Tuesday, April 30 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
October 24, 2022
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại Giao chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Pháp làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon “nhanh chóng tìm hiểu và đề nghị phương án phù hợp nhất để ‘hồi hương’ hai cổ vật” gồm ấn vàng vua Minh Mạng và bát vàng triều Khải Định.

Báo Người Lao Động hôm 25 Tháng Mười cho hay, thông tin hãng đấu giá Millon ở Pháp sẽ cho lên sàn Drouot (Pháp) đấu giá hai món cổ vật liên quan đến triều Nguyễn nêu trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chiếc kim ấn “Hoàng Đế Chi Bảo.” (Hình: Hoàng Việt Trung cung cấp)

Theo thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá Millon và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) được hãng đưa ra bán đấu giá ở Paris vào ngày 31 Tháng Mười tới với giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro (tức khoảng từ 48 tỷ đến 72 tỷ đồng), chính là chiếc kim ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” (bảo vật của Hoàng Đế) nặng 10.78 kg, cao 10.4 cm, dài 13.8 cm và rộng 13.7 cm.

Đây là chiếc kim ấn được cho là lớn nhất, đẹp nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn, được vua Minh Mạng cho đúc vào năm Minh Mạng Thứ Tư (năm 1823), cho đến nay đã có tuổi đời gần tròn 200 năm.

Và kể từ đó, chiếc kim ấn đã được truyền qua các đời vua nhà Nguyễn từ Minh Mạng cho đến Bảo Đại, và rồi vào chiều 30 Tháng Tám,1945, vua Bảo Đại đã trao lại cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định.

Sau đó, ấn và kiếm được người Pháp tìm thấy chôn giấu ở một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội khi họ đưa quân trở lại Việt Nam vào cuối năm 1946, khiến quân Việt Minh phải rút lên Việt Bắc. Chúng được tìm thấy khi quân Pháp phá chùa lấy gạch xây đồn, theo lời Tiến Sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn Hóa-Thông Tin Thừa Thiên Huế được tờ Thanh niên dẫn lại.

Ấn và kiếm được người Pháp trao lại cho bà Bùi Mộng Điệp, thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, vào năm 1952.

Theo lời kể của bà Mộng Điệp thì ấn, kiếm được bỏ trong thùng dầu hỏa, thanh kiếm bị bẻ làm đôi để cho vừa với thùng. Sau khi nhận lại, bà đã đem kiếm đi hàn lại như lúc ban đầu.

Đến năm 1953, do chiến tranh, điều kiện trong nước không cất giữ được nên bà Mộng Điệp nhận lệnh vua Bảo Đại đem bảo vật sang Pháp. Do bà có hai con trai với vua Bảo Đại, bà mới bàn giao lại cho Hoàng Hậu Nam Phương, khi đó cũng ở Pháp, vì không muốn bị nói “có ý đồ xấu.”

Sau khi Hoàng Hậu Nam Phương qua đời, bảo vật rơi vào tay Hoàng Thái Tử Bảo Long.
Theo lời ông Hải nói trên báo Thanh Niên thì trước khi qua đời vào năm 1997, vua Bảo Đại đã có di chúc để lại toàn bộ tài sản, bao gốm chiếc ấn vàng, cho bà Baudot, người vợ sau cùng của mình.

Đến năm 2021, bà Baudot qua đời và nay chiếc ấn được mang ra đấu giá.

Liên quan đến việc này, nói với báo Pháp Luật TP.HCM hôm 24 Tháng Mười, ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế, cho biết việc tham gia đấu giá để đưa cổ vật này “hồi hương” vượt quá khả năng của Trung Tâm Bảo Tồn vì giá quá cao. Trong khi đó ông Trung cho rằng trung tâm cũng như tất cả mọi người rất muốn chiếc ấn “hồi hương.”

Theo báo Zing, Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch đã có công văn nhờ Bộ Ngoại Giao chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Pháp “làm việc trực tiếp hãng đấu giá Millon để xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của cổ vật, yêu cầu họ ngừng đấu giá, vào thăm dò khả năng họ cho Việt Nam mua lại với giá thấp hơn đấu giá.

“Chiếc ấn ‘Hoàng Đế Chi Bảo’ được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…,” công văn của Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch nhấn mạnh.

Tờ Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Phước Bửu Nam, chủ tịch Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc Việt Nam, hiện sống ở Huế, cho biết có hai thành viên trong dòng họ đã “xoay sở được chừng $1- $2 triệu để mua lại chiếc ấn.”

Bát vàng của vua Khải Định. (Hình: Người Lao Động)

Ông Nam nói Nguyễn Phước Tộc muốn mua lại chiếc ấn thông qua con đường thương lượng, thay vì đấu giá và đã liên hệ với Đại Sứ Việt Nam ở Pháp là ông Đinh Toàn Thắng để nhờ ông này giúp đỡ.

Ngoài chiếc kim ấn trên, hãng đấu giá Millon cũng đem ra đấu giá một chiếc bát ngự dụng bằng vàng chạm khắc hình rồng có từ thời vua Khải Định với giá khởi điểm là 20,000-25,000 euro. (Tr.N)

Share.

Leave a Reply