Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
  • Nguyễn Giang
  • Viết từ Paris, Pháp
Cao Hồng Vinh
Chụp lại hình ảnh,
Trưởng ban tổ chức Cao Hồng Vinh nói về đoàn từ Ba Lan đem gì tới hội thảo ở Paris
Trong hai ngày cuối tuần, 10-11/06 vừa qua, mội hội thảo về Biển Đông đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, quy tụ khá nhiều các đoàn người Việt ở châu Âu và một số diễn giả quốc tế.

Hội thảo Biển Đông do Việt Nam tổ chức ở nước ngoài thường theo một khuôn mẫu để thu hút sự ủng hộ của khách quốc tế cho vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam, do sức ép tăng lên từ Trung Quốc.

Mới đây tại Thượng viện Pháp, Viện nghiên cứu Địa chính trị ứng dụng (EGA) cũng tổ chức một hội thảo về chủ đề Biển Đông, đánh dấu sự quan tâm trở lại của Pháp tới khu vực Pháp từng can dự trực tiếp từ thế kỷ 19.

Nhưng có mặt tại hội thảo ở Paris tôi nhận thấy có một số ý mới, do các diễn giả người Việt và châu Âu nêu ra, đồng thời ghi nhận các hoạt động “ngoại giao nhân dân” mà nhà nước Việt Nam thúc đẩy, qua các chuyến thăm Trường Sa dành cho Việt Kiều và người Việt sống ở nước ngoài.

Đầu tiên là sự hiện diện của các thành viên người Việt hoặc gốc Việt từ Ba Lan và vùng thuộc Đông Đức cũ, bên cạnh đoàn nhỏ hơn từ Anh mang tới ảnh triển lãm từ các chuyến đi Trường Sa, các thân hữu sống ở Pháp (không nhiều lắm) của Trung tâm Văn hóa VN tại Paris.

Vì khác với các hội thảo thuần tuý học thuật đã tổ chức ở Việt Nam, đây là sự kiện do các nhóm Việt Kiều, người song tịch, người Việt ở Âu, Mỹ ủng hộ chủ quyền của VN ở Biển Đông đứng ra tổ chức.

 

Đoàn Ba Lan không chỉ đóng góp một diễn giả gốc Việt, tiến sĩ Lã Đức Trung mà còn mời một giáo sư Ba Lan, bà Malgorzata Pietrasiak, trưởng Bộ môn châu Á thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Tổng hợp Lodz và phóng viên truyền hình của kênh InterwizjaWarszawa.TV tới ghi hình toàn bộ các sự kiện của Hội thảo.

Tôi hỏi chuyện nhà báo truyền hình đó, ông Jan Marek Swieczak thì được ông cho biết là ông theo dõi rất nhiều sự kiện của người Việt tại Ba Lan.

“Họ vào Quốc hội tôi cũng tới quay phim, họ gặp tổng thống tôi cũng quay phim.”

Chỉ mấy câu nói cho thấy vị thế của người Việt ở nền dân chủ mới Ba Lan thật đáng nể và sự quan tâm thực sự của người Ba Lan đến người Việt ở nước họ.

Bà Cao Hồng Vinh, trưởng ban tổ chức sự kiện tại Paris, người Việt sống tại Ba Lan cho biết quá trình tạo ra các hoạt động này:

Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển, đảo Việt Nam là tổ chức được thành lập bởi 12 nước. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Ba Lan là trưởng ban tổ chức theo hình thức luân phiên hai năm một lần. Hội thảo này là hoạt động chính của ban liên lạc và sẽ là hoạt động thường niên. Không chỉ các anh chị em trong Câu lạc bộ Hoàng Sa-Trường Sa ở Ba Lan mà các anh chị người Việt tại Ba Lan đã ủng hộ hội thảo này rất nhiều.

Với tư cách là người Việt ở Ba Lan, trưởng đoàn tại Paris, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều qua việc tổ chức. Mời diễn giả qua tham dự hội thảo là một phần nhiệm vụ của ban tổ chức. Ở Ba Lan, chúng tôi cũng mời được diễn giả Ba Lan qua tham dự. Truyền thông cũng rất quan trọng. Và chúng tôi cũng mời được một đài truyền hình ở Ba Lan qua để tác nghiệp, đưa tin về hội thảo.”

Tăng Tuấn Tú
 
Chụp lại hình ảnh,Ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh cùng các cộng sự đem tới bộ ảnh chụp từ các chuyến đi Trường Sa để triển lãm
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Tăng Tuấn Tú nói với BBC:

“Đoàn từ nước Anh đã thu thập những bức tranh, hình ảnh bà con Việt Kiều các nước khi đi thăm quần đảo Trường Sa, và chúng tôi đã mang hình ảnh đó sang hội nghị tại Paris. Khi tham dự hội thảo, thì chúng tôi cũng giao lưu với nhiều bạn từ các nước trên thế giới. Nhiều diễn giả đã về tham dự và tìm giải pháp để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.”

