Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 478 (Đời Nay ra ngày 15.10.2021)
 
Nợ 3,5 ngàn tỉ đô-la là số zero?
 
Ngày 7 tháng 10 vừa qua, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua với tỉ số 50-48 dự luật nâng cao trần công nợ quốc gia lên 430 tỉ Mỹ kim để bảo đảm chính quyền liên bang có đủ tiền tiêu ít nhất là cho tới ngày 3 tháng 12.2021.
Đây là giải pháp tạm thời và cần thiết vào giờ chót để tránh cho chính quyền liên bang không phải đóng cửa. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Nghị sĩ Charles E. Schumer, Dân Chủ – New York, lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện, tuyên bố:
 
“Tôi ghi ơn quý vị vào giờ chót, chúng ta đã có thể nâng cao giới hạn của nợ quốc gia mà không phải thông qua thủ tục phức tạp và cần thiết đã kéo dài cho tới hôm nay mà lãnh tụ phía Cộng Hòa tuyên bố rằng là cách duy nhất để giải quyết vấn đề giới hạn nợ công.”
 
Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra không bao lâu sau khi các nghị sĩ đã bỏ phiếu 61-38 thông qua thủ tục filibuster của Thượng Viện, thủ tục bỏ phiếu áp dụng cho vấn đề này. Tính chung, 11 nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu theo tất cả 50 nghị sĩ Dân Chủ để thông qua luật này.
 
Những nghị sĩ Cộng Hòa xé rào đã cho thấy sự rạn nứt trong Nghị Hội đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện. Nghị sĩ McConnell đã phải đương đầu với sự chống đối trong nội bộ trước khi bỏ phiếu, với vài người gọi sự hậu thuẫn  của đảng Cộng Hòa để nâng cao trần nợ công là một sự đầu hàng.
 
Nghị sĩ McConnell đã đề nghị giải pháp với đảng Dân Chủ không bao lâu trước khi giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa đặt kế hoạch để ngăn chặn vụ trần nợ công tới tháng 12 năm 2022.
Nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa – Nam Carolina, nói: “Đây là một sự đầu hàng toàn diện. Tôi buồn giận bởi vì chúng tôi đã có kế hoạch bắt họ  phải trả một cái giá khi nâng cao trần nợ công. Và chúng tôi đã bị che mắt.”
Hầu hết phe Cộng Hòa đã từ chối hậu thuẫn những chương trình của phe Dân Chủ bởi vì, từ khi ông Biden làm tổng thống, đảng này đã ít khi thương thảo đồng thuận với đảng Cộng Hòa theo tinh thần lưỡng đảng cộng tác.
 
Bắt đầu từ tháng ba năm nay, đảng Dân Chủ đã âm thầm lập ra cho TT Biden một dự luật ngân sách 3,5 ngàn tỉ đô-la và dự định thông qua mà không cần hậu thuẫn của phe Cộng Hòa.
 
Muốn thực hiện kế hoạch này phải có sự đồng lòng của tất cả 50 nghị sĩ Dân Chủ tại Thượng Viện. Tuy nhiên, Nghị sĩ Joe Manchin III đã công khai cho biết sẽ không đồng ý với bất kỳ sự thay đổi nào liên quan tới thủ tục filibuster, thủ tục áp dụng cho những trường hợp đặc biệt cần phải đa số hai phần ba để thông qua.
 
