Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
May 16, 2022
Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long An Lộc (1972-2022) được tổ chức hôm Thứ Bảy, 14 Tháng Năm, tại Quốc Dương Studio, Garden Grove, quy tụ các cựu chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH và các đơn vị đã cùng nhau tham chiến tại mặt trận.

Lễ truy điệu quân dân cán chính trong mặt trận Bình Long An Lộc, do các cựu chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh tổ chức tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trước đó, hôm Thứ Sáu, các cựu chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã tập hợp trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, để đặt vòng hoa truy điệu tưởng niệm các quân cán chính đã hy sinh cho công cuộc chiến đấu bảo vệ cho tự do tại Bình Long.

Buổi hội ngộ với sự hiện diện các cựu chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh và các đơn vị cùng tham chiến, gồm Lực Lượng 81 Biệt Cách Dù, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Không Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, cả các quân cán chính cùng tham gia trong chiến trường.

Tại buổi hội ngộ, hình ảnh những lô cốt chất đầy bao cát chống đạn pháo bên những ngọn đồi heo hút, cùng những khẩu súng M16 được dựng lên kế bên, và trên bàn thờ hai vị anh hùng đã tuẫn tiết ngày mất nước: cố Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, nguyên tư lệnh Sư Đoàn 5, tư lệnh phó Quân Khu IV; và cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5.

Ba thế hệ quân nhân, bên trên là di ảnh cố Thiếu Tướng Richard J. Tallman, hy sinh tại chiến trường An Lộc; cựu Đại Tá Richard Jose Tallman (trái) và con trai, Thiếu Tá Richard Joseph Tallman; trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ban Tổ Chức đã tái hiện những hình ảnh hào hùng trong cuộc chiến tại mặt trận An Lộc, Bình Long Anh Dũng. “Bình Long Anh Dũng” là tên do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban cho khi ông lên Bình Long ủy lạo các chiến sĩ.

Dưới sự điều hợp của hai MC Nguyễn Khoa Diệu Quyên và anh Sean Lê, cựu chiến binh Hoa Kỳ, nghi lễ chào cờ Hoa Kỳ do Trung Tá David Nguyễn chỉ huy đoàn Thiếu Sinh Quân Hoa Kỳ; và nghi lễ chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, phút mặc niệm do ông Nguyễn Văn Chuyên, cựu phi công Không Quân Việt Nam đảm trách.

Chào cờ trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau lời tuyên bố khai mạc buổi lễ của ông Đặng Đình Quế, niên trưởng Sư Đoàn 5, ông Nguyễn Tường Tuấn, cựu đại đội trưởng Đại Đội 7 Trinh Sát, thuộc Trung Đoàn 7, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, nhà bình luận về chính trị Mỹ, giới thiệu về cố Thiếu Tướng Cố Vấn Richard J.Tallman, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù, vị tướng cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ hy sinh tại chiến trường An Lộc vào Tháng Bảy, năm 1972, khi trợ giúp người Việt bảo vệ tự do cho miền Nam.

Trong buổi lễ cũng có sự hiện diện của cựu Đại Tá Richard Jose Tallman và Thiếu Tá Richard Joseph Tallman là con trai và cháu nội của cố Thiếu Tướng Cố Vấn Richard J. Tallman.

Chiến sĩ Sư Đoàn 5 Bộ Binh thắp hương tưởng niệm các vị tướng VNCH đã tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư, tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Để nói lên trong gần 100 ngày đêm chiến đấu trong trận chiến An Lộc năm 1972, người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu mãnh liệt như thế nào, cuộc sống ra sao, họ đã làm gì. Cuốn phim “Trận Chiến An Lộc,” với nhiều thước phim lịch sử, khi từng đoàn xe tăng Cộng Sản Bắc Việt hùng hổ tiến vào An Lộc, để rồi tan nát dưới những trận mưa bom của các chiến đấu cơ của Không Quân VNCH và Hoa Kỳ, cùng những loạt đại bác, hỏa tiễn nổ vang trời, đã làm tiêu tan hy vọng tiến chiếm An Lộc của địch quân, cuối cùng là những hình ảnh kiêu hùng khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay lên ủy lạo các chiến sĩ ngay tại mặt trận, ngày 7 Tháng Bảy, 1972.

Cựu Thiếu Tá “Hổ Xám” Phạm Châu Tài, đại úy Đại Đội 3, Lực Lượng 81 Biệt Cách Nhảy Dù, đã chiến đấu trong 68 ngày tại An Lộc cho tới khi tàn cuộc chiến.

Các chiến sĩ Sư Đoàn 5 dâng hoa tưởng niệm quân dân cán chính đã hy sinh tại chiến trường Bình Long An Lộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông nói rằng: “Chính tôi cũng không thể tin được tôi còn sống qua bao chiến trận. Hôm nay gặp nhau tại đây chứng tỏ rằng tinh thần các chiến sĩ VNCH thuộc các binh chủng rất là anh hùng, và chúng ta nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu ấy để truyền lại cho con cháu chúng ta.”

Ông Lê Cảnh Sao, thiếu úy đại đội trưởng Đại Đội 11, Tiểu Đoàn 2/9, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, là đơn vị đầu tiên chạm địch tại mặt trận Lộc Ninh.

“Riêng Trung Đoàn 9 có ba tiểu đoàn tác chiến, trong đó chỉ có một tiểu đoàn 1/9 nằm ở Bố Đức, Bù Đăng, Bù Đốp, là không bị thiệt hại, trong khi đó Tiểu Đoàn 2/9, Đại Đội 9 Trinh Sát, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh bị địch tấn công bao vây phục kích bốn ngày liền, kéo dài từ biên giới Việt-Miên cho tới Lộc Ninh, phải tan rã tại đó!,” ông Sao kể.

