Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
October 25, 2022
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30 Tháng Mười đến ngày 2 Tháng Mười Một tới đây, ngay sau khi đại hội lần thứ 20 đảng Cộng Sản Trung Quốc chấm dứt hai ngày và ông Tập Cận Bình củng cố quyền hành tiếp tục giữ vị trí này thêm năm năm, tức là nhiệm kỳ thứ ba.

Tin này được Ban Đối Ngoại Trung Ương đảng CSVN đưa ra một cách vắn tắt qua một thông báo vào ngày 25 Tháng Mười. Loan báo từ cơ quan trung ương của đảng CSVN cũng được Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo, một phó bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo loan báo, và truyền thông quốc tế cũng nhanh chóng đưa tin, biểu lộ một sự ngạc nhiên.

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) và ông Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch, Hà Nội, ngày 12 Tháng Mười Một, 2017, lần cuối cùng hai ông gặp nhau. (Hình: Na Son Nguyen/AFP via Getty Images)

Ông Trọng sẽ là lãnh tụ ngoại quốc đầu tiên gặp ông Tập khi ông này vừa mới “tự biên tự diễn” xong đại hội đảng mà nhiều người dự báo có thể khởi đầu cho một đế chế đỏ Tập Cận Bình suốt đời, không phải chỉ có ba nhiệm kỳ.

Thông thường lãnh tụ cấp cao của đảng và nhà nước CSVN khi đi công du, chỉ thấy được loan báo khi đã lên đường nhằm giữ bí mật và an toàn. Nhiều khi chuyến công du xong xuôi mới thấy guồng máy tuyên truyền đưa tin. Việc đưa tin trước một tuần lễ chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng là một ngoại lệ, một dấu hiệu bất thường từ một nhu cầu nào đó.

Ngày 23 Tháng Mười, vừa hay tin ông Tập Cập Bình ngồi lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng là một trong ít lãnh tụ Cộng Sản còn sót lại trên thế giới, vội vã gửi điện văn chúc mừng. Bên cạnh những lời ca ngợi, chúc mừng nồng nhiệt nhất tới ông Tập và Trung Quốc, ông Trọng còn ao ước “sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.”

Ông Trọng vội vã đi thăm Trung Quốc khi sức khỏe của ông sau lần bị đột quỵ giữa Tháng Tư, 2019 ở Rạch Giá, bây giờ hồi phục thế nào, không ai biết. Sức khỏe lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN là “bí mật quốc gia,” ai tiết lộ là đi tù.

Suốt từ khi bị đột quỵ đến nay, chưa bao giờ ông Trọng dẫn đầu các lãnh tụ hàng đầu vào viếng lăng ông Hồ Chí Minh như thủ tục không thể thiếu hàng năm vào các dịp quan trọng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ông có đến một số tỉnh ngoài Hà Nội và, gần đây nhất, vào ngày 23 Tháng Chín, ông có vào Sài Gòn họp với Thành Ủy, và nay chuẩn bị đi Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình.

Dân Hà Nội biểu tình chống ông Tập Cận Bình khi ông đến thăm Việt Nam năm 2015. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Nhiều nhà phân tích thời sự chính trị từng báo động Trung Quốc từng bước siết chặt bao vây Việt Nam trên đất liền dọc theo biên giới từ Bắc xuống Nam và cả trên biển. Những lời hô hò “4 tốt” và “16 chữ vàng” chỉ là khẩu hiệu để tuyên truyền bề ngoài. Căn cứ hải quân và không quân mà Trung Quốc đang xây dựng ở Ream, Cambodia, là thí dụ mới nhất của chiến lược Bắc Kinh.

Mỗi khi các lãnh tụ cấp cao CSVN gặp các lãnh tụ Trung Quốc, Hà Nội đều kêu gọi Bắc Kinh giúp cải thiện cán cân mậu dịch quá chênh lệch thiệt thòi cho Việt Nam, nhưng chỉ thấy ngày càng lún sâu hơn vào sự lệ thuộc Trung Quốc. Những con số thương mại gần đây cho thấy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng 10.2% trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái với hơn $132 tỷ. Trong số này, có đến 70% là trị giá hàng Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên vật liệu và phụ tùng máy móc để sản xuất xuất cảng.

Dù giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn có những tranh chấp chủ quyền biển đảo và cũng từng xảy ra cuộc chiến biên giới năm 1979, lãnh tụ hai nước mỗi khi gặp nhau đều tay bắt mặt mừng, nêu ra những tiêu chí để kêu gọi cải thiện quan hệ “tăng độ tin cậy chính trị.” (TN) [đ.d.]

Share.

Leave a Reply