Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

« Đổi đất hiếm lấy công nghệ bán dẫn » là một quân bài mới của Bắc Kinh trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ hay là một nước cờ kềm hãm các hoạt động xử lý đất hiếm ngoài lãnh thổ Trung Quốc ? Ngày 21/12/2023, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo « cấm xuất khẩu công nghệ khai thác, chiết xuất » một số kim loại hiếm.

Ảnh minh học: Một mỏ đất hiếm tại vùng Nội Mông Trung Quốc. © Reuters
 

Quyết định được đưa ra vào lúc cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tìm cách giảm mức độ phụ thuộc vào 17 kim loại hiếm, những « hợp chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn » và cũng là « chìa khóa » của công nghệ tương lai trong thế kỷ 21.

Trung Quốc đã không vội vàng, không « vơ đũa cả nắm » khi tung đòn phản công, dùng đất hiếm như một « vũ khí chiến lược » đối phó với áp lực của phương Tây. Đầu tháng 8/2023, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế xuất khẩu gallium và germanium. Đây chưa phải là những hợp chất thuộc danh sách 17 kim loại hiếm, nhưng lại là những « nguyên liệu thiết yếu » để sản xuất chất bán dẫn. Gallium được dùng để sản xuất chíp hay chế tạo vệ tinh. Còn germanium thì thường được dùng để sản xuất ống kính camera hồng ngoại và sợi cáp quang. Trên hai mặt hàng này, thế giới phụ thuộc đến 60 và 80 % vào Trung Quốc. 

Đến tháng 12/2023, Bắc Kinh mạnh tay hơn khi mở rộng danh sách « cấm xuất khẩu » sang than chì, graphite, vì biết rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn nhất và có khả năng tinh chế đến 90 % than chì trên thế giới. Những khách hàng quan trọng nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Không có graphite của Trung Quốc, các tập đoàn xe hơi thế giới, kể cả Tesla của Mỹ, khó có thể sản xuất được các bình điện ô tô.

Với quyết định mới vừa ban hành hôm 21/12/2023, Trung Quốc tiếp tục khai thác thế thượng phong trên thị trường này, nhờ đang làm chủ 70 % mỏ đất hiếm của thế giới, bỏ lại xa ở phía sau những quốc gia cũng rất giàu tài nguyên như Mỹ, Úc hay Miến Điện và Thái Lan.

Trữ lượng « tài sản » đất hiếm của Trung Quốc được ước tính cao hơn gấp đôi so với của Nga hay Việt Nam, cao gấp hơn 20 lần so với Mỹ.

Trung Quốc cũng là quốc gia đang thống lĩnh toàn bộ từ khâu khai thác quặng mỏ đến công nghệ xử lý đất hiếm. Ở khâu cuối cùng này, trong số 17 kim loại hiếm, Trung Quốc gần như độc quyền trong nhiều lĩnh vực – đến nỗi mà Hoa Kỳ phải xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Lục để nhờ ông khổng lồ châu Á này xử lý giùm.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đất hiếm Trung Quốc tăng 10 % và khách hàng lệ thuộc nhất vào hàng Trung Quốc là Mỹ.

Với tất cả những lợi thế gần như tuyệt đối vừa nêu, tại sao Bắc Kinh đã kiên nhẫn đợi đến 5 năm mới bằt đầu phản công?

Trả lời RFI tiếng Việt hồi tháng 8/2023, Carl Grekou thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh tế và Thông Tin Quốc Tế, đồng tác giả một công trình nghiên cứu mang tên Những kim loại chiến lược : sự sáng suốt của Trung Quốc  – Les Métaux Stratégiques : la clairvoyance chinoise (Lettre du CEPII n°428 – 6/2022), nhận định : Trung Quốc cần có thời gian để chuẩn bị, vì muốn phản công « hiệu quả nhất ». 

Do tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tokyo ở Biển Hoa Đông, năm 2010 Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, nhưng đã bị Nhật Bản, Hoa Kỳ cộng thêm Liên Âu kiện ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Bắc Kinh đã phải nhanh chóng dừng tay. Hơn nữa, Nhật Bản cũng đã giảm mạnh nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Vì vậy, lần này Trung Quốc rút kinh nghiệm, không hấp tấp phản công. Nhất là Mỹ lại « lớn hơn nhiều » so với Nhật Bản.

Lý do thứ hai, theo giới quan sát, là Bắc Kinh có thói quen « vừa đánh vừa nghe » và có lẽ ở vào thời điểm 2023, Trung Quốc nhận thấy là chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung không hề thuyên giảm, thậm chí là càng lúc càng có khuynh hướng « căng thêm » nên chọn giải pháp « tăng hỏa lực theo từng nấc ».

Về câu hỏi quyết định cấm xuất khẩu 3 loại đất hiếm và giờ đây là « công nghệ xử lý một số đất hiếm » liệu có là « đòn hiểm » của Trung Quốc hay không, thì một số chuyên gia trả lời là không, vì nhiều lý do.

Đầu tiên là từ 2020, bộ Quốc Phòng Mỹ đã can thiệp để phát triển công nghệ đất hiếm trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Washington ý thức được rằng ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ lệ thuộc Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều nhận thấy nghịch lý này và đã có những bước chuẩn bị đề phòng Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp « nguyên liệu của thế kỷ 21 ».

Cùng lúc, không chỉ có Hoa Kỳ, mà cả Úc, Canada và nhất là Liên Âu đều đã bắt đầu khởi động lại ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và càng lúc càng tìm cách « thoát Trung », tránh để chuỗi cung ứng bị gián đoạn nếu như Bắc Kinh « khóa van đất hiếm ».

Christian Mion, thuộc cơ quan tư vấn Ernest &Young, ghi nhận khi Trung Quốc phô trương sức mạnh với các đối thủ của mình thì đó cũng là thời điểm mà các đối thủ đó ý thức được là ông khổng lồ châu Á này có thể « tấn vào tử huyệt » của họ bất cứ lúc nào. Và từ đó, những đối thủ của Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị để « đối phó với mọi tình huống ».

Một trong số những giải pháp thay thế đó là mở rộng các mối liên hệ với các quốc gia giàu khoáng sản. Thí dụ rõ rệt nhất là Hoa Kỳ đã đột ngột chú ý đến công nghệ đất hiếm của Việt Nam. 

Cuối cùng, cũng có thể những đòn liên tiếp của Bắc Kinh trong lĩnh vực đất hiếm phản tác dụng, hiểu theo nghĩa càng thúc đẩy Âu -Mỹ tăng tốc phát triển công nghệ xử lý kim loại hiếm và càng dễ « rời xa » Trung Quốc.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chính sách đất hiếm của Trung Quốc không ảnh hưởng đến một mảng lớn công nghệ toàn cầu, nhất là vào lúc mà thế giới đang lao vào cuộc chạy đua « chuyển đổi năng lượng ».

Trước mắt, Bắc Kinh vẫn đang « cầm dao đằng chuôi » và mỗi quyết định từ phía « nhà máy sản xuất nguyên liệu của thế kỷ 21 » này đều là một thách thức đặt ra cho các tập đoàn high-tech Âu Mỹ, thậm chí đó là một thách thức cả về an ninh quốc gia.(RFI)

Share.

Leave a Reply