Một ý kiến tôi nghi nhận được là đa số thành viên đoàn từ Ba Lan là những người có học, song ngữ, có khả năng kinh tế và kinh nghiệm làm việc ở EU. Đây là một sức mạnh mới, năng động hơn và phong phú hơn các hoạt động thường thấy của khối người Việt cũ tại châu Âu.

Thêm điều mới nữa cũng là cách nhìn về tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á do TS Lã Đức Trung đề xuất. Ông không nói Việt Nam phải “giành lại toàn bộ” các hòn đảo mà cần nhìn thực tiễn, kêu gọi cùng khai thác kinh tế, bảo tồn thiên nhiên vùng biển này.

Ông Trung giải thích đề xuất này khác với quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác song phương” của Trung Quốc ra sao:

Trước khi được mời sang là diễn giả trong hội thảo, tôi đã đọc những kết luận, nghiên cứu từ nhiều nhà khoa học, hoặc những người tìm hiểu về Biển Đông. Thì họ có những cái nhìn khá giống nhau về lịch sử, căng thẳng quá khứ và hiện tại, chưa đưa được giải pháp nào cụ thể để giải quyết vấn đề Biển Đông cực kỳ căng thẳng, không còn là vấn đề của khu vực mà là quốc tế. Thực ra là sự đối đầu của Trung Quốc và Mỹ, và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc, Pháp, Đức, New Zealand…

 
Chụp lại video,Tiến sĩ Lã Đức Trung đề xuất một cách giải quyết tranh chấp biển đảo ở vùng Đông Nam Á

Người ta ủng hộ và đứng về Việt Nam là thuận lợi cho Việt Nam. Đối đầu như vậy thì ta nên tìm biện pháp kinh tế để giải quyết. Ví dụ một khu tranh chấp về pháp lý và chủ quyền không giải quyết được, luôn gây căng thẳng thì tại sao các khu ấy, chúng ta lập nên một khu chung để cùng nhau khai thác, cùng nhau có lợi. Có chiến tranh, chẳng hạn, thì tất cả các bên đều có không có lợi, ảnh hưởng toàn thế giới,”

Hai bên phải có sự thỏa thuận, mời bên thứ ba vào, điều quan trọng là chúng ta không tranh chấp biển này nữa, không làm căng thẳng khu vực ấy. Căng thẳng bao nhiêu năm nay không mang lại lợi ích cho hai bên mấy. Căng thẳng đó khiến việc xây dựng kinh tế ở khu vực ấy không còn nữa. Những nước nào muốn tham gia thì thấy chưa rõ ràng. Không phải là ngừng bắn, mà phương pháp giải quyết là phương pháp kinh tế và thỏa thuận hai bên, cùng chia nhau lợi ích. Theo tôi, vấn đề này có thể làm được.”

Một vị khách Pháp đến hội nghị để tìm kiếm giao lưu với quan chức, doanh nghiệp Việt Nam nói với tôi về điều tương tự. Tuy không nêu ra quan điểm gì về biển đảo, ông Nicolas Ogno, thuộc CLB ‘I Scemi Astutti‘, đại diện du lịch đảo Corsica của Pháp ở Địa Trung Hải cho rằng cần nói mạnh về việc bảo tồn thiên nhiên các hòn đảo ngoài khơi của VN và tìm đối tác ở Pháp, đưa công tác này, kèm du lịch bền vững, vào các nghị trình ngoại giao.

Tôi hiểu rằng đây là cách tiếp cận dễ thuyết phục người châu Âu, gồm cả các doanh nghiệp không chỉ thuộc nhóm “đại gia dầu khí” về lợi ích của việc hợp tác chung ở Biển Đông mà VN nếu biết làm, sẽ có lợi cho toàn cầu, chứ không phải nhận hết về mình và cũng một mình đối chọi với TQ.

Về học thuật có gì mới?

Cũng cần phải nói rõ rằng, giới học giả, chính khách nước ngoài hiếm khi, thậm chí không bao giờ công khai ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam hiện nay.

Họ chỉ qua đánh giá tình hình khách quan và tự điều đó tạo ra sự hỗ trợ gián tiếp cho quan điểm của nhà nước Việt Nam.

Trong các khách gửi tham luận nhưng không có mặt tại chỗ có GS Gerhard Will (Đức), TS Trần Bằng (Thụy Điển), GS Sandra Scaglioti (Ý) và ông Nguyễn Khắc Mai từ Việt Nam.