Nghị sĩ Manchin III, Dân Chủ – West Virginia,  chỉ trích các người đồng đảng thiên tả cực đoan soạn thảo ngân sách đã đi ra ngoài chính trị dòng chính của nước Mỹ. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên biến xã hội chúng ta thành một xã hội chuyên quyền. Tôi nghĩ chúng ta vẫn nên là một xã hội bác ái và khen thưởng.”
Nghị sĩ Manchin đã không còn giữ im lặng nữa, ông lên tiếng chống lại dự luật ngân sách 3.5 ngàn tỉ đô-la của đảng ông cho an sinh xã hội và thay đổi khí hậu mà ông gọi là “một sự điên rồ về phúc lợi xã hội” (fiscal insanity).
Ông viết trong một bản tuyên bố: “Mỗi thành viên của Quốc Hội có nghĩa vụ quan trọng bỏ phiếu cho những gì họ tin tưởng là tốt đẹp nhất cho đất nước và người dân Mỹ, không phải cho đảng của họ. Như tôi đã nói trong nhiều tháng nay, tôi không thể ủng hộ 3.5 ngàn tỉ đô-la nữa khi chúng ta đã tiêu 5.4 ngàn tỉ đô-la kể từ tháng ba năm ngoái. Tất cả chúng ta, bất kể thuộc đảng nào, phải tự hỏi một câu đơn giản – ‘bao nhiêu thì đủ?’”
Được gọi là “hạ tầng cơ sở nhân bản” (human infrastructure), hay “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” (Build Back Better), cái “gói” ngân sách 3,5 ngàn tỉ đô-la gồm các mục như sau:
–         108 tỉ đô-la để trả cho ít nhất hai năm học miễn phí của đại học cộng đồng cho tất cả sinh viên, bất kể tình trạng quốc tịch.
–         450 tỉ đô-la để tài trợ một chương trình mẫu giáo tổng quát cho trẻ em 3 và 4 tuổi.
–         225 tỉ đô-la trong thập niên tới đây để trả cho 12 tuần mỗi năm nghỉ không làm việc vì lý do sức khỏe.
–         5 tỉ đô-la trợ cấp hàng năm cho Sở Tiểu Thương để giúp “những tội phạm trở thành doanh nhân.”
–         1 tỉ đô-la để đặt những trạm “sạc” điện cho xe hơi trên khắp nước Mỹ.
–         3 tỉ đô-la cho một chiến dịch để ta gia trồng cây xanh trên toàn quốc với hy vọng hạ giảm ô nhiễm.
–         Vân vân và vân vân…
Cái “gói” ngân sách 3,5 ngàn tỉ đô-la khổng lồ này được ông Biden và những người Dân Chủ thiên tả cực đoan cam kết với dân Mỹ là không phải trả giá gì cả – “costs  zero”.
 
Vì vậy, Nghị sĩ  Bernard Sanders, một triệu phú yêu XHCN ở Vermont,  chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng Viện, phát biểu như sau:
“Nhiệm vu chính trị của chúng ta không chỉ là cải thiện đời sống của những gia đình lao động với lợi tức khiêm tốn, về y tế, giáo dục vân vân. Đây là sự thay đổi hệ chính trị để mọi người đòi hỏi đầy đủ quyền của con người và không phải chỉ là những dự thảo trên mặt giấy…Những công dân cao niên ở nước Mỹ cần có răng giả để ăn, kính lão để nhìn và dụng cụ trợ thính để nghe.”
 
Nhưng, có thật là dân Mỹ không phải trả xu nào cho “gói” chi tiêu 3,5 ngàn tỉ đô-la của ông Biden hay không?
 
Ngoài việc tăng thuế đánh vào những người làm ra tiền, chính phủ sẽ phải in thêm tiền và vay mượn một ngàn tỉ đô-la để chính quyền Biden tiêu xài vô tội vạ. Một ngàn tỉ vay mượn hôm nay sẽ trở thành 3 ngàn tỉ sau 10 năm, và con cháu dân Mỹ sẽ phải trả số nợ mà ông Biden đã vay.
 
Đúng là “chúng ta” hôm nay sẽ không phải trả xu nào!
 
Nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện nay đã lên tới 28,5 ngàn tỉ đô. Nếu đem con số này chia đều cho dân Mỹ thì mỗi gia đình đang mang nợ 220 ngàn đô-la.
 
Không cần phải là chuyên viên tài chính cũng biết chuyện ấy. Chẳng lẽ Tổng thống Biden và những cố vấn thông thái của ông lại không biết?
 
Tổng thống Obama trước đây khi đưa ra chương trình Obamacare năm 2012 cũng “bảo đảm” rằng sẽ không đụng đến công quỹ, “dù chỉ một nickel” (5 xu)!
Mồm chính trị gia có khác!
 
Ông Ronald Reagan, diễn viên điện ảnh Hollywood trở thành chính trị gia, làm thống đốc California, rồi tổng thống Hoa Kỳ, năm 1977 có nói một câu hài hước, sau này trở thành “danh ngôn” mà nhiều người thường hay trích dẫn.
 