Thiếu Tá Phạm Châu Tài, thuộc Lực Lượng 81 Biệt Cách Nhảy Dù: “Không tin nổi khi tôi còn sống sau 68 ngày đêm tử thủ tại chiến trường Bình Long An Lộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Sao nhớ lại: “Trong vòng bốn ngày, địch tập trung ba sư đoàn để đánh Trung Đoàn 9 tại Lộc Ninh. Tôi bị địch bắt đưa qua Cambodia, nhưng từ đất địch tôi băng rừng đào thoát trở về An Lộc lúc đó đã bị địch tấn công dữ dội. Khi vào được phòng tuyến của Trung Đoàn 8 do Đại Tá Mạch Văn Trường chỉ huy, tôi gia nhập lại để tiếp tục chiến đấu tại chiến trường Bình Long, đó là trận chiến nhớ đời!”

“Khi đó Sư Đoàn 5 cùng các đơn vị khác đã tham chiến tại chiến trường, gồm sẵn có hai Trung Đoàn 7 và Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, cùng Liên Đòan 3 Biệt Động Quân, Địa Phương và Nghĩa Quân của Tiểu Khu Bình Long, và gần một tiểu đoàn của Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, do vậy khi Việt Cộng khởi sư tấn công An Lộc vào ngày 13 Tháng Tư, 1972, chúng tôi đã có sẵn những đơn vị chống trả,” ông Sao kể tiếp.

Ông Richard Jose Tallman nói về cuộc chiến đấu tại chiến trường Bình Long An Lộc, bên trên là di ảnh của thân phụ, cố Thiếu Tướng Richard J.Tallman, trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long An Lộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Lê Cảnh Sao ngậm ngùi chia sẻ: “Năm mươi năm trôi qua, có nhiều đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến, và từ sau cuộc chiến cũng có nhiều chiến hữu ra đi, phần tuổi già nên những chiến sĩ tại mặt trận An Lộc năm xưa nay cũng hiếm. Riêng Sư Đoàn 5 chúng tôi điểm danh lại để hôm nay mời họ lên choàng vòng hoa hội ngộ, thì chỉ còn vỏn vẹn trên dưới 15 người! Nửa thế kỷ đã qua, thời gian cũng dần xóa mờ hình ảnh trong cuộc chiến, những buồn vui đời lính, những gian khổ bên nhau chỉ còn lại trong ký ức. Chúng tôi chỉ cố gắng tập hợp anh em để ôn lại cuộc đời chinh chiến, chia sẻ những gian nguy trong công cuộc bảo vệ miền Nam tự do!”

Cựu Trung Úy Huỳnh Văn Giàu, thuộc Phi Đoàn 524 Thiên Lôi, Không Đoàn 92 Chiến Thuật, căn cứ tại Phan Rang, chuyên lái máy bay A 37, cho biết: “Trong suốt cuộc chiến, chúng tôi có nhiệm vụ tiêu diệt phòng không địch, để dọn bãi cho trực thăng đáp. Ở An Lộc, chiến trường tràn ngập máu lửa với đạn pháo dày đặc bốn phía của phòng không địch, tôi đã có lần bị bắn bể bánh đáp, khi trở về máy bay phải đáp xuống phi trường bằng bụng. May sao không bị hề hấn gì, coi như sống sót trở về sau chiến trận!”

(Từ trái) Thiếu Tá Richard Joseph Tallman và thân phụ, cựu Đại Tá Richard Jose Tallman trong lễ kỷ niệm 50 chiến thắng Bình Long An Lộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phạm Minh Huyên, thuộc trung tâm hành quân Sư Đoàn 5, nói: “Hôm nay là ngày 14 Tháng Năm, nhớ lại 50 năm về trước địch quân dốc toàn lực để tấn công ngày đêm vào An Lộc, với đủ các loại vũ khí hòng giành lấy chiến thắng để đặt điều kiện trên bàn đàm phán tại Paris, nhưng chúng đã bị toàn thể quân dân cán chính đã cùng hợp lực với chiến sĩ ở nhiều đơn vị, cùng nhau xông ra chiến đấu khắp các mặt trận, làm suy yếu tinh thần địch rất nhiều.”

“Chúng tôi rất hãnh diện vì là chiến sĩ Sư Đoàn 5, hôm nay coi như là ngày đại hội của toàn quân dân cán chính đã anh dũng chiến đấu, máu đào đã thấm đỏ đất Bình Long Anh Dũng, để đem lại chiến thắng này.”

Ban Tù Ca Xuân Điềm trong hành khúc “Ta Là Lính” trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long An Lộc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Long An Lộc, thành tâm tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường Bình Long Anh Dũng, một trong những trận đánh khốc liệt nhất và nổi danh nhất trong chiến tranh Việt Nam, kéo dài đến gần 100 ngày, từ Tháng Tư đến Tháng Bảy, 1972.

Quân Cộng Sản Bắc Việt với quân số đông gấp 10 lần, với sự tiếp tế vũ khí hùng hậu của phe Cộng Sản quốc tế, quyết giành chiến thắng tại Bình Long An Lộc, nhưng với ý chí quyết tâm, sau gần 100 ngày đêm tử thủ của quân dân cán chính VNCH, chiến thắng Bình Long An Lộc là một nét son độc đáo trong lịch sử Việt Nam, chứng minh ý chí quyết chiến quyết thắng, chống Cộng Sản xâm lược của toàn dân Việt yêu tự do. [kn]

Share.

Leave a Reply