Dự thảo luận và trả lời phỏng vấn BBC tại hội nghị. GS Ba Lan Malgorzata Pietrasiak nói rõ, khen ngợi chính sách ngoại giao hedging bền bỉ, không làm nóng lên tình hình, nhưng để các chủ đề tranh chấp trải rộng trong khung thời gian và không coi một phương tiện xác lập chủ quyền nào là chung cuộc mà dùng một loạt “chiến thuật” thay đổi tùy lúc để giữ chủ quyền.

Việt Nam hiện vẫn là nước có nhiều đảo nhất ở vùng Trường Sa. Theo GS Pietrasiak, Việt Nam có được sự ủng hộ ngoại giao rộng hơn bên ngoài các quốc vốn thường dính líu trực tiếp vào vấn đề này như Hoa Kỳ và các cường quốc trong vùng chính là nhờ hoạt động ngoại giao đa diện.

Một điểm mới, gần như không tránh khỏi khi gặp mặt, trao đổi bên lề hội thảo là Cuộc chiến ở Ukraine.

Ba Lan
 
Chụp lại hình ảnh,GS Malgorzata Pietrasiak tin rằng vào thời điểm này, Nga không hẳn đã muốn bị phụ thuộc và Trung Quốc nên có thể có quan điểm tốt hơn cho Việt Nam về Biển Đông
Bà Malgorzata Pietrasiak, người học tiếng Việt tại Moscow, và thạo cả tiếng Nga, đã nêu ra một quan sát đáng chú ý rằng hiện nay Nga đang “cần Việt Nam” và có thể nghiêng về phía ủng hộ Hà Nội về chủ quyền biển đảo hơn trước.

Lý do là, tại Nga có nhiều ý kiến nội bộ mà bà biết, không hề muốn Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Cuộc chiến tại Ukraine đang khiến Nga rơi vào thế bất lợi ở châu Á, ở Biển Đông và Nga về cơ bản có quyền lợi đối nghịch với Trung Quốc, nhất là trong hoạt động khai thác dầu khí cùng Việt Nam…”

Dù không có mặt tại hội thảo, Trung Quốc vẫn “hiện diện” qua các hình ảnh, slides và các bài tham luận.

Nhà nghiên cứu Lê Thị Tuyết Hạnh từ Canada chia sẻ câu chuyện khá báo động: Trung Quốc đã dạy trẻ em từ mẫu giáo về chủ quyền của họ ở Nam Hải.

Dạy học tại Canada, bà Hạnh cho biết các sinh viên Trung Quốc du học đã có phản ứng mạnh khi nghe câu chuyện tranh chấp Biển Đông và sau khi lắng nghe họ, bà được biết trẻ em TQ được giáo dục nhất quán về các “quần đảo là của họ”. Việt Nam trong khi đó, có vẻ thỉnh thoảng vẫn để xảy ra vụ lọt vào bản đồ, sách giáo khoa ‘Made in China’ với đường Lưỡi bò đã in sẵn ở Trung Quốc. Ai, giới chức nào ở Việt Nam cần nghiêm túc nhìn lại việc này?

Trong phần cập nhật tình hình Biển Đông một năm qua, TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó GĐ Học viện Ngoại giao VN nêu ra các con số không thấy đài báo quốc tế nói đến nhiều vì điểm nóng của thời sự dịch chuyển về Ukraine. Đó là hàng trăm vụ di chuyển, tuần tra bằng tàu hải cảnh của Trung Quốc vào các vùng biển mà Việt Nam, Philippines tuyên bố chủ quyền chỉ trong năm 2022. Tàu nghiên cứu hải dương của TQ cũng xuống và di chuyển liên tiếp chỉ hơn một năm qua.

Như vậy, không hề có chuyện cuộc chiến tại Ukraine làm vấn đề Biển Đông bớt nóng, TS Sơn đánh giá.

Về một số điểm cần cải thiện, ngoài phần dịch đa ngôn ngữ của các diễn giả không thấy có, tôi còn ghi nhận ý kiến của một bạn sống ở Pháp đã lâu, nói rằng cách đặt tên tiếng Pháp cho Biển Đông (trong chương trình chính và pan-nô) là La Mer Orientale (Biển Phương Đông) dễ gây rối trí.

“Khi ai đó mở GoogleSearch tìm tên ‘Mer Orientale’ sẽ không thấy gì cả,” bạn đó nói. Tôi thử tìm thì thấy từ khóa hiện ra là “La mer de Chine orientale” – Biển Hoa Đông.

Ngoại giao thông qua Việt Kiều và các chuyến ra Trường Sa

Cuối cùng là về hoạt động của các thành viên của một phong trào mang tên Câu lạc bộ Trường Sa khá là sôi động.

Bà Cao Hồng Vinh kể lại: “Chuyến đi Trường Sa vào năm 2019 là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời tôi. Tôi cảm nhận rất nhiều điều, thấy trân trọng những bình yên mà mình đang có ở châu Âu.”

