Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Khối Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 16/07/2023 vừa qua đã chính thức thu nhận Vương Quốc Anh làm thành viên mới đầu tiên. Sau Anh, nhiều quốc gia khác đã xin gia nhập CPTPP, khối kinh tế được thành lập vào năm 2018, trong đó Trung Quốc là nước trên nguyên tắc phải được kết nạp ngay sau Anh. Thế nhưng khả năng này khó có thể sớm xẩy ra vì nhiều lý do, vừa kỹ thuật, vừa chính trị.

Các nước tham gia khối Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (màu xanh là thành viên, màu vàng là ứng cử viên).
Các nước tham gia khối Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (màu xanh là thành viên, màu vàng là ứng cử viên). © Wikipedia.
Hiệp định thương mại tự do CPTPP bắt nguồn Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sáng kiến thời chính quyền Obama tại Hoa Kỳ, được hình thành và phát triển để ngăn cản sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi TPP, buộc các nước còn lại trong khối đưa ra hiệp định CPTPP để thay thế.

Khối CPTPP gồm các thành viên là đồng minh rất thân thiết của Mỹ (Nhật Bản, Úc và Canada) và một số quốc gia khác (Chilê, Mêhicô, Peru, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam). Anh Quốc là nước châu Âu duy nhất. CPTPP đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và lãnh thổ khác. Từ  Costa Rica, Uruguay, Ecuador ở châu Mỹ, cho đến Ukraina ở châu Âu, và Trung Quốc cũng như Đài Loan ở Châu Á, đã nộp đơn xin gia nhập khối.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 31/07, nếu xét về trình tự thời gian nộp đơn đăng ký, Trung Quốc sẽ là nước tiếp theo được các thành viên CPTPP cân nhắc để cho gia nhập. Tuy nhiên, mới đây, khi được hỏi là liệu đã có thời điểm xét các đơn đăng ký tiếp theo hay không, bộ trưởng Thương Mại New Zealand – nước chủ tịch luân phiên của CPTPP – đã khẳng định là không.

Theo giới phân tích, câu trả lời trên đây là dấu hiệu cho thấy là việc kết nạp Trung Quốc vẫn còn chưa được toàn bộ các thành viên CPTPP đồng ý, cho dù về lý thuyết, có đại cường quốc kinh tế châu Á như Trung Quốc là thành viên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn khối.

Câu hỏi đặt ra là những trở ngại nào khiến khối CPTPP chưa đồng thuận trên việc thu nhận Trung Quốc? Cho đến gần đây, nhiều nhà phân tích cho rằng do việc các điều kiện gia nhập Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương quá cao, do đó Trung Quốc với các doanh nghiệp nhà nước không thể đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, trong bài phân tích của mình, Reuters đã trích dẫn các chuyên gia thương mại cho rằng các tiêu chí cao đó thực ra không phải là vấn đề, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể đáp ứng những đòi hỏi “kỹ thuật” đó khi cần thiết.

Đối với Reuters, kỹ thuật không phải là rào cản lớn nhất đối với Trung Quốc trên con đường gia nhập CPTPP mà trở ngại lớn nhất là các vấn đề chính trị, liên quan đến nhiều nước đã là thành viên của khối, trong bối cảnh việc kết nạp một nước mới cần được toàn thể các thành viên nhất trí.

Cho đến nay, quốc gia đã tuyên bố chống lại việc kết nạp Trung Quốc là Úc, đã cho biết họ sẽ bác đơn xin gia nhập của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiếp tục ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Úc, trong đó có rượu vang và lúa mạch. Canada vốn bị Bắc Kinh o ép trong vụ Hoa Vi có thể sẽ khó tiếp nhận Trung Quốc.

Nhìn rộng hơn, theo ghi nhận của Reuters, cùng với Mỹ, các thành viên CPTPP như là Úc, Anh, Canada, Nhật Bản và New Zealand vào tháng trước đã ký một tuyên bố chung lên án các hành vi o ép của Bắc Kinh vào thời điểm nhiều nước đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc. Sau cùng, một số chuyên gia khác cho rằng hy vọng Mỹ trở lại gia nhập CPTPP sẽ khiến nhiều thành viên không muốn kết nạp Trung Quốc, sợ rằng một khi được kết nạp, Trung Quốc có thể chặn đường gia nhập của Hoa Kỳ trong tương lai.(RFI)

Share.

Leave a Reply