Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)

Theo sau Human Rights Watch, các tổ chức quốc tế khác cũng vừa đệ trình những điều mà họ cho là vi phạm về nhân quyền của Hà Nội lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trước phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR của Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, vào năm tới.

Chu kỳ UPR, một cơ chế của UNHRC nhằm xem xét tình hình nhân quyền của lần lượt 193 thành viên của LHQ, cho Việt Nam được hội đồng nhân quyền ấn định bắt đầu vào năm ngoái và phiên rà soát đối với quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4-5/2024.

Việt Nam đã tham gia cả 3 chu kỳ UPR trước vào các năm 2009, 2014 và 2019 kể từ khi cơ chế này được LHQ đưa ra từ quá trình cải cách của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới này vào năm 2005.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) trong đệ trình gửi LHQ hôm 3/10 nói rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 1/2019.

Tương tự, Ủy hội Luật gia Quốc tế (ICJ) nói rằng chính phủ Việt Nam đã không những không thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận trong kỳ kiểm điểm định kỳ lần trước vào năm 2019 mà còn vi phạm trầm trọng hơn kể từ đó.

Trong báo cáo gửi UNHRC hôm 11/10, tổ chức chuyên thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thông qua Pháp quyền, có trụ sở ở Geneva, báo cáo về những vi phạm của Việt Nam trong tự do ngôn luận, hình phạt tử hình, và quyền được xét xử công bằng.

ICJ, tổ chức của 60 thẩm phán và luật sư nổi tiếng trên toàn thế giới, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã “leo thang những hạn chế tùy tiện quyền tự do ngôn luận” và “tiếp tục sử dụng pháp luật để hạn chế quá mức quyền tự do ngôn luận bằng cách buộc tội, xét xử và kết án những người bày tỏ quan điểm được coi là phê phán chính phủ.”

Theo thống kê của HRW, Việt Nam đã truy tố ít nhất 139 người theo những điều luật 109, 117 và 331 trong Bộ luật Hình sự vì đưa ra những quan điểm trái chiều với Đảng Cộng sản.

ICJ đưa ra các ví dụ về những người bị Việt Nam bắt giam hoặc xử án tù theo các điều luật đã bị cộng đồng quốc tế lên án là “mơ hồ” và được chính quyền sử dụng để dập tắt những tiếng nói bất đồng trong nước, từ các nhà báo Phạm Đoang Trang và Nguyễn Lân Thắng, cho đến Facebooker Chung Hoàng Chương hay nhà bảo vệ môi trường Ngô Thị Tố Nhiên.

Về những quan ngại đến hình phạt tử hình, một trong những vấn đề mà Việt Nam nhận được nhiều khuyến nghị nhất tại các kỳ kiểm điểm trước, ICJ cho rằng Việt Nam vẫn giữ nguyên hình phạt này đối với những tội phạm không được xem là “tội nặng nhất”. Tổ chức này nêu ra các trường hợp của các tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, những người được cho là bị bức cung phải “thú nhận” tội.

Gia đình ông Mạnh được thông báo về việc ông đã bị hành quyết hôm 22/9 còn gia đình ông Chưởng vẫn đang tiếp tục đi kêu oan cho ông trong hơn 16 năm qua và không biết khi nào ông sẽ bị hành quyết.

Theo thống kê của ICJ, hơn 119 án tử hình đã được chính quyền Việt Nam đưa ra trong khoảng thời gian từ 1/10/2020 đến 31/7/2021. Tổ chức này nói rằng những thông tin liên quan đến hình phạt tử hình ở Việt Nam vẫn được giữ bí mật.

Đối với vấn đề độc lập của các thẩm phán và luật sư, ICJ cho rằng Việt Nam, dù chấp nhận những khuyến nghị này tại kỳ UPR 2019, vẫn “vi phạm quyền được xét xử công bằng” được đảm bảo theo điều luật quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức này còn cáo buộc chính quyền sách nhiễu các luật sư nhân quyền, với ví dụ về hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng, những người bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” mà các nhà quan sát cho là sự trả thù của chính quyền đối với các luật sư vì bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân trong vụ Tịnh thất Bồng lai gây nhiều tranh cãi.

Đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam cũng là lo ngại mà các tổ chức Văn bút Quốc tế, Văn bút Hoa Kỳ và Văn bút Việt Nam Hải ngoại nêu ra trong đệ trình của họ lên UNHRC hôm 11/10. Các tổ chức này nói rằng Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ, buộc tội và bỏ tù những người viết báo hay blogger, vì họ dám phê phán chính phủ, bằng cách sử dụng các điều luật 117 và 331.

Tương tự, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) ở Pháp cũng đệ trình lên LHQ về những quan ngại đối với việc Việt Nam không thực hiện những khuyến nghị mà Hà Nội chấp nhận tại kỳ UPR trước. Những vi phạm được nêu ra trong báo cáo của các tổ chức này gồm quyền tự do biểu đạt, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, xét xử công bằng, và án tử hình.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với những kiến nghị của các tổ chức này tới LHQ.

Vụ trưởng vụ các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Phạm Hải Anh hôm 27/4 nói rằng trong suốt quá trình tham gia cơ chế UPR, Việt Nam “luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III (năm 2019), cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác,” theo VietnamPlus của TTXVN.

Ông Hải Anh được trích lời nói tại buổi hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng Báo cáo theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát rằng, Việt Nam đã tự nguyện nộp Báo cáo giữa kỳ lên UNHRC và dự kiến nộp Báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm sau.

Đánh giá về các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo UPR, bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, được VietnamPlus trích lời nói rằng “Việt Nam đã cho thấy cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo khung chính sách và kết hợp giữa việc tăng trưởng kinh tế-xã hội với nhân quyền.”(VOA)

Share.

Leave a Reply