Ông Tăng Tuấn Tú cho biết:

“Về Biển Đông, tôi cũng đã xúc động khi đi thăm quần đảo Trường Sa. Sau chuyến đi, tôi cũng muốn tiếp nối, để bà con ở cộng đồng Vương quốc Anh để hiểu rõ về lãnh thổ của biển, đảo Việt Nam nhiều hơn. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu để bà con đi thăm quần đảo Trường Sa để ‘mục sở thị’ câu chuyện mà tôi chia sẻ với mọi người.”

Quan sát trao đổi giữa các bạn từng cùng nhau ra Trường Sa có thể dễ dàng nhận thấy chuyến đi gắn bó họ với nhau dù không ai phủ nhận đây là các chiến dịch nhằm tuyên truyền cho chính sách chủ quyền biển đảo của chính phủ Việt Nam.

Tuy thế, phải thấy rằng để ra Trường Sa, người muốn đi đều phải có khả năng kinh tế để tự chi trả khá nhiều, và tất nhiên, phải có thời gian, nhiều là khác.

Cả hai “tiêu chí” này là vấn đề khôn nhỏ cho đại đa số người VN bận mưu sinh ở nước ngoài. Các bạn nói với tôi đây là lý do khiến các hoạt động vận động cho chủ quyền của VN ở Trường Sa hiện khó lan tỏa trong các cộng đồng dân cư gốc Việt ở châu Âu.

Jean-Pierre Archambault
 
Chụp lại hình ảnh,Ông Jean-Pierre Archambault từng là một lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp – Việt, luôn ủng hộ chính phủ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế. Phía sau là một số ảnh triển lãm về Trường Sa
Một bạn từ Đức tới có đề cập đến chuyện này bên lề hội nghị và gợi ý rằng có một thư viện online và chuyến đi bằng công nghệ digital để ai cũng có thể “thăm Trường Sa” trên không gian mạng (tại sao không thể là 3D?) thì sẽ hữu dụng cho đông đảo người quan tâm hơn. Những phim ảnh từ Việt Nam sẽ đi vào thế hệ hai, ba ở châu Âu tốt hơn nếu có tựa đề, lồng tiếng bằng ngôn ngữ các nước mà người Việt sinh sống.

Còn về các khách Pháp, tôi để ý thấy những người Pháp tới dự hội nghị đa phần thuộc lứa tuổi đã cao.

Ông Jean-Pierre Archambault từng là một lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp – Việt luôn ủng hộ Hà Nội trong các vấn đề quốc tế. Ông nhắc lại hồi trẻ năm 1968 đã xuống đường chào đón bà Nguyễn Thị Bình, đã biểu tình chống cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam.

Việc ông ủng hộ nhà nước Việt Nam hiện nay trong vấn đề Biển Đảo là đương nhiên, như quan điểm thường có của phe tả châu Âu vốn vẫn nặng tình với Miền Bắc VN và Mặt trận Giải phóng một thời.

Nhưng về tương lai, làm sao có thể “thời sự hóa” và “trẻ hóa” câu chuyện Biển Đông?

Người Việt ở Ba Lan, Czech và Đức (thuộc phần Đông Đức cũ) trẻ hơn so với các nhóm Việt Kiều sang Anh, Pháp từ những thập niên 1970-80.

Họ trưởng thành qua chuyển đổi thực tế từ mô hình xã hội chủ nghĩa sang dân chủ, đang tạo chỗ đứng ở châu Âu trong môi trường mới nên có nhiều điều để nói.

Nhìn rộng ra hơn, các phong trào quần chúng gốc Việt xuyên quốc gia không chỉ cần ngân quỹ bền vững, sự ủng hộ chính trị từ cả chính quyền VN và nước sở tại mà còn cần nhân sự chuyên nghiệp.

Các nhóm tới Paris không ai làm việc ‘full-time’, và ngoài chủ đề biển đảo như bây giờ, tôi có nghe một số ý kiến muốn dùng văn hóa để đẩy tiếp ‘narrative’ xây dựng cộng động. Đây là điều không hề dễ.

Trong một thế giới mở, đa phương, đa chiều về thông tin và luồng dư luận như hiện nay, không ai ngăn cản người Việt Nam nêu ra các vấn đề của họ ở nước ngoài, vấn đề chỉ là làm thế nào cho bền vững và hiểu quả.

Ca nhạc
 
Chụp lại hình ảnh,Một số hoạt động sau phần hội thảo khoa học về Biển Đông
Nhà văn hóa
 
Chụp lại hình ảnh,Sinh hoạt văn hóa đan xen vào các buổi thảo luận
Các phỏng vấn video với diễn giả, khách dự hội thảo sẽ được phát hành sau.(BBC)
Share.

Leave a Reply