiên liệu mà xe thì không di chuyển.

Những cách thức lái xe để tiết kiệm nhiên liệu vừa trình bày thực ra không có gì là mới mẻ cả. Năm 1974, sau khi Saudi Arabia và những quốc gia Ả Rập khác quyết định không bán xăng cho những quốc gia nào ủng hộ Israel trong Cuộc chiến Yom Kippur, tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Richard Nixon đã ký Đạo luật Bảo tồn Năng lượng Đường cao tốc Khẩn cấp, một điều khoản trong đó đã hạ giới hạn tốc độ lái xe trên toàn quốc xuống còn 55 dặm một giờ để nhằm giảm bớt vấn đề xe xếp hàng dài tại các trạm bơm xăng.

Tuy nhiên, nước Mỹ chỉ miễn cưỡng tạm thời làm tới đó rồi ngưng luôn. Ngày nay, với áp lực của những người lái xe chung quanh mà người ta cũng phải lái nhanh theo với đám đông, nếu không có thể sẽ bị rủa thầm, bị bóp còi hoặc bị giơ ngón giữa; thậm chí lái xe đúng tốc độ cho phép ở một số nơi còn bị coi là gây nguy hiểm giao thông cho những xe đang chạy gần đó. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bước đầu tiên để thay đổi thói quen lái nhanh đó đơn giản là hãy thi hành luật giới hạn tốc độ hiện có một cách nhất quán hơn. Có người như Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg đề nghị lấy quỹ liên bang tài trợ cho tiểu bang để gắn máy theo dõi tốc độ, giống như máy theo dõi người vượt đèn đỏ đang có tại nhiều thành phố.

Người chạy quá tốc độ sẽ bị giấy phạt, lần đầu mức phạt có thể thấp để cảnh cáo, nhưng sau nhiều lần thì mức phạt cũng tăng dần lên. Vấn đề tâm lý ở đây là nếu người lái xe biết trước chắc chắn 99 phần trăm cơ hội là họ sẽ bị giấy phạt nếu chạy quá tốc độ với mức phạt thấp thì họ vẫn có thể coi thường và mạo hiểm một lần hoặc thậm chí hai lần. Nhưng sau nhiều lần vi phạm, mức phạt có thể tăng lên rất cao và dù là người cứng đầu đến mấy đi nữa cũng phải trở nên cẩn thận hơn và chú ý hơn tới tốc độ xe của mình mỗi khi ra đường.

Nhưng đây mới chỉ là ý tưởng, để có thể thực hiện được hay không là chuyện khác. Mấy năm trước tại tiểu bang Texas cũng có gắn máy theo dõi người vượt đèn đỏ tại nhiều thành phố nhưng nay đã bị dẹp bỏ vì bị đa số người dân phản đối với lý do đưa ra là chính quyền tìm cách xâm phạm vào đời sống cá nhân của người dân.

Có một điều cần nói thêm ở đây là xe ở Mỹ phần nhiều kích cỡ lớn hơn xe ở nhiều nơi khác. Xe to và nặng thì đương nhiên cần máy lớn hơn và do đó cũng đốt nhiên liệu nhiều hơn. Người Mỹ, ngoại trừ ở một vài thành phố lớn, cho đến nay vẫn thích chạy xe riêng, hơn nữa lại thích xe to và nặng. Hiện nay, trong số 10 loại xe bán chạy nhất nước Mỹ có tới tám chiếc là loại xe truck và SUV, là những loại xe chạy tốn xăng nhất. Và phần đông những người còn đang lái những chiếc xe cũ 20 tuổi cà rịch cà tàng thì lại không đủ khả năng để đổi qua xe chạy điện. Thậm chí nếu họ có thể đổi qua xe chạy điện đi nữa thì cơ sở hạ tầng của các trạm sạc điện đến nay vẫn còn quá ít, bất tiện và hoạt động chưa được ổn định. Không có gì khiến cho người lái xe bực mình và thất vọng cho bằng khi đưa xe tới một trạm sạc được quảng cáo hứa hẹn có máy sạc điện rất nhanh, nhưng rồi sau khi tới nơi mới hay là máy sạc điện ở đó bị hỏng, đang có người sử dụng hoặc được trang bị với đầu nối (connector) không phù hợp với xe của mình.

Người ta nói khá nhiều về tương lai của các thành phố, nhưng đối với nhiều người, tương lai là ngay lúc này, và với giá xăng cao ở mức kỷ lục và có lẽ sẽ còn đứng ở mức cao này trong một thời gian dài nữa, thì việc lái xe đi làm hay đi bất cứ đâu cũng sẽ trở nên mắc mỏ hơn, khiến cho túi tiền của nhiều người bị hao hụt thêm nếu họ không chịu thay đổi thói quen lái xe và giảm bớt tốc độ xuống.

Huy Lâm

Share.

Leave a Reply