Câu hài hước ấy như sau: “Chính trị được coi như nghề lâu đời thứ hai. Tôi đã nhận ra nó có sự tương đồng rất gần với cái nghề lâu đời nhất” (Politics is supposed the second oldest profession. I have come to realize that it bears a very close resemblance to the first).
Còn cái nghề lâu đời nhất, theo ông Reagan, hình như là cái nghề không vốn của nàng Kiều. So sánh như thế không biết có oan cho nàng Kiều?
Không phải chờ đợi lâu để có câu trả lời.
Trong cuộc hội thảo “Bloomberg Invest Global” mới đây, cựu Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã lên tiếng cảnh cáo về những rủi ro trong sự phá vỡ trần công nợ, chi tiêu quá mức của chính quyền Biden và quan ngại việc đó có thể đưa đến sự lạm phát rộng lớn hơn. Ông nói: “Tôi thật sự lo rằng đây sẽ là lạm phát đang tới, và có thể dễ dàng lên tới 3.5%, điều đó một lần nữa lại gia tăng cái giá của nợ quốc gia và tạo ra những vấn đề của ngân sách.”
Ông Mnuchin không nói rõ bao giờ thì điều này có thể xảy ra, nhưng ông chỉ cho thấy sự tăng cao của giá dầu như bằng chứng của áp lực lạm phát và nói rằng đây là lúc để Sở Dự Trữ Liên Bang bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nên có một cuộc thảo luận chung quanh vấn đề đâu là mức độ thích hợp của nợ quốc gia và chi tiêu quốc gia.
Cựu Bộ trưởng Steven Mnuchin đã không cùng với sáu cựu bộ trưởng Ngân Khố khác kêu gọi Quốc Hội nâng cao giới hạn của nợ công trong một bức thư tháng trước, nhưng đã làm sáng tỏ lập trường là ông hậu thuẫn cho việc tránh một cuộc khủng hoảng. Ông nói: “Chúng ta không thể để Hoa Kỳ vỡ nợ.” Ông cũng nhắc lại hàng ngàn tỉ đô-la đã chi tiêu dưới chính quyền Trump để đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế của cơn dịch Covid-19. Và nói thêm: “Chúng ta không còn ở trong tình trạng khẩn cấp y tế như trước.”
Trái với báo động của cựu Bộ trưởng Ngân Khố Mnuchin, ngày 10 tháng 10 vừa qua, CNN, hệ thống truyền hình có nhiều thành tích bao che và ủng hộ ông Biden hết mình, đã phổ biến một bài của John Harwood với tựa đề “The Biden administration’s scramble to tame inflation” để “cho điểm” chính quyền Biden như sau:
“Khi Bộ Thương Mại phóng ra một cái ‘early alert hotline’ hôm thứ hai tuần trước để giải quyết vấn đề khan hiếm phụ tùng máy bán dẫn, báo động đầu tiên đã được gửi tới qua email từ một doanh nhân Mỹ trong vòng vài giờ.
Một sự gián đoạn đã gây ra do cơn dịch coronavirus đã buộc một nhà cung cấp quan trọng ở hải ngoại cắt giảm sản xuất. Vào cuối tuần, vấn đề đã tới Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại quốc gia bị ảnh hưởng, những cuộc thảo luận được mở ra về sự an toàn của công nhân nhằm mục đích cho phép sự sản xuất phục hồi.
Đây là một biến cố nhỏ trong tiến trình kinh tế, trong khi lôi cuốn tương đối ít sự chú của công luận, đã trở thành khẩn cấp gia tăng cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Nhiều bộ phủ trong nội các đang làm việc hòa hợp với nhau để gỡ rối trong dây chuyền cung cấp, tiếp tục giữ sự cung ứng hàng hóa cho thương trường và giới tiêu thụ trong lúc sự lo âu về lạm phát gia tăng.
Những kết quả khó thấy trong những biện pháp của chính quyền đối với lạm phát, như tiếp tục vượt quá những mức độ tiên đoán vào đầu năm nay. Tháng trước Sở Dự Trữ Liên bang tiên đoán mức độ lạm phát cho năm 2021 là 4.2%, khá cao hơn mục tiêu 2%.
Nhưng sự quan ngại gia tăng trong giới kinh doanh và cử tri làm cho chính quyền không có nhiều lựa chọn – mặc dù tác động tương đối khiêm tốn. Bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo nhìn nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi muốn nói là cho tới bây giờ còn giới hạn. không phải là zero. Ở bên lề, chúng tôi đã  giúp đỡ.”
Các chuyên gia kinh tế không đồng ý lạm phát hiện nay phản ảnh một đe dọa lâu dài hay chỉ là những yếu tố đoản kỳ liên quan tới bệnh dịch, để lại một nền kinh tế đang phấn đấu để trở lại bình thường sau biện pháp đóng các cửa hàng trong năm 2020.
Họ cũng không đồng ý với nhau về những chính sách của chính ông Biden – trong đó có những tấm check 1 ngàn 400 đô-la mỗi đầu người cứu trợ dịch Covid – đã làm cho giá cả tăng vọt do sự gia tăng nhu cầu của giới tiêu thụ.
Bất kể nguyên do hay sự kéo dài của những sự kiện này, vật giá gia tăng đã hủy hoại sức mua của công nhân Mỹ cũng như lập trường chính trị của Biden. Nghị sĩ Dân Chủ Joe Manchin của West Virginia, kẻ hay chống đối, đã viện dẫn sự lo sợ lạm phát để đòi hỏi chương trình kinh tế của Biden phải chậm lại và thu nhỏ.
Sở Dự Trữ Liên Bang, qua chính sách kiểm soát tiền tệ, đang giữ vai trò chính trong việc giám sát mức lời. Nhưng từ khi ông Biden lập ra lực lượng đặc trách dây chuyền cung ứng vào tháng sáu, các viên chức chính quyền đã có thể nắm lấy bất cứ đòn bẩy nào để khai thông những tắc nghẽn.
Bộ trưởng Giao Thông Pete Buttigieg đã tập chú vào những sự chậm chạp trong việc đưa hàng hóa tới thị trường. Với sự phân phối bị tắc nghẽn do sự khan hiếm tài xế xe vận tải, Bộ Giao Thông đã làm việc với các tiểu bang để nới rộng việc cấp phát bằng lái cho tài xế xe chở hàng và nới lỏng các luật lệ hạn chế số giờ tài xế xa vận tải có thể chạy trên đường. Dự luật hạ tầng cơ sở đang nằm tại Quốc Hội sẽ tạo ra một chương trình dẫn đường nhằm tìm cách hạ giảm tuổi tối thiểu cho tài xế xe vận tải từ 21 xuống 18 tuổi.
John Porcari, “đặc sứ hải cảng” (ports envoy) được ông Biden chỉ định vào tháng tám vừa qua, đã thúc đẩy để kéo dài giờ hoạt động tại những hải cảng đang phấn đấu với sự nối đuôi nhau chờ của những tàu chở hàng chứa đầy đồ nhập cảng. (ngưng trích)
John Harwood không nhắc gì tới cái “gói” ngân sách 3,5 ngàn tỉ đô-la và sự chia rẽ trong đảng Dân Chủ, mà Nghị sĩ Joe Manchin đang bị thành phần thiên tả cực đoan trong đảng bôi bẩn vì chặn đường tiến lên XHCN của họ.
Nghị sĩ Bernard Sanders, chủ tịch Ủy ban Ngân Sách Thượng Viện, buộc tội ông Manchin “phá hoại hy vọng về một chương trình an sinh xã hội rộng lớn bao quát của quốc gia”. Cụ Sanders hỏi: “Có thật Nghị sĩ Manchin tin rằng những người lớn tuổi trên đất nước này không có quyền tiêu hóa thức ăn, và không có quyền nghe và trông rõ hơn? Có thật như vậy là đòi hỏi quá nhiều trong một đất nước giàu nhất trên mặt đất – rằng người già có răng trong mồm họ và có thể nhìn và có thể nghe?
 
Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng ông có thể kiếm đủ tiền thuế để trang trải bất cứ cái gì mà phe Dân Chủ muốn chi tiêu, và ông ra hiệu có thể kiếm được khoảng 2 ngàn tỉ đô-la.
 
Ông Manchin không chắc như thế. Ông nói doanh nhân Mỹ và những nhà đầu tư chỉ có thể đài thọ thêm khoảng 1.5 ngàn tỉ đô-la tiền thuế, trước khi gục quỵ dưới sức đè của sưu cao thuế nặng.
 
Joe Manchin của West Virginia và Kristen Sinema của Arizona là hai nghị sĩ Dân Chủ tại Thượng Viện không đi vào con đường do ông Biden vạch ra.
 
Cả hai nghị sĩ này trong năm nay đã bỏ phiếu thuận cho “gói” cứu trợ dịch coronavirus với 1.9 ngàn tỉ đô-la. Nhưng với cái “gói” ngân sách 3,5 ngàn tỉ đô-la được gọi là “hạ tầng cơ sở nhân bản” (human infrastructure), hay “xây dựng lại tốt đẹp hơn” (Build Back Better), thì có… triển vọng sẽ không đi đến đâu dù đã được cam đoan là “costs zero”!
 
Ký Thiệt
Share.

Leave a Reply